Vốn vay hóa gánh nặng khi kế hoạch kinh doanh mù mờ
Doanh nghiệp nhỏ đang trong tình trạng khát vốn nghiêm trọng nhưng nếu nhận thêm vốn mà chưa có kế hoạch kinh doanh rõ ràng sau dịch thì sẽ là “thảm họa” cho chính họ và cả hệ thống ngân hàng.
Các chuyên gia cho rằng ngân hàng chấp nhận cắt giảm lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp nhưng không có nghĩa là hạ thấp chuẩn tín dụng. Vì vậy doanh nghiệp cần chứng minh cho ngân hàng thấy sự chủ động bằng kế hoạch kinh doanh khả thi hơn là ỷ lại và trục lợi các gói hỗ trợ. Tiếp cận vốn vay bằng mọi giá không phải là một phương thức quản trị tài chính tối ưu nếu không muốn nói là gánh nặng khi gia tăng nợ mà không có đường hướng kinh doanh chủ động.
Ngân hàng cần nhìn rõ doanh nghiệp
Có thể nói, các ngân hàng thương mại hiểu rất rõ hệ lụy của Covid-19, nên đã đi đầu trong việc đưa ra cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp. Một cơ chế tiên phong mà các ngân hàng đã tiến hành có kết quả bước đầu là việc triển khai Thông tư 01 một cách nhanh chóng.
Đến cuối tháng 4, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho hơn 170.000 khách hàng với dư nợ xấp xỉ 130.000 tỉ đồng; miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho hơn 14.000 khách hàng với dư nợ xấp xỉ khoảng 29.000 tỉ đồng; hạ lãi suất dư nợ hiện hữu cho hơn 318.000 khách hàng với dư nợ khoảng trên 980.000 tỉ đồng (mức hạ lãi suất phổ biến từ 0,5-2%, thậm chí một số ngân hàng đã hạ lãi suất 2,5% và trên 4% cho khách hàng). |
Tuy nhiên, thời gian qua nhiều doanh nghiệp cho biết khó có thể tiếp cận các gói vay do chưa đáp ứng được tiêu chuẩn. Trong khi đó, hầu hết tổ chức tín dụng không hạ chuẩn cho vay.
Phản hồi về các ý kiến này, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TPHCM cho rằng, các tổ chức tín dụng phải xem xét kỹ việc chứng minh thiệt hại của doanh nghiệp do Covid-19. Cụ thể là căn cứ vào dòng tiền, doanh thu và kết quả kinh doanh, sự đình trệ do dịch bệnh đã tạo ra thiệt hại thế nào cho doanh nghiệp? Cái khó là doanh nghiệp chưa chứng minh được rõ ràng đối với các tổ chức tín dụng.
“Ngân hàng cần nhìn rõ doanh nghiệp mới có thể tin tưởng để tiến hành các bước tiếp theo. Tuy nhiên hiện nay việc minh bạch thông tin của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ vẫn chưa được coi trọng đúng mức. Vì vậy độ minh bạch càng cao thì cơ hội tiếp cận vốn càng lớn”, ông Minh chia sẻ.
Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thực sự linh hoạt trong bối cảnh “bình thường mới”, chưa có phương án chuyển đổi hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả nên khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc thẩm định, quyết định cho vay mới. Thậm chí chưa nói đến việc kế hoạch kinh doanh mà ngay cả việc minh bạch báo cáo tài chính vẫn là điều ngân hàng lo ngại ở doanh nghiệp nhỏ.
Theo bà Lâm Thị Ngọc Hảo, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam, minh bạch tài chính không có gì khó khăn cả, tuy nhiên có vài doanh nghiệp nhỏ không đề cao các nghiệp vụ kế toán. Trên thực tế, Bộ Tài chính đã đưa ra các hệ thống báo cáo mẫu và rất đầy đủ. Điều quan trọng là doanh nghiệp xem vai trò kế toán là quan trọng và ghi chép thông tin đầy đủ, đúng đắn và đóng thuế đầy đủ thì doanh nghiệp sẽ dễ chứng minh được lịch sử tài chính.
Trong khi đó ở phía ngân hàng thương mại, ông Hoàng Minh Hoàn, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cho rằng, không có chuyện ngân hàng trì hoãn, gây khó dễ cho doanh nghiệp vì hoạt động ngân hàng cũng phải đảm bảo các quy trình an toàn theo quy định của pháp luật.
“Ngân hàng sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp nhưng việc hạ thấp chuẩn tín dụng sẽ để lại rủi ro rất lớn. Bài học về nợ xấu trong giai đoạn khủng hoảng trước vẫn còn nguyên vẹn khi ngân hàng không nhìn rõ được doanh nghiệp khi giải ngân. Còn doanh nghiệp không nhìn rõ đường hướng kinh doanh thì khoản vay sẽ trở thành gánh nặng”, ông Hoàn chia sẻ.
Nếu trục lợi, vòng xoáy khủng hoảng sẽ trở lại
Sự hỗ trợ của ngành ngân hàng trong bối cảnh này rất có ý nghĩa, bởi doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp thậm chí phải đóng cửa. Việc giãn nợ, có nghĩa là doanh nghiệp đến thời kỳ trả nợ mà chưa trả được nhưng ngân hàng chưa chuyển nhóm nợ thành nợ xấu mà giãn nợ, giúp doanh nghiệp tập trung sản xuất kinh doanh. Với giảm lãi suất giúp cho doanh nghiệp giảm được chi phí trong sản xuất, vượt qua khó khăn.
Vấn đề đặt ra hiện nay là sự phối hợp giữa ngân hàng và doanh nghiệp phải làm sao để các chính sách, giải pháp đúng và trúng đối tượng và tránh việc được lợi dụng chính sách để trục lợi.
Ông Nguyễn Hoàng Minh cho rằng, trong bối cảnh hiện nay việc cơ cấu lại nợ quan trọng hơn là hỗ trợ lãi suất hay nới lỏng điều kiện bơm vốn. Điều này đảm bảo được tính an toàn của tiền vay hơn so với thời điểm khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008 trước đây. Nếu hạ chuẩn tín dụng thì có thể phát sinh thêm nợ xấu và ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, điều này rất nguy hiểm. Các doanh nghiệp đề nghị nên có một bộ tiêu chuẩn mới trong tình hình hiện nay nhưng cho cùng cũng là một hình thức hạ chuẩn.
Gói tín dụng hỗ trợ của các ngân hàng đã lên tới hàng trăm ngàn tỉ đồng, song đây là không phải tiền ngân sách mà là nguồn tiền người dân gửi vào ngân hàng để hưởng lãi suất và ngân hàng dùng vốn đó để cho doanh vay với lãi suất ưu đãi.
Nếu muốn hỗ trợ thì khi đưa ra những khó khăn của mình phải đúng và minh bạch thông tin để các ngân hàng trực tiếp cho vay nhìn thấy. Còn những doanh nghiệp nào có ý định ỷ lại, trục lợi và thụ động sẽ tạo ra một hệ lụy xấu và vòng xoáy khủng hoảng tài chính trước đây sẽ lặp lại.
Trong một hội thảo trực tuyến gần đây, ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ cho rằng, các doanh nghiệp nhỏ chưa có nền tảng, điều kiện tích lũy vốn nhiều mà không có kế hoạch “hậu dịch” khả thi thì vay ngân hàng sẽ trở thành gánh nặng cho chính họ và cả ngân hàng, thì “không nên vay". Với doanh nghiệp có nền tảng, điều kiện ổn định hơn, tốt hơn, thanh khoản vững hơn thì cần xem xét thị trường ổn định rồi tranh thủ phục hồi.
Ở góc độ ngân hàng, ông Hoàng Minh Hoàn cho biết: “Thật khó để xác định được kế hoạch kinh doanh khả thi, nhưng ngân hàng sẽ căn cứ vào khả năng thu hồi vốn của phương án kinh doanh mới nhất dựa trên khoản vay được giải ngân. Quan trọng nhất vẫn là sự minh bạch về báo cáo tài chính, không phải là tất cả nhưng đây là cơ sở niềm tin lớn nhất để ngân hàng cân nhắc".
Theo các chuyên gia tài chính, mọi giai đoạn kinh tế đều có những chính sách tài khóa và tiền tệ khác nhau và không thể áp dụng chung một công thức. Ở giai đoạn này việc thực hiện những gói kích cầu như năm 2008 là không phù hợp vì có sự khác nhau về hoạt động điều tiết ngân sách. Để đảm bảo an toàn và tránh khỏi vòng xoáy nợ xấu, việc triển khai chính sách lần này đang chuyển sự chủ động về cho các tổ chức tín dụng. Vì vậy, các doanh nghiệp cũng cần nhìn vào mối quan hệ giữa mình và ngân hàng một cách bình đẳng để giảm thiểu những rủi ro cho nhau.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận