“Vua tôm” lại lỗ
Vừa có lãi trở lại ở quý trước, Thủy sản Minh Phú lại lần nữa báo lỗ hơn 26 tỷ đồng trong quý III/2023, dù đã tích cực tiết giảm các khoản chi phí.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2023, ghi nhận quý lỗ thứ 2 trong năm.
Theo đó, doanh thu thuần của công ty đạt 2.993 tỷ đồng trong quý III/2023, giảm 41% so với cùng kỳ. Sau khi trừ giá vốn hàng bán, lãi gộp công ty thu về giảm 59% xuống còn 321 tỷ đồng. Cùng chiều giảm trên, doanh thu hoạt động tài chính trong quý đạt 21 tỷ đồng, thấp hơn 38% cùng kỳ.
Ở chiều ngược lại, Thủy sản Minh Phú rất tích cực tiết giảm các chi phí trong quý III/2023. Cụ thể, dù chi phí lãi vay tăng 63% lên 39 tỷ đồng nhưng chi phí tài chính của công ty vẫn giảm 13%, xuống còn 76 tỷ đồng.Bên cạnh đó, chi phí bán hàng đạt 204 tỷ đồng, giảm 35% so với quý III/2022.
Kết quả, sau thuế, Thủy sản Minh Phú ghi nhận lỗ 26 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước có lãi hơn 332 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của công ty đạt 7.465 tỷ đồng, giảm 46%. Sau khi trừ các chi phí, doanh nghiệp được mệnh danh là “vua tôm" Minh Phú lỗ 109,7 tỷ đồng, giảm mạnh so với khoản lợi nhuận 571 tỷ đồng vào cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2023, công ty lên kế hoạch doanh thu 12.790 tỷ đồng và lãi sau thuế 639 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm, Thủy sản Minh Phú đã thực hiện được 58% kế hoạch doanh thu và còn rất xa mới có thể về đích lợi nhuận đề ra.
Về tình hình tài chính của doanh nghiệp, tại ngày 30/9/2023, tổng tài sản của Thủy sản Minh Phú đạt 10.973 tỷ đồng, tăng nhẹ so với số đầu kỳ. Tiền và các khoản tương đương tiền ghi nhận giảm 50% xuống còn 414 tỷ đồng. Trong đó, giảm chủ yếu là lượng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn từ 3 tháng trở xuống sụt giảm hơn 78%, còn 131 tỷ đồng.
Chỉ số hàng tồn kho tại cuối tháng 9/2023 đạt 5.650 tỷ đồng, tăng 12%. Theo đó, tất cả hàng tồn kho được Thủy sản Minh Phú dùng để đảm bảo cho khoản vay của công ty tại BIDV và Vietcombank.
Tính đến cuối quý III/2023, dư nợ của Thủy sản Minh Phú là 4.915 tỷ đồng, tăng 8% so với số đầu năm. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn chiếm phần lớn cơ cấu với 4.079 tỷ đồng, tăng 7%.
Trên thị trường, theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), mặc dù xuất khẩu thủy sản tiếp tục sụt giảm trong tháng 9, nhưng so với những tháng trước thì mức giảm ngày càng thu hẹp hơn, đó là tín hiệu đáng mừng và đặc biệt là với mặt hàng tôm có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của ngành thủy sản.
Theo đánh giá của VASEP, xuất khẩu tôm Việt Nam trong tháng 9 đã nhìn thấy tín hiệu tích cực từ các thị trường như Mỹ, Australia, Canada, Bỉ, Đài Loan với mức tăng trưởng dương từ 1% - 54%. Các thị trường lớn còn lại như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn ghi nhận tăng trưởng âm từ 10% - 26%, tuy nhiên mức giảm đã thấp hơn so với những tháng trước đó.
Đặc biệt, Mỹ được coi là thị trường có xu hướng tích cực về nhập khẩu tôm từ Việt Nam, khi xuất khẩu tôm sang thị trường này tiếp tục tăng trưởng dương trong tháng 9, đánh dấu tháng thứ 3 liên tiếp tăng trưởng dương và là mức tăng trưởng cao nhất so với 2 tháng trước đó, với mức tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận