Xem xét điều chuyển khối lượng nhà thầu thi công chậm cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ
Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành thông báo kết luận của Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm tại cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, giai đoạn 1.
Đánh giá về công tác giải phóng mặt bằng của dự án, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho biết, mặc dù công tác giải phóng mặt bằng trên tuyến chính đã hoàn thành nhưng vẫn còn khoảng 0,18 km tại phạm vi nút giao Quốc lộ 80 thuộc địa phận tỉnh Vĩnh Long chưa được bàn giao, nếu không giải quyết dứt điểm trước ngày 15/10/2022 sẽ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án.
"Về công tác tổ chức triển khai thi công, Bộ Giao thông vận tải ghi nhận sự nỗ lực của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, các nhà thầu thi công và các đơn vị trong việc tổ chức triển khai thi công thời gian qua, một số đoạn tuyến mặc dù mới được bàn giao mặt bằng từ tháng 4/2022 nhưng đến nay cũng đã được thi công hoàn thành đắp gia tải giai đoạn 1, một số gói thầu chậm tiến độ nhưng cũng đã tổ chức thi công bắt nhịp được so với tiến độ chung của dự án", Văn bản nêu rõ.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho rằng, dù đã đạt được một số kết quả nhưng nhìn chung tiến độ thi công vẫn còn chậm, chưa đáp ứng được tiến độ yêu cầu. Công tác đắp gia tải giai đoạn 2 chậm triển khai, các cầu trên tuyến cũng chưa hoàn thành theo mốc tiến độ chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải.
"Công tác triển khai thi công còn rời rạc, chưa khoa học, không có sự phối hợp và hỗ trợ giữa các đơn vị, đặc biệt trong việc tổ chức triển khai thi công các hạng mục, duy trì đường công vụ phục vụ vận chuyển vật liệu", Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm đánh giá.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm, khối lượng thi công còn lại của dự án phải hoàn thành rất lớn (50% giá trị hợp đồng), trong khi thời gian còn lại không nhiều và vẫn phụ thuộc vào kết quả theo dõi lún để dỡ tải, đường găng về tiến độ chưa được xử lý dứt điểm (đắp gia tải giai đoạn 2).
Để đảm bảo hoàn thành các gói thầu theo đúng tiến độ của hợp đồng như cam kết của các đơn vị, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Vĩnh Long và các đơn vị liên quan xử lý dứt điểm các vướng mắc về mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật ảnh hưởng đến việc thi công tuyến chính và các nút giao, bàn giao cho các nhà thầu trước ngày 15/10/2022. Đối với các khối lượng giải phóng mặt bằng còn lại của dự án, hoàn thành trong tháng 11/2022 để tổ chức thi công công trình ngay sau khi dỡ tải.
Về tổ chức thi công, trên cơ sở tiến độ hoàn thành các gói thầu theo điều kiện hợp đồng, thời gian dỡ tải tính toán, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, tư vấn giám sát và các nhà thầu cần rà soát, cập nhật lại tiến độ thi công chi tiết, đưa các mốc thời gian cụ thể để hoàn thành các hạng mục, trong đó phải xem xét các giải pháp tăng tải để rút ngắn thời gian chờ lún, kèm theo kế hoạch huy động các nguồn lực (xe máy, thiết bị, nhân lực,…) để tổ chức triển khai thi công.
“Tiến độ lập lại phải đảm bảo việc hoàn thành công tác gia tải giai đoạn 2 trong tháng 10/2022 và hoàn thành các cầu, đường đầu cầu trên tuyến chính trong tháng 11/2022. Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, tư vấn giám sát rà soát, đưa ra các mốc tiến độ cụ thể cho từng hạng mục, từng nhà thầu tại các gói thầu, kèm theo các nguồn lực tài chính để triển khai thi công; yêu cầu các nhà thầu ký cam kết về tiến độ thực hiện cũng như kế hoạch huy động nguồn lực tài chính để tổ chức triển khai thi công", Bộ Giao thông vận tải yêu cầu.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm yêu cầu Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận rà soát, đánh giá khả năng hoàn thành của các nhà thầu cho khối lượng còn lại để xem xét điều chuyển khối lượng, bổ sung thầu phụ đảm bảo tiến độ của toàn dự án. Đối với các nhà thầu không có khả năng hoàn thành, khẩn trương có giải pháp xử lý theo quy định hợp đồng, không làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành chung.
“Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận yêu cầu lãnh đạo các nhà thầu phải thường xuyên có mặt tại hiện trường để chỉ đạo, điều hành, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, kiện toàn và củng cố Ban điều hành công trường để xử lý các thủ tục nghiệm thu, thanh toán và giải ngân", Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo.
Bộ Giao thông vận tải yêu cầu, các nhà thầu khẩn trương huy động máy móc, thiết bị, nhân vật lực, nguồn tài chính để tổ chức triển khai thi công hoàn thành các hạng mục theo đúng tiến độ cam kết. Đặc biệt, đối với hạng mục đắp gia tải giai đoạn 2 và công tác hoàn thiện các cầu, đường đầu cầu để thông toàn bộ tuyến vào cuối tháng 11/2022 phục vụ thi công móng mặt đường tuyến chính.
Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cần chỉ đạo tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế, các nhà thầu tổ chức quan trắc, theo dõi lún theo quy định, tính toán để quyết định chiều cao gia tải, thời gian gia tải đảm bảo yêu cầu của dự án; rà soát khối lượng thi công các hạng mục cấp phối đá dăm, đắp đất bao, đắp cát,… để tính toán sử dụng vật liệu gia tải hợp lý. Đồng thời, chỉ đạo các nhà thầu khẩn trương huy động trạm trộn bê tông nhựa, thực hiện công tác thiết kế thành phần hỗn hợp,… để có thể tổ chức thi công ngay khi có công địa.
Đối với đề nghị của các nhà thầu về việc tạo điều kiện tạm ứng khối lượng vật tư, cấu kiện bán thành phẩm,… Bộ Giao thông vận tải giao Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận nghiên cứu để xử lý linh hoạt, phù hợp với các quy định để tháo gỡ nguồn tài chính cho các nhà thầu.
"Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, tư vấn giám sát, các nhà thầu tăng cường công tác nội nghiệp, khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để nghiệm thu, thanh toán kịp thời và đảm bảo kế hoạch giải ngân vốn được giao", Bộ Giao thông vận tải yêu cầu.
Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có tổng chiều dài gần 23 km, đi qua địa bàn 2 tỉnh Vĩnh Long (12,53 km) và Đồng Tháp (10,44 km). Dự án được đầu tư quy mô giai đoạn hoàn chỉnh gồm 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25m. Giai đoạn 1 được đầu tư quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m. Tổng mức đầu tư dự án hơn 4.826 tỷ đồng. Dự án được khởi công năm 2021 và dự kiến hoàn thành năm 2023. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận