Xuất khẩu 2024 có thể vượt mục tiêu đề ra: Kỳ vọng "đón sóng" cuối năm
Bộ Công Thương đánh giá năm 2024 có nhiều cơ hội hơn cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Nhóm hàng nông sản ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá trong nửa đầu năm 2024 tiếp tục khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 368,53 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,5%; nhập khẩu tăng 17%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 11,63 tỷ USD.
Về xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6/2024 ước đạt 33,09 tỷ USD, tăng 2,6% so với tháng trước. Trong quý II/2024, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 97,2 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 4,6% so với quý I/2024.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong 6 tháng đầu năm 2024 có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 65,6%).
Thông tin trên Công Thương trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu tăng trưởng mạnh và đồng đều ở cả 3 nhóm hàng.
Đáng chú ý, nhóm hàng nông sản kéo dài đà tăng trưởng từ năm 2023 đến nay, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này ước đạt 18,37 tỷ USD, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 9,67% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Do giá xuất khẩu tăng nên hầu hết các mặt hàng trong nhóm này đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao ở mức hai con số so với cùng kỳ năm trước tăng như: cà phê tăng 34,5% về trị giá xuất khẩu mặc dù lượng cà phê xuất khẩu giảm 10,6%; gạo chỉ tăng 10,4% về lượng nhưng tăng tới 32% về trị giá xuất khẩu; chè các loại tăng 32,1%; rau quả tăng 28,2%; nhân điều tăng 17,4%; hạt tiêu mặc dù giảm 6,8% về lượng nhưng tăng tới 30,9% về trị giá xuất khẩu; sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 5,9% về trị giá xuất khẩu mặc dù lượng xuất khẩu giảm 7,7%.
Đặc biệt Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch ước đạt 54,3 tỷ USD, chiếm 28,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng tới 22,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm 22,6%); tiếp đến là thị trường Trung Quốc với kim ngạch ước đạt 27,8 tỷ USD, tăng 5,3%; thị trường EU ước đạt 24,46 tỷ USD, tăng 14,1%; Hàn Quốc ước đạt 12,2 tỷ USD, tăng 10,4%.
Dự báo xuất khẩu "đón sóng" cuối năm
Chặng đường nửa đầu năm 2024 đã đi qua với những dấu ấn khởi sắc về tình hình sản xuất và thương mại hàng hóa. Tại báo cáo sản xuất công nghiệp thương mại 6 tháng đầu năm và dự báo 6 tháng cuối năm, Bộ Công thương nhận định: "Đang có những yếu tố thuận lợi từ bối cảnh quốc tế và trong nước để thúc đẩy phát triển sản xuất và thương mại 6 tháng cuối năm".
Ngoài ra, theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), kinh tế, thương mại toàn cầu đang trên đà hồi phục và tăng trưởng tốt hơn vào năm 2025. Khối lượng thương mại hàng hóa thế giới tăng trưởng 2,6% năm 2024 và 3,3% năm 2025.
Xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong nửa cuối năm 2024, nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết Quý III/2024).
Ở trong nước, nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất được đẩy mạnh trong những tháng gần đây cho thấy hoạt động xuất khẩu hàng hóa thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cao.
Theo báo Đầu Tư theo chu kỳ, nhu cầu tăng ở cả trong nước và thị trường thế giới trong những dịp cuối năm; Việt Nam đang hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển các đơn hàng từ Mỹ và có nhiều lợi thế đẩy mạnh xuất khẩu vào Trung Quốc.
Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương, với những kết quả của 6 tháng đầu năm, cả năm 2024 tăng trưởng xuất khẩu sẽ vượt mục tiêu 6% mà Bộ Công Thương đặt ra từ đầu năm. Tuy nhiên, để nâng cao giá trị xuất khẩu, doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng, quảng bá thương hiệu hàng hoá Việt Nam ở nước ngoài một cách bền bỉ.
Bên cạnh đó ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), một số yếu tố đã và đang thúc đẩy sự hồi phục của hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa có thể kể đến là kết quả của chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam thông qua đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Chính phủ đã có sự vào cuộc mạnh mẽ với nhiều giải pháp hỗ trợ toàn diện cho nền kinh tế. Với vai trò là cơ quan chủ trì trong quản lý, điều hành hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã sớm nhận diện những khó khăn, rủi ro từ các thị trường xuất khẩu để tham mưu, đề xuất các giải pháp phát triển thị trường xuất khẩu.
Việt Nam cũng mới nâng cấp mối quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ, hứa hẹn sự phát triển bền vững cho quan hệ thương mại giữa hai nước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận