Xây dựng thương hiệu Việt hậu M&A
Cứ mỗi mùa giải Ngoại hạng Anh (Premier League), người hâm mộ bóng đá Việt Nam lại đứng ngồi không yên.
Trong suốt mùa giải 2018 - 2019, logo và tên thương hiệu Bia Sài Gòn (Sabeco) xuất hiện trên áo Câu lạc bộ Leicester City khiến bao trái tim Việt thổn thức. Logo Bia Sài Gòn cũng sẽ xuất hiện trên phông bạt hậu cảnh phỏng vấn sau trận đấu, các bảng quảng cáo điện tử, cũng như tại các hoạt động giao lưu với các cổ động viên.
Sabeco không phải là thương hiệu duy nhất xuất hiện tại Premier League. Đã từng có Công ty cổ phần Tôn Đông Á, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai làm điều đó.
Song chỉ có Sabeco xuất hiện trên áo đấu Leicester City. Đáng chú ý hơn, động thái này diễn ra sau khi ThaiBev, thông qua Công ty TNHH Vietnam Beverage, chi 5 tỷ USD mua 53,6% vốn của Sabeco. Người Thái đã chính thức nắm giữ những cương vị quan trọng, như Chủ tịch HĐQT, Giám đốc bán hàng và tài chính.
Ông chủ người Thái đã chính thức lên tiếng sẽ phát triển thương hiệu Sabeco và sẽ gắn bó không rời, sẽ đưa Sabeco đủ sức cạnh tranh toàn cầu để người Việt có thể thực sự tự hào về Sabeco và Bia Saigon… Và ông cũng mạnh tay chi tiền để quảng bá hình ảnh của Sabeco ra toàn cầu.
Mặc dù vậy, vẫn có không ít người Việt còn hoài nghi về động thái trên, bởi biết đâu vào một ngày nào đó, ông chủ người Thái sẽ thay đổi kế sách? Hơn nữa, nếu Sabeco đặt mục tiêu trọng tâm là thông qua kênh quảng bá này để bán sản phẩm nhiều hơn ra thị trường thế giới thì chưa đủ. Bởi lẽ, để tiếp thị, quảng bá sản phẩm ra thị trường thế giới, doanh nghiệp phải giới thiệu dưới nhiều hình thức, trong đó, sản phẩm cần đảm bảo chất lượng và giá trị nhất định.
Ở góc độ này, lại nhớ đến thương vụ M&A cách đây một thập kỷ. Đó là thương hiệu Diana do ông chủ Việt Nam khai sinh và là một trong những thương vụ tốt nhất châu Á năm 2011 khi 95% cổ phần của Diana được bán cho Tập đoàn Unicharm (Nhật Bản) với giá hơn 180 triệu USD.
Sau một thập kỷ đi cùng nhau, bên bán vẫn đang ngồi trên ghế nóng tại doanh nghiệp, còn bên mua cũng đang thực thi các cam kết một cách chuẩn chỉ. Đó là giữ nguyên thương hiệu Diana, đưa các dòng sản phẩm vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Unicharm trên thế giới. Nếu ông chủ mới có thay đổi, thì đó chỉ là khoác lên Diana diện mạo mới qua thiết kế bao bì để có hình ảnh thương hiệu phù hợp hơn với thị hiếu người tiêu dùng.
Và còn rất nhiều thương vụ khác mà người Việt - với tư cách là bên bán - có nhiều kỳ vọng sau đó. Đó là “liên minh” 1,1 tỷ USD giữa Masan - Singha (nhà sản xuất bia hàng đầu Thái Lan) giống như 1 + 1 =… 5, với kỳ vọng tạo thế lực lớn trong ngành thực phẩm và đồ uống ở Đông Nam Á.
Những thương vụ trên cho thấy, “không có M&A, thì thương hiệu Việt khó xuất hiện trên thế giới” như lời một chuyên gia nước ngoài nói là có cơ sở. Thương hiệu Việt sẽ khó cất cánh ra toàn cầu khi nó được hạch toán bằng VND, với chênh lệch tỷ giá có lúc lên tới 10% và với lãi suất cho vay có thời điểm lên tới 18%/năm. Trong điều kiện như vậy, doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng phát triển trong nước đã khó, chưa nói đến việc tích lũy vốn để ra toàn cầu và có lãi. Nếu tiếc rẻ một con cá to ở trong ao, thì có thể sẽ khiến con cá đó chết vì thiếu không khí. Chính vì vậy, phải chấp nhận đánh mất cơ hội ở đâu đó, để bước vào cuộc chơi toàn cầu.
Dĩ nhiên, cũng có lý do để lo ngại về sự biến mất của thương hiệu Việt hậu M&A bởi còn những thương vụ khiến chính người trong cuộc ngỡ ngàng, tiếc nuối.
Đó là “cuộc chiến” giữa bánh kẹo Bibica và Lotte khi Lotte đầu tư vào Bibica vì muốn biến Bibica thành nơi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của Lotte tại thị trường Việt Nam. Rồi Kem đánh răng Dạ Lan (thuộc Công ty Hoá mỹ phẩm Sonhai) bán cho Công ty Colgate-Palmolive (Mỹ) từ 2 thập kỷ trước với giá 5 triệu USD.
Nếu nói về tiền, thương vụ này là quyết định đúng đắn, song đó lại là sai lầm lớn của ông chủ người Việt. Sai lầm trên xuất phát từ việc, khi đối diện với làn sóng đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp đã không đo lường được những thủ thuật trong liên doanh, M&A… và do doanh nghiệp không có được nhà tư vấn có tâm và tầm.
Trong cuộc chơi M&A, Việt Nam đã nâng tầm được uy tín của quốc gia khi thu hút được không ít đối tác lớn sẵn sàng đầu tư vốn, nhân lực, công nghệ. Trong cuộc chơi này, người tiêu dùng sẽ có cơ hội được trải nghiệm với những sản phẩm tốt. Và một khi chiếm được lòng tin người tiêu dùng, thì doanh nghiệp sẽ không sợ mất thị trường về tay khối ngoại.
Dĩ nhiên, cái mất là khi doanh nghiệp trong nước không còn do người Việt làm chủ. Đây là sự đánh đổi mà ở các quốc gia có nền kinh tế phát triển, họ đều trải qua và đã thành công khi nhận được sự hỗ trợ sát sao của các cơ quan chức năng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận