Xây dựng cơ chế thúc đẩy tín dụng xanh
Chuyên gia cho rằng, cần yêu cầu 100% các tổ chức tín dụng xây dựng quy định nội bộ về quản lý, đánh giá rủi ro môi trường trong hoạt động tín dụng và phải ban hành được quy trình để quản lý cụ thể.
Lãi suất tín dụng xanh còn cao
Các dự án xanh được hiểu là những dự án không gây rủi ro đến môi trường hoặc để bảo vệ môi trường, nhằm tiến tới mục đích góp phần bảo vệ hệ sinh thái nói chung. Và tín dụng xanh là một biểu hiện của tài chính bền vững nhằm hướng tới sự phát triển bền vững nói chung.
Hiện nay, các tổ chức tín dụng Việt Nam đều rất quan tâm đến công tác tín dụng xanh, ngân hàng xanh và phát triển bền vững. Theo số liệu từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), các khoản tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường xã hội đến thời điểm cuối năm 2022 khoảng 2.350.000 tỷ đồng, chiếm hơn 20% tổng dư nợ toàn nền kinh tế với khoảng 1,2 triệu món vay. Dư nợ tín dụng xanh chủ yếu tập trung ở hai ngành, lĩnh vực chính đó là nông nghiệp xanh và năng lượng tái tạo (khoảng 80%).
Mức lãi suất thông thường với tín dụng xanh đang dao động khoảng từ 6-9% đối với những dự án xanh trong ngắn hạn, còn với những dự án trung dài hạn thì lãi suất ở mức khoảng 9-11%. Đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, mức lãi suất này chưa phải ưu đãi, vì cũng chỉ tương đương với lãi suất các khoản vay thương mại bình thường. Điều đó cũng thể hiện, các cơ chế chính sách, nguồn vốn hiện nay để hỗ trợ cho ưu đãi với những dự án xanh còn đang thiếu.
Thực tế, bản thân từng tổ chức tín dụng sẽ phải dành một nguồn vốn phù hợp để thực hiện hỗ trợ cho các dự án xanh, tiếp cận các nguồn vốn quốc tế với những quy định và tiêu chí cụ thể từ phía các tổ chức quốc tế.
Lý giải cho việc vì sao tín dụng xanh tại Việt Nam vẫn chưa tạo được sự bứt phá, qua trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Phạm Xuân Hoè, Nguyên phó viện trưởng Viện chiến lược (NHNN) phân tích, rủi ro đầu tư kinh tế xanh khá lớn, các cơ chế, hành lang pháp lý chưa thực sự đồng thuận với câu chuyện này.
Trong khi đó, trên 85 tổ chức tín dụng do NHNN quản lý có 72 tổ chức chưa có đơn vị kinh doanh chuyên trách về tài chính xanh và 74 tổ chức thiếu quy trình cụ thể về thẩm định tín dụng xanh. Nhiều ngân hàng phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc phát triển chuyên môn về tài chính xanh và tích hợp các quy trình tài chính xanh vào các hoạt động hiện có.
Thúc đẩy làn sóng dịch chuyển
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có chương trình hướng dẫn triển khai Thông tư 17/2022/TT-NHNN, thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Các doanh nghiệp phải có chính sách công khai minh bạch về ESG, phải quan tâm đến chuyển đổi số, đến các giải pháp về công nghệ nhằm tạo ra công nghệ sạch, thì mới dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn tín dụng xanh
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc trung tâm đào tạo, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - nhìn nhận, Thông tư 17 có mục tiêu nhằm đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư trước tác động của môi trường, biến đổi khí hậu trong quá trình vận hành các dự án nhưng đồng thời cũng là để đảm bảo cho chính các tổ chức tín dụng. Vì đó là căn cứ để các tổ chức tín dụng có thể tính toán được thiệt hại, rủi ro đối với dòng tiền của mình.
“Ngoài ra, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ sắp được ban hành trong thời gian tới về việc ban hành quy định tiêu chí môi trường và xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh, sẽ là một căn cứ pháp lý rất quan trọng. Trong đó có khoảng 8 ngành, lĩnh vực được xác định là xanh trong dự thảo, với 83 dự án là dự án xanh, khi xác định được như vậy thì rõ ràng sẽ rất thuận lợi cho các tổ chức tín dụng để thực hiện cấp tín dụng xanh và phát hành trái phiếu xanh”, ông Sơn bày tỏ.
Ông Nguyễn Thanh Sơn cũng cho biết thêm, trong thời gian tới cần yêu cầu 100% các tổ chức tín dụng phải xây dựng quy định nội bộ về quản lý, đánh giá rủi ro môi trường trong hoạt động tín dụng và phải ban hành được quy trình để quản lý cụ thể.
Về phía các doanh nghiệp, trước tiên phải nâng cao ý thức đối với những rủi ro về môi trường, thậm chí cả người dân, đó là ý thức sản xuất - tiêu dùng những sản phẩm dịch vụ có ảnh hưởng đến môi trường.
Một điểm nữa là các doanh nghiệp phải có chính sách công khai minh bạch về ESG, phải quan tâm đến chuyển đổi số, đến các giải pháp về công nghệ nhằm tạo ra công nghệ sạch, thì mới dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn tín dụng xanh, không chỉ từ phía tổ chức tín dụng Việt Nam mà với cả dòng vốn tín dụng đầu tư quốc tế.
Đồng quan điểm trên, ông Phạm Xuân Hoè khẳng định, với tầm nhìn dài hạn, có hai xu hướng hầu như doanh nghiệp trên thế giới rất quan tâm đó là phát triển doanh nghiệp xanh và quản trị phát triển bền vững ESG. Nhưng về vĩ mô thì Chính phủ vẫn phải có Quỹ đầu mối để tiếp cận với các nguồn vốn chuyển dịch năng lượng mà EU đã ký cam kết 15,5 tỷ USD. Hoặc Việt Nam có thể thành lập một ngân hàng khí hậu - một ngân hàng bán buôn tiếp quản nguồn vốn đó và sẽ làm thêm cả nhiệm vụ đầu tư.
“Đặc biệt, phải có ngân hàng làm đầu mối tiếp cận nguồn vốn tăng trưởng và chuyển dịch năng lượng bền vững, tăng trưởng xanh. Nguồn vốn chuyển dịch tốt sẽ là cơ hội vàng để doanh nghiệp Việt có thể tiếp cận được thêm tài chính cho sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.
Ngoài ra, bên cạnh việc dồn nguồn lực cho khu vực tư nhân, thì cần lồng ghép vào khu vực công ở một số bộ ngành địa phương thông qua các hoạt động đấu thầu mua sắm chi tiêu công xanh”, ông Hoè khuyến nghị.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường