Tìm mã CK, công ty, tin tức


Đọc nhiều
Bình luận nhiều
Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên trong năm 2025, quý I phải tăng 7,7%. Tuy nhiên, nhiều thách thức đang đặt ra cho việc thực hiện mục tiêu này, mà vốn FDI thực hiện tăng thấp là một trong những thách thức đó…
2 tháng thu ngân sách bằng 1/4 dự toán năm
Cục Thống kê (Bộ Tài chính) vừa công bố tình hình kinh tế - xã hội (KT- XH) tháng Hai và 2 tháng đầu năm 2025.
Trong bối cảnh 2 tháng đầu năm 2025, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; căng thẳng thương mại gia tăng, việc thay đổi chính sách của một số nền kinh tế lớn tiềm ẩn rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu, tình hình KT-XH trong nước vẫn có nhiều điểm sáng và khởi sắc.
Nổi bật là sản xuất nông nghiệp tiếp tục duy trì tốt; Đặc biệt, sản xuất công nghiệp tăng trưởng tích cực và đạt mức tăng cao nhất của cùng kỳ trong 5 năm qua; Hoạt động thương mại, dịch vụ sôi động và duy trì mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước; Đầu tư từ ngân sách Nhà nước được triển khai thực hiện quyết liệt, góp phần tạo động lực tăng trưởng kinh tế; Nhiều hoạt động thu hút khách du lịch quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh ngay từ đầu năm 2025.
Những tín hiệu khởi sắc từ các hoạt động sản xuất kinh doanh, du lịch, thương mại đã tạo động lực nâng cao nguồn thu ngân sách nhà nước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2025, thu ngân sách Nhà nước ước đạt 499,8 nghìn tỷ đồng, bằng 25,4% dự toán năm và tăng 25,7% so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều thách thức
Tuy nhiên, theo Cục Thống kê, từ những kết quả đạt được trong 2 tháng đầu năm 2025 cho thấy nhiều thách thức đặt ra đối với mục tiêu tăng trưởng quý I/2025.
Theo Cục Thống kê, mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 8% trở lên là một thách thức lớn đối với toàn nền kinh tế, theo kịch bản, quý I phải tăng 7,7%; quý II tăng 8,1%; quý III tăng 8%; quý IV tăng 8,2%.
Trong 2 tháng đầu năm 2025, KT-XH nước ta đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên các ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, một số thách thức đặt ra đối với mục tiêu tăng trưởng 7,7% của quý I năm nay.
Thách thức đầu tiên phải kể đến là ngành khai khoáng. Trong tháng đầu năm 2025, chỉ số IIP của ngành này giảm 9,4% so với cùng kỳ năm trước và giảm nhiều nhất của cùng kỳ trong 5 năm qua. Sản lượng một số sản phẩm ngành khai khoáng 2 tháng đầu năm giảm nhiều như dầu mỏ thô khai thác giảm 12,8%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 21,9%; khí hóa lỏng LPG giảm 7,9%. Mục tiêu tăng trưởng của ngành khai khoáng quý I/2025 (theo kịch bản 8%) là giảm 1,2%.
"Chỉ số sản xuất ngành khai khoáng 2 tháng đầu năm 2025 giảm nhiều dẫn đến khả năng đạt mục tiêu đặt ra của Quý I năm nay là khó khăn…", Cục Thống kê nhận định.
Với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, chỉ số sản xuất của ngành này trong 2 tháng đầu năm 2025 chỉ tăng 9,3%, chỉ thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (9,4%), trong khi đó mục tiêu đặt ra trong quý I năm nay là giá trị tăng thêm ngành chế biến, chế tạo tăng 9,8%. Để đạt mục tiêu tăng trưởng của quý I, tốc độ tăng IIP của ngành chế biến, chế tạo phải tăng ít nhất trên 10%. Do đó. đây cũng là một thách thức lớn đối với sản xuất công nghiệp trong quý I.
2 tháng đầu năm 2025, chỉ số sản xuất của ngành điện cũng chỉ tăng 2,3%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 13,7% của cùng kỳ năm trước, trong khi mục tiêu tăng trưởng của ngành điện trong quý I là 10,9%. Vì vậy trong quý I chỉ số IIP của ngành điện phải tăng trên 2 chữ số để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra.
Cục Thống kê cho biết, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam 2 tháng đầu năm 2025 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 6,90 tỷ USD, tăng 35,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, vốn đăng ký cấp mới có 516 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 2,19 tỷ USD, tăng 10,0% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và giảm 48,4% về số vốn đăng ký; Vốn đăng ký điều chỉnh có 256 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 4,18 tỷ USD, gấp 6 lần so với cùng kỳ năm trước; Vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 553 lượt với tổng giá trị góp vốn 529,8 triệu USD, tăng 88,8% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 2 tháng đầu năm 2025 ước đạt 2,95 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước.
Về vốn đầu tư nước ngoài (FDI), báo cáo của Cục Thống kê cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2025, tốc độ tăng vốn FDI thực hiện chỉ cao hơn cùng kỳ năm 2023 (hai tháng đầu năm 2023 giảm 4,9%) trong 5 năm qua.
Cục Thống kê nhận định, vốn FDI thực hiện tăng thấp (chiếm khoảng 16-20% tổng vốn đầu tư toàn xã hội) sẽ là thách thức không nhỏ để đóng góp thực hiện mục tiêu tăng trưởng của quý I năm nay.
Ngoài ra, một số hoạt động dịch vụ cũng đang là thách thức với mục tiêu tăng trưởng GDP Quý I.
Đơn cử như: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chưa đạt mức tăng trưởng như thời kỳ trước dịch Covid-19; tăng trưởng của dịch vụ du lịch lữ hành có xu hướng giảm; Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu hàng hóa chỉ cao hơn cùng kỳ năm 2023 trong 5 năm qua; Thặng dư thương mại hai tháng đầu năm 2025 thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm 2023…
"Như vậy xét về góc độ sử dụng thì cầu tiêu dùng của nền kinh tế còn ở mức thấp hơn cùng kỳ các năm trước, là một thách thức lớn để có thể đạt mục tiêu tăng trưởng của quý I năm nay…", Cục Thống kê nhận định.
Do đó, để đạt mục tiêu tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2025 là 12%; phấn đấu 14% (Nghị quyết 01/NQ-CP, ngày 08/01/2025), trong khi 2 tháng đầu năm 2025 tăng 8,4% so cùng kỳ năm 2024 ) đây là thách thức lớn trong thời gian đến cuối năm 2025, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn nhiều biến động.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường