Xây dựng không phép tại TP.HCM: Chuyện "con voi" vẫn "chui lọt lỗ kim"
Từ năm 2017 đến nay, tổng số công trình xây dựng không phép không đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh là 2.573 trường hợp.
Chuyện xây dựng không phép, sai phép đang là vấn đề nóng tại TP. Hồ Chí Minh, trở thành chủ đề trọng tâm trong nhiều hội nghị của Thành ủy Thành phố cũng như diễn đàn HĐND Thành phố tại kỳ họp lần thứ 15 đang diễn ra. Nhiều khía cạnh của tình trạng này đã được đưa ra phân tích, mổ xẻ, tuy nhiên một câu hỏi đặt ra ở đây là “con voi sao dễ lọt lỗ kim” đến vậy?
Theo tổng hợp của UBND TP. Hồ Chí Minh, trong năm 2017, 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, tổng số công trình xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng và công trình xây dựng không phép nhưng đủ điều kiện cấp phép xây dựng là 4.252 trường hợp, chiếm khoảng 62,3% tổng số công trình vi phạm trên địa bàn thành phố.
Cũng trong thời gian này, tổng số công trình xây dựng không phép không đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn thành phố là 2.573 trường hợp, chiếm tỷ lệ 73,5% trên tổng số công trình xây dựng không phép.
Các hành vi vi phạm phổ biến trong trường hợp này là xây dựng trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trên đất không được phép xây dựng. Các trường hợp vi phạm xuất hiện nhiều ở các quận, huyện ngoại thành, địa bàn có tốc độ đô thị hóa cao như quận 2, quận 12, quận Bình Tân, huyện Củ Chi và Bình Chánh.
Theo ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, vẫn còn tình trạng người dân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất không đúng quy định để phân lô bán nền xây dựng nhà trên đất nông nghiệp dẫn đến tình trạng xây dựng không phép trên một số địa bàn ngoại thành có diễn biến phức tạp. Việc này gây phá vỡ quy hoạch, hình thành các khu dân cư tự phát, không có cơ sở hạ tầng đồng bộ, không có dịch vụ, tiện ích… gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Việc xử lý không nghiêm đối với các công trình vi phạm đã ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố, do thời gian qua, tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố diễn ra phổ biến, phức tạp với nhiều hình thức và quy mô khác nhau. Vụ việc xây trái phép hơn 110 căn biệt thự tại dự án Green Star Sky Garden ở phường Phú Mỹ, quận 7 là một điển hình.
Nguyên nhân của tình trạng trên cũng được các cơ quan chức năng TP. Hồ Chí Minh viện dẫn, từ chủ khách quan đến chủ quan. Đó là do quy định của pháp luật; do đặc thù của thành phố với tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số cơ học tăng cao; ý thức chấp hành quy định pháp luật chưa cao của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng…
Song song đó là sự quản lý không chặt chẽ từ chính quyền địa phương, công chức được phân công quản lý địa bàn chưa làm hết trách nhiệm, trình độ chuyên môn còn hạn chế; còn tình trạng công chức cố tình bông lỏng quản lý địa bàn để công trình vi phạm trật tự xây dựng chậm xử lý hoặc không bị xử lý.
Cùng với đó là sự phối hợp trong quản lý trật tự xây dựng giữa các cơ quan chức năng, địa phương với lực lượng Thanh tra Sở Xây dựng còn vất cập; việc giám sát của chính quyền địa phương về trật tự xây dựng còn chưa chặt chẽ, thiếu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan cấp trên. Một số địa phương còn tình trạng buông lỏng quản lý, dẫn đến một số trường hợp công trình xây dựng vi phạm không được phát hiện, xử lý kịp thời.
Chia sẻ về thực trạng này, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, nhận xét vi phạm xây dựng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh vẫn là thách thức và chưa có dấu hiệu lại dừng.
Theo ông Phan Nguyễn Như Khuê, nhu cầu về nhà ở cao, nhất là ở các quận, huyện có tốc độ đô thị hóa cao. Do đó, không chỉ "đầu nậu" cố tình vi phạm mà xuất phát từ nhu cầu cấp thiết về nhà ở như đã nêu, dẫn đến tình trạng vi phạm xây dựng. Các nguyên nhân này cần phải được phân tích đầy đủ, có như thế mới đề xuất những giải pháp đúng mức và phù hợp.
Để từng bước chấn chỉnh tình trạng “con voi chui lọt lỗ kim” trong lĩnh vực xây dựng, ông Võ Văn Hoan cho biết trước mắt thành phố tiếp tục tập trung xử lý các công trình vi phạm xây dựng theo quy định, đề nghị ngưng cung cấp điện, nước cho các công trình vi phạm xây dựng.
Cùng với đó, thành phố xử lý nghiêm cán bộ, công chức có vi phạm trong hoạt động công vụ; các đầu nậu vi phạm, cần thiết sẽ chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự. Thành phố cũng tăng cường lực lượng Thanh tra Sở Xây dựng tại các địa bàn phức tạp; thực hiện đổi mới, sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy của lực lượng thực hiện quản lý xây dựng theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả, phù hợp với tình hình của thành phố.
Về lâu dài, thành phố giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc cùng các quận/huyện rà soát quy hoạch chung (1/5.000), quy hoạch phân khu (1/2.000) để điều chỉnh phù hợp, làm cơ sở cấp giấy phép xây dựng. Đồng thời, thành phố chấn chỉnh, nâng cao nhận thức về ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ, ý thức tổ chức kỷ luật và kỹ năng thực thi công vụ của lực lượng quản lý trật tự xây dựng.
Một trong những biện pháp quan trọng là khẩn trương triển khai thực hiện “Đề án thí điểm thành lập Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND quận, huyện quản lý”; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ viễn thám (GIS) trong quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng nhằm chấn chỉnh, ngăn ngừa xây dựng không phép.
Để giải quyết nhu cầu về nhà ở đối với người thu nhập thấp, TP. Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân; trong đó phấn đấu hoàn thành 20.000 nhà ở xã hội trong năm 2020.
Khẳng định quyết tâm của thành phố trong việc giải quyết dứt điểm tình trạng xây dựng không phép, trái pháp luật, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đề nghị ngay trong tháng 7/2019, các quận ủy, huyện ủy ban hành nghị quyết về “Lập lại trật tự xây dựng trên từng phường - xã trước Đại hội Đảng bộ quận, huyện năm 2020”, đồng thời phải quán triệt là “Nơi nào xảy ra xây dựng không phép và trái phép mà không bị xử lý theo qui định của pháp luật thì cấp ủy và chính quyền nơi đó không thể đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh”.
“Tất cả các đảng viên cần cam kết không vi phạm pháp luật về quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng; Bí thư và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các phường/xã cần cam kết lập lại trật tự xây dựng trên địa bàn trước Đại hội Đảng bộ quận ủy, huyện ủy năm 2020. Nếu lãnh đạo các phường/xã không cam kết, Ban Thường vụ quận ủy, huyện ủy cần kịp thời xem xét việc bố trí cán bộ cho phù hợp”, người đứng đầu Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Với sự chỉ đạo và vào cuộc mạnh mẽ của hệ thống chính trị và những giải pháp căn cơ, TP. Hồ Chí Minh đang thể hiện sự quyết tâm trong việc “dẹp loạn” tình trạng xây dựng không phép, trái phép cũng như chấn chỉnh trong quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận