Vụ rủi ro xuất khẩu hạt điều: Vì sao không dùng phương thức thanh toán ít rủi ro?
Theo các chuyên gia, phương thức thanh toán nào cũng có rủi ro. Điều quan trọng là phải biết cách "chọn mặt gửi vàng" và không bị lóa mắt bởi lời hứa hấp dẫn...
Như VnEconomy đã đưa tin, trong số 100 container hạt điều xuất khẩu sang Italia, các doanh nghiệp đã mất kiểm soát đối với 36 container, trị giá tương đương 163 tỷ đồng. Số còn lại, do kịp phát hiện các dấu hiệu lừa đảo nên đã kịp phanh lại tại các cảng Việt Nam và Singapore.
Sau khi Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) rốt ráo báo cáo Chính phủ, bộ ngành và tìm cách xử lý khủng hoảng, hiện tại, chính quyền sở tại của Italia đã kịp thời phong tỏa một số container hạt điều cập cảng, mặc dù có đối tượng xuất trình bộ hồ sơ gốc đòi nhận hàng.
Sau khi sự việc xảy ra, rất nhiều chuyên gia cho rằng, việc xuất khẩu 100 container hạt điều nói trên rủi ro là vì sử dụng phương thức thanh toán D/P (Documents Against Payment – Nhờ thu kèm chứng từ).
Từ thương vụ trên, câu hỏi được thị trường đặt ra rằng: Có phương thức thanh toán quốc tế nào an toàn hơn không? Nếu có vì sao doanh nghiệp không sử dụng?
Hiện tại, trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, doanh nghiệp có thể chọn một trong ba phương thức thanh toán quốc tế.
Ưu điểm là thủ tục tương đối đơn giản, dễ dàng, thời gian chuyển tiền nhanh nên thuận tiện cho cả người mua và người bán. Đồng thời, người mua không phải ký quỹ, nhờ vậy không bị đọng vốn.
Tuy nhiên, nhược điểm của phương thức này nằm ở thời điểm chuyển tiền. Nếu chuyển tiền trước khi nhận được hàng thì rủi ro sẽ nằm ở người mua vì có thể hàng hóa không đủ số lượng, không đạt chất lượng yêu cầu.
Trái lại, nếu để người mua nhận được hàng rồi mới chuyển tiền thì rủi ro chuyển sang người bán vì việc thanh toán lúc đó phụ thuộc thiện chí của người mua.
Với phương thức này, khả năng rủi ro của người bán sẽ thấp hơn vì nếu người mua không trả tiền thì sẽ không thể lấy được hàng. Trong trường hợp đó, người bán không mất hàng, nhưng sẽ mất chi phí để đưa hàng quay trở về hoặc tìm khách hàng khác để bán lại lô hàng đó.
Để đảm bảo việc thanh toán thì ngân hàng thường yêu cầu người mua phải ký quỹ trước một số tiền nào đó, thậm chí là 100% giá trị của hợp đồng. Do vậy, người mua trong trường hợp này sẽ bị chôn vốn ở ngân hàng.
Như vậy, L/C được xem là phương thức thanh toán ít rủi ro nhất cho người bán.
Tuy nhiên, theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương, L/C bảo đảm nhất cho người bán nhưng cũng gây bất lợi nhất cho người mua. Do đó, theo thông lệ quốc tế trong kinh doanh, các phương thức chuyển tiền T/T hay D/P lại được sử dụng nhiều hơn cả.
Giải thích chi tiết hơn, ông Hải dẫn lời một chủ doanh nghiệp liên quan đến thương vụ hạt điều trên, thông thường, hàng nông sản giá trị thấp, mỗi lô hàng có trị giá vài trăm nghìn USD. Người mua thì không mua nhiều một lúc, mà họ mua gối đầu, từng lô nhỏ.
Trong trường hợp lô hàng nào cũng mở L/C thì mỗi tháng doanh nghiệp có thể phải mở đến vài chục L/C. Trong khi, mở L/C thì phải ký quỹ ngân hàng theo một tỷ lệ nào đó. Như vậy, người mua sẽ bị đọng vốn ở ngân hàng trong suốt thời gian chờ nhận hàng, lên đến cả tháng trời. Và không người mua nào muốn như thế cả. Nếu doanh nghiệp xuất khẩu khăng khăng đòi L/C thì người mua sẽ đi tìm người đối tác khác.
Thêm vào đó, thời gian để nhận được L/C của ngân hàng người mua cũng khá dài, ít nhất phải một tuần mà giá thị trường thì biến động từng ngày. Trong khi phải nhận được L/C thì người bán mới có thể giao hàng. Nhưng đã mua bán thì bên nào cũng muốn kết thúc thương vụ nhanh.
“Vì vậy, theo doanh nhân trên, L/C chỉ chiếm khoảng 5% tỷ lệ thanh toán trên thực tế đối với hàng nông sản”, ông Hải nói.
Chung nhận định, ông Nguyễn Đức Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) cho hay, hình thức thanh toán D/P phổ biến nhất hiện nay là đặt cọc trước, ví dụ 10% trị giá hợp đồng hoặc trị giá lô hàng. Khi hàng quá cảnh mà khách hàng không đi nhận bộ chứng từ và không nhận hàng thì bị mất cọc, nhưng cách này cũng có rủi ro có thể người mua họ không nhận hàng do giá cả thị trường giảm hơn 10%.
Đồng thời ông Thanh cho biết thêm, bản chất D/P hay L/C đều nhờ thu qua ngân hàng. Trong trường hợp đối tác đã muốn lừa đảo thì có thể diễn ra với bất kỳ hình thức thanh toán nào.
“Điều quan trọng là đối tác phải làm ăn nghiêm chỉnh. Khi đó, ngay cả trường hợp bán chịu thì doanh nghiệp cũng đồng ý bán. Còn khi gặp đối tác không có uy tín kể cả có dùng L/C doanh nghiệp cũng bị quỵt tiền hàng bình thường”, ông Thanh nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận