menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Đồng Khoa

Xoay tít tam giác Mỹ-Đài Loan-Trung Quốc

Trong ván bài địa chính trị Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Đài Loan (Trung Quốc) đóng vai trò quan trọng trong cuộc đấu trí giữa Washington và Bắc Kinh.

Chưa đầy hai tuần, phía Mỹ có hai chuyến công du tới Đài Bắc làm nổi sóng eo biển Đài Loan. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đặt chân tới Đài Bắc tối 2/8 và gặp nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn sáng 3/8. Ngày 14/8, năm thành viên của Quốc hội Mỹ, do Thượng nghị sĩ Edward Markey dẫn đầu, thăm Đài Bắc trong hai ngày, gặp bà Thái Anh Văn và các lãnh đạo cấp cao khác của Đài Loan để thảo luận về quan hệ Mỹ-Đài Loan, các vấn đề an ninh khu vực, thương mại (trong đó có vấn đề chip bán dẫn) và biến đổi khí hậu. Ngày 17/8, phía Canada thông báo, một đoàn nghị sĩ Canada lên kế hoạch thăm Đài Loan trong tháng 10.

Xoay tít tam giác Mỹ-Đài Loan-Trung Quốc ảnh 1

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn sáng 3/8 tại Đài BắcẢnh: Getty Images

Được-mất từ các chuyến thăm

Hai chuyến thăm Đài Loan gần đây của các nghị sĩ Mỹ, đặc biệt là chuyến công du của bà Pelosi, gặt hái nhiều trái ngọt, dù gây sóng gió cho quan hệ Mỹ-Trung và khiến tình hình eo biển Đài Loan có lúc tới điểm sôi nổi bong bóng. Các chuyến thăm đã giúp cải thiện uy tín của Mỹ với tư cách là người ủng hộ, người bảo vệ có tâm, đã nói là làm trong mắt Đài Loan cũng như các đồng minh, đối tác khác của Mỹ. Dù thực tế nội bộ chính giới Mỹ có chia rẽ, bất đồng về việc bà Pelosi có nên thăm Đài Loan hay không thì điều này cũng chứng tỏ cuối cùng, Mỹ cũng sẵn sàng xử lý vấn đề nội bộ, chấp nhận rủi ro đối nội, đối ngoại, an ninh-an toàn cá nhân để bày tỏ sự ủng hộ cũng như sự sẵn sàng bảo vệ Đài Loan một cách trực tiếp nhất, thiết thực nhất, không phải là đãi bôi, dễ làm khó bỏ.

Chuyến thăm của bà Pelosi cũng trực tiếp truyền cảm hứng, tiếp sức cho các hoạt động vì tự do, dân chủ, nhân quyền kiểu Mỹ ở Đài Loan nói riêng, trên thế giới nói chung ở cả cấp độ quốc gia, lãnh thổ và cấp độ cá nhân. Sáng 3/8, khi gặp bà Thái Anh Văn ở thành phố Đài Bắc, bà Pelosi phát biểu: “Hôm nay, phái đoàn của chúng tôi đã đến Đài Loan để nói rõ ràng dứt khoát rằng chúng tôi sẽ không từ bỏ cam kết của mình với Đài Loan… Đài Loan là một trong những xã hội tự do nhất trên thế giới”. Chiều 3/8, bà Pelosi gặp mặt một số nhà hoạt động dân chủ, nhân vật bị Bắc Kinh coi là bất đồng chính kiến.

Chuyến thăm của bà Pelosi và của 5 nghị sĩ Mỹ sau đó còn tạo điều kiện cho tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư Mỹ-Đài Loan, đặc biệt trong lĩnh vực trọng yếu là bán dẫn. Chiều 3/8, tại Đài Loan, bà Pelosi gặp ông Mark Liu - chủ tịch TSMC (Công ty TNHH Sản xuất chế tạo chất bán dẫn Đài Loan - nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới). Nội dung cuộc gặp giữa bà Pelosi và ông Liu không được tiết lộ, nhưng chắc chắn có bàn tới việc hợp tác sản xuất, phân phối chip (dùng trong ô tô, điện tử tiêu dùng, thiết bị gia dụng, thiết bị y tế, nông nghiệp, quốc phòng…) giữa Mỹ và Đài Loan. TSMC có công ty con WaferTech ở bang Washington của Mỹ, có kế hoạch rót 12 tỷ USD xây nhà máy chip ở bang Arizona của Mỹ… Theo nhiều chuyên gia kinh tế, công nghệ, bà Pelosi và ông Liu còn có thể đã bàn về việc tăng số lượng học bổng cho sinh viên, nghiên cứu sinh Đài Loan theo học ở Mỹ trong các ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật/cơ khí và toán học). Theo Đạo luật CHIPS và Khoa học 2022 (Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành ngày 10/8), các nhà sản xuất bán dẫn của Mỹ sẽ được trợ cấp 52 tỷ USD để tăng cường nghiên cứu, thiết kế và sản xuất, tăng cường chuỗi cung ứng chip của Mỹ, củng cố kinh tế và an ninh quốc gia. Mỹ sẽ ưu đãi về tín dụng và thuế cho thiết kế, sản xuất chip.

Xoay tít tam giác Mỹ-Đài Loan-Trung Quốc ảnh 2

Quân đội Trung Quốc phóng tên lửa vào vùng biển phía đông đảo Đài Loan trong cuộc tập trận ngày 4/8ảnh: Xinhua

Phản ứng mạnh của Bắc Kinh

Tuy nhiên, hai chuyến thăm Đài Loan cũng làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc, ảnh hưởng việc khôi phục thương mại, đầu tư với Trung Quốc và làm giảm sự ủng hộ của Trung Quốc đối với Mỹ trong các vấn đề khu vực và toàn cầu. Đồng thời, tạo cớ tốt, điều kiện thuận lợi cho Trung Quốc và đồng minh (Nga, Triều Tiên) lên tiếng chỉ trích Mỹ, cho Trung Quốc tiến hành các hoạt động đối phó, trả đũa ở cấp độ chưa từng thấy (tập trận sát Đài Loan nhất từ trước tới nay, cấm xuất nhập khẩu hàng nghìn mặt hàng, trừng phạt bà Pelosi và gia đình, hủy và hoãn nhiều hoạt động hợp tác song phương với Mỹ…). Ngoài ra, phía Mỹ phải đối mặt sự trách cứ, tâm lý bất an của một bộ phận lãnh đạo và dân thường Đài Loan cũng như những nước, vùng lãnh thổ có hoàn cảnh tương tự.

Trong khi nhận được sự tôn trọng, cam kết ủng hộ, bảo trợ, bảo vệ của Washington, Đài Bắc bị Bắc Kinh trừng phạt, đe dọa đẩy nhanh tiến độ thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết. Sáu địa điểm Trung Quốc tập trận quanh Đài Loan gần bờ biển Đài Loan hơn các cuộc tập trận trong cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ ba (năm 1995). Theo tọa độ mà Xinhua đăng tải, một số nơi tập trận chồng vào phần tiếp giáp lãnh hải, thậm chí lãnh hải của Đài Loan.

Trong khi đó, Bắc Kinh có điều kiện gia tăng chủ nghĩa dân tộc và chuyển lửa ra bên ngoài. GS James Borton, chuyên gia cao cấp của Viện Chính sách đối ngoại, Đại học Johns Hopkins, Mỹ (tác giả cuốn sách về Biển Đông “Dispatches from the South China Sea: Navigating to Common Ground” đang được dịch ra tiếng Việt), nói với phóng viên Tiền Phong: “Dù tôi tin rằng đó là lợi ích quốc gia của Mỹ để bảo vệ nền dân chủ của Đài Loan, nhưng chuyến thăm mang tính biểu tượng này không đúng thời điểm và chỉ phục vụ cho việc khơi dậy căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh. Nó cho phép các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc kích động chủ nghĩa dân tộc, đánh lạc hướng và chuyển hướng sự chú ý của công chúng khỏi các vấn đề thực tế liên quan đến chính sách phong tỏa để phòng chống COVID-19 hiện nay, nguy cơ sụp đổ thị trường bất động sản, khủng hoảng ngân hàng nghiêm trọng”.

Căng thẳng eo biển Đài Loan chưa đến mức quá nghiêm trọng, dẫu tàu thuyền, máy bay các nước phải đổi hướng trong thời gian Trung Quốc tập trận, ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Và đặc biệt, nhiều nước sẽ phải đối mặt sức ép gia tăng chọn phe giữa Trung Quốc và Mỹ. Thời gian tới, nhất là tháng 9 khi các nước bắt đầu đàm phán về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, rồi Trung Quốc chuẩn bị Đại hội Đảng, cả Bắc Kinh và Washington được dự báo có nhiều động thái mới để thu hút đồng minh, đối tác về phía mình.

Hai chuyến thăm của các nghị sĩ Mỹ tới Đài Loan hồi tháng 8 vừa qua cũng là dịp tốt để Trung Quốc thực hiện đồng bộ và đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm tiến hành cả ba cuộc chiến - chiến tranh chính trị, chiến tranh tâm lý và chiến tranh thông tin.

Chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi góp phần cải thiện hình ảnh cá nhân bà và đảng Dân chủ trước cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ ngày 8/11. Để giành thế thượng phong trong cuộc bầu cử giữa kỳ, tiếp tục kiểm soát được lưỡng viện như hiện nay, đảng Dân chủ và Tổng thống Mỹ Joe Biden phải giải quyết hiệu quả các thách thức đối nội, đối ngoại, trong đó có xung đột Nga-Ukraine, quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan, kiềm chế Trung Quốc…

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
4 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại