VNDirect: Chứng khoán tháng 10 không quá bi quan, VN-Index có thể chạm 1.180 điểm
VN-Index giảm mạnh 11,6% trong tháng 9 và 24,4% từ đầu năm xuống 1.132,1 điểm.
Công ty Chứng khoán VNDirect (VNDS) kỳ vọng chỉ số VN-Index dao động 1.050-1.180 điểm trong tháng 10. Nhà đầu tư được khuyến nghị tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục nên duy trì ở mức vừa phải, chiếm khoảng 50-70% danh mục.
VN-Index đóng cửa tháng 9 ở mức thấp nhất 20 tháng
Thị trường diễn biến kém tích cực trong tháng 9 do lãi suất tăng và áp lực giảm giá VND ngày càng lớn. Vào ngày 23 tháng 9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã nâng lãi suất điều hành thêm 100 điểm cơ bản, đánh dấu lần tăng đầu tiên kể từ cuối năm 2011. Ngoài ra, VND đã mất giá 4,5% tính từ đầu năm trước áp lực tăng giá của USD.
VN-Index giảm mạnh 11,6% trong tháng 9 và 24,4% từ đầu năm xuống 1.132,1 điểm, mức thấp nhất trong 20 tháng. Trong tháng 9, giá trị giao dịch trung bình của ba sàn giảm 14,0% so với tháng trước và 40,5% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, nhà đầu tư nước ngoài chuyển sang bán ròng 3.641 tỷ đồng trong tháng vừa qua.
Liệu thị trường đã phản ánh hết những rủi ro?
Trong thời gian gần đây, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đã cải thiện. Chỉ số áp lực chuỗi cung ứng toàn cầu (GSCPI - một thước đo để xác định áp lực chuỗi cung ứng trên toàn thế giới) đã chạm mức thấp nhất trong 18 tháng qua tại 1,47 điểm vào tháng 8 năm 2022, giảm so với mức 1,75 điểm trong tháng trước. Trong những tháng gần đây, các biện pháp giãn cách xã hội do Covid-19 ở Trung Quốc đã được nới lỏng, giúp làm giảm áp lực đối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, mức chỉ số GSCPI hiện tại vẫn còn cao hơn so với mức trước đại dịch.
WHO dự kiến tình hình Covid-19 trên thế giới sẽ còn cải thiện hơn trong thời gian tới, vì vậy nhóm phân tích tin rằng tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ được cải thiện hơn nữa trong những tháng tới. Điều này sẽ giúp giảm chi phí vận tải và hạ giá nguyên liệu đầu vào, từ đó góp phần ổn định lạm phát trên toàn cầu.
Giá hàng hóa toàn cầu đã hạ nhiệt trong những tháng gần đây. Điều này kéo theo chi phí sản xuất tăng chậm lại, đặc biệt là tại Trung Quốc, trung tâm sản xuất toàn cầu. Cụ thể, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc (chỉ số dùng để đo lường chi phí cho hàng hóa tại cổng nhà máy) chỉ tăng 2,3% so với cùng kỳ trong tháng 8. Mức tăng này là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 2/2021 và giảm mạnh so với mức tăng 4,2% trong tháng liền trước. Dựa trên mức so sánh hàng tháng, PPI của Trung Quốc đã giảm 1,2% trong tháng 8. Nguyên nhân chính khiến PPI của Trung Quốc hạ nhiệt là nhờ đà giảm thời gian qua của nhiều loại nguyên liệu đầu vào, bao gồm dầu thô và các kim loại màu.
Việc chỉ số giá sản xuất tại Trung Quốc hạ nhiệt cùng với sự sụt giảm mạnh của giá cước vận tải biển quốc tế sẽ giúp giảm áp lực lạm phát nhập khẩu của nhiều quốc gia trên thế giới trong những tháng tới.
Giá thuê nhà neo ở mức cao và giá thực phẩm tăng trong bối cảnh cầu tiêu dùng mạnh mẽ đã giữ lạm phát của Mỹ ở mức cao trong tháng 8. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,1% so với tháng trước sau khi không thay đổi trong tháng 7, và cao hơn nhiều so với mức dự báo của thị trường là giảm 0,1%. So với cùng kỳ, CPI tháng 8 đã tăng 8,3%, giảm nhẹ so với mức tăng 8,5% của tháng 7 và mức tăng 9,1% trong tháng 6.
VNDirect dự báo rằng lạm phát của Mỹ sẽ tiếp tục duy trì ở mức tương đối cao cho đến cuối năm 2022 trước khi bắt đầu hạ nhiệt nhanh hơn từ đầu quý II/2023. Sẽ cần thêm thời gian để chính sách tăng lãi suất của Fed có tác động thực sự mạnh mẽ tới lạm phát. Công ty chứng khoán này kỳ vọng chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed sẽ giúp giảm kỳ vọng lạm phát của người dân và làm hạ nhiệt sự gia tăng nóng trong nhu cầu tiêu dùng, từ đó giúp hạ nhiệt lạm phát nhanh hơn trong những quý tới.
Nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong trạng thái tích cực
Theo Tổng cục Thống kê, GDP Việt Nam đã tăng trưởng 13,7% so với cùng kỳ trong quý III. Trong 9 tháng đầu năm, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 8,8% so với cùng kỳ (so với mức tăng 1,4% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu 2021). VNDirect dự phóng tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 ở mức 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái (+/-0,3 điểm %) và năm 2023 ở mức 6,9% (+/-0,3 điểm). Rủi ro tiềm ẩn bao gồm: Xuất khẩu giảm tốc khi nhu cầu thế giới suy yếu, (2) đầu tư khu vực tư nhân chậm lại khi lãi suất tăng.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, lạm phát của Việt Nam đã tăng 3,9% so với cùng kỳ trong tháng 9. So sánh theo tháng, CPI của Việt Nam đã tăng 0,4% trong tháng 9, chủ yếu do CPI nhóm giáo dục (5,9% so với tháng trước) và CPI nhóm nhà ở & vật liệu xây dựng (0,9% so với tháng trước). Trong 9 tháng đầu năm 2022, lạm phát bình quân của Việt Nam ở mức 2,7%.
Các chuyên gia tin rằng Chính phủ có thể giữ mức tăng lạm phát (bình quân) dưới 4,0% so với cùng kỳ trong năm nay. Chính phủ đã thực hiện các giải pháp quyết liệt để kiềm chế lạm phát trong thời gian qua, bao gồm giảm thuế đối với mặt hàng xăng dầu nhằm hạ giá xăng dầu trong nước. VNDirect duy trì dự phóng CPI bình quân Việt Nam năm 2022 ở mức 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái (+/-0,2 điểm %).
Thận trọng nhưng không bi quan
Về doanh nghiệp trong nước, chi phí nợ vay tăng và nhu cầu toàn cầu giảm có thể làm giảm triển vọng lợi nhuận của các công ty có đòn bẩy tài chính cao trong những quý tới. VNDirect vẫn duy trì dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HoSE tăng trưởng 23% trong 2022 nhưng dự kiến hạ dự báo tăng trưởng lợi nhuận cho năm 2023 sau khi kết quả kinh doanh quý III được công bố. Một số ngành có thể ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận cao trong năm 2022 bao gồm: Hàng hóa và dịch vụ công nghiệp, dầu khí, tiện ích và bán lẻ.
Dự báo một số ngành như du lịch & giải trí, ô tô, bán lẻ và đồ uống & thực phẩm có thể ghi nhận mức tăng trưởng cao trong quý III năm nay dựa trên mức nền thấp của cùng kỳ năm trước.
Nguồn: VNDirect.
Tại ngày 30 tháng 9 năm 2022, VN-Index đang giao dịch ở mức P/E 12 tháng là 12,2 lần (mức thấp nhất trong 29 tháng), chiết khấu 31% so với mức đỉnh trong năm nay và thấp hơn 23% so với mức P/E trung bình 5 năm (15,8 lần).
Các chuyên gia nhận thấy định giá thị trường hiện tại thậm chí còn thấp hơn so với giai đoạn 2017-2019 khi mặt bằng lãi suất huy động ở mức cao hơn hiện nay (lãi suất huy động trung bình 12 tháng ở mức 7,0%). Do đó, VNDirect cho rằng chỉ số thị trường đang cung cấp biên an toàn về định giá.
Lãi suất tăng ảnh hưởng đến định giá của thị trường chứng khoán do chi phí cơ hội khi đầu tư vào chứng khoán cao hơn và chi phí lãi vay cao hơn làm giảm tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự sụt giảm vừa qua của VN-Index và định giá P/E của thị trường đã phản ánh phần lớn lo ngại về triển vọng lãi suất tăng ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán.
Đơn vị này dự báo lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng vào khoảng 6,4-6,5% /năm vào cuối năm 2022. Đặc biệt, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của một số ngân hàng nhỏ có thể lên mức 7-8%/năm. Dựa trên dự báo tăng trưởng lợi nhuận 23% so với cùng kỳ trong năm 2022, VNDirect ước tính tỷ suất lợi nhuận trên giá của VN-Index là khoảng 9,3%. Cùng với tỷ suất cổ tức 1,7%, lợi suất thu nhập thị trường ước tính khoảng 11,0%, vẫn ở mức hấp dẫn so với lãi suất huy động 12 tháng của các ngân hàng thương mại (bình quân ở mức 6,4-6,5% vào cuối năm 2022).
Theo đó, các chuyên gia kỳ vọng chỉ số VN-Index dao động 1.050-1.180 điểm trong tháng 10. Tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục nên duy trì ở mức vừa phải, chiếm khoảng 50-70% danh mục.
Đặc biệt, nhà đầu tư nên hạn chế sử dụng đòn bẩy (margin) trong thời điểm hiện tại để giảm thiểu rủi ro. Rủi ro giảm đối với thị trường bao gồm: Lạm phát tại Mỹ giảm chậm hơn so với dự kiến, Fed tăng lãi suất chính sách nhanh hơn dự kiến và đồng USD tiếp tục mạnh lên, gây thêm áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam, lãi suất và dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận