Vốn ETF và các quỹ chủ động vẫn chưa quay lại thị trường Việt Nam
Trong tháng 11/2021, dòng vốn ETF đã rút ròng tổng cộng 255 tỷ đồng, các quỹ chủ động cũng rút ròng 63 tỷ đồng...
Trái ngược với kỳ vọng, xu hướng dòng vốn ETF và các quỹ chủ động chưa có nhiều cải thiện trong tháng 11. Giới chuyên môn cho rằng, nguyên nhân chủ yếu đến từ chủng virus mới Omicron và tín hiệu thắt chặt tiền tệ của FED.
TÂM LÝ QUAY LẠI THẬN TRỌNG Ở CUỐI THÁNG 11
Báo cáo về dòng tiền đầu tư trên toàn cầu của SSI Research cho thấy, dòng vốn vào thị trường cổ phiếu duy trì đà tích cực trong giai đoạn đầu của tháng 11, trước khi chững lại trước sự xuất hiện của chủng virus mới Omicron.
Cụ thể, dòng vốn cổ phiếu toàn cầu ghi nhận mức mua ròng 79,9 tỷ USD trong tháng 11, tăng nhẹ 6,5% so với tháng 10. Phần lớn dòng tiền được ghi nhận ở thị trường phát triển (mua ròng trong tháng 11 là 71,2 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng 10), trong đó Mỹ là thị trường ghi nhận mức mua ròng lớn nhất (35,3 tỷ USD).
Dòng vốn cổ phiếu vào thị trường Trung Quốc cũng có sự cải thiện và giúp dòng tiền vào thị trường mới nổi tăng tới 59,5% so với tháng trước.
Ngược lại, dòng vốn chuyển dịch từ thị trường trái phiếu sang thị trường tiền tệ, sau quan điểm có phần cứng rắn hơn từ chủ tịch FED. Dòng vốn trái phiếu suy yếu, thậm chí ghi nhận mức rút ròng -4,5 tỷ USD trong tuần cuối tháng 11 trong khi đó dòng vốn vào quỹ tiền tệ tiếp tục ghi nhận ở mức cao (mua ròng 80,2 tỷ USD), đặc biệt trong tuần cuối tháng mức mua ròng lên tới 27 tỷ USD. • Dòng vốn cổ phiếu vào Trung Quốc cải thiện so với tháng trước.
Trong tháng 11, tổng dòng vốn ròng vào thị trường cổ phiếu Trung Quốc tăng mạnh lên gần 7,5 tỷ USD, cao hơn 8 lần so với tháng trước khi dữ liệu kinh tế vĩ mô tháng 10 của Trung Quốc cho thấy sự cải thiện cả về nhu cầu trong và ngoài nước.
Xuất khẩu của Trung Quốc tiếp tục tăng trong tháng thứ ba liên tiếp, với mức tăng trưởng 27% so với cùng kỳ năm trước trong tháng 10, do nhu cầu mạnh mẽ từ châu Âu và Mỹ. Doanh số bán lẻ cũng tăng vượt kỳ vọng, tăng 4,7% so với cùng kỳ nhờ doanh số bán hàng kỷ lục trong Ngày Độc thân.
Bên cạnh đó, ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng đã khẳng định sẽ duy trì thanh khoản dồi dào trên thị trường, không chỉ để đáp ứng nhu cầu mở rộng tài khóa, mà còn hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì tăng trưởng.
Nhìn chung, tâm lý thị trường đã quay lại thận trọng trong cuối tháng 11 và được kỳ vọng tiếp tục duy trì trong tháng 12. Thị trường chứng khoán toàn cầu kết thúc tháng với sự điều chỉnh trên hầu hết các quốc gia, trong đó thị trường phát triển giảm 2,2%, thị trường mới nổi giảm 4,1% và giá các loại hàng hóa nói chung giảm 7,3%.
Cho đến nay, chưa thể kết luận được biến thể Omicron có làm giảm đáng kể hiệu quả của các vaccine hiện có trong việc ngăn ngừa các trường hợp nhập viện và đây sẽ là vấn đề then chốt cần phải theo dõi trong những tuần tới.
Tuy nhiên, điểm tích cực là ngay cả trong trường hợp xấu nhất là hiệu quả của vaccine giảm đáng kể, các công ty dược phẩm khẳng định họ có thể sản xuất vắc xin mới trong vòng khoảng ba tháng.
Do vậy, nhóm nghiên cứu tại SSI đánh giá thấp khả năng thị trường cổ phiếu sẽ sụt giảm mạnh như đã thấy trong giai đoạn đầu của đại dịch.
DÒNG VỐN ETF TẠI VIỆT NAM CHƯA CÓ NHIỀU CẢI THIỆN
Tại thị trường Việt Nam, trong 3 tuần đầu tiên của tháng 11, nhóm quỹ ETF đã mua ròng khoảng 370 tỷ đồng, trong đó có sự đóng góp lớn từ nhóm quỹ nội như VFM VNDiamond và SSIAM VNFIN Lead.
Tuy nhiên, sang 2 tuần cuối cùng của tháng 11, trước diễn biến không mấy tích cực của thị trường thế giới, dòng vốn ETF đã quay lại rút ròng -626 tỷ đồng, nâng tổng rút ròng trong tháng vào khoảng 255 tỷ đồng.
Cụ thể, VFM VNDiamond (+536 tỷ đồng), SSIAM VNFIN Lead (+221 tỷ đồng) và Premia Vietnam (+55 tỷ đồng) là các quỹ có giao dịch mua ròng tích cực trong tháng. Trái lại, Fubon (-432 tỷ đồng); VFM VN30 (-396 tỷ đồng, riêng KIM Kindex -224.5 tỷ đồng) là các quỹ ghi nhận mức rút ròng cao nhất.
Dòng tiền từ các quỹ chủ động cũng có diễn biến tương tự, khi vào ròng khoảng 125 tỷ đồng trong 4 tuần đầu và rút ròng 188 tỷ đồng trong tuần cuối tháng.
Tính chung tháng 11, các quỹ chủ động đã rút ròng 63 tỷ đồng, mức rút ròng thấp nhất kể từ đầu năm đến nay.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng trên thị trường chứng khoán tháng thứ 4 liên tiếp, với giá trị tăng dần theo tháng. Cụ thể, trong tháng 11, khối ngoại bán ròng với tổng giá trị là 8.908 tỷ đồng, cao hơn gần 500 tỷ so với tháng 10.
Khối ngoại đã bán ròng 14/22 ngày trong tháng với giá trị bán ròng lớn nhất lên đến hơn 2 nghìn tỷ đồng. Tổng lượng bán ròng trong 11 tháng đầu năm là 57,7 nghìn tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức bán ròng hơn 16 nghìn tỷ cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, trái ngược với kỳ vọng, xu hướng rút vốn của các quỹ ETF và các quỹ chủ động chưa có nhiều cải thiện trong tháng 11, mặc dù hoạt động sản xuất đã được khôi phục trở lại và nền kinh tế đang từng bước quay lại trạng thái bình thường mới.
Bên cạnh lý do khách quan đến từ việc FED phát tín hiệu có thể thắt chặt sớm hơn kỳ vọng khiến dòng tiền rút ra khỏi thị trường mới nổi, lý do chủ quan đến từ việc đồng VND tương đối mạnh so với các đồng tiền khác trong khu vực (tăng 1,6% so với USD trong năm 2021) và tỷ trọng các nhóm ngành trong thị trường chứng khoán Việt Nam chưa đa dạng và bị giới hạn về sở hữu nước ngoài.
Hầu hết các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam thuộc các lĩnh vực tài chính, bất động sản, trong khi những ngành thu hút dòng tiền mạnh trên thế giới như công nghệ, bán lẻ, y tế, giáo dục không có nhiều lựa chọn và bị giới hạn sở hữu nước ngoài.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận