Xuất khẩu bám mục tiêu tăng trưởng 8%
Trước những rủi ro hiện hữu vẫn đang tác động đến sản xuất, xuất khẩu, Bộ Công thương cho hay, toàn ngành vẫn tập trung để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 8%.
Theo Bộ Công thương, hoạt động xuất nhập khẩu dù gặp phải nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh chưa kết thúc, và xung đột Nga-Ukraine đẩy giá nguyên nhiên liệu và cước vận chuyển tăng rất cao, nhưng tổng thể, xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng tích cực, đóng góp quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế xã hội.
Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Ước tính sơ bộ, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 311 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 156,5 tỷ USD, tăng 29,8%; nhập khẩu hàng hóa ước đạt 155 tỷ USD, tăng 22,6%.
Trong 3 trụ cột chính của tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, xuất khẩu là một trong những yếu tố quan trọng đóng góp vào mức tăng GDP của cả nước, trụ cột này vẫn có tăng trưởng mạnh, ngay cả trong 2 nâm đại dịch cao điểm vừa qua.
Cụ thể, 2021, kim ngạch xuất khẩu đạt 336,3 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước, xuất siêu gần 4 tỷ USD, còn 2020 xuất khẩu 282,66 tỷ USD, tăng 7%, xuất siêu hơn 19 tỷ USD.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, xuất khẩu vẫn đang có nhiều cơ hội tăng trưởng, với trợ thủ là FTA đang có hiệu lực. Đến nay, các doanh nghiệp đang tận dụng rất tốt các FTA này cho hoạt động xuất khẩu.
Những tháng vừa qua, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường mới trong khối CPTPP như Mexico, Canada tăng rất mạnh. Kim ngạch xuất khẩu sang EU tăng hơn 22% sau 5 tháng đầu năm và sang ASEAN tăng hơn 20%.
Dù tăng trưởng cao ở một số thị trường chủ lực và các thị trường mới, nhưng Bộ Công thương cho biết, vẫn duy trì thái độ tương đối thận trọng trong dự báo kim ngạch xuất khẩu cả năm 2022 bởi rủi ro còn không ít.
Rủi ro hiện hữu là lạm phát cao trên toàn cầu. Lạm phát cao khiến nhiều nước phải giảm dần quy mô các gói kích thích kinh tế, đồng thời tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, từ đó dẫn đến giảm nhu cầu đầu tư và nhu cầu tiêu dùng. Và khi xuất khẩu phụ thuộc vào nhu cầu thế giới, mà nhu cầu giảm đi thì xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng.
Rủi ro lớn thứ hai là đứt gãy chuỗi cung ứng và thiếu hụt nguyên liệu đang ngày càng nghiêm trọng trên toàn cầu, xuất phát từ xung đột chính trị nghiêm trọng giữa Nga và Ukraine cũng như chính sách Zero Covid của Trung Quốc.
Đã từ lâu hàng hoá của Việt Nam là một phần trong chuỗi cung ứng của khu vực và toàn cầu, khi chuỗi cung ứng có vấn đề thì xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng.
Trước những rủi ro hiện hữu vẫn đang tác động đến sản xuất, xuất khẩu, Bộ Công thương cho hay, tạm thời chưa thay đổi mục tiêu xuất khẩu của năm 2022, toàn ngành vẫn tập trung cố gắng thực hiện mục tiêu phấn đấu mà Quốc hội đề ra là tăng trưởng xuất khẩu đạt 8%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận