menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Minh Nhật

Xuất khẩu dệt may 'ngấm đòn' lạm phát

Tin buồn cho các doanh nghiệp dệt may...

Bước qua giai đoạn phục hồi ấn tượng những tháng qua, các doanh nghiệp dệt may đang phải đối mặt với áp lực lớn từ lạm phát trên toàn cầu. Nhu cầu tiêu dùng giảm sút, sức mua giảm tại nhiều thị trường xuất khẩu gây ảnh hưởng đến đơn hàng và đơn giá của doanh nghiệp. 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may tháng 9 đã giảm gần 1,2 tỷ USD tương ứng với mức giảm 27% so với tháng 8, xuống chỉ còn 3,2 tỷ USD.

Về thị trường xuất khẩu ghi nhận giảm ở các thị trường lớn từ Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc…

Theo quan sát của Công ty Chứng khoán SSI, số lượng đơn đặt hàng trong quý IV/2022 giảm hơn 25-50% so giai đoạn tăng trưởng mạnh vào quý II/2022, do lượng hàng tồn kho tại các thị trường nhập khẩu hiện ở mức cao. Nhiều công ty đã bắt đầu nhận đơn đặt hàng cho quý I/2023, tuy nhiên lượng đơn hàng còn rất xa so với công suất hoạt động của doanh nghiệp.

Chia sẻ của doanh nghiệp cho hay, trước đây có thể nhận đơn hàng trước từ 5-6 tháng, nhưng với biến động thị trường hiện nay, doanh nghiệp chỉ có thể nhận đơn hàng trước từ 2-3 tháng.

Như Công ty Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM), tháng 4/2022, nhà máy Vĩnh Long giai đoạn 2 với tổng công suất là 9 triệu sản phẩm/năm đã bắt đầu đưa vào hoạt động 5/29 chuyền may đầu tiên. Tuy nhiên, do thiếu hụt sản lượng đơn đặt hàng, TCM phải cân đối lại nhân công và máy móc, tính đến tháng 9/2022, doanh nghiệp mới đưa vào sản xuất 9/29 chuyền may và dự kiến duy trì tình trạng đến cuối năm. Ước tính tổng công suất gia tăng của doanh nghiệp này trong năm nay chỉ đạt 11%, thấp hơn kỳ vọng 18% tại giai đoạn quý I/2022.

Theo SSI, việc giảm sút đơn hàng sẽ ảnh hưởng mạnh hơn đối với doanh nghiệp có khách hàng chủ yếu ở Hoa Kỳ và châu Âu, trong khi xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có xu hướng giảm, nhưng ở mức độ thấp hơn.

Đơn cử, có doanh thu xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm 40% tổng doanh thu, TCM có thể ghi nhận mức giảm doanh thu thấp hơn những doanh nghiệp tập trung hơn vào thị trường Hoa Kỳ và châu Âu như Công ty May Sông Hồng (MSH) và Công ty Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thạnh (GIL).

Trước đó, GIL chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng trong doanh thu hàng tháng trong quý III/2022, khi doanh thu tháng 6/2022 giảm 60% so với cùng kỳ, và doanh thu tháng 7/2022 giảm 83% so với cùng kỳ, do công ty phụ thuộc nhiều vào một khách hàng lớn.

Không chỉ lạm phát, những biến động về giá nguyên, nhiên liệu cũng đang gây khó cho doanh nghiệp. Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), thời điểm cuối năm còn những biến động khó dự báo, đặc biệt là sự bất ổn địa chính trị Nga - Ukraine, sự biến động về giá của nguyên, nhiên liệu...

Hiện các doanh nghiệp đang tìm biện pháp đa dạng hoá từ nguồn cung đến thị trường xuất khẩu. Bởi, khi chủ động nguồn nguyên phụ liệu, sản xuất xanh, ngành dệt may sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang nhiều thị trường. Từ đó, vừa đảm bảo ổn định cho ngành sản xuất, vừa gia tăng cơ hội tiếp cận chuỗi cung ứng, xuất khẩu bền vững hơn.

Dưới góc nhìn của giới phân tích, một trong những khó khăn, thách thức nữa mà các doanh nghiệp dệt may trong nước phải đối mặt là tỷ giá hối đoái.

Chuyên viên Nguyễn Đức Hảo, Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định, đồng tiền chung của khu vực châu Âu đã liên tục giảm giá do lo ngại về suy thoái đến từ vấn đề nguồn cung năng lượng của châu Âu, khi Nga đe dọa sẽ giảm cung cấp khí đốt cho Đức và nhiều nước khác. Doanh nghiệp có thể giảm lãi, thậm chí lỗ do chênh lệch tỷ giá hối đoái.

Cùng nhận định này, chuyên gia phân tích của SSI cũng cho rằng, dù hầu hết công ty dệt may ghi nhận doanh thu bằng USD, nhưng nhiều chi phí cũng được tính bằng USD như chi phí nguyên vật liệu, chi phí logistics và chi phí lãi vay… Khi triển vọng bán hàng trở nên ảm đạm, trong khi tỷ giá USD/VND được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong nửa cuối năm 2022, điều này sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có chi phí bằng USD cao.

Trên thị trường niêm yết, mở cửa phiên giao dịch đầu tuần (24/10), cổ phiếu TCM đứng giá 43.000 đồng, cổ phiếu GIL đứng giá 30.050 đồng, cổ phiếu MSH đứng giá 34.500 đồng, cổ phiếu VGT đứng giá 14.100 đồng/đơn vị.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại