24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Thúy Quỳnh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Xuất khẩu gạo tự tin 'về đích' 3,3 tỷ USD

 8 tháng năm 2022, xuất khẩu gạo đạt trên 2,3 tỷ USD, tăng 18,1% về lượng và tăng 8,1% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Giá bấp bênh

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), 8 tháng năm 2022, xuất khẩu gạo đạt trên 2,3 tỷ USD, tăng 18,1% về lượng và tăng 8,1% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Dù tăng cả lượng và trị giá song đáng chú ý trong “bức tranh” xuất khẩu gạo năm nay là giá gạo giảm sút so với năm 2021, có sự bấp bênh nhất định.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thống kê ngày 26/8, giá gạo xuất khẩu 5% tấm, 25%, tấm của Việt Nam lần lượt ở mức 393 USD/tấn và 378 USD/tấn. Mức giá này đều thấp hơn các mức giá 418 USD/tấn, 397 USD/tấn của gạo Thái Lan cùng loại. Tuy vậy, giá gạo Việt Nam ghi nhận cao hơn giá gạo cùng loại của Ấn Độ, Pakistan.

Trong khi đó, lùi lại khoảng 1 tháng trước, ngày 26/7, giá gạo Việt Nam được nhìn nhận ổn định và ở mức cao nhất trong nhóm các nước XK gạo lớn nhất thế giới. Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Việt Nam giao dịch ở mức 413 USD/tấn, cao hơn gạo Thái Lan 13 USD/tấn, hơn gạo Ấn Độ 70 USD/tấn. Còn với gạo 25% tấm, gạo của Việt Nam ở mức 393 USD/tấn, cao hơn gạo Thái Lan 2 USD/tấn.

Đánh giá về giá gạo năm nay không được như kỳ vọng, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam phân tích, thông thường khi lương thực bị mất mùa, hàng hóa thiếu hụt thì giá mới lên. Trong khi đó năm nay, các nước sản xuất gạo lớn đều được mùa, sản lượng tăng, tồn kho cao. Ngoài ra, khi các nước có nhu cầu lương thực cao, Việt Nam cũng đổ một lượng nguồn cung quá cao. Bằng chứng là sản lượng gạo của Việt Nam đã tăng gần 20% so với năm trước.

Từ góc độ doanh nghiệp cụ thể, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng đánh giá, nhìn chung nhu cầu thị trường đang yếu, sức mua không cao. Từ đầu năm đến nay, gạo Việt Nam chủ yếu bán sang thị trường Philippines, thị trường Trung Quốc sụt giảm. Tuy nhiên, thị trường Philippines chủ yếu có nhu cầu loại gạo có mức giá trung bình. Những thị trường khác vẫn ổn định nhưng sản lượng nhập không cao. Do đó, khả năng thị trường lúa gạo sẽ tiếp tục trầm lắng đến hết vụ thu hoạch lúa hè thu.

Ông Đỗ Hà Nam cho biết thêm, gạo sang thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn nguyên nhân chính là do dịch Covid-19. Ngoài ra, năm nay Trung Quốc có nhu cầu cao về gạo ST nhưng Việt Nam lại không có đủ để đáp ứng. Gạo ST chủ yếu phục vụ thị trường trong nước. Với tình hình dịch Covid-19 ở Trung Quốc, dự báo nhu cầu NK sẽ giảm bởi nhu cầu gạo để chế biến sang các sản phẩm thấp đi.

Tại thị trường Philippines, ông Đỗ Hà Nam phân tích, từ đầu năm đến nay nhập khẩu gạo của thị trường này tăng trưởng đột phá tới 20% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời nước này đã bắt đầu vào vụ mùa. Các yếu tố này khiến gạo sang Philippines từ nay đến cuối năm khó có tăng trưởng đột phá.

“Về đích” 3,3 tỷ USD

Về mục tiêu xuất khẩu gạo cả năm, ông Nguyễn Như Cường, Cục Trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTN) cho biết đến thời điểm hiện tại, ngành trồng trọt vẫn đảm bảo được kế hoạch sản xuất, với gieo trồng khoảng 7,24 triệu ha, sản lượng trên 43 triệu tấn thóc. “Nếu không có bất thường thời tiết, dịch bệnh, Việt Nam hoàn toàn có đủ sản lượng thóc để đảm bảo xuất khẩu gạo từ 6,5 – 6,7 triệu tấn. Tuy nhiên, giá gạo thế nào còn phụ thuộc vào thị trường thế giới”, ông Nguyễn Như Cường nói.

Liên quan tới vấn đề xuất khẩu gạo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thông tin rõ hơn, giá gạo trung bình của Việt Nam hiện khoảng 479 USD/tấn, giảm khoảng 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu không có những bất thường về thời tiết, dịch bệnh, Việt Nam đủ lượng 6,5-6,7 triệu tấn gạo để XK và dự kiến kim ngạch đạt khoảng 3,2 - 3,3 tỷ USD. “Thời gian tới, ngành lúa gạo cần nhiều giải pháp để nâng cao sản lượng, chất lượng, xây dựng thương hiệu”, lãnh đạo Bộ NN&PNT nhấn mạnh.

Liên quan đến việc giá lúa gạo lúc lên lúc xuống và quan điểm cần giảm diện tích lúa gạo, đặc biệt là tại khu vực ĐBSCL, ông Nguyễn Như Cường khẳng định, Việt Nam là đất nước nông nghiệp, do đó, tối thiểu trong trồng trọt là phải đảm bảo an ninh lương thực cho 100 triệu dân Việt Nam. Cần đảm bảo diện tích nhất định không chỉ trong thời gian trước mắt mà ở cả khoảng thời gian dài.

Tại thời điểm này, theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam đang có khoảng 3,9 triệu ha đất trồng lúa. Theo Nghị quyết của Quốc hội cũng như các kết luận của Trung ương, sẽ giữ 3,5 triệu ha đất trồng lúa đến năm 2030. Do vậy, từ nay đến năm 2030 Việt Nam có thể chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất công nghiệp hay chuyển đổi sang các cây trồng khác khoảng 400.000 ha. Việc chuyển đổi này cần có quá trình. Đây là sự chuyển đổi linh hoạt, hiệu quả để ổn định được ngành nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực cũng như xuất khẩu.

Về Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, ông Nguyễn Như Cường thông tin thêm, 1 triệu ha đất trồng lúa chất lượng cao này không chỉ đơn giản là giống lúa chất lượng cao mà trong Đề án cần đề xuất các chính sách nhằm thu hút các DN sản xuất kinh doanh, chế biến XK gạo đầu tư từ kho chứa, chế biến, logistics… nhằm tạo ra hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, phải tận dụng các phế phụ phẩm để tạo ra sản phẩm công nghệ cao, chế biến sâu từ gạo; có các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người trồng lúa trong tổ chức, đầu tư sản xuất.

“Cục Trồng trọt đang xin ý kiến Bộ trưởng Bộ NN&PTNT trong Đề án này tập trung xây dựng một số chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo tập trung cùng với nông dân phát triển đa dạng hóa ngành nghề nông nghiệp, nâng cao các sản phẩm nông nghiệp, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, chứ không hiểu đơn thuần là 1 triệu ha giống trồng lúa thơm, chất lượng cao”, ông Nguyễn Như Cường nhấn mạnh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả