Xu thế dòng tiền: Thị trường chạm đáy, hay bull-trap?
Phiên sụt giảm mạnh đầu tuần qua đã đẩy VN-Index xuyên thủng mốc 1240 điểm và chỉ số rơi xuống 1220 điểm trước khi phục hồi về cuối tuần. Tuy nhiên những phiên phục hồi thanh khoản rất thấp và VN-Index cũng chỉ chớm quay lại lên trên mốc 1240 điểm khiến thị trường lo ngại đây chỉ là nhịp hồi dưới dạng bull-trap trước khi quay đầu giảm tiếp...
Phiên sụt giảm mạnh đầu tuần qua đã đẩy VN-Index xuyên thủng mốc 1240 điểm và chỉ số rơi xuống 1220 điểm trước khi phục hồi về cuối tuần. Tuy nhiên những phiên phục hồi thanh khoản rất thấp và VN-Index cũng chỉ chớm quay lại lên trên mốc 1240 điểm khiến thị trường lo ngại đây chỉ là nhịp hồi dưới dạng bull-trap trước khi quay đầu giảm tiếp.
Quan điểm của các chuyên gia cũng không thống nhất. Ý kiến thận trọng nhất cho rằng khả năng thị trường sẽ còn giảm tiếp xuống các ngưỡng hỗ trợ sâu hơn trước khi thực sự tạo đáy. Ý kiến lạc quan hơn nhìn nhận thị trường đang có yếu tố giảm bán và trong vùng hội tụ nhiều ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật cùng các tín hiệu quá bán và triển vọng thị trường tạo đáy.
Đánh giá về thanh khoản, các chuyên gia cũng có hai luồng quan điểm khác nhau: Thanh khoản thấp trong nhịp phục hồi nhỏ được cho là do dòng tiền chưa chấp nhận vùng giá hiện tại và chờ đợi giảm nhiều hơn. Ngược lại, các quan điểm tích cực cho rằng ngay cả phiên giảm đột biến nhất đẩy VN-Index thủng 1240 điểm cũng có thanh khoản không cao. Thị trường sau đó không có áp lực bán nối tiếp cho thấy nhà đầu tư cầm cổ phiếu không lo sợ tháo chạy.
Dù các quan điểm không thống nhất nhưng các chuyên gia cũng không quá lo lắng về nhịp điều chỉnh này. Thị trường chung giảm tạo áp lực lên toàn bộ cổ phiếu, ngay cả với doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tích cực trong quý 2/2024. Tuy nhiên khi sức ép giảm đi, các cổ phiếu tốt sẽ có dòng tiền nâng đỡ sớm và rõ ràng hơn. Thậm chí trong nhịp điều chỉnh này nhiều cổ phiếu đã không giảm sâu tương ứng. Đó là tín hiệu mạnh để nhà đầu tư có thể quyết định nắm giữ hoặc tái cơ cấu lại danh mục.
VN-Index cuối cùng cũng xuyên thủng vùng đáy tháng 6 quanh 1240 điểm bằng một phiên giảm cực mạnh hôm 23/7. Tuy nhiên chỉ số cũng đã dừng lại tại 1220 điểm, là một ngưỡng hỗ trợ trong dự kiến của anh chị gần đây, cũng tương đương với mức fib 61,8% của nhịp tăng từ tháng 4 tới tháng 6 vừa qua. Phiên cuối tuần chỉ số cũng đã phục hồi khá tốt và giành lại được mức 1240 điểm. Liệu ngưỡng hỗ trợ này có đủ “cứng” để thị trường tạo đáy? Vì sao?
Hiện tôi đang nghiêng về kịch bản nhịp hồi phục hiện tại chỉ là bull-trap và thị trường sẽ tiếp tục có một nhịp giảm nữa trước khi tạo đáy vì thường trước khi tạo đáy sẽ có phiên ép bán với thanh khoản tăng vượt trội và chỉ số giảm mạnh.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Dưới góc nhìn của tôi thì ngưỡng bỗ trợ quanh 1220 chưa đủ mạnh để tạo đáy. Vùng hỗ trợ mà tôi kỳ vọng như trao đổi tuần trước là các vùng: quanh 1232, quanh 1191 và quanh 1125. Nhưng tuần qua đã 2 lần VN-Index đục thủng ngưỡng 1232 nên tôi sẽ kỳ vọng thị trường điều chỉnh về mốc phía dưới.
Còn về lý do tôi không đánh giá cao vùng quanh 1220 vì mốc này không nằm ở vùng hỗ trợ (đáy, đỉnh, nền tích lũy) cũng như tôi không dùng fibo 61.8 của nhịp tăng tháng 4-6 cho nhịp đo hỗ trợ hiện tại, vì lúc này tôi đánh giá VN-Index đang trong sóng điều chỉnh C và sẽ dùng sóng A để tham chiếu. Mốc quanh 1191 đang là mốc tôi kỳ vọng vì nó hợp lưu giữa fibo 1.618 và vùng đáy tháng 4/2024.
Ông Nghiêm Sỹ Tiến – Chuyên viên chiến lược đầu tư, Chứng khoán KBSV
Sau khi đánh mất mốc hỗ trợ ngắn hạn quanh 124x, tín hiệu bán tháo thanh khoản lớn không xảy ra. Thay vào đó, chỉ số cho thấy sự quay đầu ngay lập tức khi chạm mức 1218 điểm. Dựa trên các tín hiệu kỹ thuật, đồng thời xét trên khung thời gian tuần, đây là cận trên vùng kháng cự 1220 (+-10) điểm và có thể coi đây là vùng hỗ trợ tương đối “vững chắc” khi vừa tương ứng Fibonacci thoái lui 62%, cũng như là quanh ngưỡng MA200 tuần.
Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS
Tôi cho rằng khu vực 1220 – 1230 điểm này đã phần nào xác nhận đáy của đợt điều chỉnh vừa qua. Hầu như cả tháng 7 điều chỉnh khi tín hiệu tháng 6 xuất hiện. Tuần giao dịch vừa qua vừa xác nhận vùng đáy, vừa xác nhận một lần nữa xu hướng tăng điểm của thị trường vẫn tiếp tục từ tuần giao dịch tới. Triển vọng hạ lãi suất của FED, triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam – có lẽ thông tin tích cực đang có phần nổi trội hỗ trợ cho thị trường hiện tại.
Ông Lê Minh Nguyên – Giám đốc Cao cấp Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt
Khi chỉ số VN-Index thủng vùng đáy 6 tháng quanh 1.240 điểm lực bán có vẻ suy giảm và có xu hướng chờ đợi hơn là quyết tâm bán bằng mọi giá. Sự lưỡng lự của bên bán cho thấy tâm lý không kỳ vọng thị trường giảm sâu thêm và sợ “mất hàng” nhiều hơn.
Trong tuần giao dịch mới chúng ta sẽ có thể tiếp tục chứng kiến lực bán kiểm tra độ “cứng” của ngưỡng hỗ trợ này. Với việc khối ngoại bất ngờ mua ròng sau 5 tháng miệt mài bán ra càng thêm hy vọng đây là vùng đáy của thị trường.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Tuần qua thị trường đã bất ngờ có phiên giảm mạnh thủng 1240, tuy nhiên sau khi về vùng 1200-1220 đã có diễn biến chững lại. Đây cũng là vùng hỗ trợ cần chú ý. Về mặt kỹ thuật, đây là vùng gần MA200, đồng thời RSI của chỉ số đang về gần vùng quá bán. Mặt khác, các chỉ báo đo lường độ rộng thị trường cũng đã rơi vào tình trạng quá bán. Nhìn chung, bức tranh hiện tại đang cho thấy nhịp giảm ngắn hạn đã về vùng hỗ trợ với tín hiệu quá bán, nên tôi nghĩ sẽ có khả năng có thể tạo đáy và hồi phục trở lại từ vùng này.
Điểm nổi bật của những phiên dao động dưới 1240 điểm là thanh khoản rất thấp. Trung bình HoSE và HNX chỉ khớp lệnh khoảng 12.800 tỷ đồng trong 3 phiên cuối tuần. Có quan điểm cho rằng đó là tín hiệu tốt vì thị trường đã không xuất hiện bán tháo sau khi thủng ngưỡng hỗ trợ tâm lý. Quan điểm khác lại cho rằng thị trường đang lo sợ nhịp chững lại cuối tuần qua là bull-trap và thị trường sẽ tiếp tục giảm nên dòng tiền đứng ngoài. Anh chị nghiêng về quan điểm nào?
Ông Nghiêm Sỹ Tiến – Chuyên viên chiến lược đầu tư, Chứng khoán KBSV
Mặc dù chưa có nhiều tín hiệu xác lập xu hướng tăng trở lại, dường như nhịp bật tăng khi chạm quanh 1220 điểm cho thấy nhiều tính chất của một nhịp “bear-trap” hơn. Yếu tố tích cực là sau khi đánh mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn quanh 124x, đà bán tháo với thanh khoản lớn không xuất hiện và các nhịp test cung trong phiên cũng không thể ép chỉ số quay lại mức thấp nhất trong tuần. Điều này càng được củng cố khi nhiều cổ phiếu đã cho phản ứng đảo chiều tốt sau nhiều pha điều chỉnh tích lũy trước đó.
Tuy nhiên, việc thị trường có thể điều chỉnh với thanh khoản thấp thì trường hợp ngược lại cũng có thể xảy ra. Việc mất mốc 124x cũng đã xác nhận VN-Index đang rơi vào xu hướng giảm điểm ngắn hạn và chỉ số hoàn toàn có thể lao dốc trở lại nếu các cổ phiếu trụ mất lực đỡ.
Khi chỉ số VN-Index thủng vùng đáy 6 tháng quanh 1.240 điểm lực bán có vẻ suy giảm và có xu hướng chờ đợi hơn là quyết tâm bán bằng mọi giá. Sự lưỡng lự của bên bán cho thấy tâm lý không kỳ vọng thị trường giảm sâu thêm và sợ “mất hàng” nhiều hơn.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Tôi có phần nghiêng về quan điểm tích cực hơn. Cần chú ý nến giảm thủng 1240 tuy dài nhưng khối lượng chỉ ở mức thấp, tín hiệu này cho thấy lực cung không còn mạnh như lúc vừa đảo chiều nhưng vì thiếu vắng lực cầu nên chỉ số mới giảm mạnh. Bây giờ chỉ số đã về vùng hỗ trợ 1200-1220 – nơi có cầu tiềm năng, nếu trong tuần này có phiên tăng tốt, cầu vào tốt thì khả năng sẽ là phiên xác nhận đáy.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Hiện tôi đang nghiêng về kịch bản nhịp hồi phục của thị trường hiện tại chỉ là nhịp bull-trap và thị trường sẽ tiếp tục có một nhịp giảm nữa trước khi tạo đáy vì thường trước khi thị trường tạo đáy sẽ có phiên ép bán với thanh khoản tăng vượt trội và chỉ số giảm mạnh, trong khi nhịp này tôi lại không thấy tín hiệu này kèm theo những luận điểm phía trên của tôi.
Ông Lê Minh Nguyên – Giám đốc Cao cấp Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt
Việc thanh khoản thấp trong những phiên dao động dưới 1.240 điểm cho thấy lực bán không quyết tâm “xả hàng” mà có xu hướng chờ giá lên. Bên mua thì vẫn chờ đợi vùng giá thấp hơn nên thị trường có trạng thái “đứng nhìn nhau” để chờ xu hướng rõ ràng hơn.
Tôi cho rằng tâm lý phân vân của bên mua và bán sẽ tiếp diễn trong thời gian tới báo hiệu thị trường sẽ có những phiên tăng giảm điểm đan xen. Với động thái mua ròng trở lại của khối ngoại và báo cáo kết quả kinh doanh bán niên sẽ giúp thị trường lạc quan hơn trong những phiên giao dịch sắp tới.
Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS
Tôi đánh giá đây là tín hiệu tốt với thị trường – các nhà đầu tư đã kiên trì nắm giữ cổ phiếu hơn thay vì bán tháo bằng mọi giá. Thị trường sẽ đi dần lên kể từ tuần tới.
Nhịp điều chỉnh khá mạnh trong 3 tuần qua khiến nhiều cổ phiếu cũng sụt giảm đáng kể. Anh chị có thể tư vấn cho nhà đầu tư cách đánh giá lựa chọn các cổ phiếu có tiềm năng tạo đáy?
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Với những nhịp giảm mạnh như hiện tại, khi thị trường tạo đáy thì phần lớn cổ phiếu sẽ tạo đáy theo, tuy nhiên để chọn cổ phiếu mạnh thì tôi thường chú ý các cổ phiếu kháng lại đà giảm tốt so với chỉ số chung (giảm ít hơn / đi ngang / không thủng đáy / vẫn giữ được xu hướng tăng) và đang tạo một nền giá đẹp để ưu tiên tham gia trở lại khi thị trường tạo đáy. Đồng thời nhà đầu tư kết hợp đánh giá thêm về kết quả kinh doanh và triển vọng kinh doanh trong 6 tháng còn lại.
Một là hãy hành động nhanh và quyết liệt, nếu không làm được thì hãy kiên trì nắm giữ cổ phiếu hơn so với người khác.
Ông Lê Đức Khánh
Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS
Những cổ phiếu có thể giảm mạnh hoặc tích lũy chặt chẽ với kết quả kinh doanh triển vọng và tiềm năng luôn được tôi ưu tiên bởi giá cổ phiếu có thể giảm quá đà ở các pha điều chỉnh sâu nhưng niềm tin nhà đầu tư sẽ quay trở lại nếu đó là cổ phiếu đang có những lợi nhuận khả quan, có sự tăng trưởng tốt.
Ông Nghiêm Sỹ Tiến – Chuyên viên chiến lược đầu tư, Chứng khoán KBSV
Quan điểm “bắt đáy” của tôi trong các nhịp điều chỉnh ngắn hạn vẫn sẽ ưu tiên các cổ phiếu có cơ bản tốt, đang giữ được các câu chuyện kỳ vọng tích cực. Sau đó sẽ dựa vào tín hiệu kỹ thuật để xác định vùng giải ngân tiềm năng.
Các nhóm cổ phiếu như vậy thường sẽ tạo đáy sớm khi giảm đủ biên độ và nhanh chóng thu hút dòng tiền trở lại. Ưu tiên còn lại sẽ giải ngân cho các cổ phiếu đã điều chỉnh sâu và rơi về các ngưỡng hỗ trợ trung, dài hạn. Tuy nhiên, nên giữ ở tỷ trọng nhỏ bởi các cổ phiếu đang trong xu hướng giảm và lực cầu yếu ớt thường phản ánh các thông tin xấu, cũng như tình hình cơ bản kém khả quan hơn so với các cổ phiếu khác trong ngành.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Nhịp điều chỉnh chung của thị trường phần lớn các cổ phiếu sẽ điều chỉnh theo và mạnh yếu khác nhau. Giai đoạn này theo tôi nhà đầu tư nên chú ý sát kết quả kinh doanh của cổ phiếu còn giữ được sóng tăng trong nhịp chỉnh này và khi kết quả kinh doanh tăng trưởng kèm theo cổ phiếu về nền hỗ trợ mạnh sẽ là những cổ phiếu tham gia tốt cho giai đoạn tới.
Ngoài ra theo kinh nghiệm của tôi những cổ phiếu khỏe là những cổ phiếu tạo đáy trước thị trường: ngừng rơi sớm hơn thị trường và nhịp chỉnh sau của thị trường thì cổ phiếu vẫn giữ được đáy cũ.
Yếu tố tích cực là sau khi đánh mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn quanh 124x, đà bán tháo với thanh khoản lớn đã không xuất hiện và các nhịp test cung trong phiên cũng không thể ép chỉ số quay lại mức thấp nhất trong tuần. Điều này càng được củng cố khi nhiều cổ phiếu đã cho phản ứng đảo chiều tốt sau nhiều pha điều chỉnh tích lũy trước đó.
Ông Lê Minh Nguyên – Giám đốc Cao cấp Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt
Kinh tế Việt Nam đã đạt tăng trưởng nửa năm cao hơn kỳ vọng, trong đó tăng trưởng của quý 2/2024 đạt gần 7%. Đây là mức tăng trưởng tăng trưởng tích cực, kinh tế Việt Nam thích ứng nhanh với những thay đổi của kinh tế toàn cầu.
Các ngành có tỷ trọng đóng góp cao trong cơ cấu doanh thu, lợi nhuận của của rổ VN-Index như sản xuất công nghiệp, bán lẻ, và vận tải duy trì được động lượng tăng trưởng bền bỉ trong 4 quý liên tiếp. Tình hình huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng và tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế cho thấy một bức tranh tươi sáng về lợi nhuận của nhóm ngân hàng và dịch vụ tài chính. Ngoài ra, mặc dù mức tăng không cao, nhưng lĩnh vực bất động sản đang cho thấy sự phục hồi khá bền bỉ trong ba quý liên tiếp vừa qua.
Thị trường bắt đầu bước vào thời điểm dày đặc các thông tin kết quả kinh doanh. Tuy nhiên ngay cả các cổ phiếu có lợi nhuận tốt giá cũng sụt giảm. Theo anh chị nhà đầu tư nên xử lý thế nào, giữ lại để chờ thị trường phản ánh thông tin hay cắt lỗ?
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Tùy từng trạng thái tài khoản mà sẽ có những phương án xử lý khác nhau: cổ phiếu nắm giữ, tình trạng sử dụng đòn bẩy,… Nhưng có điểm chung tôi nghĩ chúng ta cần lưu ý: tiềm năng kỳ vọng ngành và doanh nghiệp để có thể dự báo một phần kết quả kinh doanh quý 2/202; cổ phiếu có giữ được nền hỗ trợ quan trọng hay không? Từ đó sẽ ra những quyết định bán hay giữ cổ phiếu hoặc cơ cấu cổ yếu sang cổ khỏe.
Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS
Theo tôi tất nhiên là kiên trì nắm giữ - cầm cổ phiếu tầm nhìn dài một chút sẽ phù hợp hơn ngay cả cho số đông nhà đầu tư. Có lẽ câu nói tôi muốn nhắn nhủ đó là một là hãy hành động nhanh và quyết liệt nếu không làm được thì hãy kiên trì nắm giữ cổ phiếu hơn so với người khác.
Ông Nghiêm Sỹ Tiến – Chuyên viên chiến lược đầu tư, Chứng khoán KBSV
Khi toàn thị trường rơi vào xu hướng điều chỉnh, việc công bố kết quả kinh doanh tốt cũng sẽ khó duy trì được vận động đi ngược so với chỉ số, trừ khi đó là số liệu đột biến. Tuy nhiên, khi sức ép dần hạ nhiệt, quan điểm của tôi đối với các cổ phiếu có cơ bản tốt và triển vọng rõ ràng vẫn có tiềm năng hồi phục tích cực hơn so với toàn thị trường. Do đó, nhà đầu tư có thể ưu tiên nắm giữ các cổ phiếu trên và thực hiện trung bình giá lần lượt tại các ngưỡng hỗ trợ, hoặc khi biên độ giảm từ 3-7% so với giá vốn.
Chỉ số đã về vùng hỗ trợ 1200-1220 – nơi có cầu tiềm năng, nếu trong tuần này có phiên tăng tốt, cầu vào tốt thì khả năng sẽ là phiên xác nhận đáy.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Bên cạnh các yếu tố cơ bản, giá cổ phiếu cũng chịu ảnh hưởng bởi diễn biến cung cầu trên thị trường. Đợt giảm giá gần đây của thị trường chủ yếu là do thiếu động lực thanh khoản. Tôi cho rằng còn hơi sớm để có thể nói thị trường đã tạo đáy và đảo chiều, và thị trường có thể tích luỹ thêm một thời gian trước khi hình thành xu hướng mới. Nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp hồi để cơ cấu danh mục và hạn chế sử dụng đòn bẩy trong giai đoạn hiện tại. Khi thị trường bước vào giai đoạn ổn định hơn, tâm lý nhà đầu tư được cải thiện, ưu tiên lựa chọn giải ngân đối với những mã có kết quả kinh doanh tốt vì chúng thường sẽ có hiệu suất tốt hơn trong giai đoạn thị trường phục hồi nhờ yếu tố định giá hấp dẫn.
Ông Lê Minh Nguyên – Giám đốc Cao cấp Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt
Thị trường giảm trong thời gian qua đã đưa các cổ phiếu về vùng giá hấp dẫn hơn. Với mùa công bố kết qua kinh doanh quý 2, chỉ số VN-Index sẽ có dư địa tăng điểm nhiều hơn và khả năng quay lại vùng điểm 1300. Nhà đầu tư nên kiên nhẫn với thị trường ở giai đoạn này và cơ cấu danh mục sang nhóm cổ phiếu có kết quả kinh doanh tươi sáng hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận