VTP: Hứa hẹn tăng trưởng nhờ thương mại điện tử bùng nổ
Viettel Post được thành lập năm 1997 và là công ty con của tập đoàn Viettel, Công ty viễn thông đa quốc gia của Việt Nam
Tổng quan về công ty
Năm 2009, cổ phần của Tập đoàn Viettel đã giảm từ 100% xuống 68% sau khi thực hiện cổ phần hóa. VTP được niêm yết trên sàn UpCom vào năm 2018. Theo BLĐ, tập đoàn Viettel có kế hoạch giảm cổ phần xuống 49% vào năm 2025, với những thay đổi trong tương lai tùy thuộc vào định hướng chiến lược của Viettel. Doanh thu của VTP đến từ 1) dịch vụ chuyển phát và 2) bán hàng trên nền tảng TMĐT Vỏ Sò và bán sim, thẻ cào Viettel.
Tổng quan ngành
TMĐT bùng nổ mang đến cho VTP nhiều cơ hội trong tương lai
Nền tảng TMĐT đang bùng nổ sẽ đóng vai trò chủ đạo trong sự phát triển tương lai của VTP. Tính đến 2020, thị trường TMĐT Việt Nam được định giá ở mức 15 tỷ USD và kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng CAGR 28% và tới năm 2025 quy mô ước đạt 52 tỷ USD. Lượng người mua sắm trực tuyến tại Việt Nam đã tăng với tốc độ CAGR là 13,6% kể từ năm 2017 và đạt 49,3 triệu vào năm 2020. Số tiền chi tiêu mỗi người cũng tăng với tốc độ CAGR 9% so với cùng kỳ. Doanh thu B2C đang trên đà tăng, chiếm 5,5% doanh thu bán lẻ 2020, so với 3,6% năm 2017. Số lượng tài khoản kinh doanh trực tuyến đạt 70.303 trong năm 2020, so với 46.714 năm 2018. Sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử tại Việt Nam có thể được giải thích bởi 1) mức độ thâm nhập của TMĐT thấp - chỉ 28% dân số mua sắm qua các sàn TMĐT vào năm 2017 và con số này đã được nâng lên 50% vào năm 2020 và dự kiến sẽ đạt 70% vào năm 2025, mở ra nhiều dư địa cho ngành TMĐT phát triển, 2) Chính phủ Việt Nam cung cấp một trong những môi trường pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động thương mại điện tử, 3) Việt Nam có 41% người mua sắm trực tuyến mới vào năm 2020, cao hơn mức trung bình của Đông Nam Á là 36%.
Sự phát triển của thị trường TMĐT Trung Quốc đã được chứng minh là yếu tố quan trọng hỗ trợ các công ty logistics nội địa như ZTO và ZYO. Tương tự, thị trường logistics Việt Nam được kỳ vọng sẽ nhanh chóng mở rộng trong tương lai với đầu tàu thương mại điện tử. Theo Bộ công thương, thị trường logistics Việt Nam dự báo tăng trưởng, với CAGR giai đoạn 2020-2025 đạt 20%. Như vây, cơ hội cho các doanh nghiệp logistic nói chung và VTP nói riêng là nhiều tiềm năng trong dài hạn. VTP đã có kế hoạch rõ ràng để đạt vị thế dẫn đầu trong phân khúc giao hàng đường dài. Và hệ sinh thái khép kín của VTP cho phép cung cấp dịch vụ hỗ trợ khách hàng tốt và linh hoạt là điểm nhấn, bên cạnh, kế hoạch đầu tư kho bãi quy mô lớn trong thời gian tới.
Tổng quan phân khúc Logistics của VTP
Mảng chuyển phát nhanh của VTP tạo ra doanh thu với toàn bộ quá trình giao hàng, từ nhận hàng, lưu kho, đến vận chuyển, phân loại và giao hàng chặng cuối. Sau khi nhận chuyển giao 800 cửa hàng Viettel, VTP hiện đang vận hành 8.000 bưu cục, trải khắp các quận huyện trên 63 tỉnh thành. VTP, cùng với VN Post, là hai đơn vị có mạng lưới bưu cục rộng nhất. VTP được hưởng một số lợi thế cạnh tranh như là doanh nghiệp duy nhất cung cấp dịch vụ lấy hàng tận nhà cho dịch vụ chuyển phát liên tỉnh khá phổ biến với những người bán có số đơn hàng lớn. Các đối thủ của VTP không cung cấp dịch vụ này do hạn chế số lượng bưu cục, mà phải cần đến đối tác hỗ trợ, như việc Grab lấy hàng tại nhà trước khi chuyển cho Ninja Van giao liên tỉnh. Việc phối hợp giữa các công ty chuyển phát có thể dẫn đến khó khăn trong việc hỗ trợ khách hàng khi đơn hàng gặp sự cố. Doanh thu từ dịch vụ chuyển phát đã tăng từ 2.757 tỷ đồng năm 2017 lên 6.178 tỷ đồng trong 2020 (CAGR +34%). 80% doanh thu chuyển phát nhanh của VTP đến từ giao dịch trên các nền tảng bán hàng trực tuyến.
Dịch vụ giao hàng liên tỉnh – Mảng kinh doanh cốt lõi của VTP
Dù đã có lợi thế về CSHT, VTP vẫn tiếp tục củng cố nhằm khẳng định vị trí dẫn đầu
Giao hàng liên tỉnh đóng góp 85-87% vào tổng doanh thu dịch vụ chuyển phát. VTP thường là đơn vị chuyển phát được ưu tiên trong việc vận chuyển đơn hàng đến và đi từ các tỉnh thành nhỏ nhờ mạng lưới bưu cục rộng lớn. Bên cạnh 8.000 bưu cục và các điểm gửi hàng, Viettel cũng đã chuyển giao 300.000 điểm bán hàng cho VTP, giúp công ty trở thành đơn vị vận chuyển có quy mô bao phủ rộng nhất với sự hiện diện trên khắp các huyện, xã. Về giá cả, tuy có mức phí thấp nhất, J&T Express chỉ vận chuyển bưu kiện tối đa 30kg. VTP, VN Post, và GHTK là các đơn vị có thể vận chuyển bưu kiện có trọng lượng lên đến 50kg. Ngoài ra, VTP cung cấp mức cước phí rẻ nhất cho mỗi kg tăng thêm. Với việc người mua hàng online bắt đầu mua sắm nhiều hàng hóa cồng kềnh hơn, và TMĐT cũng đang phát triển nhanh chóng ở các tình thành nhỏ, chúng tôi tin rằng VTP sẽ được hưởng lợi từ vị thế dẫn đầu trong chuyển phát đường dài với mức cước phí cho mỗi kg tăng thêm thấp nhất.
Xu hướng vận chuyển hàng hóa cồng kềnh đang tăng trên thế giới. Tại Mỹ, tốc độ tăng trưởng trung bình vận chuyển hàng hóa khổi lượng vừa phải khoảng 9% yoy so với mức tăng trưởng 12% yoy của các hàng hóa cồng kềnh. Cụ thể, nhu cầu đến từ các thiết bị điện tử, điện lạnh, nội thất hay các thiết bị thể thao đang dần có xu hướng được mua sắm online.
VTP có phí cao hơn một chút nhưng vận chuyển các mặt hàng cồng kềnh rẻ hơn
VTP sẽ đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng logistics, với hệ thống phân loại tự động và trung tâm hoàn thiện đơn hàng điện tử chiếm phần lớn trong ngân sách. Công ty sẽ mở thêm các trung tâm logistics để đáp ứng việc mở rộng phân khúc 3PL. Hai trung tâm hậu cần với diện tích 4ha mỗi trung tâm ở Cần Thơ và Đà Nẵng sẽ đi vào hoạt động vào năm 2021. VTP đang lên kế hoạch mở thêm tổng cộng 17 trung tâm ở Việt Nam trong vài năm tới. Những trung tâm này giúp tối ưu và hoàn thiện hóa quy trình lưu kho, phân loại và giao hàng nhằm đảm bảo hiệu quả trong chuyển phát chặng cuối và giảm thiểu chi phí vận hành.
Các kế hoạch mở rộng của VTP đang nhắm đến phân khúc chuyển phát nhanh liên tỉnh
VTP hiện có 4 trung tâm phân loại, với tổng công suất trên 80.000 kiện hàng/giờ. Chúng tôi kỳ vọng các trung tâm logistics mới sẽ tăng tổng công suất lên trên 300.000 kiện hàng/giờ. Các trung tâm logistics này sẽ được xây dựng gần các nút giao thông trọng yếu nhằm rút ngắn thời gian giao hàng. So với các đối thủ, VTP là một trong những công ty có năng lực phân loại tốt nhất ở các thành phố lớn, nên có khả năng xử lý cùng lúc nhiều kiện hàng hơn với hiệu suất cao hơn. Các đối thủ cạnh tranh trực tiếp của VTP, trừ Vietnam Post, vẫn chưa có động thái rõ rệt trong việc tập trung nguồn lực vào những trung tâm logistics quy mô lớn. Vietnam Post đã có kế hoạch cho việc thành lập các trung tâm logistics tại các địa điểm kinh tế trọng yếu như Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ. Chúng tôi cho rằng Vietnam Post sẽ là đối thủ cạnh tranh chình của VTP ở mảng chuyển phát liên tỉnh trong tương lai.
Năm 2014, VTP chỉ có 208 bưu cục và mất 6 năm để VTP có thể xây dựng được hệ thống gần 8.000 bưu cục. Do đó, các đối thủ cạnh tranh sẽ cần nhiều năm, vốn đầu tư và sự quyết tâm để thiết lập một mạng lưới rộng khắp như VTP, vốn là rào cản gia nhập thị trường cho các công ty mới. Mặc dù ngành logistics đã chào đón nhiều công ty mới trong những năm gần đây, nhưng cho đến nay, việc tất cả công ty này chỉ tập trung giao hàng nội tỉnh là bằng chứng rõ nhất cho rào cản này. Những trung tâm logistics mới sẽ đem lại lợi thế quyết định trong giao hàng đường dài, cả về giá cả lẫn lượng hàng do các đối thủ chưa cho thấy quyết tâm với việc nâng cao hiệu quả hoạt động chuyển phát đường dài.
VTP là công ty chuyển phát duy nhất có dịch vụ lấy hàng tận nhà. Mạng lưới bưu cục rộng lớn của VTP đảm bảo khoảng cách với hầu hết khách hàng là tương dối gần, do đó, các bưu kiện có thể được lấy tận nơi từ người bán. Người gửi có thế yêu cầu nhân viên VTP đến tận nhà để nhận hàng qua web hoặc app điện thoại, và VTP Không yêu cầu số lượng kiện hàng tối thiểu cho dịch vụ này. Các đối thủ khác không thể cung cấp dịch vụ tương tự vì họ có ít bưu cục hơn.
So với các đối thủ, chất lượng dịch vụ của VTP được đánh giá cao: VTP luôn chú trọng dịch vụ chăm sóc khách hàng, nhờ vậy mà công ty nhận được đánh giá khả quan hơn so với các ĐVVC khác. Mặc dù dịch vụ của VTP có giá thành cao hơn, CSKH thường được đánh giá cao hơn.
Các hãng chuyển phát lớn hơn và lâu đời hơn ở Đông Nam Á cũng tập trung vào giao hàng liên tỉnh
Tương tự các công ty chuyển phát lâu đời ở khu vực ĐNA, VTP đang phát huy thế mạnh của mình khi sở hữu một mạng lưới các bưu cục rộng lớn. Ở Indonesia, JNE (1990) và POS (1746) cũng đang gặp khó khăn trước những cái tên mới nổi như J&T và các đơn vị chuyển phát in-house như Shopee Express trong việc giao hàng nội tỉnh, nhưng vẫn đang thắng thế trong cuộc chiến dành thị phần liên tỉnh nhờ mạng lưới vượt trội đã được xây dựng và phát triển trong nhiều thập kỷ. Tại Malaysia, Pos Laju (1800s) tận dụng mạng lưới sẵn có để cung cấp dịch vụ giao hàng liên tỉnh nhanh chóng với cước phí phải chăng. Công ty này cũng đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh gay gắt từ các đơn vị chuyển phát mới như Pgeon và các đơn vị chuyển phát in-house, đặc biệt là trong việc giao hàng nội tỉnh. Chúng tôi cho rằng VTP sẽ gặp rất nhiều khó khăn với mảng giao hàng nội thành, tương tự như các công ty chuyển phát truyền thống ở Đông Nam Á, tuy nhiên chúng tôi tin rằng VTP đang sử dụng chiến lược tương tự JNE và Pos Laju – tập trung công lực cho mảng chuyển phát liên tỉnh và nhường lại mảng vận chuyển nội thành cho các đối thủ cạnh tranh non trẻ
Giao hàng nội tỉnh - chủ yếu hỗ trợ chặng cuối
Giao hàng nội tỉnh chiếm 13-15% tổng doanh thu dịch vụ chuyển phát. 80% doanh thu chuyển phát của VTP đến từ các sàn TMĐT lớn (Shopee, Lazada, Tiki,…) và những sàn này thường ưu tiên sử dụng dịch vụ chuyển phát nội bộ (in-house) của họ đối với các đơn hàng nội tỉnh. VTP chủ yếu tập trung vào phân khúc chuyển phát liên tỉnh, vì 1) mảng chuyển phát nội tỉnh có tính cạnh tranh gay gắt do đòi hỏi ít rào cản gia nhập trong khi giao hàng liên tỉnh yêu cầu có mạng lưới CSHT rộng khắp cùng hiểu biết chuyên sâu, vốn là lợi thế cạnh tranh của VTP, 2) tuy có nhu cầu lớn nhưng chuyển phát nội tỉnh không mang lại lợi nhuận cao do khoảng cách ngắn. Mặc dù VTP tính phí cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh, nhưng công ty cung cấp mức phí tốt hơn cho các bưu kiện nặng hơn. Trong thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện kiểm tra đột xuất doanh nghiệp GHTK và phát hiện việc thực hiện 7 chương trình khuyến mại để giảm giá vận chuyển trên toàn quốc mà không thông báo. Chúng tôi dự kiến các hoạt động cạnh tranh bằng việc giảm giá thấp thông qua khuyến mại sẽ giảm và phí giao hàng sẽ tăng nhẹ 5% trong năm tới.
Tháng 7/2019, VTP giới thiệu nền tảng MyGo, cung cấp dịch vụ giao hàng và vận chuyển nội tỉnh. MyGo hiện không có tính cạnh tranh do ít được VTP đầu tư. Chúng tôi cho rằng MyGo được tạo ra để hoàn thiện chuỗi giá trị chuyển phát của VTP. MyGo đã thay đổi cách thức trả phí chuyển phát để phụ thuộc vào số lượng đơn hàng. Vì VTP Không chú trọng mảng giao hàng nội thành, chúng tôi tin rằng tốc độ tăng trưởng của MyGo sẽ bị hạn chế, và VTP sẽ tập trung vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ để chiếm thị phần, thay vì gia tăng số lượng shipper.
VTP chỉ có lợi thế về cước phí đối với các kiện hàng cồng kềnh
Hoạt động bán hàng đóng góp tỷ trọng nhỏ trong lợi nhuận
Mảng bán hàng của VTP bao gồm việc vận hành sàn TMĐT Vỏ sò và bán sim, card điện thoại. Viettel cũng đã chuyển giao các bưu cục cho VTP nên doanh thu từ việc bán các thẻ sim và thẻ cào được ghi nhận cho VTP.
Doanh thu bán hàng tăng mạnh từ 1.275 tỷ đồng năm 2017 lên 10.617 tỷ đồng (CAGR +103%). Tốc độ tăng trưởng nhanh chóng có thể một phần đến từ việc chuyển bán thẻ sim và thẻ cào của Viettel sang VTP, 800 bưu cục và 300.000 điểm bán hàng được chuyển giao trong năm 2020.
VTP đã vận hành nền tảng TMĐT Vỏ Sò từ tháng 7/2010, và do thiếu sự đầu tư, Vỏ Sò đang bị các đối thủ chiếm ưu thế với lượt truy cập trang chỉ chiếm 0.2% tổng số lượt truy cập các nền tảng TMĐT trong Q2/2021.
Vỏ Sò đã trở thành sàn TMĐT đầu tiên tham gia chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) của Việt Nam để quảng bá sản phẩm nông nghiệp trên nền tảng thương mại điện tử của mình. Vỏ Sò hiện có 60.000 nhà cung cấp, 70% là sản phẩm địa phương. VTP hỗ trợ đào tạo những nông dân tham gia chương trình OCOP thành những người chủ doanh nghiệp thực thụ.
Vỏ Sò cũng thiết lập quan hệ đối tác với iCheck, nhà cung cấp nền tảng truy xuất nguồn gốc để thúc đẩy tính minh bạch của thông tin sản phẩm trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Ban lãnh đạo kỳ vọng rằng tính năng này không chỉ tạo ra giá trị gia tăng mà còn là điều kiện thiết yếu để xuất khẩu nông sản sang các nước thế giới trong tương lai gần. Các sàn TMĐT khác cũng đã triển khai công nghệ truy suất nguồn gốc tương tự nên việc Vỏ Sò và iCheck hợp tác cũng Không đem lại nhiều khác biệt và lợi thế cạnh tranh.
Tháng 06/2021, VTP trở thành đơn vị xuất khẩu nông sản đầu tiên của Việt Nam sang Châu Âu thông qua một nền tảng TMĐT thuần Việt, vận chuyển hơn 1.000 đơn hàng với tổng số 10 tấn vải thiều Bắc Giang đi các nước Đức, Bỉ, Cộng hòa Séc.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận