Xu thế dòng tiền: Đồng thuận vượt đỉnh?
Màn khởi động đầu năm tích cực đã khiến các chuyên gia đồng thuận về cơ hội vượt đỉnh 1.200 điểm
Màn khởi động đầu năm tích cực đã khiến các chuyên gia đồng thuận về cơ hội vượt đỉnh 1.200 điểm.
VN-Index tăng hơn 58 điểm trong 3 phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2021. Mặc dù hiện tượng phân hóa đã xảy ra nhưng các chuyên gia không cho rằng đó là tín hiệu thị trường suy yếu. Ngược lại, dự địa tăng ở những mã còn lại có thể giúp thị trường tăng cao hơn.
Các chuyên gia cũng đều đồng thuận VN-Index sẽ vượt đỉnh, dù vẫn chưa chắc chắn có hoàn thành ngay trong tuần cuối tháng 2 hay không. Biến động ngắn hạn vẫn phụ thuộc vào việc dòng tiền có quay trở lại cường độ như trước hay không. Một vài ý kiến cho rằng thị trường có thể xuất hiện vài phiên lùi lại tích lũy lấy đà.
Tuy còn khác nhau trong quan điểm cực ngắn hạn, các chuyên gia vẫn thực hiện gia tăng cổ phiếu trước và sau Tết. Mặc dù vậy tỷ trọng cổ phiếu chưa phải là cao, đồng thời vẫn dự trù tình huống thị trường điều chỉnh.
Tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết chỉ có 3 phiên giao dịch nhưng thị trường tăng trưởng khá tốt và VN30-Index thậm chí còn chạm đỉnh cao lịch sử. Tuy nhiên khá nhiều cổ phiếu đã không thể quay lại đỉnh giá tương ứng với các chỉ số, thậm chí nhiều mã thấp hơn đáng kể. Liệu đây có phải là tín hiệu phân hóa về sức mạnh? Điều này có ảnh hưởng tới động lực của thị trường trong ngắn hạn?
LÊ ĐỨC KHÁNH
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Theo tôi diễn biến phục hồi của thị trường, sau nhịp giảm mạnh nửa cuối tháng 1, đi kèm sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu có nguyên nhân thuần túy đến từ tác động của mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 4, cũng như các kế hoạch kinh doanh năm 2021 được các doanh nghiệp công bố trong vài tuần gần đây.
Nhìn chung, sau mỗi mùa báo cáo lợi nhuận, định giá cổ phiếu có sự thay đổi là việc hoàn toàn bình thường, đặc biệt trong bối cảnh mùa báo cáo quý 4 vừa qua đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp các tác động, cả trực tiếp và gián tiếp, của dịch Covid-19. Như vậy, tôi không cho rằng sự phân hóa này là tín hiệu đáng lo ngại có ảnh hưởng tới động lực của thị trường trong ngắn hạn.
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Thị trường chứng khoán trong nước khép lại tuần giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ kéo dài với mức tăng trưởng mạnh nhất trên thế giới (+5,3%). Trong khi chỉ số VN30 đang ngập ngừng ở vùng đỉnh lịch sử thì Vnindex vẫn giữ được ngưỡng 1.170 điểm, tương đương đỉnh cuối tháng 1 và tiến gần mức đỉnh lịch sử.
Theo thống kê, chỉ có 26,7% số cổ phiếu trong rổ VN30 hiện đã vượt đỉnh lịch sử, ở nhóm Midcap là 30% và nhóm Smallcap là 22%. Việc chỉ số đang chạy nhanh hơn so với hơn 70% số cổ phiếu còn lại cho thấy phần lớn các cổ phiếu vẫn chưa tới gần mức cản quan trọng tương ứng với chỉ số và chỉ số đang được hỗ trợ bởi nhóm ít cổ phiếu đã vượt đỉnh.
Do vậy, tín hiệu phân hóa này (giữa nhóm vượt đỉnh và nhóm chưa vượt đỉnh) không ảnh hưởng tới động lực của thị trường trong ngắn hạn. Nhóm chưa vượt đỉnh sẽ còn room tăng trong khi nhóm vượt đỉnh sẽ đóng vai trò là nhóm dẫn dắt chỉ số.
Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank
Cùng với đà tăng của toàn thị trường từ tháng 4/2020, chỉ số P/E đã tăng khá mạnh và đang duy trì quanh mức 17.x tại phiên giao dịch ngày 19/02/2021. Chỉ số P/E tại mức này đã không còn quá rẻ, và việc dòng tiền tiến hành giải ngân một cách có chọn lọc vào những doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt và nhiều tiềm năng tăng trưởng tốt trong năm 2021 là xu thế tất yếu. Trong bối cảnh đó, không ngạc nhiên khi chỉ số VN30 đã vượt đỉnh lịch sử và duy trì mức điểm cao hơn chỉ số VN-Index.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Việc phân hóa sức mạnh thể hiện khá rõ khi VN30 tăng chạm đỉnh trước VN-Index thể hiện rất rõ nhịp vừa rồi. Nhóm trụ bật tăng khá mạnh và điều này rất dễ hiểu khi các cổ phiếu trụ về vùng giá chiết khấu tốt sẽ thu hút giải ngân của các tổ chức quỹ đầu tư cũng như nhiều nhà đầu tư lớn.
Theo tôi động lực ảnh hưởng lớn nhất đến thị trường có tăng trưởng tốt không sẽ là dòng tiền kể cả trong ngắn hạn và dài hạn.
NGUYỄN VIỆT QUANG
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Không phải cổ phiếu nào cũng thu hút được lực cầu mua vào hay sự quan tâm của nhà đầu tư như nhau mà chỉ có những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, triển vọng tăng trưởng tươi sáng hoặc có sự chuyển biến doanh thu lợi nhuận tốt hoặc đơn giản là cổ phiếu được "ưa thích hơn" sẽ có khả năng tăng giá cũng như có diễn biến giao dịch sôi động hơn. Nhiều cổ phiếu quay lại vùng đỉnh cũ hoặc vượt đỉnh mới đều là những cổ phiếu hàng đầu các nhóm ngành, các cổ phiếu blue chips chất lượng cao trong khi các cổ phiếu yếu hơn lại không được các nhà đầu tư quan tâm nhiều dẫn đến giá cổ phiếu hồi phục yếu.
Nhìn chung đúng là diễn biến phân hóa sẽ ngày càng sâu sắc cho dù đà tăng của nhiều cổ phiếu vẫn khá rõ nét. Các nhà đầu tư cũng sẽ chọn lọc cổ phiếu và mua bán tập trung ở những cổ phiếu chất lượng cũng là điều khiến thị trường khởi sắc.
Đà tăng của thị trường sẽ phụ thuộc nhiều vào sức mạnh của dòng tiền mua lên trong thời gian tới. Tôi vẫn cho rằng thị trường đang có diễn biến tích cực hơn là tiêu cực trong giai đoạn sắp tới.
Nhóm cổ phiếu dầu khí tăng rất tốt trong những phiên gần đây, một phần nhờ động lực của giá dầu thế giới đang tăng mạnh và cũng có dấu hiệu chốt lời về cuối tuần. Nhóm này khó có khả năng dẫn dắt thị trường do vốn hóa khá thấp (trừ GAS). Theo anh chị liệu nhóm cổ phiếu nào có khả năng dẫn dắt vào lúc này?
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Theo tôi giai đoạn này nhóm cổ thiếu dẫn dắt rất có thể là nhóm cổ phiếu họ nhà VIC kèm theo đó là sự đóng góp của các cổ phiếu ngành bán lẻ có vốn hóa lớn như FPT, MWG, PNJ. Ngoài ra rất có khả năng sẽ tham gia ở các cổ phiếu khác như VNM, các cổ phiếu ngân hàng vẫn còn khá tích cực sẽ đóng góp phần nào tạo động lực thúc đẩy thị trường.
Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank
Theo tôi nhóm đáng quan tâm nhất vẫn là cổ phiếu ngân hàng. Trái với lo ngại trước kỳ nghỉ, lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng đã ghi nhận mức giảm từ 0.2 – 1.4% tùy kỳ hạn. Việc được tiếp nhận dòng vốn với giá rẻ hơn trong khi mức giảm của lãi suất huy động là không đáng kể, NIM của các ngân hàng được dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao trong năm 2021.
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu bất động sản cũng là một lựa chọn đáng chú ý. Theo đó, việc lãi suất cho vay mua nhà đang ở mức thấp nhất 10 năm cũng dẫn đến sự gia tăng nhu cầu trên thị trường bất động sản. Nhu cầu gia tăng cùng với các dự thảo luật nhằm gỡ bỏ những khó khăn liên quan đến pháp lý được dự kiến thông qua trong năm 2021, thị trường bất động sản được dự báo sẽ ấm dần lên so với năm 2020.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Tôi thấy cổ phiếu ngân hàng vẫn là nhóm ảnh hưởng lớn đến thị trường, sau đó là các nhóm chứng khoán, bất động sản và dầu khí. Giai đoạn này sẽ không chỉ 1 nhóm ngành mà sẽ có thêm 1 vài nhóm ngành cùng tăng song hành trong giai đoạn đi lên của thị trường. Dù nhóm cổ phiếu dầu khí không phải là nhóm có sức lan tỏa ảnh hưởng lớn như nhóm Ngân hàng nhưng luôn là nhóm cổ phiếu nhạy khi nhu cầu năng lượng thế giới, kinh tế hay giá dầu hồi phục.
ĐÀO TUẤN TRUNG
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Ngay ở thời điểm hiện tại, với việc tác động của mùa báo cáo lợi nhuận quý 4 dần suy yếu, các thông tin vĩ mô khá trầm lắng, dự báo biến động giá các loại hàng hóa là không khả thi. Cá nhân tôi không nhìn ra nhóm cổ phiếu nào có cơ hội rõ nét dẫn dắt xu hướng thị trường chung trong ngắn hạn.
Dù vậy, đây cũng không phải là yếu tố đáng lo ngại. Trong nhiều giai đoạn, thị trường hoàn toàn có thể tăng giá đồng đều, hoặc luân phiên giữa các nhóm cổ phiếu khi các yếu tố khách quan diễn biến thuận lợi.
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Không chỉ ở thị trường trong nước mà ở thị trường lớn nhất thế giới như Mỹ, nhóm dầu khí cũng chiếm tỷ trọng thấp về vốn hóa do vậy khó có khả năng dẫn dắt thị trường. Ở thời điểm hiện tại, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn nổi bật với vai trò dẫn dắt thị trường khi mức tập trung vốn ở nhóm này vẫn chiếm tới 1/3 toàn thị trường, tiếp theo là nhóm vật liệu xây dựng, bất động sản, dầu khí….
Phiên điều chỉnh cuối tuần diễn ra ở thời điểm khá nhạy cảm trong ngắn hạn khi cả VN-Index lẫn VN30-Index đều kiểm định lại đỉnh cao tháng 1 vừa qua. Liệu thị trường có thể vượt đỉnh ngay trong tháng 2 hay không, hay vẫn cần một nhịp điều chỉnh để lấy đà?
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Quả thật là hơi khó dự đoán thị trường diễn biến như thế nào trong tương lai gần. Với những gì chúng ta chứng kiến diễn biến trong giai đoạn tháng 1, 2 gần đây thì việc thị trường vượt đỉnh chỉ là vấn đề thời gian. Duy chỉ có điều thị trường vẫn có thể điều chỉnh (có nhiều loại điều chỉnh tùy vào mức độ mạnh yếu của thị trường trong mỗi giai đoạn). Với một số cổ phiếu lớn đã vượt đỉnh như REE, FPT, HPG, TCB…thì có lẽ thị trường sớm tăng điểm vượt đỉnh. Không chỉ riêng tôi mà nhiều nhà đầu tư khác đều mong muốn thị trường vượt đỉnh ngay trong tuần cuối tháng 2.
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Tôi khá tự tin vào khả năng vượt đỉnh của thị trường trong 1 vài tuần tới, khi mà 2 yếu tố cơ bản cốt lõi nhất vẫn đang diễn biến thuận lợi. Đó là sự tăng trưởng của các doanh nghiệp niêm yết (phần nào thể hiện qua mùa báo cáo lợi nhuận quý 4 vừa qua), và mặt bằng lãi suất kỳ vọng tiếp tục duy trì ở mức thấp trong bối cảnh lạm phát chưa xuất hiện biến động đáng lo ngại.
Tuy nhiên, việc thị trường có vượt đỉnh ngay trong các phiên cuối tháng 2 hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố, đặc biệt là diễn biến dịch Covid-19 trong nước trong bối cảnh người dân quay trở về Hà Nội và Tp.HCM sau kỳ nghỉ tết Nguyên Đán.
TRẦN ĐỨC ANH
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Theo tôi nếu VN-Index điều chỉnh vào đầu tuần sau và điều chỉnh về vùng 1130 điểm rồi bật nảy lại thì thị trường khả năng cao sẽ dừng ở vùng 1210 điểm. Còn nếu thị trường tuần sau tốt và kéo lại lên vùng đỉnh cũ rồi chỉnh hoặc tích lũy thì VN-Index sẽ có thể tăng mạnh vượt đỉnh và lên vùng trên 1300 điểm.
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Theo quan điểm của tôi, khi chỉ số VN-Index gặp ngưỡng cản 1.200 điểm, đã có 1 cú "shake out" khá mạnh nên lần này để vượt đỉnh không cần phải có một nhịp điều chỉnh nữa. Tuy nhiên tôi không chắc chắn rằng liệu có vượt luôn trong tháng 2 hay không, đặc biệt thời gian còn lại trong tháng 2 còn rất ít. Tuy vậy tôi tin rằng trong năm nay thị trường sẽ lập kỷ lục mới về điểm số.
Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank
Thị trường trong giai đoạn cuối tháng 2/2021 đang hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để vượt đỉnh. Yếu tố đầu tiên liên quan đến diễn biến các kênh đầu tư khác cạnh tranh với chứng khoán. Lãi suất huy động tại các ngân hàng tiếp tục xu hướng giảm nhẹ trong khi giá vàng trong nước đang được neo ở mức khá cao so với giá vàng thế giới vốn đang ở mức thấp kỷ lục.
Ngoài ra, thị trường chứng khoán tiếp tục thu hút sự tham gia đông đảo của các nhà đầu tư F0 với 86,269 tài khoản được mở mới trong tháng 1/2021. Điều này giúp tỷ lệ người dân tham gia thị trường đạt mức 3% dân số. Cuối cùng, nhiều tổ chức uy tín trong nước và quốc tế đã đưa ra triển vọng lạc quan về tăng trưởng GDP Việt Nam trong năm 2021, với kịch bản cơ sở cho mức tăng nằm trong khoảng 5.8 – 6.5%.
Thanh khoản có tín hiệu cải thiện khá rõ sau Tết, chứng tỏ nhà đầu tư đã giải ngân mạnh hơn. Anh chị có gia tăng danh mục cổ phiếu hay không, tỷ trọng như thế nào?
NGÔ QUỐC HƯNG
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Tôi không giải ngân vào nhiều cổ phiếu như giai đoạn cuối năm 2020 hay giai đoạn đầu năm mà đã mua tập trung hơn với số lượng lớn ở một số mã trọng điểm. Tôi gia tăng cổ phiếu trước Tết nhưng không giải ngân mới ở các phiên giao dịch đầu năm. Tôi cũng đã thực hiện giảm tỷ trọng cổ phiếu trong các phiên cuối tuần qua.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Tôi có gia tăng tỷ trọng một phần những cổ phiếu đang nắm giữ trong tài khoản phiên trước tết và sau tết, lượng tỷ trọng này không lớn lắm.
Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank
Tôi đã tiến hành giải ngân thêm sau kỳ nghỉ Tết và duy trì tỷ trọng cổ phiếu/tiền ở mức vừa phải là 60/40.
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Tôi đã nâng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục lên mức trung bình cao từ trước Tết và chưa có ý định gia tăng thêm.
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Thị trường đang trong nhịp hồi về đỉnh cũ (cũng là đỉnh lịch sử), lúc này thanh khoản thị trường dù không cao như đợt thị trường tiếp cận đỉnh 1.200 điểm nhưng các yếu tố bất lợi cũng giảm đi, đặc biệt là chứng khoán toàn cầu đang trong xu hướng vượt đỉnh lịch sử.
Do thị trường vẫn còn mức cản cứng nên dù có giải ngân, tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục của tôi cũng chỉ chiếm 50%, xu hướng thị trường sẽ rõ ràng hơn nếu vượt đỉnh hoặc tích lũy để tạo đà vượt đỉnh có thể gia tăng danh mục cổ phiếu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận