Vụ ông Vũ Huy Hoàng: Các cựu quan chức nào của Tổng công ty Sabeco cần phải xử lý kỷ luật?
Trong vụ án cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và đồng phạm, có nhiều cựu quan chức của Tổng công ty Sabeco, cần phải bị xử lý kỷ luật nghiêm về Đảng và chính quyền.
Trường hợp ông Phan Đăng Tuất, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), phụ trách Bộ phận quản lý vốn nhà nước (giai đoạn 2012-2015), theo Cơ quan điều tra, ông Tuất biết khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (TP.HCM) đã được sắp xếp giao cho Bộ Công Thương, Tổng Công ty cổ phần Bia-Rượu- Nước giải khát Sài Gòn (Tổng công ty Sabeco - là doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Công Thương, vốn nhà nước chiếm 89,59%) để quản lý, sử dụng, đầu tư, xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê.
Trong giai đoạn 2013-2015, thực hiện chủ trương của lãnh đạo Bộ Công nghiệp (cũ), Bộ Công Thương, ông Phan Đăng Tuất ký 3 văn bản báo cáo, xin chủ trương phê duyệt của lãnh đạo Bộ Công Thương cho liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp tư nhân để thành lập pháp nhân mới.
Trên cơ sở 3 văn bản chấp thuận của Bộ Công Thương, ngày 3/4/2015, ông Tuất ký công văn (kèm văn bản chấp thuận của Bộ Công Thương) đề nghị UBND TP.HCM chấp thuận cho Công ty Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư và được thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng; để các sở, ngành thuộc UBND TP.HCM tham mưu đề nghị Nguyễn Hữu Tín (lúc đó là Phó Chủ tịch UBND TP.HCM) ký quyết định cho Công ty Sabeco Pearl thuê đất trái các quy định của pháp luật.
Căn cứ kết quả điều tra vụ án, Cơ quan điều tra xác định: Chủ trương liên doanh, liên kết thành lập pháp nhân mới của lãnh đạo Bộ Công Thương đã diễn ra trong thời gian dài, Bộ phận quản lý vốn nhà nước (có ông Tuất) đã bị lãnh đạo Bộ Công Thương phê bình trong việc chậm trễ thực hiện hợp tác, đầu tư thành lập pháp nhân thương mại mới.
Ông Phan Đăng Tuất thực hiện các thủ tục liên doanh, liên kết và hợp tác trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương, phải xin ý kiến Bộ Công Thương về những nội dung thuộc quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp để Bộ Công Thương xem xét, quyết định, có ý kiến chỉ đạo trước khi thực hiện.
Cơ quan điều tra xác định trách nhiệm chính trong sai phạm về hợp tác đầu tư liên doanh, liên kết thành lập pháp nhân mới và thoái 26% vốn góp của Tổng công ty Sabeco tại Công ty Sabeco Pearl thuộc về lãnh đạo Bộ Công Thương.
Theo quy định, ông Phan Đăng Tuất với vai trò là người phụ trách Bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Tổng công ty Sabeco, là người có vai trò thừa hành, phụ thuộc và chấp hành mệnh lệnh hành chính của lãnh đạo Bộ Công Thương.
Do đó, Cơ quan điều tra thấy chưa đủ căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Tuất về hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí với vai trò đồng phạm, giúp sức. Tuy nhiên cần kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý nghiêm kỷ luật Đảng, chính quyền với ông Phan Đăng Tuất.
Đối với trường hợp ông Võ Thanh Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT, phụ trách Bộ phận quản lý vốn nhà nước (giai đoạn 2015-2018), ông Nguyễn Minh An, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Sabeco, Cơ quan điều tra xác định:
Ông Hà và ông An không tham gia vào quá trình Tổng công ty Sabeco hợp tác, đầu tư liên doanh thành lập pháp nhân mới.
Quá trình thực hiện thoái vốn, cũng như vai trò của ông Phan Đăng Tuất, Võ Thanh Hà, Nguyễn Minh An phải thực hiện theo các văn bản chỉ đạo, phê duyệt của lãnh đạo Bộ Công Thương, chỉ được thực hiện khi lãnh đạo Bộ Công Thương đã chấp thuận, phê duyệt…
Cơ quan điều tra cho rằng, chưa đủ căn cứ để xem xét trách nhiệm của ông Võ Thanh Hà, Nguyễn Minh An. Tuy nhiên, cần kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý nghiêm về Đảng, chính quyền với hai ông này.
Về hành vi của các cá nhân nguyên là thành viên của Bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Tổng công ty Sabeco, gồm: Bà Phạm Thị Hồng Hạnh, nguyên Tổng giám đốc; ông Lê Hồng Xanh, nguyên Phó tổng giám đốc; ông Bùi Ngọc Hạnh, nguyên Thành viên chuyên trách HĐQT, Cơ quan điều tra xác định:
Trong quá trình họp Bộ phận quản lý vốn nhà nước để thống nhất các nội dung có liên quan đến các báo cáo, đề xuất của Bộ phận quản lý vốn nhà nước đối với dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng, 3 trường hợp nêu trên có tham gia họp, ký các biên bản họp và các hợp đồng nguyên tắc, hợp đồng hợp tác đầu tư… là thực hiện trên cơ sở văn bản chỉ đạo, phê duyệt chủ trương của ông Vũ Huy Hoàng, bà Hồ Thị Kim Thoa. Việc những người này thực hiện trên cơ sở ý kiến của lãnh đạo Bộ Công Thương.
Cơ quan điều tra cũng xác định, 3 cá nhân nêu trên không trực tiếp phụ trách lĩnh vực đầu tư bất động sản của Tổng công ty Sabeco, mà được phân công các nhiệm vụ chuyên trách, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại của Tổng công ty Sabeco.
Cơ quan điều tra thấy không có căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự đối với bà Phạm Thị Hồng Hạnh, ông Lê Hồng Xanh và ông Bùi Ngọc Hạnh. Tuy nhiên cần kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý nghiêm về kỷ luật Đảng, chính quyền đối với 3 trường hợp này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận