Vụ án Trịnh Văn Quyết: Viện kiểm sát xác định có 25.853 bị hại
Theo Viện kiểm sát, việc xác định lại số lượng bị hại (25.853 người) không làm thay đổi kết quả điều tra; trọng tâm vẫn là việc Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu khống, thu tiền dùng cho mục đích cá nhân..
Ngày 29/7, Tòa án nhân dân TP Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án Trịnh Văn Quyết và các đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tiền nhà đầu tư.
Có 89 luật sư thực hiện bào chữa cho 50 bị cáo và bảo vệ quyền lợi cho các đơn vị liên quan.
XÁC ĐỊNH LẠI SỐ LƯỢNG BỊ HẠI
Tại phần tranh luận, nhóm luật sư của bị cáo Trịnh Văn Quyết nêu vụ án chỉ có 133 người đến trình báo, có đơn yêu cầu bồi thường mới là bị hại; nhóm 30.403 người mua cổ phiếu ROS còn lại chưa thể xác định được, một số bị trùng tên.
Phản biện nội dung này, Viện kiểm sát nhấn mạnh bị cáo Trịnh Văn Quyết có vai trò chủ mưu, chuẩn bị mọi điều kiện để tổ chức, chỉ đạo, phân công, giao việc hoặc nhờ các bị cáo khác thực hiện nhiệm vụ thông qua một chuỗi hành vi gian dối, có chủ động; thực hiện bài bản thể hiện qua nhiều năm, nhiều lần nâng vốn góp khống.
“Bắt đầu từ việc mua Công ty Green Belt (sau đổi tên thành Công ty Faros); sau đó 5 lần nâng khống vốn góp chủ hữu từ 1,5 tỷ đồng lên thành 4.300 tỷ đồng, trong đó có hơn 3.102 tỷ đồng là vốn góp khống.
Tiếp đến, các bị cáo đưa cổ phiếu ROS lên sàn chứng khoán, lợi dụng HOSE để thực hiện hành vi phạm tội. Hơn 30.000 nhà đầu tư lầm tưởng Công ty Faros có vốn thật nên bỏ tiền ra mua cổ phiếu ROS và qua đây, Trịnh Văn Quyết thu về hơn 4.800 tỷ đồng; trừ vốn đi được hưởng lợi bất chính 3.621 tỷ đồng.
Nếu thiếu đi hành vi liên quan đến quá trình hình thành cổ phiếu ROS của bất kỳ bị cáo nào trong vụ án này, thì bị cáo Quyết không thể niêm yết, không thể bán cổ phiếu cho các nhà đầu tư được và bị cáo Quyết không thể chiếm đoạt được 3.621 tỷ đồng để sử dụng vào mục đích cá nhân”, Viện kiểm sát nhận định.
Về bị hại, Viện kiểm sát cho rằng bị hại phải được xác định tại thời điểm hành vi chiếm đoạt thực hiện xong. Tuy nhiên, sau khi các luật sư trình bày, phía công tố rà soát, thấy có trường hợp trùng tên nên xác định lại bị hại trong vụ án là 25.853 bị hại.
Đến nay, có 133 người có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại; số bị hại còn lại được quyền tiếp tục yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại theo quy định.
Theo Viện kiểm sát, việc xác định lại số lượng bị hại nói trên không làm thay đổi kết quả điều tra; trọng tâm vẫn là việc Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu khống, thu tiền dùng cho mục đích cá nhân.
Các bị cáo giúp sức đều thừa nhận hành vi, tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố nhưng cho rằng về ý thức chủ quan, họ không biết bị cáo Quyết nâng vốn góp khống, niêm yết cổ phiếu ROS, bán chiếm đoạt tiền.
Về quan điểm này, đại diện Viện kiểm sát khẳng định tại thời điểm tất cả các bị cáo nhiều lần ký góp vốn khống, nhận tiền ủy thác đầu tư trong khi mình không có vốn góp, không có hoạt động đầu tư, buộc phải biết là ký những chứng từ gian dối là trái pháp luật.
CỰU CHỦ TỊCH FLC NÓI LỜI XIN LỖI
Nói trước tòa, ông Trịnh Văn Quyết trình bày: “Trong suốt sự nghiệp kinh doanh của mình, tôi luôn có những hoài bão và ước mơ phát triển các lĩnh vực như sân golf, khu nghỉ dưỡng, bất động sản, hàng không và đã có những thành tựu nhất định được xã hội ghi nhận, đánh giá cao cũng như thay da đổi thịt những vùng đất khó, đem lại việc làm cho hàng trăm ngàn người lao động.
Tuy nhiên, tại cùng một thời điểm, để thực hiện đồng thời nhiều ước mơ và hoài bão lớn như vậy, tôi đã phải làm một số việc vượt quá giới hạn pháp luật cho phép dẫn đến hậu quả như ngày hôm nay.
Tôi rất hối hận vì trong suốt quãng đời doanh nhân hơn hai mươi năm của mình, cho dù tôi đã luôn nỗ lực, cố gắng thì tôi cũng không thể thay đổi một sự thật là, nhiều người thân, người bạn và đồng nghiệp của tôi, những người vì tin tưởng tôi, mà rơi vào vòng lao lý. Cho tôi được nói lời xin lỗi”.
Ông Quyết xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ cho tất cả các bị cáo liên đới, để họ sớm được trở về đoàn tụ với gia đình. Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC cũng gửi lời xin lỗi đến các bị hại.
“Đây là bài học quá lớn sẽ ám ảnh suốt cuộc đời tôi và những bị cáo khác”, ông Quyết nói.
Trong phần đối đáp, Viện kiểm sát đã giữ nguyên quan điểm về mức án đề nghị từ 24-26 năm tù đối với bị cáo Trịnh Văn Quyết về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản vàThao túng thị trường chứng khoán.
Tranh luận lại, luật sư Vũ Đặng Hải Yến, bào chữa cho bị cáo Trịnh Văn Quyết, tiếp tục đề nghị xem xét vấn đề bị hại. Theo luật sư, biên bản làm việc 3 bên giữa Viện kiểm sát, Cơ quan Cảnh sát điều tra C01 và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, số tài khoản chứng khoán còn dư số cổ phiếu F0 của ROS chỉ có khoảng 200 tài khoản.
Trong danh sách bị hại, tỉ lệ nhà đầu tư không đề nghị bồi thường và chưa được tiếp xúc với cơ quan tố tụng là rất nhiều. Luật sư mong Hội đồng xét xử xem xét công tâm vì vấn đề bị hại là liên quan tới quyền lợi của nhiều bị cáo không chỉ ông Trịnh Văn Quyết cũng như quyền lợi bị hại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận