Xu thế dòng tiền: Đồng thuận bắt đáy!
Thị trường đã xác lập một tuần tăng điểm trọn vẹn cuối tháng 7 và quan điểm thận trọng của các chuyên gia vẫn không thay đổi, nhưng lại đồng thuận về một nhịp phục hồi kỹ thuật tiếp diễn, đồng thời tham gia vào bắt đáy với tỷ trọng thấp...
Thị trường đã xác lập một tuần tăng điểm trọn vẹn cuối tháng 7 và quan điểm thận trọng của các chuyên gia vẫn không thay đổi, nhưng vẫn đồng thuận về một nhịp phục hồi kỹ thuật tiếp diễn, đồng thời tham gia vào bắt đáy với tỷ trọng thấp.
Những diễn biến lạc quan hơn trong tuần qua với việc các cổ phiếu blue-chips giảm sâu, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng, phục hồi đồng loạt đã cải thiện đáng kể tâm lý nhà đầu tư. Tuần trước các chuyên gia tỏ ra thận trọng duy trì tỷ trọng cổ phiếu thấp và không đánh giá cao nhịp hồi, nhưng cũng đã tham gia bắt đáy, phần lớn mang tính thăm dò.
Duy nhất một chuyên gia thực hiện giải ngân mạnh tuần qua, thậm chí có sử dụng margin. Tuy vậy đây cũng được xác định là giao dịch ngắn hạn và có kế hoạch giảm tỷ trọng trong tuần tới.
Đánh giá chung về diễn biến ngắn hạn, các chuyên gia vẫn giữ quan điểm từ trước, rằng đây chỉ là nhịp phục hồi kỹ thuật bình thường. Thanh khoản có cải thiện trong tuần khi quỹ ETF giao dịch nhưng tuần tới sẽ là thời gian kiểm nghiệm dòng tiền tốt hơn. Các mốc điểm số mà nhịp hồi này có thể đạt tới dự kiến trong khoảng 1.320 điểm tới 1.350 điểm, tức tương đương 50% hoặc 61,8% mức giảm từ đầu tháng 7.
Về trung hạn các tháng tới, các chuyên gia vẫn bảo lưu quan điểm kết quả kinh doanh của doanh nghiệp cũng như tăng trưởng kinh tế nói chung sẽ gặp khó khăn trong quý 3, khi tình hình dịch bệnh vẫn chưa rõ sẽ đạt đỉnh như thế nào. Thị trường vẫn chưa phản ánh hết các rủi ro này.
Thị trường đã tăng khá rực rỡ hai ngày cuối tuần và “đỉnh dịch là đáy chứng khoán” được cho là đang xảy ra. Anh chị có nghĩ như vậy không, hay nhịp tăng này vẫn chỉ là phục hồi kỹ thuật bình thường?
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Trong kịch bản lạc quan nhất, tôi kỳ vọng điều này xảy ra, đặc biệt là dịch bệnh sẽ được khống chế khi đã thực hiện giãn cách nghiêm ngặt ở nhiều tỉnh, thành phố.
Tuy vậy, đâu là đỉnh dịch thì lại là vấn đề quá khó khi không có chuyên môn về dịch tễ. Về thị trường, theo tôi đây vẫn là nhịp hồi kỹ thuật bình thường với hoạt động bắt đáy ở quy mô nhỏ.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Theo tôi quan điểm “đỉnh dịch là đáy chứng khoán” là phù hợp với giai đoạn hiện tại. Hiện tại khả năng đỉnh dịch khá cao khi các ổ dịch đã được phong tỏa và kiểm soát. Thị trường đã có phiên bùng nổ theo đà và xác nhận đáy. Tôi cho rằng khả năng có sóng mới là khá cao.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Thị trường đang có thể là sóng hồi từ vùng đáy và các 1 nhịp điều chỉnh ở quanh vùng 1.320 điểm ở tuần tới. Các nhà đầu tư vẫn nên thận trọng, hạn chế mua đuổi bởi các phiên rung lắc ở đầu tuần tới là hoàn toàn có thể diễn ra, nhất là trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đang ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư cộng thêm việc nhiều nhà đầu tư bắt đáy 2 tuần trước cũng có thể có động thái chốt lời đầu tuần tới.
Có lẽ nhịp hồi kỹ thuật cũng đúng ở khía cạnh thị trường đã không điều chỉnh mạnh ở mốc 1.280 điểm tuần trước thì dòng tiền sẽ tự tin mua vào hơn cho dù rủi ro điều chỉnh thêm vẫn hiện hữu.
Ông Lâm Gia Khang – Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank
Thị trường đã có nhịp điều chỉnh khá mạnh từ đỉnh và đưa chỉ số P/E về mức hấp dẫn. Ngoài ra, việc tình hình dịch bệnh chưa xuất hiện diễn biến mới phức tạp hơn giúp nhà đầu tư tự tin hơn khi xuống tiền, giúp thị trường tăng điểm cùng thanh khoản cải thiện so với tuần trước.
Kết quả kinh doanh quý 2/2021 đã xuất hiện gần đủ, lĩnh vực phi tài chính nào khiến anh chị bất ngờ về lợi nhuận? Theo anh chị liệu kết quả kinh doanh quý 3 bị ảnh hưởng từ làn sóng covid thứ 4 này đến đâu? Các doanh nghiệp niêm yết nào chịu tổn thương và dự báo lợi nhuận giảm?
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Theo tôi thấy kết quả kinh doanh giai đoạn này không có vấn đề bất ngờ. Kết quả kinh doanh quý 3 nhiều doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng và nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận. Tùy vào thời gian giãn cách mà mức độ ảnh hưởng sẽ nặng hay nhẹ. Theo tôi các doanh nghiệp có nhà máy đặt ở vùng dịch sẽ chịu ảnh hưởng và lợi nhuận sẽ sụt giảm.
Ông Lâm Gia Khang – Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank
Tôi không quá bất ngờ với kết quả kinh doanh quý 2 từ một số ít ngành hưởng lợi từ diễn biến phức tạp của dịch bệnh như cảng biển, bán lẻ, công nghệ khi các cổ phiếu nhóm này đã ghi nhận mức tăng mạnh từ trước đó.
Với diễn biến của làn sóng thứ 4, một số ngành có thể bị tác động tiêu cực trong nửa cuối năm là nhóm ngành dịch vụ (hàng không, du lịch), ngân hàng (nguy cơ phải tăng tỷ lệ trích lập dự phòng nợ xấu theo Thông tư 03). Ngoài ra, việc tiến hành giãn cách kéo dài có thể khiến các doanh nghiệp xuất khẩu như gỗ, thuỷ sản, dệt may không thực hiện kịp đơn hàng và bị phạt hợp đồng, ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận quý 3.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Có lẽ nhóm cảng biển, hóa chất, tài nguyên… luôn là những lĩnh vực nếu không nghiên cứu kỹ tình hình hoạt động của doanh nghiệp thì sẽ rất khó đưa ra dự báo chính xác về doanh thu, lợi nhuận ước tính. Vẫn có những nhóm doanh nghiệp nổi trội trong bối cảnh kinh tế vĩ mô khó khăn như nhóm cảng biển là ví dụ.
Tôi cho rằng khó khăn đến với nền kinh tế nói chung cũng như doanh nghiệp niêm yết nói riêng sẽ còn kéo dài ít nhất cho đến hết năm 2021. Số liệu kết quả kinh doanh của của 19 nhóm doanh nghiệp đang cho thấy nhóm cổ phiếu hàng không, nhóm dịch vụ, du lịch, kinh doanh thương mại, giáo dục & đào tạo…chịu ảnh hưởng và có tình hình kinh doanh giảm sút mạnh.
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Nhìn chung, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết thuộc lĩnh vực phi tài chính khả quan nhờ hưởng lợi từ giá cả hàng hóa tăng, tăng trưởng xuất khẩu,… Trong đó các doanh nghiệp có lợi nhuận tăng mạnh như hóa chất, cảng biển, bán lẻ,…
Tuy vậy theo tôi kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm chưa thực sự phản ánh hết bức tranh kinh doanh mà doanh nghiệp đang phải đối mặt, bởi làn sóng càn quét covid lần thứ 4 này và tác động này có thể được phản ánh rõ nét trong kết quả kinh doanh quý 3 sắp tới.
Tôi cho rằng các doanh nghiệp chịu tổn thương nhất sẽ là các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, không cạnh tranh được với doanh nghiệp đầu ngành. Một số doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng như: dệt may, vận tải, xây dựng và vật liệu xây dựng,…
Thị trường đang đi lên khá mạnh với thanh khoản cải thiện. Cổ phiếu ngân hàng cũng có tín hiệu tạo đáy và phục hồi. Về mặt kỹ thuật theo anh chị nhịp tăng này có thể tới ngưỡng nào, liệu có thể vượt lên đỉnh lịch sử mới?
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Theo tôi trong ngắn hạn thị trường sẽ vẫn có thể điều chỉnh ở khu vực 1.320 điểm ở các phiên đầu tuần tới. Tuần tới sẽ là tuần giao dịch khá quan trọng trong việc xác định xu hướng thị trường sắp tới. Chúng ta cần kiểm tra thêm thanh khoản tham gia vào thị trường – giá trị giao dịch sẽ cần tăng tốt để chúng ta có thể phần nào dự báo được xu hướng giai đoạn đầu tháng 8.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Theo tôi thị trường chạm vùng 1.330-1.340 sẽ có nhịp điều chỉnh nhẹ có thể sẽ test lại 1.300 điểm sau đó sẽ bật lại lên vùng đỉnh cũ. Thị trường trước mắt là kiểm nghiệm lại vùng đỉnh cũ, còn vượt hay không còn tùy thuộc vào dòng tiền và sẽ mất thời gian ở vùng đỉnh cũ trước khi vượt.
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Thị trường đã tăng trọn tuần vừa qua với mức dao động nhỏ trên nền thanh khoản đang dần được cải thiện là các tín hiệu rất tích cực. Tôi cho rằng về kỹ thuật, nhịp tăng này có thể đưa thị trường retest ngưỡng MA50 ở vùng 1.325 – 1.335 điểm.
Ông Lâm Gia Khang – Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank
Về mặt kỹ thuật mức 1.350 điểm sẽ là kháng cự nhà đầu tư cần chú ý. Việc thị trường tăng điểm với thanh khoản thấp hơn giai đoạn đầu năm nhưng không vượt qua được kháng cự này là tín hiệu đây chỉ là một nhịp hồi. Trong trường hợp ngược lại thì việc vượt đỉnh lịch sử là hoàn toàn khả thi.
Nhà đầu tư bắt đáy đang thắng, nhiều cổ phiếu đem lại lợi nhuận khá tốt, thậm chí “chạy” được hơn hai vòng T+3. Anh chị có tham gia vào nhịp tăng này không, tỷ trọng cổ phiếu giao dịch như thế nào?
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Giai đoạn này tôi tham gia giải ngân mạnh và đã dùng lượng lớn margin. Theo tôi giai đoạn tuần sau nhà đầu tư nào dùng margin có thể giảm bớt lượng margin ở giai đoạn giữa tuần vì khả năng cao sẽ có nhịp điều chỉnh nhẹ!
Ông Lâm Gia Khang – Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank
Tuần vừa qua tôi có tiến hành giải ngân với tỷ trọng rất thấp và đưa tỷ trọng cổ phiếu/tiền lên mức 55/45.
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Sau 3 tuần giảm liên tiếp, chỉ số VN-Index đánh mất 13,6% kể từ đỉnh đã thích kích hoạt động bắt đáy, thậm chí các vòng bắt đáy sau đó đều có thành quả. Do vậy, tôi cũng tham gia vào nhịp tăng vừa qua với tỷ trọng nhỏ 30% danh mục cổ phiếu.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Tôi cho rằng việc quản trị danh mục hiệu quả, thận trọng chịu đựng được các nhịp điều chỉnh mạnh (nếu có) hơn là nghĩ đến việc bắt đáy cổ phiếu gì. Thẳng thắn mà nói tuần giao dịch của qua có nhiều cơ hội giúp các nhà đầu tư giao dịch ngắn hạn có hiệu quả - tôi cũng có tham gia ở một vài cổ phiếu và có hiệu quả tốt. Tôi vẫn giữ cổ phiếu ở mức độ vừa phải và dành 1 phần tiền cho một vài cổ phiếu tốt nhất có khả năng xuất hiện trong giai đoạn tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận