Vụ MobiFone mua AVG: “Chất xúc tác” giúp bán AVG cao hơn giá trị thực tế nhiều lần
Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao vừa ra cáo trạng truy tố, nhóm 5 bị can đã câu kết, đẩy nhanh tiến độ mua bán AVG với số tiền cao hơn giá trị thực tế nhiều lần.
Trong vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (viết tắt là MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) mà Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao vừa ra cáo trạng truy tố, nhóm 5 bị can gồm Nguyễn Bắc Son (sinh năm 1953, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông), Trương Minh Tuấn (sinh năm 1960, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông), Lê Nam Trà (sinh năm 1961, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone), Cao Duy Hải (sinh năm 1961, nguyên Tổng Giám đốc MobiFone) và Phạm Nhật Vũ (sinh năm 1973, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG) đã câu kết, đẩy nhanh tiến độ mua bán AVG với số tiền cao hơn giá trị thực tế nhiều lần.
* Tốc độ ký Bản ghi nhớ, đàm phán mua bán cổ phần nhanh kỷ lục
Bị can Nguyễn Bắc Son (sinh năm 1953, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông). Ảnh: TTXVN phát
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Phạm Nhật Vũ biết rõ năng lực tài chính của AVG rất khó khăn, kinh doanh thua lỗ, nợ vay lớn, giá trị tài sản thấp.
Nhưng vì mong muốn bán được AVG cho MobiFone với giá cao nên Phạm Nhật Vũ đã đưa ra các thông tin về việc AVG bán cổ phần cho đối tác nước ngoài là Công ty 8206 Hồng Kông với giá 700 triệu USD và nhận đặt cọc 10 triệu USD.
Phạm Nhật Vũ đã gọi cho Nguyễn Bắc Son 85 cuộc điện thoại và gửi 206 tin nhắn để trao đổi, liên hệ và đề nghị Nguyễn Bắc Son chỉ đạo cấp dưới sớm thực hiện việc mua bán giữa MobiFone với AVG.
Ngoài ra Phạm Nhật Vũ còn liên hệ với Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà và Cao Duy Hải, những người có vai trò trực tiếp quyết định cho việc mua, bán cổ phần giữa MobiFone và AVG, để hỏi thăm và đề nghị sớm triển khai việc mua bán cổ phần.
Với sự quyết liệt, tích cực của Nguyễn Bắc Son và các bị can thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, MobiFone, Phạm Nhật Vũ đã thống nhất được giá mua, hoàn thành việc ký hợp đồng, nhận được tiền thanh toán từ MobiFone.
Trong đó Phạm Nhật Vũ nhận được 5.850 tỷ đồng, Phạm Nhật Vũ đã đạt được mục đích và bán 95% cổ phần của AVG cao hơn giá trị thực tế nhiều lần.
Tại cơ quan điều tra, bị can Phạm Nhật Vũ khai nhận: Việc thỏa thuận bán cổ phần với đối tác nước ngoài là Công ty 8206 Hồng Kông và nhận tiền đặt cọc 10 triệu USD chỉ là dự kiến, không có tài liệu chứng minh.
Do lĩnh vực truyền hình nhạy cảm nên Phạm Nhật Vũ đã ký Văn bản số 571/AVG-CV ngày 15/10/2014 gửi Nguyễn Bắc Son đề nghị hướng dẫn chào bán cổ phần AVG cho đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, Bộ Thông tin và Truyền thông không có văn bản trả lời.
Đầu tháng 3/2015, Nguyễn Bảo Long (Phó Tổng giám đốc MobiFone) gọi điện cho Phạm Nhật Vũ hỏi việc AVG bán cổ phần, sau khi biết AVG muốn bán MobiFone đã cho người sang tìm hiểu, đánh giá hiện trạng. Chỉ trong vòng nửa tháng, đến ngày 20/3/2015, MobiFone và AVG đã ký Bản ghi nhớ mua, bán cổ phần.
Sau 5 buổi đàm phán, đến ngày 2/10/2015, Phạm Nhật Vũ đại diện AVG cùng đại diện MobiFone dưới sự chủ trì của Bộ Thông tin và Truyền thông đã họp, thống nhất mức giá mua 95% cổ phần là 8.898,3 tỷ đồng; bao gồm cả phần vốn góp của AVG tại Công ty cổ phần An Viên B.P và Công ty cổ phần giống tằm Mai Lĩnh (AVG đầu tư ngoài ngành vào Công ty cổ phần An Viên B.P và Công ty cổ phần giống tằm Mai Lĩnh nhưng không tính tiền).
Sau khi có sự chấp thuận của cấp có thẩm quyền, MobiFone và AVG đã đàm phán thỏa thuận hợp đồng chuyển nhượng.
Đến ngày 25/12/2015, Phạm Nhật Vũ đã ký Thỏa thuận bán cổ phần và từng cổ đông AVG ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần cho MobiFone.
Đến ngày 15/1/2016, MobiFone đã thanh toán 95% giá trị hợp đồng (tương đương 8.445 tỷ đồng) cho 8 cổ đông của AVG, trong đó cá nhân Phạm Nhật Vũ được hưởng 5.850 tỷ đồng.
* Biết rõ năng lực tài chính xấu vẫn quyết tâm mua
Căn cứ tài liệu điều tra và lời khai của các bị can xác định, Nguyễn Bắc Son là người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông đã giới thiệu, định hướng cho MobiFone mua cổ phần của AVG, mặc dù biết rõ năng lực tài chính của AVG rất xấu, kinh doanh không hiệu quả, lỗ lũy kế kéo dài, giá trị tài sản thấp.
Nguyễn Bắc Son với mong muốn MobiFone sớm thực hiện được dự án mua cổ phần của AVG trong năm 2015 nên đã chỉ đạo Trương Minh Tuấn, Phạm Đình Trọng, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải khẩn trương triển khai thực hiện dự án, không tuân thủ các quy định của pháp luật, chỉ đạo Trương Minh Tuấn ký quyết định Phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình trái pháp luật, quyết định giá mua 8.898,3 tỷ đồng, tương đương 95% cổ phần của AVG tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty AVG, cao hơn gấp nhiều lần giá trị tài sản thực của AVG; quyết liệt chỉ đạo Lê Nam Trà ký Thỏa thuận và Hợp đồng với AVG để chuyển tiền mua bán cổ phần.
Bị can Trương Minh Tuấn (sinh năm 1960, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông). Ảnh: TTXVN phát
Quá trình thực hiện dự án Nguyễn Bắc Son đã gọi cho Phạm Nhật Vũ tổng cộng 126 cuộc điện thoại và gửi 139 tin nhắn để trao đổi về tiến độ và thúc đẩy dự án sớm hoàn thành.
Trong quá trình thực hiện dự án MobiFone mua 95% cổ phần AVG, Phạm Nhật Vũ đã nhiều lần liên hệ điện thoại với Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà và Cao Duy Hải để trao đổi công việc, hối thúc thực hiện nhanh việc mua, bán.
Trên cơ sở chỉ đạo của Nguyễn Bắc Sơn và sự thúc giục “có hàm ý” của Phạm Nhật Vũ, các bị can còn lại đã tích cực triển khai, đẩy nhanh tiến độ mua bán cổ phần của AVG.
Cụ thể, Trương Minh Tuấn với chức vụ là Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai các công việc liên quan đến dự án và theo chỉ đạo của Nguyễn Bắc Son ký quyết định 236/QĐ-BTTTT phê duyệt Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone.
Lê Nam Trà tổ chức triển khai, chỉ đạo các thành viên của Hội đồng Thành viên và Ban Tổng giám đốc MobiFone thực hiện Dự án trái pháp luật theo chỉ đạo của Nguyễn Bắc Son và Quyết định 236/QĐ-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông. Cao Duy Hải với chức vụ là Tổng Giám đốc MobiFone là người tổ chức thực hiện dự án.
* Lợi ích bất hợp pháp từ thương vụ AVG
Căn cứ báo cáo tài chính của AVG, ý kiến đánh giá của Công ty tư vấn VCBS trên cơ sở báo cáo kiểm toán của Công ty Kiểm toán KPMG, Công ty Kiểm toán E&Y, Chứng thư xác định giá trị doanh nghiệp của Công ty trách nhiệm hữu hạn Hãng kiểm toán AASC và lời khai của bị can Phạm Nhật Vũ, xác định giá trị tài sản của AVG tính đến ngày 31/3/2015 là 3.103 tỷ đồng, trừ đi tổng nợ phải trả là 1.133 tỷ đồng, giá trị tài sản ròng còn lại của AVG là 1.970 tỷ đồng.
Như vậy, với giá bán 95% cổ phần của AVG là 8.898,3 tỷ đồng, Phạm Nhật Vũ đã bán cổ phần AVG cao hơn giá trị thật nhiều lần, mang lợi ích cho Vũ cùng các cổ đông AVG gần 6.500 tỷ đồng. Trong đó, riêng Phạm Nhật Vũ được hưởng hơn 5.850 tỷ đồng.
Sau khi hoàn thành việc bán 95% cổ phần AVG cho MobiFone theo đúng mong muốn và có lợi nên Phạm Nhật Vũ đã đưa cho Nguyễn Bắc Son 3 triệu USD, Trương Minh Tuấn 200.000 USD, Lê Nam Trà 2,5 triệu USD và Cao Duy Hải 500.000 USD.
Lý do Phạm Nhật Vũ đưa tiền cho 4 bị can trên vì họ có vai trò quyết định đối với việc AVG bán cổ phần cho MobiFone và số tiền Phạm Nhật Vũ đưa cho từng người phụ thuộc vào vị trí chức vụ và tính quyết định của từng cá nhân trong quá trình thực hiện việc mua bán cổ phần giữa MobiFone và AVG.
Quá trình điều tra, Nguyễn Bắc Son nhận thức rõ nếu không phải là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, người có vai trò quyết định trong việc triển khai thực hiện dự án để MobiFone mua 95% cổ phần của AVG thì Nguyễn Bắc Son sẽ không được Phạm Nhật Vũ đưa số tiền 3 triệu USD. Số tiền nhận từ Phạm Nhật Vũ là tiền bất hợp pháp nên Nguyễn Bắc Son đã nhiều lần viết đơn xin nộp lại và đề nghị được sử dụng số tiền gần 592 tỷ đồng trong tài khoản tiền gửi tiết kiệm đứng tên Nguyễn Bắc Son.
Trương Minh Tuấn nhận thức được việc Phạm Nhật Vũ đưa tiền vì Trương Minh Tuấn có tham gia dự án, là người ký Quyết định 236 phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone.
Số tiền 200.000 USD (tương đương hơn 4,4 tỷ đồng) nhận từ Phạm Nhật Vũ là tiền bất hợp pháp và Trương Minh Tuấn đã sử dụng chi tiêu cá nhân.
Quá trình điều tra, truy tố, Trương Minh Tuấn đã có đơn xin nộp lại hết số tiền này. Hiện tại, tổng số tiền bị can Trương Minh Tuấn và gia đình nộp lại là 4,1 tỷ đồng trên tổng số tiền hơn 4,4 tỷ đồng mà bị can Tuấn đã nhận của Vũ.
Lê Nam Trà nhận thức là người thực hiện Dự án dịch vụ truyền hình tại MobiFone và là người đại diện của MobiFone ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần giữa MobiFone với các cổ đông AVG nên Phạm Nhật Vũ đã đưa số tiền như vậy.
Mặt khác, các cổ đông của AVG vẫn còn 5% cổ phần tại Công ty AVG nên cũng muốn MobiFone tạo điều kiện thuận lợi trong công việc kinh doanh.
Xác định việc nhận tiền của Phạm Nhật Vũ là bất hợp pháp, nên ngay sau khi bị khởi tố Lê Nam Trà đã chủ động khai báo về số tiền đã nhận từ Phạm Nhật Vũ và đến nay đã cùng gia đình nộp lại toàn bộ số tiền 2,5 triệu USD đã nhận.
Tương tự, bị can Cao Duy Hải nhận thức việc Phạm Nhật Vũ đưa cho 500.000 USD (tương đương hơn 11,1 tỷ đồng) là vì Hải là người tham gia dự án MobiFone mua 95% cổ phần AVG.
Hải xác định số tiền nhận của Phạm Nhật Vũ là tiền bất hợp pháp nên Cao Duy Hải đề nghị gia đình nộp lại. Đến nay, gia đình Cao Duy Hải đã nộp hết toàn bộ số tiền bất hợp pháp nêu trên.../.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận