Xu thế dòng tiền: Chuẩn bị cho phiên "break-out"
Mức tăng cả tuần qua của VN-Index gần như chỉ dồn vào phiên cuối tuần, phiên chốt NAV cuối quý 3...
Mức tăng cả tuần qua của VN-Index gần như chỉ dồn vào phiên cuối tuần, phiên chốt NAV cuối quý 3.
Diễn biến tích cực cuối tuần qua vẫn được các chuyên gia đánh giá thận trọng và không nên quá lạc quan vì có yếu tố thời điểm khi các quỹ thực hiện chốt giá trị danh mục đầu tư (NAV) cuối quý. Tuy nhiên mức độ tác động của hành động này tới diễn biến thị trường lại có sự khác biệt. Vẫn có các ý kiến cho rằng bên cạnh việc hỗ trợ chốt NAV vẫn có các giao dịch tích cực vì thị trường đang chuyển giao từ giai đoạn trống vắng thông tin sang kỳ vọng kết quả kinh doanh quý 3.
Ngoài ra, việc duy trì dòng tiền mạnh trong thị trường cũng sẽ hỗ trợ khả năng đột phá của VN-Index qua ngưỡng tâm lý 1.000 điểm. Khi đột phá thành công, dòng tiền cũng như tâm lý có cơ hội khai thông, dẫn đến sự lan tỏa tốt hơn của dòng tiền đang đứng ngoài.
Vị thế nắm giữ của các chuyên gia tiếp tục ở mức độ cân bằng. Chiến lược chờ đợi vẫn đang được thực hiện và sẽ tăng tỷ trọng cổ phiếu trong trường hợp thị trường đột phá thành công.
ÔNG NGUYỄN VIỆT QUANG
Lại mốc 1.000 điểm một lần nữa chỉ trong vòng 2 tuần. Có thể thấy VN-Index liên tục va chạm vào mốc 1.000 điểm trong 3 tháng qua và các nhịp điều chỉnh sau đều tạo đáy cao hơn và thời gian kiểm tra ngưỡng kháng cự này ngắn dần lại. Về mặt kỹ thuật đó là sự dồn nén đáng kể, anh chị đặt cược cho thị trường sẽ đột phá theo hướng nào?
Ông Nguyễn Hoàng Việt, Bộ phận Chiến lược thị trường –Chứng khoán Vietinbank
Về mặt kỹ thuật, đồ thị chỉ số VN-Index tạo mẫu hình bullish ascending triangle với ngưỡng breakout xác nhận tại ngưỡng 1,000 điểm. Tuy nhiên, để có thể xác nhận tín hiệu breakout thành công, chỉ số VN-Index trong các phiên giao dịch tới cần phải đóng cửa vượt lên khỏi ngưỡng 1,005 điểm.
Với diễn biến giao dịch có chiều hướng tích cực dần lên trong các phiên gần đây cùng với sự lan tỏa của dòng tiền, tôi nghĩ khả năng cho một kịch bản tích cực là khá cao.
Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Với quan điểm lạc quan, tôi kỳ vọng vào khả năng thị trường sẽ sớm bứt phá khỏi cận trên của kênh giá tích lũy hiện tương (tương ứng 1000-1005 điểm) để hướng đến các vùng kháng cự mạnh hơn trong quý 4/2019.
Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Đầu tuần, VN-Index chỉ giao dịch tương đối giằng co trong biên độ hẹp, khi nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn ghi nhận áp lực điều chỉnh giảm sau những phiên tăng khá mạnh trước đó như VHM, VIC, GAS,… và thậm chí đã có thời điểm chỉ số tiệm cận ngưỡng 980 điểm. Tuy nhiên, dòng tiền gia tăng mạnh mẽ trong hai phiên cuối tuần, đặc biệt là nhóm ngân hàng, nhóm chứng khoán và một số cổ phiếu "trụ" khác như VNM, GAS, BVH,… đã khiến VN-Index ghi nhận những phiên tăng điểm khá tích cực và tiến sát mốc kháng cự 1,000 điểm khi kết tuần.
Mặc dù vậy, thanh khoản tính chung cả tuần vẫn tương đối ổn định và không biến động quá lớn về giá trị hay khối lượng giao dịch so với tuần trước. Kết tuần giao dịch, VN-Index tăng 7.48 điểm (+0.75%) và dừng tại mức 997.84 điểm, trong khi HNX-Index tăng 0.63% lên mức 104.77 điểm.
Theo tôi VN-Index đang có cơ hội vượt 1,000 điểm và hướng tới 1,045 điểm khi mà mùa công bố kết quả kinh doanh quý III đang đến gần và là yếu tố hỗ trợ thị trường trong ngắn hạn.
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Về kỹ thuật VN-Index hồi phục tích cực từ tháng 1 đến hiện tại, với các đáy sau cao hơn đáy trước và gần đến điểm phá vỡ (break-out). Tôi cho rằng khả năng cao thứ 2 tuần tới thị trường tới điểm break-out, với thanh khoản tốt trên 3.000 tỷ, thị trường hướng tới mốc 1.080 điểm.
ÔNG NGUYỄN HOÀNG VIỆT
Kết quả đánh giá phân hạng thị trường của FTSE Russell có thể đã gây một chút thất vọng khi Việt Nam không có cơ hội được lọt hẳn vào danh sách nâng hạng. Tuy nhiên giao dịch ngày cuối tuần khá mạnh mẽ. Có thể suy luận rằng thị trường phản ứng tích cực trước thông tin như vậy thể hiện sức mạnh?
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Kết quả đánh giá phân hạng vừa qua thị trường Việt Nam chưa được nâng hạng lên thị trưởng mới nổi, nhà đầu tư đã phần nào nắm được qua truyền thông. Thị trường tích cực do một phần các tổ chức, quỹ đầu tư chốt NAV cuối quý 3 và một phần do tâm lý tích cực nhà đầu tư ở giai đoạn vừa qua.
Tôi cho rằng đây là cơ hội những nhà đầu tư tỷ trọng tiềm mặt cao giải ngân sẽ giúp thị trường có thể tiếp tục hồi phục tốt.
Ông Nguyễn Hoàng Việt, Bộ phận Chiến lược thị trường –Chứng khoán Vietinbank
Xét về các tiêu chí để được nâng hạng theo tiêu chuẩn của FTSE Russell thì tôi cho rằng thị trường Việt Nam đã đáp ứng được khá tốt, ngoại trừ tiêu chí thanh toán là vẫn bị đánh giá ở mức độ còn hạn chế.
Tuy vậy kết luận phản ứng của thị trường trong các phiên giao dịch cuối tuần vừa rồi là thể hiện sức mạnh cũng chưa hẳn đã chính xác, khi kịch bản Việt Nam không được xem xét nâng hạng đã được phần đông dự đoán từ trước đồng thời diễn biến tăng giá tích cực của nhóm blue-chips cũng bị ảnh hưởng khá lớn từ hiệu ứng đẩy giá cổ phiếu để kéo NAV của các quỹ.
Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Ngày 26/9, FTSE đã công bố kết quả xếp hạng thị trường chứng khoán. Ðịnh kỳ hàng năm, tổ chức này tiến hành hai đợt phân loại thị trường chứng khoán vào tháng 3 và tháng 9, theo đó, Việt Nam vẫn sẽ được giữ lại trong danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi sơ cấp. Đây là thông tin mà nhà đầu tư đã dự đoán được trước thời điểm công bố do đó thị trường dường như không phản ứng tiêu cực với thông tin này.
Đà tăng của thị trường đã được tạo đà từ những tuần trước đó chủ yếu tập trung lực kéo từ các cổ phiếu vốn hóa lớn nhóm VN30 đã giúp cho thị trường tăng điểm với thanh khoản và giá trị cao hơn tuần trước đó. Đây cũng là thời gian kéo NAV cuối quý của các quỹ, do đó chúng ta cũng không nên quá lạc quan khi mà chỉ số vẫn dao động trong biên độ 950-1.000 điểm.
Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Đây là thông tin đã nằm trong dự đoán của BVSC chúng tôi từ trước đó. Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa có bất kỳ sự cải thiện lớn và rõ rệt nào từ thời điểm Việt Nam được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng trong kỳ đánh giá tháng 9/2018.
Trong lần này, FTSE hé lộ lý do tại sao yếu tố "Thanh Toán Bù Trừ" vẫn bị đánh giá ở mức "Giới Hạn". Đó là do quy định yêu cầu nhà đầu tư phải ký quỹ đủ tiền mới được thực hiện giao dịch mua chứng khoán, được hướng dẫn trong thông tư 203/2015/TT-BTC. Đáng chú ý, đây cũng là lý do mà yếu tố "Thanh Toán - Ít Khi xảy ra Giao Dịch Thất Bại" bị đánh giá từ mức "Đạt" xuống mức "Không Có Thông Tin" trong kỳ đánh giá tháng 03/2019. Như vậy, việc khắc phục các yếu tố trên có ý nghĩa then chốt giúp Việt Nam sớm được nâng hạng trong kỳ đánh giá tới.
Do đây là điều được hướng dẫn trong Thông Tư nên việc thay đổi để đưa ra khắc phục không phải trải qua nhiều quy trình và mất nhiều thời gian như với trường hợp của Luật Chứng Khoán sửa đổi - cần phải có sự phê chuẩn và thông qua của Quốc hội. Trên cơ sở đó, có thể kỳ vọng rằng Việt Nam có thể được FTSE nâng hạng trong kỳ đánh giá năm 2020 do vào thời điểm đó Luật Chứng Khoán nhiều khả năng đã được thông qua và khiếm khuyết được chỉ ra bởi FTSE trong kỳ đánh giá lần này có thể được khắc phục bởi Nghị Định hoặc Thông Tư mới do bộ Tài Chính ban hành.
ÔNG TRẦN XUÂN BÁCH
Có quan điểm cho rằng thị trường tăng tốt tuần này chủ yếu do hiệu ứng đẩy NAV cuối quý 3 và chỉ mang tính thời điểm. Anh chị có thấy như vậy không? Liệu điều đó có đồng nghĩa với việc thị trường tăng trong tuần không thật sự chắc chắn?
Ông Nguyễn Hoàng Việt, Bộ phận Chiến lược thị trường –Chứng khoán Vietinbank
Tôi nghĩ sẽ là rất khó để có thể đưa ra một nhận định chính xác nhất là trong bối cảnh thị trường Việt Nam đang chuyển giao giữa giai đoạn thiếu vắng thông tin hỗ trợ sang mùa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 và lũy kế 9 tháng 2019. Do đó, trong giai đoạn này sẽ xảy ra hiện tượng phân hóa cổ phiếu mạnh.
Hiệu ứng đẩy giá cổ phiếu kéo NAV nếu có cũng không quan trọng bằng việc dòng tiền có sẵn sàng tham gia vào thị trường hay không. Đây mới là yếu tố quyết định xem chỉ số VN-Index có thể vượt được ngưỡng kháng cự khó nhằn 1,000 hay không và nếu vượt được rồi thì có thể xây nền ổn định tại đây trước khi tiếp tục hướng tới các ngưỡng điểm cao hơn.
Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Hiệu ứng này được thể hiện không rõ rệt trong tuần qua và tôi cho rằng việc thị trường tăng điểm nhưng chưa thực sự thuyết phục do có sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu và áp lực chi phối của một vài cổ phiếu vốn hóa lớn trong tuần qua là do tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước ngưỡng cản tâm lý 1000 điểm.
Khi vùng kháng cự này bị chinh phục, đà tăng của thị trường sẽ có sự lan tỏa tích cực hơn với sự tham gia mạnh mẽ hơn của dòng tiền đang đứng ngoài thị trường.
Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Cũng không loại trừ khả năng kéo NAV của các quỹ vào các ngày cuối quý. Tuy nhiên tôi nghiêng về kịch bản thị trường sẽ đi lên trong quý 4 khi mà mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 đến gần và thời gian tích lũy của thị trường cũng đã khá dài. Lúc này chỉ cần dòng tiền vào thị trường là có thể kích hoạt thị trường tăng vượt 1000 điểm.
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Thanh khoản thị trường cuối tuần đã cải thiện tốt, một phần do đẩy NAV, đạt 3.358,9 tỷ đồng (chưa bao gồm thỏa thuận) là rất tích cực. Nếu thanh khoản tiếp tục duy trì với sự lan tỏa dòng tiền thị trường tiếp tục xu hướng hồi phục, tăng sẽ chắc chắc và bền vững hơn.
ÔNG TRẦN HỮU PHÚC
VN-Index vẫn chưa thể vượt được mốc 1.000 điểm và nếu theo quan điểm của anh chị tuần trước thì vẫn nên giữ vị thế trung tính. Trên thực tế anh chị có thay đổi gì trong tuần hay không?
Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Tôi tiếp tục nâng nhẹ tỷ trọng danh mục của mình lên mức 50% cổ phiếu trong tuần qua. Nếu thị trường breakout thành công qua vùng kháng cự 1000-1005 điểm, tôi dự kiến sẽ mở thêm các vị thế mua mới để nâng tỷ trọng cho dạnh mục trong các nhịp điều chỉnh sau đó của thị trường.
Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
VN-Index bật tăng sau khi kiểm định thành công mốc 980 điểm, cho thấy đây là ngưỡng hỗ trợ đáng tin cậy trong ngắn hạn. Lực cầu bắt đáy luôn sẵn sàng xuất hiện và nâng đỡ VN-Index mỗi khi chỉ số chung giảm sâu, trong đó tâm điểm là nhóm ngành ngân hàng.
Chỉ số chung tiệm cận ngưỡng kháng cự "cứng" 1.000 điểm có khả năng sẽ kích hoạt áp lực chốt lời ngắn hạn trong một vài phiên tới. Do vậy, tôi vẫn khuyến nghị nhà đầu tư không nên mua đuổi những cổ phiếu đã tăng quá nhiều mà nên tập trung vào các cổ phiếu có kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm tốt và có mức giá hấp dẫn.
Ông Nguyễn Hoàng Việt, Bộ phận Chiến lược thị trường –Chứng khoán Vietinbank
Tôi vẫn giữ nguyên tỷ trọng danh mục của mình ở mức 50% và sẽ chỉ giải ngân thêm nếu xác nhận tín hiệu chỉ số VN-Index vượt ngưỡng 1,005 thành công.
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Như tôi đã trình bày trước ở những nhận định trước, dòng ngân hàng đang dẫn dắt với cổ phiếu: VCB tiêu biểu, kết hợp với sự hồi phục của cổ phiếu dòng dầu khí, cổ phiếu vốn hóa lớn: VNM, MSN, SAB, VIC kết hợp với gia tăng tỷ trọng ở những đợt điều chỉnh những cổ phiếu dẫn dắt đang nắm giữ khi điều chỉnh. Nhà đầu tư có thể giải ngân mới ở những cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt, kết quả kinh doanh tăng trưởng quý 3 và cuối năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận