Xu thế dòng tiền: Tăng tỷ trọng MSCI - hiệu ứng tâm lý ngắn hạn?
Thị trường bất ngờ có hai phiên cuối tuần tăng khác biệt khi VN-Index đều tăng trên 10 điểm mỗi ngày. Thông tin bất ngờ nhất là việc MSCI đưa ra các dự kiến về lộ trình tăng tỷ trọng của thị trường Việt Nam trong nhóm các thị trường cận biên.
Do diễn biến thị trường tích cực trùng với thời điểm xuất hiện thông tin – nhất là các cổ phiếu vốn hóa lớn nhất tăng mạnh - nên ảnh hưởng là điều bình thường. Các chuyên gia cũng đều đánh giá tác động của thông tin MSCI tăng tỷ trọng của thị trường Việt Nam sau khi Kuwait nâng hạng là tích cực.
Tuy nhiên đánh giá thận trọng hơn ngoài yếu tố tâm lý thể hiện ở một thời điểm, các chuyên gia cũng cho rằng dù có được nâng tỷ trọng thì cũng chỉ là một yếu tố tích cực, dù thông tin này không mới cũng như kém tích cực hơn kỳ vọng trước đây (không kéo dài trong 1 năm), cần có thêm thời gian kiểm chứng.
Thậm chí đánh giá thận trọng còn cho rằng việc tăng tỷ trọng trong 1 năm tới sẽ ảnh hưởng không nhiều về thanh khoản cũng như điểm số của thị trường Việt Nam do quá trình tăng tỷ trọng kéo dài hơn dự kiến, quy mô các quỹ Frontier (cận biên) không quá lớn, thậm chí nhiều quỹ đã thực hiện nâng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trước thông báo khiến dư địa giải ngân không còn nhiều.
Thị trường đột ngột tăng tốc trong hai phiên cuối tuần mặc dù không có thông tin hỗ trợ gì đặc biệt. Liệu đây là hiệu ứng của hoạt động tái cơ cấu danh mục các quỹ chỉ số hay có lý do nào khác?
Triển vọng kinh tế vĩ mô quý IV/2020 khá tốt nhìn từ phương diện đẩy mạnh hoạt động đầu tư công cũng như sự khởi sắc của nhiều nhóm ngành góp phần vào tăng trưởng kinh tế. Niềm tin vào sự khởi sắc của nền kinh tế, lãi suất huy động, lãi suất trên thị trường 2 thấp kỷ lục đã và đang hỗ trợ cho thị trường chứng khoán. Việc nâng hạng của thị trường Kuwait với kỳ vọng dòng tiền từ các quỹ ETFs chảy vào các cổ phiếu lớn của Việt Nam cũng chỉ là 1 phần của câu chuyện.
ÔNG LÊ ĐỨC KHÁNH
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Thị trường tuần qua vẫn nằm trong xu hướng hồi phục trung hạn nhờ những yếu tố tích cực liên quan đến việc Việt Nam kiểm soát tốt dịch Covid-19, triển vọng vĩ mô phục hồi, kết quả kinh doanh các doanh nghiệp quý 3 cho thấy dấu hiệu phục hồi rõ nét, bên cạnh các động lực khác như chính sách hạ lãi suất, thúc đẩy đầu tư công của Chính phủ, dòng vốn FDI…
Dù biến động thị trường trong 1 - 2 phiên trong đa số trường hợp mang tính ngẫu nhiên và khó lý giải nguyên nhân, 2 phiên cuối tuần vừa qua thị trường chung hồi phục khá đột biến khi có thời điểm lực cầu đổ vào ồ ạt giúp thị trường bứt phá trong khung thời gian tương đối ngắn. Tôi cho rằng nguyên nhân của diễn biến trên có đóng góp không nhỏ từ thông tin cổ phiếu Việt Nam được tăng tỷ trọng lớn khi Kuwait ra khỏi rổ Frontier của MSCI.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Tôi thấy điều đáng chú ý là thanh khoản đang tăng mạnh. Dòng tiền lớn đang chảy vào nhóm cổ phiếu VN30 phản ánh sự quan tâm đặc biệt từ phía các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. Giai đoạn này chưa phải là giai đoạn các quỹ chỉ số cơ cấu danh mục sôi động, các kỳ review danh mục thường diễn ra ở các tháng cuối quý. Đây chỉ đơn thuần là dòng tiền đứng ngoài thị trường, dòng tiền từ các tổ chức trong nước đang đẩy vào mua các cổ phiếu lớn.
Tất nhiên, triển vọng kinh tế tươi sáng của Việt Nam đang trở thành đề tài bàn luận nhiều trên các phương tiện truyền thông. Nhưng cũng phải nói rằng dòng tiền mới từ các cá nhân bắt đầu tham gia vào thị trường cũng là điều chúng ta không nên bỏ qua. Dòng tiền nội đang trở nên mạnh hơn, nguồn tiền dư thừa trong hệ thống ngân hàng cũng đang hỗ trợ cho xu hướng tăng điểm của thị trường trong giai đoạn vừa qua.
Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank
Thị trường tăng mạnh trong hai phiên cuối tuần đến từ các dự báo tích cực của các tổ chức uy tín về triển vọng tăng trưởng GDP của Việt nam trong quý IV/2020 và năm 2021. Theo đó, VEPR dự báo với điều kiện dịch Covid-19 tiếp tục được kiểm soát tốt ở trong nước và quốc tế, kinh tế thế thế giới khởi sắc nhờ việc gỡ bỏ các biện pháp phong tỏa, tăng trưởng GDP trong năm 2020 có thể đạt 2.6 – 2.8%.
Ngoài ra, thông tin về việc được nâng tỷ trọng cổ phiếu trong rổ iShare MSCI Frontier 100 cũng giúp các cổ phiếu vốn hóa lớn bứt phá mạnh mẽ, đẩy chỉ số VN-Index vượt qua mốc 960 điểm khi kết thúc tuần.
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Thị trường tăng tốc trong 2 phiên cuối tuần sau chuỗi đi ngang 5 phiên liên tiếp là điểm nhấn đáng chú ý nhất trong tuần vừa qua. Chất xúc tác cho mạch tăng 6 tuần liên tiếp trong chuỗi tăng trưởng gần 3 tháng qua của thị trường chủ yếu đến từ dòng tiền mới ngày càng tăng của khối nhà đầu tư nội. Điều này được thể hiện qua số lượng tài khoản mở mới ngày càng tăng và thanh khoản thị trường cũng liên tiếp lập đỉnh cao mới, từ mức khớp lệnh bình quân 3.700 tỷ đồng/phiên tương ứng với chỉ số Vnindex ở ngưỡng 850 điểm lên mức 7.300 tỷ đồng trong 2 tuần vừa qua.
Cũng có ý kiến cho rằng việc thị trường đột ngột tăng tốc ở 2 phiên cuối tuần đến từ thông tin tỷ trọng của Việt Nam trong MSCI Frontier Markets 100 sau khi loại toàn bộ cổ phiếu Kuwait. Không thể phủ nhận thông tin này rất tích cực cho dòng vốn ngoại tìm đến thị trường Việt Nam trong bối cảnh khối ngoại đang bán ròng liên tiếp thông qua giao dịch khớp lệnh. Tuy vậy, theo tôi đây không phải là động lực chính giúp thị trường bứt phá mà chỉ là yếu tố hỗ trợ thị trường mang tính dài hạn và cũng cần có thời gian kiểm chứng.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Thị trường giai đoạn vừa rồi có nhịp hồi phục tốt và thời gian kéo dài khá lâu cũng như tăng mạnh hai phiên cuối tuần có lẽ là do công cuộc kiểm soát dịch Covid của Việt Nam rất tốt nên vấn đề thiệt hại và người và tài sản là khá nhỏ so với các nước trên thế giới cũng như quá trình hồi phục kinh tế sẽ nhanh hơn; lãi suất ngân hàng liên tục giảm tạo động lực cho dòng vốn chảy vào thị trường chứng khoán; kết quả kinh doanh nhiều doan nghiệp vẫn tốt và vượt kỳ vọng.
Thị trường đang chờ đợi cơ hội được tăng tỷ trọng vào tháng 11 tới khi Kuwait sẽ được nâng hạng trong bảng phân hạng thị trường của MSCI. Tuy nhiên thông tin mới nhất là khả năng giảm tỷ trọng của Kuwait sẽ kéo dài trong 1 năm, cũng đồng nghĩa với lộ trình gia tăng tỷ trọng cho thị trường Việt Nam trở nên chậm hơn. Theo anh chị điều này có ảnh hưởng nhiều đến kỳ vọng của dòng tiền?
Tôi cho rằng hiệu ứng từ quá trình gia tăng tỷ trọng trong rổ MSCI Frontier đối với thị trường Việt Nam hiện tại (về dòng tiền, điểm số thị trường) là không nhiều do (i) quá trình tăng tỷ trọng kéo dài hơn dự kiến; (ii) Quy mô các quỹ Frontier (cận biên) không quá lớn; (iii) Nhiều quỹ đã thực hiện nâng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trước thông báo khiến dư địa giải ngân không còn nhiều.
ÔNG NGUYỄN VIỆT QUANG
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Tin Kuwait sẽ được nâng hạng lên thị trường mới nổi của MSCI là tích cực đối với thị trường Việt Nam. Điều đáng nói ở đây chính là yếu tố tâm lý đã và đang chi phối dòng tiền tham gia vào thị trường. Chúng ta đừng quên câu "ngạn ngữ" quen thuộc là thị trường chứa 25% yếu tố tài chính và còn lại 75% là tâm lý. Tâm lý nhà đầu tư hứng khởi cũng sẽ quyết định đến động thái mua cổ phiếu cũng như lôi kéo các dòng tiền mới tham gia.
Dù sao đi nữa, như tôi đã phân tích bên trên – triển vọng kinh tế vĩ mô quý IV/2020 khá tốt nhìn từ phương diện đẩy mạnh hoạt động đầu tư công cũng như sự khởi sắc của nhiều nhóm ngành góp phần vào tăng trưởng kinh tế như công nghiệp chế biến chế tạo, xuất khẩu, may mặc… niềm tin vào sự khởi sắc của nền kinh tế, lãi suất huy động, lãi suất trên thị trường 2 thấp kỷ lục đã và đang hỗ trợ cho thị trường chứng khoán. Việc nâng hạng của thị trường Kuwait với kỳ vọng dòng tiền từ các quỹ ETFs chảy vào các cổ phiếu lớn của Việt Nam cũng chỉ là 1 phần của câu chuyện.
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Với lộ trình chia nhỏ thành các giai đoạn nâng hạng nên thay đổi của dòng vốn trong mỗi kỳ sẽ không quá lớn. Điều này có thể ảnh hưởng đến kỳ vọng của dòng vốn trong ngắn hạn.
Tuy vậy cũng cần nhìn nhận rằng không chỉ có iShares MSCI Frontier 100 ETF là quỹ ETF trực tiếp theo dõi chỉ số MSCI Frontier Markets 100 Index mà còn có không ít quỹ đầu tư khác cũng tập trung vào thị trường Frontier có thể không thực hiện cơ cấu danh mục đúng theo lộ trình và tỷ trọng của MSCI. Do vậy, việc thị trường có cơ hội được gia tăng tỷ trọng trong MSCI Frontier Markets chậm hơn dự kiến có thể cũng là cơ hội cho các quỹ đầu tư khác có thời gian vào thị trường Việt Nam nhiều hơn, tạo sự cộng hưởng dòng tiền trong trung và dài hạn.
Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank
Tôi cho rằng thông tin giãn lộ trình nâng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam mang yếu tố tích cực nhiều hơn. Trên thực tế, hiện nay 27 cổ phiếu Việt Nam chỉ chiếm 12.53% giá trị danh mục của quỹ. Sau khi Kuwait chính thức được nâng hạng lên thị trường mới nổi, MSCI sẽ nâng tỷ trọng này lên 28.76%. Đây vẫn là yếu tố quan trọng để thu hút sự tham gia của dòng tiền trong thời gian tới.
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Kỳ vọng dòng tiền lớn của khối ngoại đổ vào thị trường Việt Nam sau khi được nâng tỷ trọng là yếu tố tích cực tác động đến thị trường trong vài phiên gần đây. Yếu tố này càng có ý nghĩa hơn khi khối ngoại đã bán ròng mạnh mẽ từ đầu năm đến nay và chưa có dấu hiệu dừng lại. Việc MSCI để ngỏ khả năng sẽ tăng tỷ trọng các thị trường còn lại, sau khi Kuwait nâng hạng, với 1 lộ trình kéo dài 1 năm chắc chắn sẽ giảm thiểu tác động tích cực của yếu này trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý là ngoại trừ iShares MSCI Frontier 100 ETF là quỹ ETF trực tiếp theo dõi chỉ số MSCI Frontier Markets 100 Index với giá trị tài sản trên dưới 390 triệu USD, còn rất nhiều các "quỹ đầu tư chủ động" tracking theo MSCI nhưng không thực hiện cơ cấu theo đúng lộ trình danh mục. Nếu MSCI nâng tỷ trọng TTCK Việt Nam lên mức 28.8% ngay từ tháng 11 sẽ khiến các "quỹ đầu tư chủ động" ngần ngại mua vào sớm để tránh tác động đến diễn biến giá cổ phiếu. Ngược lại, việc MSCI kéo dài lộ trình nâng tỷ trọng của cổ phiếu Việt Nam trong rổ MSCI Frontier Markets 100, thực tế có thể khiến các "quỹ đầu tư chủ động" đẩy nhanh hơn việc mua vào cổ phiếu Việt Nam so với kế hoạch ban đầu, giúp sự khác biệt về dòng tiền đối với thị trường Việt Nam ở 2 phương án này là không quá lớn.
Với nền lãi suất thấp, kênh chứng khoán trở thành vùng trũng hút tiền bên cạnh đó các công ty chứng khoán ngoại tăng tốc cho vay margin thì lượng margin trong thị trường sẽ còn tiếp tục tăng và ở lại thị trường cho tới khi tìm đến các kênh đầu tư hấp hẫn hơn.
ÔNG NGÔ QUỐC HƯNG
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Các quỹ lớn trên thế giới sẽ dựa vào những đánh giá và tỷ trọng của MSCI để mua cổ phiếu có trong danh mục. Như vậy trong tháng 11/2020, dòng vốn ngoại sẽ có chiều hướng tích cực hơn khi MSCI tăng dần tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam.
Tuy nhiên, tôi cho rằng hiệu ứng từ quá trình gia tăng tỷ trọng trong rổ MSCI Frontier đối với thị trường Việt Nam hiện tại (về dòng tiền, điểm số thị trường) là không nhiều do (i) quá trình tăng tỷ trọng kéo dài hơn dự kiến; (ii) Quy mô các quỹ Frontier (cận biên) không quá lớn; (iii) Nhiều quỹ đã thực hiện nâng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trước thông báo khiến dư địa giải ngân không còn nhiều.
Thanh khoản thị trường đang duy trì ở mức cao kỷ lục. Điều này được xác nhận bằng số lượng nhà đầu tư mới ngày càng tăng. Tuy nhiên cũng có lo ngại dòng tiền mới này đang khiến quy mô sử dụng margin tăng rất lớn. Tiếp xúc trực tiếp với các nhà đầu tư, anh chị đánh giá mức độ sử dụng đòn bẩy như thế nào?
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Nhìn chung, thị trường tăng thì margin phải tăng, đó là điều chắc chắn, nhưng lên đến đỉnh hay chưa cần phải xét đến các yếu tố khác nhau.
Về cơ cấu sử dụng margin giai đoạn hiện tại đã có nhiều điểm khác biệt so với những giai đoạn bùng nổ trước khi có khoảng 40-50% lượng vốn tập trung ở nhóm cổ phiếu lớn dẫn dắt, nhóm cổ phiếu cơ bản tốt. Xét trong nhịp tăng điểm gần đây thì một phần không nhỏ đã chảy vào các mã vốn hóa lớn như MSN, CTG, TCB, HPG, MBB, VIC...và điều này sẽ đỡ rủi ro hơn so với các dòng cổ phiếu mang tính đầu cơ cao như xu hướng của các năm trước.
Bên cạnh đó, năng lực cung cấp margin của các công ty chứng khoán theo thời gian cũng đã tăng lên thông qua các đợt tăng vốn hoặc phát hành trái phiếu thành công, do vậy lượng margin trên thị trường hoàn toàn có thể tiếp tục gia tăng và đạt đỉnh cao mới.
Nhìn chung, với quy mô vốn hóa đối với thị trường cổ phiếu khoảng 193 tỷ USD hay mức thanh khoản trên toàn thị trường (3 sàn) kể từ đầu tháng 10 cho tới nay đang đạt bình quân 9.700 tỷ đồng/phiên thì lượng margin hiện tại trên thị trường là hoàn toàn bình thường và có thể còn tiếp tục gia tăng.
Với nền lãi suất thấp, kênh chứng khoán trở thành vùng trũng hút tiền bên cạnh đó các công ty chứng khoán ngoại tăng tốc cho vay margin thì lượng margin trong thị trường sẽ còn tiếp tục tăng và ở lại thị trường cho tới khi tìm đến các kênh đầu tư hấp hẫn hơn.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Theo tôi hiện mức độ sử dụng đòn bẩy của nhà đầu tư là khá cao nhất là các nhà đầu tư mới. Đã có ước tính con số dư nợ cho vay (chủ yếu là cho vay margin) trên toàn thị trường tính tới cuối quý 3 vào khoảng 66.000 tỷ đồng (~2,8 tỷ USD) và đây là con số kỷ lục trên thị trường chứng khoán Việt Nam từ khi thành lập tới nay cũng đã phản ánh điều đó.
Kỳ vọng dòng tiền lớn của khối ngoại đổ vào thị trường Việt Nam sau khi được nâng tỷ trọng là yếu tố tích cực tác động đến thị trường trong vài phiên gần đây. Yếu tố này càng có ý nghĩa hơn khi khối ngoại đã bán ròng mạnh mẽ từ đầu năm đến nay và chưa có dấu hiệu dừng lại.
ÔNG TRẦN ĐỨC ANH
Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank
Dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán hiện nay là rất lớn. Nguyên nhân đến từ việc giảm lãi suất tại các ngân hàng khiến kênh gửi tiết kiệm không còn hấp dẫn trong khi thị trường trái phiếu đã không còn "nóng" như giai đoạn đầu năm từ việc siết quy định phát hành trái phiếu theo nghị định 81.
Dòng tiền mới tham gia thị trường chủ yếu theo hướng an toàn, tức sử dụng phần "tiền thật" và chỉ sử dụng margin ở mức rất thấp. Dư nợ margin cao trong báo cáo tài chính của các công ty chứng khoán chủ yếu do số lượng đông đảo nhà đầu tư mới tham gia, nếu xét trên mỗi tài khoản thì mức độ đòn bẩy trong giai đoạn này là chưa đáng lo ngại.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Tôi tiếp xúc trực tiếp cũng như tư vấn đầu tư cho nhiều khách hàng thì thấy không nhiều người sử dụng đòn bẩy tài chính hiện nay hoặc với tỷ trọng thấp. Chỉ các nhà đầu tư "chuyên nghiệp" hoặc có kinh nghiệm mới sử dụng đòn bẩy cao.
Nhưng nhìn ở tổng thể chưa thấy mức độ sử dụng đòn bẩy hiện nay là quá nóng hay đáng lo ngại. Có chăng đó là nhiều nhà đầu tư mới tham gia đầu tư hơn trên thị trường. Chúng ta cần làm quen với thanh khoản lớn duy trì liên tục trong nhiều tháng.
Kết quả kinh doanh quý 3 gần như đã kết thúc. Liệu thị trường có thể trông đợi yếu tố hỗ trợ nào trong ngắn hạn?
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Sau khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh Q3 kết thúc, các yếu tố chính có tầm ảnh hưởng đến thị trường nhà đầu tư cần quan tâm có thể kể đến như lộ trình tăng tỷ trọng của thị trường Việt Nam trong rổ danh mục của MSCI; kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ cũng như các chính sách mới của Nhà Trắng, đặc biệt liên quan đến Việt Nam như vấn đề "thao túng tiền tệ"; thông tin về vaccine cũng như diễn biến dịch Covid-19; lộ trình mở cửa cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, tiến độ triển khai các dự án đầu tư công trọng điểm…
Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank
Theo tôi yếu tố hỗ trợ có thể đến từ khả năng tiếp tục giảm lãi suất của Ngân hàng nhà nước. Ngoài ra, các số liệu vĩ mô liên quan đến quá trình phục hồi của các ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 như dịch vụ, bán lẻ, hàng không cũng có thể tạo động lực tăng điểm cho thị trường. Cuối cùng, kết quả kinh doanh quý III của một số cổ phiếu vốn hóa lớn như nhóm Vingroup vẫn chưa chính thức được công bố.
Dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán hiện nay là rất lớn. Nguyên nhân đến từ việc giảm lãi suất tại các ngân hàng khiến kênh gửi tiết kiệm không còn hấp dẫn trong khi thị trường trái phiếu đã không còn “nóng” như giai đoạn đầu năm.
ÔNG ĐÀO TUẤN TRUNG
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Tôi cho rằng sau kết quả kinh doanh quý III sẽ tới câu chuyện dự báo quý IV và cả năm. Những nhóm doanh nghiệp ngành hóa chất, tài chuyên cơ bản, ngân hàng, dịch vụ tài chính, công nghệ… đang là những ngành có tình hình kinh doanh khởi sắc. Chắc chắn tình hình sẽ vẫn lạc quan ít nhất là đến cuối năm 2020. Điều này có nghĩa rằng những thông tin tốt không chỉ đến từ các doanh nghiệp chu kỳ, doanh nghiệp tăng trưởng hoạt động thuận lợi trong giai đoạn covid 19 tác động mạnh mà câu chuyện hồi phục kinh tế của Việt Nam, dòng tiền đầu tư FDI, FII đang được đánh giá khá tích cực trong bối cảnh dòng vốn đầu tư trên toàn cầu suy giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Câu chuyện 2021 còn rất nhiều hứa hẹn đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam (cảng biển, logictics, xuất khẩu thủy sản….). Do đó, ít nhất là các tháng cuối năm 2020, chúng ta vẫn có thể tính đến kịch bản khởi sắc của thị trường chứng khoán. Mốc 1000 điểm sẽ không phải là vấn đề trong giai đoạn cuối năm.
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đã kiểm soát dịch Covid-19 thành công và đang nỗ lực phục hồi, nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ có sự chuyển biến tích cực vào năm 2021. Nhiều nhà đầu tư đang chờ mở cửa trở lại để khơi thông dòng vốn, tạo sự dịch chuyển nguồn cung ứng và dây chuyển sản xuất của nhiều công ty từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng đang kỳ vọng về vắc-xin điều trị COVID-19 sắp xuất hiện, việc xét nghiệm và điều trị được cải tiến triệt để; giúp cải thiện tình hình thay vì hạn chế tiếp xúc và ban hành các lệnh đóng cửa. Các nhà đầu tư cũng tin rằng, lãi suất vẫn có thể tiếp tục giảm hoặc được giữ ở mức thấp ít nhất thêm 1 năm nữa, điều này làm cho các tài sản rủi ro như cổ phiếu trở nên hấp dẫn. Cuộc đua vào Nhà Trắng đầu tháng 11 sắp tới cũng có thể là nhân tố tác động đến thị trường.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Tôi cho rằng các thông tin có thể ảnh hưởng trong ngắn hạn là kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ cũng như các chính sách mới của Nhà Trắng. Ngoài ra là quá trình hồi phục kinh tế cũng như các chính sách về Lãi suất của Ngân hàng nhà nước, tiến độ giải ngân đầu tư công,…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận