WB: Tăng trưởng kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương chỉ đạt 3,2% năm 2022
Bài toán xử lý lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế cũng gây đau đầu cho các nhà hoạch định chính sách ở các nước trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương.
Tăng trưởng tại hầu hết các quốc gia đang phát triển trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đã phục hồi trong năm 2022 sau những tác động của Covid-19, trong khi Trung Quốc bị lỡ đà tăng trưởng do tiếp tục các biện pháp kiềm chế vi-rút.
Đó là nhận xét trong Báo cáo Cập nhật Tình hình Kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương kỳ tháng 10/2022 của Ngân hàng Thế giới (WB), được công bố tại một hội thảo trực tuyến tổ chức sáng ngày 28/9 (giờ Hà Nội).
Báo cáo của WB chỉ ra rằng, trong thời gian tới, kết quả kinh tế trên khắp khu vực có thể bị ảnh hưởng do nhu cầu trên toàn cầu chững lại, nợ gia tăng, và những vấn đề chính sách do tình trạng lệ thuộc vào các biện pháp xử lý kinh tế ngắn hạn nhằm chống đỡ giá lương thực thực phẩm và nhiên liệu tăng cao.
Tốc độ tăng trưởng của các quốc gia đang phát triển trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, ngoài Trung Quốc, được dự báo sẽ tăng tốc lên 5,3% trong năm 2022 so với 2,6% trong năm 2021, theo báo cáo.
Trung Quốc, trước đó là quốc gia dẫn dắt phục hồi trong khu vực, hiện đang được dự báo sẽ tăng trưởng 2,8% trong năm 2022, giảm mạnh so với 8,1% trong năm 2021, báo cáo của WB nêu rõ.
Ở cấp độ khu vực, báo cáo cho rằng, tăng trưởng trên toàn khu vực Đông Á - Thái Bình Dương được dự báo sẽ chững lại còn 3,2% trong năm nay, so với 7,2% trong năm 2021, trước khi tăng lên 4,6% trong năm tới.
Lựa chọn khó khăn
“Quá trình phục hồi kinh tế đang diễn ra ở hầu hết các quốc gia trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương”, bà Manuela V. Ferro, Phó Chủ tịch WB phụ trách Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, cho biết.
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Ferro cũng cho rằng các quốc gia trong khu vực vừa cần chuẩn bị cho tốc độ tăng trưởng trên toàn cầu chững lại, vừa cần xử lý những vấn đề chính sách trong nước đang gây trở ngại cho phát triển trong dài hạn.
Tăng trưởng ở hầu hết các nước trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương có được nhờ nhu cầu trong nước phục hồi khi các biện pháp hạn chế liên quan đến Covid được nới lỏng, và nhờ tăng trưởng xuất khẩu.
Trung Quốc - quốc gia đóng góp khoảng 86% sản lượng của khu vực - hiện đang áp dụng các biện pháp y tế công cộng có mục tiêu nhằm kiềm chế vi-rút lây lan (zero-Covid), gây cản trở đến các hoạt động kinh tế.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu chững lại đang dần làm giảm nhu cầu về các mặt hàng xuất khẩu và các sản phẩm chế tạo, chế biến xuất khẩu của khu vực. Lạm phát tăng đồng loạt khiến cho lãi suất cũng tăng lên, qua đó làm cho dòng vốn chảy ra ngoài khu vực và đồng tiền mất giá tại một số quốc gia Đông Á - Thái Bình Dương.
Những diễn biến đó làm tăng gánh nặng trả nợ và thu hẹp dư địa tài khóa, ảnh hưởng xấu đến các quốc gia vốn có gánh nặng nợ cao.
Trong quá trình tìm cách bảo vệ các hộ gia đình và doanh nghiệp trước tình trạng giá cả lương thực, thực phẩm và nhiên liệu tăng cao, các quốc gia trong khu vực đã tung ra các gói trợ cấp nhiên liệu, trợ cấp tiền mặt…
Nhưng các biện pháp chính sách hiện nay chỉ mang tính hỗ trợ đáp ứng nhu cầu, nhưng lại làm gia tăng những méo mó chính sách hiện tại, theo nhận định của các chuyên gia WB trong báo cáo.
Các biện pháp kiểm soát giá thực phẩm và trợ giá năng lượng đem lại nhiều lợi ích cho người giàu hơn, trong khi ảnh hưởng đến chi tiêu của chính phủ cho hạ tầng, giáo dục, y tế, an sinh xã hội…
Các biện pháp cho phép giãn, hoãn thời gian trả nợ hiện nay, nhằm nới lỏng điều kiện cho vay trong thời gian đại dịch, có thể khiến cho nguồn lực bị kẹt ở những doanh nghiệp thất bại, khiến cho vốn không đến được những ngành nghề và lĩnh vực năng động nhất.
Bài toán kiềm chế lạm phát mà không cản trở phục hồi kinh tế cũng gây đau đầu cho các nhà hoạch định chính sách ở các nước trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương vốn được đánh giá có mức tăng trưởng cao và lạm phát thấp hơn so với các khu vực khác trên thế giới.
“Các nhà hoạch định chính sách đang phải đối mặt với lựa chọn khó khăn giữa xử lý lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế”, ông Aaditya Mattoo, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của WB, cho biết.
“Kiểm soát và trợ giá làm mờ đi tín hiệu giá và ảnh hưởng đến năng suất”, ông Mattoo giải thích, đồng thời khuyến nghị chuyển sang những chính sách tốt hơn về lương thực thực phẩm, nhiên liệu và tài chính để vừa thúc đẩy tăng trưởng vừa phòng chống lạm phát.
Khuyến nghị cho Việt Nam
Là điểm sáng trong bức tranh phục hồi kinh tế ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, Việt Nam được dự báo đạt mức tăng trưởng 7,2% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023, theo Báo cáo Cập nhật Tình hình Kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương kỳ tháng 10/2022 của WB.
Tại buổi hội thảo trực tuyến công bố báo cáo, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, đã nêu một số thách thức và cơ hội mà quốc gia Đông Nam Á này phải đối mặt.
Theo bà Turk, tăng trưởng của Việt Nam – được thúc đẩy bởi tiêu dùng trong nước, đầu tư và xuất khẩu – sẽ bị ảnh hưởng nhiều từ xu hướng giảm của tăng trưởng toàn cầu. Do đó, chính phủ Việt Nam cần cân nhắc các khoản đầu tư có thể giúp đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu, không chỉ dừng ở dệt may, điện tử, xe cộ…
Về cơ hội, bà Turk cho rằng Việt Nam có dư địa chính sách đủ để thúc đẩy tăng trưởng trong trung và dài hạn, với một số lĩnh vực quan trọng bao gồm khử các-bon (decarbonization) để hướng tới một nền kinh tế các-bon thấp và mục tiêu trung hòa các-bon đã cam kết, từ đó thu hút các dòng FDI chất lượng.
Lĩnh vực thứ 2 mà vị chuyên gia WB khuyến nghị cho Việt Nam là chuyển đổi số - nền tảng thúc đẩy tăng trưởng dựa vào năng suất, điều mà Việt Nam cần để đạt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Điều đó nghĩa là nền kinh tế Việt Nam phải tiếp tục tăng trưởng ít nhất 6,5% mỗi năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận