24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Xuân Hòa
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

World Bank: Việt Nam nên thận trọng với rủi ro nợ xấu trong tương lai

Theo chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam nên có cảnh giác với rủi ro khu vực tài chính đang tăng lên do khủng hoảng.

Tại buổi công bố trực tuyến Báo cáo tháng 8 về kinh tế Việt Nam với chủ đề "Việt Nam Số hóa - Con đường đến tương lai", các chuyên gia của World Bank đã đề cập đến tác động của dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam.Nền kinh tế Việt Nam có thể chịu rủi ro suy giảm và tùy thuộc diễn biến dịch bệnh ở các quốc gia trên thế giới cùng khả năng kiểm soát dịch ở trong nước (ảnh: Nhiều doanh nghiệp đang thực hiện 2 chỗ 1 vùng xanh tại TP HCM -nguồn: MOIT)

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong nửa đầu năm 2021 để tạo thuận lợi cho khu vực kinh tế thực, World Bank nhận định.

Theo định chế tài chính này, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng nhanh là động thái hỗ trợ đáng hoan nghênh cho một số doanh nghiệp và hộ gia đình đang gặp khó khăn tài chính từ đầu đại dịch, nhưng cũng mang theo những rủi ro tiềm tàng. Ví dụ, hiệu quả của cách tiếp cận này có thể cần được xem lại khi lãi suất thực đã ở mức rất thấp, và khi một tỷ lệ lớn doanh nghiệp và hộ gia đình chưa có quan hệ trực tiếp với các ngân hàng thương mại; hiện chỉ có một phần ba hộ gia đình ở Việt Nam có tài khoản ngân hàng vào năm 2017.Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy cho vay có mục tiêu thường xảy ra tình trạng thiếu minh bạch về lý do, cơ sở kinh tế cho việc thực hiện cấp, quy mô và cách thức phân bổ các khoản vay này, bao gồm các khoản vay dành cho DNNN và các doanh nghiệp lớn tiên phong của quốc gia mà có thể đang gặp khó khăn tài chính. Rủi ro không thanh toán được của các khoản vay này cuối cùng có thể được chuyển từ khu vực kinh tế thực sang khu vực tài chính, và vì vậy khu vực tài chính có thể trở nên dễ bị tổn thương hơn theo thời gian.

World Bank: Việt Nam nên thận trọng với rủi ro nợ xấu trong tương lai
Chính sách tiền tệ nới lỏng, NHNN Việt Nam đã hỗ trợ nền kinh tế rất tốt trong nửa đầu năm - theo WB (nguồn biểu đồ: Báo cáo WB)

Mặc dù ổn định tài chính chung đã được duy trì đến cuối tháng 6/2021, nhưng chất lượng khoản vay bắt đầu có dấu hiệu xấu đi ở một số ngân hàng, theo World Bank. Tỷ lệ dư nợ tín dụng trên GDP đạt mức 136% năm 2019, tăng mạnh lên 146% tính đến cuối năm 2020 làm gia tăng nguy cơ cho các ngân hàng do quan hệ của họ với những ngành kinh tế thực bị ảnh hưởng, như du lịch, hàng không, và có thể cả bất động sản. Với thực tế là hai đợt bùng phát dịch COVID-19 vừa qua, nhất là đợt dịch tháng 5, đã ảnh hưởng đến lĩnh vực bán lẻ và một số tiểu ngành chế biến, chế tạo, doanh nghiệp và người dân có lẽ sẽ ngày càng nhiều gặp khó khăn trong việc thực hiện các nghĩa vụ trả nợ.

"Tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo trong danh mục của các ngân hàng chỉ tăng rất ít, từ 1,63% trong tháng 12/2019 lên 2,14% trong tháng 9/2020, nhưng đúng là việc NHNN chưa công bố số liệu gần đây cũng làm dấy lên quan ngại. Hơn nữa, tỷ lệ nợ xấu đang thấp do NHNN ban hành các biện pháp tạm thời cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn. Ngoài ra, rủi ro mất khả năng trả nợ tăng lên có thể làm tăng căng thẳng trong khu vực tài chính theo thời gian. Đồng thời, tỷ lệ an toàn vốn tổng thể của các ngân hàng đã giảm từ 11,95% cuối năm 2019 xuống còn 11,13% vào tháng 12/2020, và 11,1% cuối tháng 6/2021. Những số liệu chung trên có thể che lấp đi nguy cơ dễ bị tổn thương của một số ngân hàng thương mại, trong đó có những ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn thấp, được thể hiện qua việc thiếu khả năng đáp ứng các yêu cầu của chuẩn Basel II", báo cáo đánh giá.

Với tác động của dịch bệnh, World Bank cho rằng nhìn ở góc độ quản trị, Việt Nam có một số rủi ro tiêu cực đối với triển vọng trong ngắn hạn và trung hạn.

Khủng hoảng kéo dài đã chỉ ra thêm những thách thức mang tính cấu trúc trong nước, đòi hỏi các chính sách ứng phó của Chính phủ như được nêu dưới đây.

Thứ nhất, là xử lý hệ quả xã hội của khủng hoảng. Tác động của COVID-19 đến thị trường lao động và các hộ gia đình tiếp tục diễn ra trong năm 2021, và càng trở nên trầm trọng sau đợt dịch bùng phát vào tháng 2 và tháng 4. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động chưa khôi phục hoàn toàn về mức trước COVID-19 và thu nhập của hộ gia đình đã bị ảnh hưởng, với mức độ khác nhau giữa các ngành nghề, giới và địa bàn. Những tác động đó đặc biệt liên quan đến nữ giới, là những người bị thiệt thòi hơn do những điều chỉnh gần đây trên thị trường lao động. Đồng thời, những người làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức và những địa bàn mà hoạt động kinh tế phụ thuộc vào du lịch và doanh nghiệp quốc tế cũng bị ảnh hưởng nhiều hơn. Tác động khác biệt như vậy có thể dẫn đến sự gia tăng kéo dài của bất bình đẳng. Thu nhập hộ gia đình bị giảm sẽ ảnh hưởng đến quyết định tiêu dùng và đầu tư, và qua đó ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế. Thu nhập thấp cũng có thể tác động đến các khoản đầu tư cho sức khỏe và giáo dục của trẻ em, gây ảnh hưởng lâu dài đến tích lũy vốn con người của đất nước. Các cấp có thẩm quyền cần cân nhắc tăng cường phạm vi bao phủ, xác định đối tượng mục tiêu và mức hỗ trợ trong các chương trình đảm bảo xã hội để đảm bảo rằng những nạn nhân hiện tại và tương lai của các cú sốc tự nhiên hay kinh tế nhận được hỗ trợ đầy đủ.
Thứ hai, cảnh giác với rủi ro khu vực tài chính đang tăng lên do khủng hoảng. Trong bối cảnh những đợt dịch gần đây, đặc biệt là đợt bùng phát trên diện rộng bắt đầu từ tháng 5, đã khiến nhiều doanh nghiệp ở các thành phố lớn và một số khu công nghiệp phải đóng cửa phòng dịch, cơ quan phụ trách chính sách tiền tệ cần thận trọng với những rủi ro đang gia tăng về nợ xấu. Họ cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ sự ổn định của hệ thống ngân hàng, hiện vẫn còn có một số ngân hàng chưa đảm bảo an toàn vốn. Một hệ thống cảnh báo sớm cần được xây dựng để xác định những nguy cơ tiềm năng ở từng ngân hàng và cả hệ thống. Các cấp có thẩm quyền cần xây dựng chiến lược chấm dứt các biện pháp cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ rõ ràng. Việc triển khai thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ có thể che lấp một phần mức độ dễ bị tổn thương của bên vay và các ngân hàng, vì vậy cần được theo dõi chặt chẽ.

"Điều cần làm nữa là sớm ban hành kế hoạch xử lý nợ xấu, không cho phép gánh nặng nợ xấu kéo dài trong hệ thống ngân hàng vì nó có thể hạn chế vai trò hỗ trợ tăng trưởng bao trùm của hệ thống ngân hàng. Thêm vào đó, cũng cần có cơ chế rõ ràng để xử lý những ngân hàng yếu kém và đang gặp khó khăn, đồng thời tiếp tục tái cơ cấu vốn các ngân hàng để đáp ứng các yêu cầu của chuẩn Basel II", báo cáo đánh giá.

World Bank: Việt Nam nên thận trọng với rủi ro nợ xấu trong tương lai
Cần sớm ban hành kế hoạch xử lý nợ xấu - theo WB (nguồn biểu đồ: Báo cáo WB)
Thứ ba, cảnh giác với rủi ro tài khóa. Theo kịch bản cơ sở, bội chi ngân sách dự kiến tăng từ 4,9% GDP năm 2020 lên 6% năm 2021, dẫn đến nợ công tăng khoảng 3,0% GDP. Mặc dù Chính phủ vẫn còn đủ dư địa tài khóa, với tỷ lệ nợ công trên GDP xoay quanh 55,3% GDP vào cuối năm 2020, nhưng kinh nghiệm quốc tế cho thấy tình hình tài khóa có thể xấu đi tương đối nhanh chóng nếu đợt dịch hiện nay không được kiểm soát nhanh chóng và/hoặc những đợt dịch mới lại bùng lên trong những tháng tiếp theo. Chính sách tài khóa có thể là công cụ chính duy nhất trong tay các cơ quan chức năng để ứng phó với đại dịch. Chính phủ có thể cần phải mở rộng gói hỗ trợ tài khóa, đến nay vẫn ở mức khiêm tốn, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, qua đó tránh được những căng thẳng xã hội có thể xảy ra. Một số ngành nghề đang gặp khó khăn tài chính, chẳng hạn ngành du lịch và hàng không, đến nay chủ yếu được hỗ trợ bằng chính sách tiền tệ thích ứng, nhưng có thể cũng cần can thiệp trực tiếp từ nhà nước nếu tình hình không cải thiện. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư công cũng có thể góp phần tăng chi tiêu công. Thu thuế có thể sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực do các hoạt động kinh tế chững lại. Tại thời điểm hiện tại, rủi ro tài khóa có vẻ vẫn nằm trong tầm kiểm soát nhưng vẫn cần được tiếp tục theo dõi chặt chẽ.

Đại diện World Bank cũng đánh giá, nhìn chung, chính sách tài khóa và tiền tệ vẫn tạo thuận lợi cho quá trình phục hồi năm 2021. Khi nền kinh tế thoát khỏi đợt dịch lần thứ tư, chính sách tài khóa sẽ hỗ trợ tổng cầu trong nước thông qua các biện pháp có lựa chọn và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Cân đối ngân sách và tỷ lệ nợ công trên GDP dự kiến sẽ xấu đi trong năm 2021. Gói hỗ trợ doanh nghiệp và các hộ gia đình lần hai chỉ ở mức khiêm tốn, nhưng nếu triển khai sẽ tương đương khoảng 0,5% GDP. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được đẩy nhanh vẫn trong phạm vi ngân sách. Chính sách tiền tệ vẫn tạo thuận lợi để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Lạm phát vẫn ở mức vừa phải.

Theo bà Dorsati Madani, chuyên gia của World Bank, về kết quả của 6 tháng đầu 2021, Việt Nam đã chứng tỏ được khả năng chống chịu tốt trong dịch bệnh. Ngân hàng Thế giới cũng điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khoảng 4,8% trong năm 2021 và sẽ đạt tốc độ tăng trưởng GDP trước đại dịch ở mức từ 6,5 đến 7% từ năm 2022. Dự báo này được điều chỉnh giảm so với dự báo 6,8% cho năm 2021 trong Báo cáo Điểm lại kỳ trước ban hành vào tháng 12/2020, và còn phụ thuộc vào các rủi ro tiêu cực. Dự báo này cũng thấp hơn so với mục tiêu tăng trường 6% của Chính phủ trong năm 2021 và có thể thay đổi theo diễn biến dịch bệnh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả