Xếp hạng tín nhiệm sắp có... “đất diễn”
Với định hướng đẩy mạnh hoạt động xếp hạng tín nhiệm góp phần làm minh bạch thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), dịch vụ xếp hạng tín nhiệm được kỳ vọng sẽ có tiềm năng phát triển tốt trong thời gian tới. Song, nhiều ý kiến cho rằng vẫn còn trở ngại từ nhu cầu thực tế của thị trường và văn hóa đầu tư TPDN hiện nay.
Quyết định phê duyệt Chiến lược tài chính đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành nêu rõ yêu cầu tập trung phát triển thị trường TPDN. Một trong những nội dung đáng chú ý là thúc đẩy dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, khuyến khích các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế tham gia cung cấp dịch vụ tại thị trường Việt Nam.
Bộ Tài chính cho biết, hoạt động cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam hiện còn rất hạn chế, nhà đầu tư chưa có thói quen lựa chọn đầu tư vào TPDN có xếp hạng tín nhiệm.
Để thúc đẩy vai trò và hoạt động của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán quy định các trường hợp doanh nghiệp phải có xếp hạng tín nhiệm và lộ trình thực hiện.
Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu riêng lẻ đang được Bộ Tài chính hoàn thiện cũng đề xuất bổ sung quy định về xếp hạng tín nhiệm đối với một số loại trái phiếu phát hành. Theo đó, hồ sơ chào bán TPDN phải bao gồm kết quả xếp hạng tín nhiệm của tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu và trái phiếu phát hành trong trường hợp phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, phát hành trái phiếu không có tài sản bảo đảm, không có bảo lãnh thanh toán, doanh nghiệp phát hành có kết quả kinh doanh của năm liền trước năm phát hành lỗ hoặc có lỗ lũy kế tính đến năm phát hành.
Với định hướng phát triển như trên, nhiều ý kiến cho rằng hoạt động xếp hạng tín nhiệm sẽ có nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Minh Tú, Giám đốc điều hành Khối Xếp hạng tín nhiệm FiinRatings của FiinGroup, xếp hạng tín nhiệm tuy không phải là “cây đũa thần” giúp giải quyết mọi vấn đề của thị trường trái phiếu, nhưng nếu hình dung chúng ta di chuyển trên đường mà thiếu tín hiệu đèn giao thông hoặc biển báo giao thông thì sẽ nguy hiểm như thế nào, do đó xếp hạng tín nhiệm cũng chính là “tín hiệu giao thông” để tất cả các chủ thể tham gia thị trường trái phiếu tương tác một cách hiệu quả và bền vững.
Ông Tú cho rằng, triển vọng phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm là lớn nhưng nhu cầu thực tế còn thấp vì văn hóa xếp hạng tín nhiệm cần thời gian để thay đổi, bao gồm cả vấn đề sử dụng kết quả xếp hạng của nhà đầu tư, thay đổi pháp lý, năng lực và danh tiếng của các đơn vị xếp hạng tín nhiệm...
“Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là những doanh nghiệp tốt lại chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc xếp hạng tín nhiệm. Điều này làm giảm giá trị của xếp hạng tín nhiệm khi được công bố vì nhà đầu tư sẽ không có sự so sánh để nhận biết rõ ràng đâu là doanh nghiệp có mức an toàn cao hoặc rủi ro cao trên thị trường vốn nói chung cũng như trong một ngành nhất định mà họ quan tâm”, ông Tú nói.
Theo TS. Châu Đình Linh, giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, xếp hạng tín nhiệm với doanh nghiệp là yếu tố cần thiết để thị trường TPDN nói riêng và thị trường tài chính nói chung vận hành một cách bài bản, tăng tính minh bạch và giảm rủi ro cho nhà đầu tư.
“Trong thời gian tới, hoạt động xếp hạng tín nhiệm chắc chắn có tiềm năng phát triển dù trước mắt vẫn còn nhiều trở ngại”, ông Linh nói.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, hoạt động xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp sẽ phát triển song hành và tương hỗ với thị trường TPDN. Vì vậy, khi kênh huy động vốn từ TPDN được chú trọng, thu hút nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư, thị trường đi vào quy củ thì hoạt động xếp hạng tín nhiệm chắc chắn có dư địa phát triển tốt.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận