Vụ dự án 140 triệu USD tại Long An: Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An có sai sót
Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An “có sai sót” trong quá trình giải quyết khiếu nại của Công ty CP Địa ốc Hồng Phát trong vụ tranh chấp với Công ty China Policy Limited (CPL).
Sau thanh, kiểm tra, mới đây, Bộ Tư pháp đã kết luận, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An “có sai sót” trong quá trình giải quyết khiếu nại của Công ty CP Địa ốc Hồng Phát trong vụ tranh chấp giữa công ty này và Công ty China Policy Limited (CPL).
Gây bất lợi cho nhà đầu tư Việt
Như Báo Đầu tư đã phản ánh, năm 2007, Công ty CP Địa ốc Hồng Phát (Công ty Hồng Phát) tại tỉnh Long An và Công ty CPL có trụ sở tại British Virgin Islands ký thỏa thuận đầu tư Dự án Khu dân cư cao cấp, trường đua ngựa và câu lạc bộ đua ngựa trên diện tích 500 ha, vốn đầu tư 140 triệu USD. Công ty CPL góp vốn bằng tiền mặt 70% tổng vốn, 30% do Công ty Hồng Phát góp bằng giá trị quyền sử dụng đất.
Theo Thỏa thuận khung, CPL ứng trước cho Hồng Phát 15,6 triệu USD để dùng vào việc bồi thường, giải phóng mặt bằng giai đoạn I của Dự án, được tính vào vốn góp khi hoàn tất thành lập công ty liên doanh.
Ngay sau khi ký kết, trong tháng 7/2007, CPL đã chuyển 15,6 triệu USD. Công ty Hồng Phát lập tức thực hiện theo thỏa thuận chi trả tiền đền bù thông qua Trung tâm Dịch vụ tư vấn nhà đất Long An. Như vậy, đến thời điểm trên, 2 bên đều thực hiện đúng Thỏa thuận khung.
Tuy nhiên, quá trình giải phóng mặt bằng, bồi thường cho người dân phát sinh chi phí xây dựng khu tái định cư, Công ty Hồng Phát đề nghị Công ty CPL bổ sung thêm vốn, nhưng CPL khước từ và khẳng định chỉ chi 15,6 triệu USD. Từ đó, 2 bên mâu thuẫn, chưa hình thành được công ty liên doanh để hoàn thiện pháp nhân đầu tư dự án, dẫn tới tranh chấp.
Ngày 25/4/2013, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam đã ra Phán quyết số 29/12, yêu cầu Hồng Phát và CPL tiếp tục thực hiện “Thỏa thuận khung” đã ký kết. Công ty Hồng Phát phải “thực hiện thủ tục xin phép cần thiết và có được giấy chứng nhận đầu tư cho công ty liên doanh của Dự án…”; “Hồng Phát phải đóng góp quyền sử dụng đất của diện tích đất giai đoạn I đứng tên của Hồng Phát vào công ty liên doanh”…
Thế nhưng, trong thời gian Công ty Hồng Phát tiếp tục triển khai Dự án, thì Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An đã ra Quyết định số 07 tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản đối với 13 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tương ứng 232,6 ha đất dự án đang do Hồng Phát đứng tên.
Hồng Phát khiếu nại việc phong tỏa 13 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nêu trên của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An. Sau đó, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An ra Quyết định số 06/QĐ-CTHADS ngay 6/3/2019 “không chấp nhận toàn bộ khiếu nại của Công ty Hồng Phát”.
Sai sót trong quá trình xử lý khiếu nại
Cho rằng quyết định trên của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An gây bất lợi cho mình, Công ty Hồng Phát đã khiếu nại lên cấp cao hơn.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu vừa ký Văn bản số 2097/BTP-TTR gửi Công ty Hồng Phát, trong đó thông tin: có nhận được đơn khiếu nại của Công ty Hồng Phát, nên đã giao Thanh tra Bộ Tư pháp thanh tra vụ việc này.
Sau khi thanh tra, xác minh, Bộ Tư pháp kết luận, Quyết định số 07 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An có sự nhầm lẫn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chính xác là số AI212591 diện tích trên 132.000 m2, chứ không phải mang số BCT03624.
Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng cho rằng, tại Quyết định số 06/QĐ-CTHADS, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An cũng sai sót khi thực hiện giải quyết khiếu nại của Công ty Hồng Phát.
Đáng lưu ý, sau khi không đồng ý với Quyết định số 06/QĐ-CTHADS của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An, Hồng Phát đã khiếu nại lên Tổng cục Thi hành án dân sự. Ngày 19/4/2019, Tổng cục Thi hành án dân sự ra Thông báo số 103 về giải quyết đơn khiếu nại của Công ty Hồng Phát.
Tiến hành kiểm tra, Bộ Tư pháp cho hay, sau khi ra Thông báo số 103, qua rà soát lại, Tổng cục Thi hành án dân sự phát hiện việc thông báo giải quyết khiếu nại trên là không đúng luật, nên đã ra thông báo thứ 2 mang số 130 thu hồi Thông báo 103.
Với việc thu hồi trên, Công ty Hồng Phát cho rằng, Tổng cục Thi hành án dân sự đã tước đi quyền được khiếu nại của mình.
Về vấn đề này, theo Bộ Tư pháp, quá trình xử lý khiếu nại của Tổng cục Thi hành án dân sự có sai sót và khẳng định: “Những sai sót trong quá trình xử lý khiếu nại của Tổng cục Thi hành án dân sự, về bản chất không làm mất quyền khiếu nại của Công ty Hồng Phát”. Cùng với đó, Bộ Tư pháp còn cho hay, kể cả khi quyết định giải quyết khiếu nại cua thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp địa phương đã có hiệu lực thi hành, thì Bộ Tư pháp vẫn có thẩm quyền xem lại khi cần thiết theo quy định pháp luật.
Doanh nghiệp nói gì?
Bà Trần Thị Việt Thanh, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty Hồng Phát cho rằng, kết luận nêu trên của Bộ Tư pháp là chưa đủ, bởi “văn bản của Bộ Tư pháp chỉ mới xem xét các khiếu nại của doanh nghiệp về mặt hình thức, trình tự, thủ tục, chứ chưa xem xét về nội dung, diễn biến và bản chất vụ việc”.
Lý do là, theo Phán quyết số 29/12 ngày 25/4/2013, Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam đã yêu cầu Hồng Phát và CPL tiếp tục thực hiện “Thỏa thuận khung” đã ký kết giữa 2 bên.
Với phán quyết đó, Công ty Hồng Phát phải thực hiện 2 nghĩa vụ về thủ tục và tài sản, gồm: thực hiện thủ tục xin phép cần thiết và có được giấy chứng nhận đầu tư cho công ty liên doanh của Dự án; và nghĩa vụ đóng góp quyền sử dụng đất của diện tích đất Giai đoạn I đứng tên của Hồng Phát vào công ty liên doanh.
Nếu thực hiện đúng nội dung phán quyết này, thì Chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An phải chờ đến khi công ty liên doanh của 2 bên được thành lập và khi đó, Công ty Hồng Phát đóng góp giá trị quyền sử dụng đất vào liên doanh (tức là phát sinh nghĩa vụ liên quan đến tài sản), thì mới có cơ sở pháp lý để áp dụng cưỡng chế tài sản đảm bảo thi hành án.
Thế nhưng, ở thời điểm Hồng Phát đang thi hành nghĩa vụ thứ nhất (thủ tục thành lập liên doanh) và tới nay, công ty liên doanh chưa thành lập được (tức là chưa phát sinh nghĩa vụ thứ 2 về tài sản), mà Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An đã ra Quyết định 07 tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản đối với 13 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tương ứng 232,6 ha đất dự án đang do Công ty Hồng Phát đứng tên là thi hành sai phán quyết.
Công ty Hồng Phát cũng đưa chứng lý là Văn bản số 123/BC-BTP, ngày 4/6/2018 của Bộ Tư pháp với nội dung: không có căn cứ để cưỡng chế, kê biên 13 quyền sử dụng đất nêu trên. Thêm vào đó, tại Văn bản số 8248/VPCP-V.I ngày 31/8/2018 của Văn phòng Chính phủ cũng nêu rõ, đồng ý về nguyên tắc hướng giải quyết của Bộ Tư pháp tại Văn bản số 123: “Nếu có tranh chấp về góp vốn và bồi thường thiệt hại trong Thỏa thuận khung giữa 2 công ty (Công ty Hồng Phát và Công ty CPL - PV), Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, UBND tỉnh Long An hướng dẫn công ty kiện ra tòa”.
Với diễn biến và bản chất vụ việc như vậy, Công ty Hồng Phát cho rằng, cơ quan chức năng cần làm rõ, xử lý nghiêm đơn vị, cá nhân liên quan trong việc tổ chức thi hành phán quyết của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam đã gây hậu quả cho doanh nghiệp.
Bộ Tư pháp chỉ đạo Tổng cục Thi hành án dân sự phải sửa đổi, chỉ đạo đính chính những nội dung chưa đúng quy định pháp luật, sơ sót kỹ thuật của quyết định giải quyết khiếu nại; tổ chức kiểm điểm, chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với những sai sót trong việc xử lý đơn khiếu nại của Công ty Hồng Phát.
Cùng với đó, Bộ Tư pháp cũng yêu cầu Tổng cục Thi hành án dân sự chỉ đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An tổ chức kiểm điểm, xác định trách nhiệm cá nhân và có hình thức xử lý tương xứng đối với những tồn tại, sai sót…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận