Vụ án Vạn Thịnh Phát: Hành vi làm trái công vụ của bà Đỗ Thị Nhàn xuyên suốt quá trình thanh tra
Vạn Thịnh Phát; Trương Mỹ Lan; Đỗ Thị Nhàn
Ngày 1/4, tại phiên tòa sơ thẩm của TAND TPHCM, xét xử vụ sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã cho đại diện Viện Kiểm sát đối đáp với nội dung bào chữa của các luật sư và tự bào chữa của các bị cáo.
Bào chữa cho bị cáo Đỗ Thị Nhàn - cựu Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), luật sư cho rằng, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Đỗ Thị Nhàn mức án tù chung thân, về tội “Nhận hối lộ” là quá nghiêm khắc, trong đó việc xác định tội danh của bị cáo Nhàn là chưa phù hợp.
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn tại phiên tòa. Ảnh: Duy Anh. |
Luật sư trình bày rằng, cáo trạng đã xác định Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó Chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN) là người chỉ đạo chia các thành viên ra làm nhiều tổ thanh tra khác nhau. Sau khi làm việc, các tổ tổng hợp, báo cáo cho bà Nhàn nộp lại cho ông Hưng để đưa ra quyết định cuối cùng. Ông Hưng là người chỉ đạo và là cấp trên của bà Nhàn nhưng bị truy tố tội nhẹ hơn.
Tự bào chữa, bị cáo Đỗ Thị Nhàn nói rất xấu hổ với bản thân và gia đình. Bị cáo đã cố gắng khắc phục hậu quả, ăn năn hối cải, hợp tác với cơ quan điều tra. Bị cáo Nhàn mong được xem xét, hưởng khoan hồng của pháp luật.
Đối đáp lại ý kiến của luật sư, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, trong vụ án này, bị cáo Đỗ Thị Nhàn đã lợi dụng sai phạm của SCB rồi thông qua Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng giám đốc SCB) để gặp bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát). Mục đích của bà Nhàn là bàn bạc, trao đổi với bà Lan để đưa ra các biện pháp đối phó.
Từ sự bàn bạc này, bà Lan chỉ đạo ông Văn sửa các sai phạm theo hướng dẫn từ bà Nhàn. Qua hồ sơ vụ án, dữ liệu các chuyến bay, các dữ liệu khác thu thập được, lời khai của các bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, Đỗ Thị Nhàn phù hợp với nhau về cách thức giao tiền, vị trí và thời gian giao tiền, có đủ cơ sở kết luận bà Nhàn đã nhận 5,2 triệu USD từ bà Trương Mỹ Lan để che giấu sai phạm cho SCB.
Về tội danh, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, hành vi làm trái công vụ của bà Đỗ Thị Nhàn là xuyên suốt quá trình thanh tra và đây là phương thức, thủ đoạn để bà Nhàn nhận hối lộ nên Viện Kiểm sát truy tố bị cáo này về tội “Nhận hối lộ” là có căn cứ.
Cũng trong buổi xét xử, đại diện Viện Kiểm sát đối đáp với luật sư của bị cáo Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN).
Theo luật sư, ông Nguyễn Văn Hưng không phải là người chủ mưu, cầm đầu của tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Bị cáo Nguyễn Văn Hưng tại phiên tòa. Ảnh: Duy Anh. |
Đối đáp với ý kiến trên, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, ông Hưng là người chỉ đạo, giám sát đoàn thanh tra, chỉ đạo xây dựng dự thảo báo cáo thanh tra. Khi thanh tra đã làm rõ thực trạng tài chính của SCB rất xấu, không đủ điều kiện để tái cơ cấu, ông Hưng vẫn chỉ đạo xây dựng báo cáo không trung thực về tài chính, không kiến nghị đưa SCB vào kiểm soát đặc biệt.
Cũng theo đại diện Viện Kiểm sát, lời khai và dữ liệu trong hồ sơ vụ án thể hiện ông Hưng có nhận lợi ích để bỏ qua sai phạm, thỏa mãn yếu tố vụ lợi trong tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Từ đó, Viện kiểm sát khẳng định, việc truy tố ông Hưng với vai trò, vị trí là người chịu trách nhiệm chính, chủ mưu, cầm đầu trong vụ án đối với tội danh này là có cơ sở.
Trước đó, bị cáo Nguyễn Văn Hưng bị đại diện Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt mức án từ 14 - 15 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận