Vốn cho dự án BOT: Siết chặt việc thẩm định các dự án vay
Ngành ngân hàng luôn sẵn sàng cho vay các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, phải tính toán làm sao để đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng.
Đa số các dự án BOT, BT giao thông thường từ 3-5 năm, thậm chí 10-15 năm, thời gian hoàn vốn kéo dài, cho đến khi số phí thu qua các năm đã đủ bù đắp chi phí đầu tư, trả hết nợ ngân hàng. Trong khi đó, nhiều năm qua, việc tăng vốn của các ngân hàng thương mại lớn có vốn nhà nước vẫn đang bế tắc, chính vì vậy, các ngân hàng buộc phải ngày càng thận trọng với một số dự án giao thông.
Cho đến thời điểm này, việc thu xếp nguồn vốn tín dụng cho dự án BOT (xây dựng-vận hành-chuyển giao) đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận vẫn đang là một thách thức lớn đối với nhà đầu tư.
Chính vì vậy, mới đây Ngân hàng Nhà nước cùng với một số ngân hàng thương mại và Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang và các nhà thầu đã có buổi làm việc nhằm thảo luận và tháo gỡ một số khó khăn liên quan đến phương án đầu tư, phương án vốn đối với dự án tuyến cao tốc này.
Hiện các ngân hàng thương mại là VietinBank, BIDV, Agribank và VPBank đều đã ký hợp đồng tài trợ tín dụng cho dự án với tổng hạn mức 6.850 tỷ đồng (bằng 70% tổng mức đầu tư dự án) nhưng chưa thể giải ngân được, do nhiều nguyên nhân.
Ông Trần Văn Tần, Ủy viên Hội đồng quản trị VietinBank cho rằng, với tư cách là tổ chức tín dụng đầu mối thu xếp vốn cho dự án, VietinBank đã theo sát quá trình hoàn thiện các phương án đầu tư, phương án vốn từ lúc dự án bắt đầu có chủ trương thực hiện. Trong thời gian qua, do các vướng mắc về pháp lý liên quan đến điều chỉnh tổng mức đầu tư, thay đổi phương án thu hồi vốn, quy định lại tỷ lệ đóng góp vốn của chủ đầu tư vào dự án… nên hợp đồng tài trợ vốn cần phải bổ sung hoàn chỉnh lại cho phù hợp với các quy định của pháp luật. Phía VietinBank cam kết sẽ theo sát, tài trợ đủ vốn dự án như hợp đồng tín dụng đã được ký kết.
Tuy nhiên theo ông Tần, phía chủ đầu tư cũng cần đảm bảo có đủ 30% vốn cho dự án, bổ sung, tính toán cụ thể hơn đối với các phương án thu phí, thu hồi vốn. Cam kết ưu tiên trả nợ ngân hàng khi có doanh thu, tính toán, giải trình chi tiết các điều khoản liên quan đến hoạt động thu phí không dựng và bổ sung vào hợp đồng tín dụng.
Đại diện BIDV cũng thống nhất chủ trương sẽ tiếp tục đầu tư dự án. Tuy nhiên, hiện tại, sau nhiều lần điều chỉnh, tổng mức đầu tư và các phương án kinh doanh, thu hồi vốn của dự án đã có sự thay đổi. Vì thế chủ đầu tư cần phối hợp với tổ chức tín dụng thu xếp vốn (VietinBank) để nhanh chóng bổ sung hoàn thiện các pháp lý đầu tư. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến cấu phần vốn ngân sách trong dự án, bởi thông thường các dự án BOT việc chậm trễ phần vốn ngân sách ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ công trình. Ngoài ra, các rủi ro về thu phí, thời gian hoàn vốn cũng cần có những cam kết để các ngân hàng thương mại có căn cứ mạnh dạn giải ngân.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, trong bối cảnh hiện nay mặc dù Ngân hàng Nhà nước vẫn chủ trương hạn chế đầu tư quá nhiều vốn vào các lĩnh vực bất động sản, hạ tầng. Tuy nhiên, các dự án trọng điểm, có ý nghĩa chiến lược, có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội quốc gia như dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận thì các ngân hàng thương mại sẽ luôn đồng hành, tài trợ đủ nguồn vốn để các địa phương, chủ đầu tư thực hiện đúng tiến độ.
Tương tự đối với dự án cao tốc Bắc-Nam, Phó Thống đốc cũng cho biết Chính phủ vừa có chỉ đạo đấu thầu rộng rãi trong nước nên nhiều ý kiến cho rằng vốn tín dụng ngân hàng sẽ phải đặt ra khi nhà thầu trong nước tham gia.
"Với các dự án cao tốc Bắc-Nam, chắc chắn hệ thống ngân hàng sẽ phải có trách nhiệm quan tâm, sẽ cố gắng trong điều kiện khả năng cân đối nguồn vốn đảm bảo an toàn, hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng. Mặt khác, các bộ ngành, địa phương cũng cần phải làm rõ chính sách liên quan đến BOT để không gây rủi ro như giá cả BOT, vị trí đặt trạm…" ông Tú nhấn mạnh.
Hàng loạt dự án BOT giao thông khác ở phía Bắc, theo ông Tú cũng cần được các ngân hàng quan tâm như đường từ Chi Lăng lên đến Hữu Nghị (Lạng Sơn) dự kiến cần khoảng 8.000 tỷ đồng.
Hiện Cao Bằng cũng đề xuất con đường từ Đồng Đăng-Trà Lĩnh ước 20.000 tỷ đồng. Đường đi từ Hòa Bình-Mộc Châu (Sơn La) cũng cần khoảng 22.000 tỷ đồng…
Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ông Tú cho biết quy mô vốn cho vay dự án BOT giao thông và cao tốc rất lớn lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, trong cơ cấu vốn, các ngân hàng đang huy động vốn ngắn hạn mà phải cho vay trung dài hạn, mỗi dự án từ 10-15 năm như BOT thì "cũng là một bài toán khó", đặt ra vấn đề về chỉ số an toàn vốn.
Ngoài chuyện cho vay BOT, BT giao thông phải trường vốn, các ngân hàng còn nhìn thấy rủi ro khi họ không thể kiểm soát hết chất lượng các dự án, nghĩa là kiểm soát tỷ lệ thất thoát vốn trong quá trình xây dựng, đồng thời việc thu phí đang ngày càng khó khăn do không ít con đường có lưu lượng xe cộ lưu thông thấp hơn dự kiến hoặc người tham gia giao thông không chấp nhận mức phí chủ đầu tư áp dụng.
Bên cạnh đó, theo lý giải của một số ngân hàng, trước đây nhiều dự án ký thỏa thuận rồi, ngân hàng cũng đã giải ngân vốn nhưng trong khâu giải phóng mặt bằng chủ đầu tư không thỏa thuận được với dân về giá, kéo dài thời gian dự án. Ngân hàng lại phải điều chỉnh kỳ hạn vay, trả nợ, ảnh hưởng nhiều đến nguồn thu của ngân hàng...
Chưa kể, nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật còn xung đột, chồng chéo. Nhiều dự án BOT bị ảnh hưởng do thay đổi chính sách và không nhất quán trong quy hoạch, không được tăng phí theo lộ trình trong hợp đồng, thậm chí phải giảm phí khiến phương án tài chính bị ảnh hưởng, thời gian hoàn vốn phải kéo dài, gây ra rủi ro cho các nhà đầu tư.
Bất cập chính sách trên cũng lý giải vì sao nhiều dự án BOT giao thông đang trong tình trạng kinh doanh thua lỗ, buộc các ngân hàng ngày càng thận trọng. Theo số liệu cập nhật đến thời điểm này, có đến 30 dự án BOT đang trong tình trạng không đảm bảo doanh thu để trả nợ cho ngân hàng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước cho biết đến hết tháng Bảy dư nợ cho vay BOT chỉ còn 99.000 tỷ đồng, dự báo tiếp tục giảm xuống bởi chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ vốn vào các dự án BOT, BT giao thông.
Ông Hùng nhấn mạnh: “Những dự án BOT năng lực tài chính của chủ đầu tư yếu kém, không chứng minh được tính khả thi của dự án, chắc chắn ngân hàng sẽ không cho vay.”
Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, ngành ngân hàng luôn sẵn sàng cho vay các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước, trong đó có các dự án BOT. Tuy nhiên phải tính toán làm sao để đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng như các chỉ số an toàn của ngân hàng thương mại, hệ số an toàn vốn (CAR)…
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, để có thể đẩy mạnh cho vay BOT, ngân hàng thương mại cần được phải bổ sung vốn điều lệ. Nhiều năm qua, việc tăng vốn của các ngân hàng thương mại lớn có vốn nhà nước vẫn đang bế tắc. Tuy nhiên, ngay cả khi gỡ được vấn đề tăng vốn, thì việc rót 5.000-7.000 tỷ cho vay dự án BOT với một ngân hàng là không hề dễ dàng.
Để các dự án hạ tầng giao thông có thêm nhiều cơ hội, các chuyên gia cho rằng, đối với những dự án giao thông lớn cần phải được huy động từ vốn đầu tư công hoặc địa phương phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu công trình và cổ phiếu (đối với doanh nghiệp niêm yết)./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận