Xu thế dòng tiền: Hệ thống ủng hộ, cứ "ôm" là thắng?
Sau khi nâng lô giao dịch tối thiểu lên 100, hệ thống vẫn không được cải thiện do thanh khoản vẫn rất cao. Số đông nhà đầu tư nghĩ rằng cứ mua là thắng vì hệ thống nghẽn lệnh nên không thể xả được
Tuy vậy các chuyên gia không đồng tình hoàn toàn về "rủi ro hệ thống" trở thành yếu tố hỗ trợ xu thế tăng. Các chuyên gia đã không thực hiện mua thêm, thậm chí một số bắt đầu giảm tỷ trọng cổ phiếu hoặc duy trì mức thấp.
Mặc dù xu hướng tăng giá rất mạnh và các đợt chốt lời đều bị hệ thống chặn lại, nhưng các chuyên gia vẫn khuyến cáo nhà đầu tư thận trọng, nên sẵn sàng tâm thế chốt lời. Mức đỉnh lịch sử quanh 1.200 điểm sắp đạt tới và dự báo thị trường sẽ gặp khó khăn tại đây. Các yếu tố kỳ vọng kết quả kinh doanh hầu như đã phản ánh vào giá và mức định giá đã kém hấp dẫn đi nhiều so với giai đoạn trước.
NGUYỄN VIỆT QUANG
Thị trường đang xác lập chuỗi phiên tăng kỷ lục và cũng rất kỳ lạ, khi VN-Index được đẩy lên cao là hệ thống dừng nhận lệnh cả mua lẫn bán. Với hạn chế về hệ thống như vậy thị trường gần như không thể giảm được. Anh chị bình luận gì về hiện tượng này?
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Theo tôi việc thị trường ngừng giao dịch sẽ tác động đến cả 2 chiều lệnh mua và lệnh bán vì vậy không phải là nguyên nhân khiến thị trường tăng mạnh trong tuần qua. Dù trong 1 vài phiên áp lực bán có phần gia tăng cuối phiên chiều trùng hợp với thời điểm sàn HoSE dừng nhận lệnh, tuy nhiên nếu áp lực bán tiếp tục được duy trì trong khi lực mua đối ứng suy yếu, phiên giao dịch sáng hôm sau sẽ có diễn biến tiêu cực, một điều trên thực tế đã không xảy ra.
Nhìn chung, dù gây ra ít nhiều bất tiện đối với việc đặt lệnh của nhà đầu tư, tôi không cho rằng hiện tượng hệ thống quá tải ngừng nhận lệnh này có tác động trọng yếu đến diễn biến thị trường (dù tác động ngắn hạn ở các cổ phiếu đơn lẻ là có thể có).
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Tôi thấy đây chỉ là hiện tượng hy hữu và cũng rất thú vị trong bối cảnh kênh chứng khoán đang được rất nhiều người quan tâm. Thị trường vẫn có các nhịp rung lắc trong phiên, tuy nhiên kết quả vẫn chìm nghỉm trong dòng tiền khổng lồ vẫn đang cuồn cuộn đổ vào kênh chứng khoán.
Liên quan đến hệ thống giao dịch, theo tôi đó là công việc của cơ quan chức năng và chỉ có họ mới có câu trả lời, nhà đầu tư nên chờ đợi trong lúc "sống chung với lũ". Nhìn chung, nhà đầu tư đang vui vẻ, khoảng thời gian như thế này không có nhiều, cuộc vui vẫn tiếp diễn, cứ thong thả hưởng thụ thôi.
Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank
Hiện tượng nghẽn hệ thống khiến kết quả giao dịch vào cuối phiên có phần bị "nhiễu" vì khó phản ánh chính xác cung – cầu thực sự trên thị trường. Trong khi đó, có thể thấy hiện tượng này thường xảy ra vào buổi chiều với mức thanh khoản từ 15.000 tỷ đồng trở lên. Đây cũng chính là thời điểm nhu cầu chốt lời đang diễn ra mạnh. Có nhiều thời điểm, hiện tượng này đã "cứu" nhà đầu tư thoát khỏi tâm lý hoảng loạn và tiếp tục hồ hởi mua cổ phiếu vào phiên hôm sau.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Theo tôi từ trước đến giờ tâm lý nhà đầu tư luôn yếu vào phiên chiều nên thường các phiên giảm phần lớn là bắt đầu vào phiên buổi chiều. Việc hệ thống không đáp ứng được nhu cầu giao dịch và treo lệnh vào phiên chiều cũng giúp phần nào hạn chế đà bán và giữ vững đà tăng của thị trường.
Trong tuần vừa rồi rất nhiều phiên bị bán ngược trong phiên lần 1 và đến nhịp bán lần 2 thì thị trường lại gặp trạng thái dừng lệnh mua bán nên không bị ảnh hưởng nhiều. Nhưng theo tôi việc giữ vững đà tăng chủ yếu là do sự hưng phấn và tham gia của rất nhiều nhà đầu tư mới.
LÊ ĐỨC KHÁNH
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Có lẽ câu chuyện công nghệ sẽ chưa thể giải quyết được ngay trong sớm chiều và cần phải nâng cấp dần để có thể đáp ứng được số lượng lệnh mua/bán khủng như hiện nay. Thị trường vẫn đang đối mặt với dòng tiền lớn đang tham gia và chưa có dấu hiệu dừng lại. Có lẽ các cơ quan quản lý cũng bất ngờ trước hiện tượng đặc biệt như hiện nay.
Một tuần nâng lô tối thiểu lên 100 cổ phiếu đã xác nhận là không thể giải quyết được hạn chế của hệ thống giao dịch. Nếu được đề xuất thì theo anh chị nên làm gì để cải thiện tình trạng này, hay cứ chấp nhận lối giao dịch theo hạn mức như vậy?
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Như tôi đã nhận xét vào tuần trước thì việc năng lô lên tối thiểu 100 cổ chỉ giải quyết được một phần nhỏ vấn đề thôi. Để giải quyết triệt để tình trạng này thì cần nâng cấp hệ thống của sở giao dịch cũng như các công ty chứng khoán.
Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank
Với Ủy ban chứng khoán, việc cần nhất là nhanh chóng tiến hành các hoạt động cần thiết để nâng cấp hệ thống cũ đã được sử dụng hơn 10 năm nay. Ngoài ra, có thể xem xét việc tiến hành phân chia rõ ràng hơn các nhóm cổ phiếu đã được niêm yết trên thị trường, sau đó phân bổ các nhóm cổ phiếu vào từng bộ chỉ số và có hệ thống giao dịch riêng.
Đây là biện pháp đã được sử dụng khi hệ thống giao dịch tại sàn chứng khoán Tokyo gặp vấn đề nghẽn hệ thống vào năm 2012.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Tôi cho rằng câu chuyện cấp bách không chỉ là vấn đề giải quyết sự cố nghẽn mạng đang diễn ra như hiện nay mà là 1 kế hoạch tổng thể nâng cấp, xây dựng mới 1 hệ thống mạng, hạ tầng công nghệ - Có lẽ 1 hệ thống giao dịch hiện đại của 1 thị trường tiên tiến sẽ phù hợp với Việt Nam trong hoàn cảnh quy mô thanh khoản đang gia tăng mạnh như hiện nay. Chúng ta hoàn toàn có thể "chịu chi" đầu tư trong khi tham khảo các thị trường phát triển như Mỹ, Anh, Singapore hay Hàn Quốc….
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Tôi không nghĩ ở thời điểm hiện tại có thể có phương án cải thiện triệt để tình trạng nghẽn lệnh này, dù việc nâng lô tối thiểu hay tiến tới hạn chế phát hành chứng quyền có thể giúp tình trạng trên diễn ra chậm hơn. Trong thời gian tới, có lẽ nhà đầu tư phải kiên nhẫn chờ đợi hệ thống giao dịch mới của HoSE có thể chính thức đưa vào hoạt động.
TRẦN ĐỨC ANH
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Như đã đề cập ở trên, câu trả lời đến từ các cơ quan chức năng, nhà đầu tư nên chờ đợi trong lúc "sống chung với lũ". Lợi thế đang thuộc về những người cầm cổ cho đến khi cung cầu trên thị trường được đáp ứng.
VN-Index sắp tiến tới đỉnh cao 1.200. Với hạn mức giao dịch hiện tại của hệ thống thì rất khó có thể xuất hiện áp lực chốt lời đủ lớn. Vậy thị trường sẽ vẫn tiếp tục tăng?
Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank
Hành động chốt lãi gây tác động mạnh tới toàn thị trường đã được chứng minh là hoàn toàn có thể thực hiện được nếu thực hiện sớm, mà diễn biến và phiên chiều thứ 6 tuần vừa qua là ví dụ điển hình. Ngoài ra, sau giai đoạn liên tục tăng điểm mạnh, nhu cầu chốt lãi sẽ tăng cao hơn trong các phiên tới.
Do đó, theo tôi xu hướng tăng điểm của thị trường sẽ có phần chậm lại và chỉ số sẽ dao động trong biên độ hẹp 1,170 - 1,180 điểm trong tuần tới.
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Chứng khoán toàn cầu khởi đầu năm mới với mức cao kỷ lục, đà tăng tiếp tục lan tỏa sang tuần đầu năm mới, thị trường trong nước cũng không nằm ngoài xu hướng chinh phục các đỉnh cao lịch sử. Đối với thị trường trong nước lúc này, nhà đầu tư cũng không mấy bận tâm đến các ngưỡng lịch sử bởi dòng tiền luôn chầu trực để được tham gia. Việc thị trường vượt đỉnh cao 1.200 điểm không còn nhiều ý nghĩa lúc này khi thống kê cho thấy sàn HSX hiện có tới 63,4% số cổ phiếu đã vượt ngưỡng lịch sử này, chủ yếu tập trung ở nhóm midcap và smallcap lần lượt 63% và 64%, trong khi nhóm Vn30 chỉ có 44%.
NGÔ QUỐC HƯNG
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Theo tôi thị trường sẽ gặp khó ở vùng 1200 điểm. Thị trường giai đoạn vừa rồi tăng khá nóng rồi, nóng đến mức hệ thống không đáp ứng đủ (hệ thống sở giao dịch cũng như công ty chứng khoán). Khi tiến gần vùng 1200 điểm theo tôi thì khả năng có nhịp điều chỉnh tốt là khá cao khi báo cáo tài chính hầu như đã phản ánh hết vào giá rồi.
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Với diễn biến tăng dốc hiện tại, nhiều khả năng VNIndex sẽ sớm chạm mốc đỉnh 1,200 điểm ngay trong tuần tới. Thị trường đang tăng trưởng rất nóng được hỗ trợ bởi mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế thấp kỷ lục và kỳ vọng vĩ mô, lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết phục hồi. Dù vậy, sau nhịp tăng mạnh, định gía thị trường ở thời điểm hiện tại đã không còn thực sự hấp dẫn.
Dự báo thị trường tăng/giảm trong ngắn hạn là việc khó khăn và không có nhiều cơ sở, tuy nhiên việc duy trì 1 chiến lược đầu tư thận trọng hơn ở thời điểm hiện tại có lẽ là 1 việc nên làm.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Tôi vẫn cho rằng với dòng tiền tham gia như hiện nay thì VN-Index vẫn sẽ vướt tới mốc điểm 1,200 điểm và thậm chí còn vượt qua. Xu hướng tăng điểm vẫn là chủ đạo.
Thị trường đang tăng một cách rất kích động và nhà đầu tư mua nắm giữ sẽ thắng to. Anh chị thì sao, vẫn duy trì mức cổ phiếu cân bằng hay đã nâng tỷ trọng lên?
ĐÀO TUẤN TRUNG
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Nhìn chung, người cầm cổ đang chiếm lợi thế, chiến lược là cứ để cho lợi nhuận chạy với các nhóm cổ phiếu như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản,…khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 4 đang cận kề.
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Tôi thực hiện giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục xuống mức trung bình thấp, chờ đợi mùa báo cáo kết quả kinh doanh Q4.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Tôi luôn đánh giá lại danh mục hàng tuần và điều chỉnh tỷ trọng cho phù hợp – ưu tiên lớn của tôi đó là mua và nắm giữ những cổ phiếu chiến lược. Nếu một cổ phiếu nào đã tăng quá nhanh vượt qua kỳ vọng tôi cũng có điều chỉnh giảm tỷ trọng để nâng tỷ trọng đối với các cổ phiếu còn nhiều dư địa tăng.
Tôi nghĩ rằng quản lý danh mục là 1 nghệ thuật hơn và đòi hỏi nhiều vào kinh nghiệm của mỗi 1 nhà đầu tư. Điều này cũng không dễ dàng đối với các nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường.
Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank
Tuần vừa qua tôi tiếp tục giữ nguyên tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt ở mức 60/40, để lợi nhuận tiếp tục chạy khi đã tiến hành mua vào ở vùng giá tốt từ trước đó.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Theo tôi giai đoạn mua nắm giữ dài sẽ thắng to là giai đoạn trước đó rồi. Giai đoạn này thị trường tiềm ẩn rủi ro rất cao, theo kỹ thuật thì đây là quá trình chạy nước rút của thị trường. Với giai đoạn này Nhà đầu tư nên theo dõi sát danh mục hiện tại của mình hạn chế mua mới, giảm tỷ trọng margin và luôn đặt tâm thế ở thế chốt lời.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận