24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Thanh Nga
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

WHO cảnh báo châu Phi thành 'lò ấp' biến chủng nCoV

Các khu vực ở châu Phi nguy cơ trở thành nơi sinh sôi các biến chủng kháng vaccine Covid-19 do thiếu hụt vaccine và tỷ lệ tiêm chủng thấp.

"Sự bất bình đẳng đáng lo ngại và chậm trễ nghiêm trọng trong các lô vaccine có nguy cơ biến các khu vực ở châu Phi thành nơi sinh sôi biến chủng kháng vaccine. Tình trạng này có thể đưa cả thế giới trở lại điểm xuất phát", Matshidiso Moeti, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Phi, phát biểu trong cuộc họp hàng tuần tại Brazzaville, thủ đô Công hôm 16/9.

Do tình trạng thiếu hụt vaccine trên toàn cầu, liên minh COVAX sẽ chuyển khoảng 150 triệu liều vaccine đến châu Phi, ít hơn so với kế hoạch. Văn phòng khu vực của WHO cho biết châu Phi sẽ thiếu khoảng 470 triệu liều vaccine trong năm nay, khiến chỉ 17% dân số được bảo vệ hoàn toàn, thấp hơn mục tiêu 40% do WHO đặt ra.

"Nếu các nước giàu vẫn ngăn COVAX khỏi thị trường vaccine, châu Phi sẽ bỏ lỡ các mục tiêu tiêm chủng", Moetti nói.

WHO cảnh báo châu Phi thành 'lò ấp' biến chủng nCoV
Matshidiso Moeti, Giám đốc Khu vực châu Phi của WHO, tham dự cuộc họp tại trụ sở WHO ở Geneva, Thụy Sĩ năm 2018. Ảnh: Reuters.

Sự thiếu hụt vaccine diễn ra khi châu Phi tuần này vượt mốc 8 triệu ca nhiễm. Khoảng 95 triệu liều lẽ ra sẽ được chuyển đến châu Phi thông qua Covax trong tháng 9. "Châu Phi mới chỉ có thể tiêm chủng cho 50 triệu người, tương đương 3,6% dân số", theo WHO.

Cơ chế tài trợ quốc tế của COVAX được cho là sẽ giúp 92 quốc gia và vùng lãnh thổ khó khăn nhận vaccine miễn phí do nước giàu tài trợ. Tuần trước, chương trình cho biết lượng vaccine cung cấp sẽ bị giảm do "lệnh cấm xuất khẩu, ưu tiên dành cho thỏa thuận song phương giữa các nhà sản xuất và các quốc gia, và chậm nộp đơn xin phê duyệt", cùng các lý do khác.

Thế giới đã ghi nhận 202.338.692 ca nhiễm nCoV và 4.289.467 ca tử vong, tăng lần lượt 676.407 và 9.968, trong khi 180.138.241 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.

Các quốc gia trên thế giới đang nỗ lực đẩy mạnh tiêm chủng để ngăn chặn biến chủng mới và sớm trở lại cuộc sống bình thường. Một số nước đặt ra quy định tiêm chủng bắt buộc đối với người lao động ở một số lĩnh vực, bao gồm nhân viên y tế.

Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran hôm 16/9 thông báo đình chỉ không lương khoảng 3.000 nhân viên y tế từ chối tiêm vaccine. Hàng chục nhân viên y tế đã nghỉ việc thay vì tiêm vaccine, nhưng Véran khẳng định với khoảng 2,7 triệu nhân viên y tế, việc chăm sóc sức khỏe ở Pháp vẫn được đảm bảo.

Tổng thống Emmanuel Macron hồi tháng 7 tuyên bố nhân viên bệnh viện, viện dưỡng lão và cơ sở hưu trí cũng như nhân viên cứu hỏa phải tiêm một mũi hoặc hoàn thành tiêm chủng vaccine cho đến ngày 15/9. Cơ quan y tế Pháp ước tính gần 12% nhân viên bệnh viện và khoảng 6% bác sĩ tư nhân chưa tiêm chủng.

Hiện gần 47 triệu người Pháp từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm chủng đầy đủ, chiếm 81,4% dân số. 86,1% dân số Pháp đã được tiêm ít nhất một mũi.

Italy sẽ mở rộng "thẻ xanh" Covid đối với tất cả người lao động nhằm tăng tỷ lệ tiêm chủng trước mùa cúm đông. Quy định phạt người lao động không tiêm chủng hoặc không có bằng chứng xét nghiệm âm tính với nCoV gần nhất sẽ có hiệu lực từ 15/10.

"Chúng tôi sẽ mở rộng thẻ xanh cho tất cả người lao động ở cả lĩnh vực công và tư", Bộ trưởng Y tế Roberto Speranza nói trong cuộc họp báo sau khi chính phủ đưa ra quyết định. "Chúng tôi làm điều đó vì hai lý do cơ bản: để đảm bảo môi trường làm việc an toàn hơn và thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng".

Thẻ xanh là chứng nhận cho thấy ai đó đã được tiêm vaccine Covid-19, xét nghiệm âm tính 48 giờ trước đó hoặc khỏi Covid-19 gần đây. Hiện hơn 40 triệu người Italy đã tiêm phòng đầy đủ, tương đương 75% dân số trên 12 tuổi. Chính phủ hy vọng con số đó sẽ tăng thêm 4 triệu trong năm nay.

Italy không phải là quốc gia châu Âu đầu tiên bắt buộc người lao động phải tiêm chủng hoặc làm xét nghiệm thường xuyên. Các quốc gia đã ban hành quy định này gồm Hy Lạp, Slovenia, Pháp.

Tại Mỹ, Idaho, bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất cả nước, thông báo sẽ phân bổ chăm sóc y tế và chuyển máy thở khỏi bệnh nhân không có khả năng hồi phục. Cơ quan y tế bang cho biết họ ban hành biện pháp này vì ca Covid-19 nhập viện tăng nhanh, làm "cạn kiệt" các nguồn lực hiện có.

"Tình hình rất nghiêm trọng", giám đốc cơ quan y tế Dave Jeppesen nói. "Chúng tôi không có đủ nguồn lực để điều trị đầy đủ cho các bệnh nhân, dù họ đến vì Covid-19, trụy tim hay tai nạn xe hơi".

Jeppesen giải thích rằng theo hướng dẫn mới, những bệnh nhân nhập viện có thể không có giường hoặc được điều trị trong những nơi được cải tạo thành khu điều trị. Hơn nữa, "một người khỏe mạnh và phục hồi nhanh hơn có thể được điều trị hoặc sử dụng máy thở trước người không có khả năng hồi phục".

Chỉ 46% trong dân số gần 1,8 triệu người của Idaho đã được tiêm vaccine Covid-19, thấp nhất trong 53 bang và vùng lãnh thổ của Mỹ. Đứng đầu là Puerto Rico với 77%. Trên cả nước, 63% dân số Mỹ đã được tiêm một hoặc hai mũi vaccine.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả