menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vy Lam

“Vua tôm” Minh Phú liệu có đạt mục tiêu kinh doanh đầy tham vọng?

Dù biên lợi nhuận của "vua tôm" Minh Phú được kỳ vọng sẽ được cải thiện trong các quý tiếp theo, nhưng giá cước tàu cao sẽ là điểm nghẽn khiến doanh nghiệp có thể khó đạt được kế hoạch lợi nhuận.

“Vua tôm” Minh Phú liệu có đạt mục tiêu kinh doanh đầy tham vọng?
Cấp đông sản phẩm tôm hấp chín xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Nhu cầu thế giới về sản phẩm tôm tăng cao trong khi nguồn cung giảm mang tới nhiều thuận lợi cho Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (mã chứng khoán: MPC) - doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực xuất khẩu tôm. Dù vậy, tình trạng thiếu container khiến chi phí vận chuyển liên tục tăng cũng đặt ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp được mệnh danh “vua tôm” của Việt Nam này. Giới phân tích cho rằng, kế hoạch kinh doanh của Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đầy tham vọng, nhưng khả năng hoàn thành vẫn là một dấu hỏi lớn.
*Cơ hội gia tăng xuất khẩu

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HSC), hiện nhu cầu về tôm xuất khẩu tại các thị trường tăng, trong khi cạnh tranh giảm.

Doanh thu xuất khẩu tôm của Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2021 và 2022. Điều này được thúc đẩy bởi nguồn cung từ Ấn Độ suy giảm và nhu cầu trên toàn cầu gia tăng.

Cuộc khủng hoảng COVID-19 tại Ấn Độ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành tôm của nước này. Các chuyên gia trong ngành ước tính sản lượng tôm của Ấn Độ - một trong những nhà xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới, cũng là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với tôm Việt Nam sẽ giảm từ 30 - 50%, do gián đoạn chuỗi cung ứng.

Hàng năm, Ấn Độ cung cấp khoảng 700.000 tấn tôm, chiếm 17-18% nguồn cung toàn cầu. Do đó, sản lượng của Ấn Độ suy giảm đáng kể sẽ khiến nguồn cung tôm trên toàn cầu thiếu hụt và thúc đẩy giá bán tăng.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) và Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, sản lượng tôm 4 tháng đầu năm 2021 của Việt Nam tăng 9% so với cùng kỳ, trong khi Ấn Độ chứng kiến mức sụt giảm hai chữ số.

Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã trì hoãn ký hợp đồng xuất khẩu để chờ đợi hưởng lợi trong quý III và quý IV/ 2021.

Theo tờ báo Undercurrent News, các nhà nhập khẩu Mỹ đã nhận ra vấn đề của Ấn Độ nên họ đang chuyển sang nhập khẩu tôm từ Việt Nam; trong đó có sản phẩm tôm của Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú diễn ra gần đây, ban lãnh đạo doanh nghiệp tiết lộ chỉ trong tháng 5/2021, công ty đã ký hợp đồng xuất khẩu với giá trị 150 triệu USD, cao hơn 23% so với tổng doanh thu quý I/2021 và lợi nhuận trước thuế 6 tháng năm 2021 dự kiến đạt khoảng 300 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, con số cao của tháng 5 chỉ là khởi đầu, giai đoạn bùng nổ sẽ rơi vào tháng 7 đến tháng 10 khi doanh nghiệp đẩy mạnh ký kết hợp đồng.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HSC), xuất khẩu của Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú tăng trưởng mạnh mẽ 15,2 % trong 5 tháng đầu năm 2021. Công ty chứng khoán này cho rằng, tăng trưởng trong nửa cuối năm 2021 thậm chí sẽ còn mạnh mẽ hơn khi đây thường là mùa cao điểm về nhu cầu.

Thực tế, nửa đầu năm thường là mùa thấp điểm của xuất khẩu tôm do kỳ nghỉ Tết kéo dài và sản lượng thấp. Nửa cuối năm là mùa cao điểm nhờ nhu cầu mạnh mẽ trước các kỳ nghỉ lễ tại các thị trường lớn.

Các chuyên gia cho rằng, nhu cầu sản phẩm tôm xuất khẩu tăng cao khiến giá đầu vào là tôm nguyên liệu cũng có thể tăng theo, nhưng giá bán trung bình sẽ tăng nhanh hơn.

Theo Công ty cổ phần Phân tích và Dự báo thị trường Việt Nam (AgroMonitor), giá tôm nguyên liệu tăng vọt kể từ giữa năm 2020, do nguồn cung tôm cạn kiệt bởi ảnh hưởng của COVID-19. Tuy nhiên, từ tháng 3/2021, giá nguyên liệu đầu vào hạ nhiệt do nguồn cung tôm dồi dào ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Dù vậy, theo HSC, từ tháng 6 trở đi, giá tôm nguyên liệu có thể tăng trở lại nhờ sản lượng xuất khẩu phục hồi mạnh và giá thức ăn cho tôm tăng, nhưng giá bán trung bình sẽ tăng nhanh hơn nhờ nhu cầu phục hồi mạnh trong bối cảnh nguồn cung tôm Ấn Độ sụt giảm.

Do đó, HSC kỳ vọng biên lợi nhuận của Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú sẽ cải thiện hiệu quả hơn trong các quý tiếp theo.

*Những điểm nghẽn

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú năm 2021, cổ đông công ty đã thông qua kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng với 15.775 tỷ đồng doanh thu và 1.092 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt tăng 10% và tăng 62% so với thực hiện năm 2020.

Theo ban lãnh đạo doanh nghiệp, phí vận tải tại thời điểm này tăng liên tục, nhưng cũng không có container để xuất hàng đi. Chưa kể, cước container đi các cảng hiện tăng từ 2-4 lần.

Lãnh đạo Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú chưa thể nhận định được liệu cước còn tăng nữa không, do đó không chắc chắn năm 2021 sẽ hoàn thành kế hoạch.

Theo lãnh đạo doanh nghiệp, ước tính, giá thức ăn và giá cước tăng ảnh hưởng khoảng 20% lên giá bán. Dù vậy, bài toán khó nhất hiện nay là lo ngại không có container rỗng để xuất hàng đi.

“Vua tôm” Minh Phú liệu có đạt mục tiêu kinh doanh đầy tham vọng?
Kế hoạch kinh doanh của Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đầy tham vọng, nhưng khả năng hoàn thành vẫn là một dấu hỏi lớn. Ảnh minh họa: Vũ Sinh - TTXVN

Theo VDSC, kế hoạch kinh doanh của Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đầy tham vọng, nhưng khả năng hoàn thành vẫn là một dấu hỏi lớn. Công ty chứng khoán này cho rằng, rủi ro lớn nhất đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú là thiếu container rỗng. Giá cước vận chuyển rất khó để đưa vào giá bán do các hợp đồng thường được ký trước từ 1-3 tháng.
Theo Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, có thể phải đến cuối năm 2022, vấn đề thiếu container mới được cải thiện. Tuy nhiên, công ty sẽ chuyển sang các hãng tàu nhỏ, dù giá cước cao hơn để hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu kịp thời.

Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú vẫn chưa giải quyết xong những rắc rối từ vụ kiện vụ kiện về áp thuế chống bán phá giá với tôm Ấn Độ lên sản phẩm tôm xuất khẩu từ Minh Phú vào Mỹ. Trong năm 2021, công ty chưa được hoàn thuế từ vụ kiện này.

VDSC thông tin, phía Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, tiền hoàn thuế đáng lẽ sẽ nhận được trong quý I/2021, nhưng phía nguyên đơn tiếp tục kiện vì vậy, công ty phải tiếp tục giải quyết vụ kiện và có thể phải đến 2022 mới nhận được tiền hoàn thuế.

Trước đó, trong tháng 2, Mỹ đã hủy quyết định áp thuế chống bán phá giá với công ty và dự kiến sẽ hoàn thuế đã nộp trong năm 2020.

Nhìn lại diễn biến vụ kiện, ngày 13/10/2020, công ty con MSeafood Corporation (MSeafood) của Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú bị áp thuế chống bán phá giá. Đến ngày 11/2/2021, Cục Hải quan Mỹ xác định công ty không trộn lẫn tôm xuất xứ Ấn Độ vào tôm xuất khẩu của MPC xuất khẩu qua Mỹ, dẫn đến gỡ bỏ lệnh áp thuế và quyết định sẽ hoàn thuế mà công ty đã nộp. Theo số liệu trong Báo cáo tài chính, công ty đã nộp 308 tỷ đồng tiền thuế bị áp chống bán phá giá trong quá trình điều tra.

Ngoài ra, Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cũng gặp những khó phát triển được thị trường nội địa. Phía công ty cho biết, tỷ lệ doanh thu nội địa hiện tại chỉ chiếm 1%, bản thân công ty đã rất nỗ lực để đưa sản phẩm vào các siêu thị nhưng việc này đã trở nên bất khả thi.

Nguyên nhân là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm ở Việt Nam chưa được kiểm soát hiệu quả, nhất là vấn đề kiểm tra chất kháng sinh. Trong khi đó, các siêu thị ưu tiên đầu vào giá rẻ từ các nhà cung cấp nhỏ lẻ nhưng có chứa chất kháng sinh.

Trong khi tôm của Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú hoàn toàn không có chất kháng sinh khiến giá bán cao hơn từ 20 - 30% nên rất khó cạnh tranh.

Ngoài những vấn đề trên, hiện các dự án đầu tư xây dựng chậm hơn dự kiến. Dự án nhà máy tẩm bột Minh Phú - Kiên Giang có vốn đầu tư 360 tỷ đồng dự kiến khởi công tháng 3/2021, nhưng hoãn đến tháng 5/2021 mới bắt đầu và dự kiến tháng 3/2022 mới đưa vào vận hành.

Nhà máy Minh Phát Cà Mau vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng dự kiến khởi công tháng 5/2021, nhưng hoãn đến tháng 7/2021 và dự kiến hoạt động từ tháng 7/2022.

Nguyên nhân Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đưa ra cho sự chậm trễ này là do vấn đề thủ tục từ Luật Đầu tư mới, giá vật liệu xây dựng tăng và do công ty tập trung cho vụ kiện.

Dù Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú vẫn còn những khó khăn phải đối diện, tuy nhiên sức hấp dẫn của cổ phiếu MPC trên sàn là không thể phủ nhận.

Sức hấp dẫn này một phần đến từ kế hoạch trả cổ tức cao của doanh nghiệp. Theo đó, công ty dự kiến sẽ trả cổ tức năm 2021 tỷ lệ 50-70%, gấp 2-3 lần mức trả cổ tức năm 2020; trong đó, công ty dự kiến trả bằng tiền mặt tỷ lệ 20%.

Trên thị trường chứng khoán, MPC chốt phiên giao dịch ngày 25/6 ở mức 38.900 đồng/cổ phiếu, tăng gần 34% so với chốt phiên giao dịch đầu năm 4/1./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả