VN-Index tăng 9 phiên liên tiếp, cổ phiếu nhóm bất động sản giao dịch sôi động
VN-Index kéo dài chuỗi tăng điểm lên 9 phiên, nhóm cổ phiếu ngành bất động sản tuần qua tăng mạnh mẽ, số lượng mã tăng áp đảo.
Tăng điểm suốt tuần, VN-Index có chuỗi tăng 9 phiên liên tiếp
Khi tình hình thế giới trở nên ổn định, VN-Index cũng đã có trọn tuần trong sắc xanh với cả 5 phiên tăng điểm liên tiếp, giúp chuỗi tăng điểm cũng kéo dài lên 9 phiên và là đợt tăng liên tiếp dài nhất từ đầu năm đến nay.
So với mức đóng cửa cuối tuần trước, VN-Index đã tăng 17,85 điểm, tương ứng với mức tăng 1,71%. VCB và VHM là 2 cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index với mức ảnh hưởng lần lượt là +2,9 điểm và +2,84 điểm.
Xét theo nhóm cổ phiếu thì Ngân hàng đã chiếm 6/10 vị trí với các đại diện (TCB, CTG, BID, HDB, MBB), tiếp theo là Bất động sản với 2 mã của nhóm Vingroup là VIC và VHM.
Chiều ảnh hưởng tiêu cực, SAB ảnh hưởng lớn nhất nhưng mức ảnh hưởng chỉ là -0,48 điểm.
Khối ngoại trở lại bán ròng hơn 150 tỷ đồng trên cả 2 sàn trong tuần. HPG và VHM là cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất trong tuần với giá trị mua ròng lần lượt đạt 302 tỷ đồng và 239 tỷ đồng.
Bên phía bán ròng STB và MSN là 2 cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất với giá trị lần lượt 476 tỷ đồng và 151 tỷ đồng.
Thanh khoản trên toàn thị trường phiên chốt tuần đạt 13.336 tỷ đồng, tăng 7,5% so với phiên trước đó và cao nhất trong 26 phiên gần đây, qua đó kéo thanh khoản bình quân tuần này tăng 18,4% so với tuần trước.
Nhịp hồi phục bền bỉ đã giúp VN-Index vượt qua ngưỡng kháng cự 1.060 (là đỉnh được tạo vào ngày 15/3), thành công thoát khỏi vùng đáy 1.010 - 1.025 được tạo từ cuối tháng 2/2023 đến nay.
Cổ phiếu bất động sản sắp rời sàn vẫn đua trần
Kết thúc tuần, nhóm ngành bất động sản có 70 mã tăng giá, 17 mã đứng giá và 34 mã giảm giá. Số lượng mã tăng giá vươn lên áp đảo.
Dẫn đầu Top 20 cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh nhất tuần (27/3 - 31/3) là PVL của Công ty cổ phần Đầu tư Nhà đất Việt (HNX). PVL tuần qua tăng 33,3% từ 1.800 đồng/CP lên 2.400 đồng/CP. PVL có một tuần giao dịch hưng phấn, với 3 phiên chốt tại sắc tím và 2 phiên chốt tại sắc xanh, thanh khoản tăng vọt.
Trước đó, ngày 20/3, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) ra thông báo về việc hủy niêm yết bắt buộc cổ phiếu PVL. Theo đó, 50 triệu cổ phiếu PVL (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu) sẽ bị huỷ niêm yết kể từ ngày 14/4/2023. Ngày giao dịch cuối cùng tại HNX là 13/4.
Cổ phiếu PVL bị huỷ niêm yết là do tổ chức kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2022 của công ty cổ phần Đầu tư Nhà Đất Việt, thuộc trường hợp huỷ bỏ niêm yết bắt buộc theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 120 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP.
VRG của CTCP Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam (UpCOM) tuần qua tăng 32,5% từ 20.000 đồng/CP lên 26.500 đồng/CP.
Đáng chú ý trong Top cổ phiếu tăng giá có SIP của Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG (UpCOM). SIP tuần qua tăng 11,3%, từ 80.000 đồng/CP lên 89.000 đồng/CP.
SIP là một trong những công ty phát triển KCN niêm yết lớn nhất miền Nam với tổng diện tích đất công nghiệp gần 3.200ha. Mới đây, SIP được các chuyên gia của ACBS đánh giá là 1 trong 3 mã cổ phiếu bất động sản công nghiệp triển vọng của năm 2023. SIP có tình hình tài chính vững mạnh, nguồn thu nhập ổn định từ phân phối điện nước, đội ngũ quản lý tốt và cổ tức tiền mặt ổn định.
ACBS dự phóng tổng doanh thu 2023 đạt hơn 6.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 1.100 tỷ đồng. Sử dụng phương pháp NAV, ACBS đưa ra giá mục tiêu là 132.647 đồng/CP vào cuối năm 2023.
Cùng với SIP, KBC của CTCP Phát triển đô thị Kinh Bắc (HoSE) cũng là mã cổ phiếu bất động sản công nghiệp được ACBS tin tưởng có sự bứt phá trong năm 2023. Với 7 khu công nghiệp được thành lập trên tổng diện tích gần 2.400ha, Kinh Bắc chiếm 1,9% thị phần cả nước. So với các công ty cùng ngành, KBC có thể mạnh trong việc thu hút các nhà sản xuất điện tử nổi tiếng như LG và Foxconn.
KBC tuần qua tăng 7,3% từ 22.600 đồng/CP lên 24.250 đồng/CP. KBC chốt phiên tím, thanh khoản bùng nổ hơn 11 triệu đơn vị khớp lệnh. ACBS đưa ra giá mục tiêu của cổ phiếu này là 27.310 đồng/CP vào cuối năm 2023.
NVL của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (HoSE) tiếp tục được điểm tên trong Top cổ phiếu tăng mạnh nhất tuần. NVL tuần qua tăng 6,7% từ 11.900 đồng/CP lên 12.700 đồng/CP. NVL liên tục là tâm điểm của thị trường chứng khoán. Cuối tuần trước, NVL gây chú ý khi “khất nợ” trái phiếu thành công. Nhờ đó, NVL tăng trần với khối lượng giao dịch tăng vọt. Nhà đầu tư đang nghĩ đến viễn cảnh Novaland đang "thay máu" cổ đông.
Ở chiều ngược lại, V11 của Công ty Cổ phần Xây dựng số 11 (UpCOM) dẫn đầu Top 20 cổ phiếu bất động sản giảm giá mạnh nhất tuần. V11 giảm 16,7% từ 600 đồng/CP xuống còn 500 đồng/CP. V11 là loại cổ phiếu chỉ giao dịch mỗi thứ sáu hàng tuần.
Hầu hết những mã giảm giá mạnh nhất tuần qua là loại cổ phiếu nhỏ, thanh khoản khiêm tốn. Đáng chú ý trong Top giảm điểm là DXS của Công ty Cổ phần Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (HoSE). DXS tuần qua giảm 3,2% từ 6.000 đồng/CP xuống còn 5.810 đồng/CP. DXS có chuỗi 8 phiên đỏ liên tiếp chưa có dấu hiệu dừng lại.
Mới đây, DXS công bố tài liệu ĐHCĐ năm 2023. DXS lên kế hoạch tổ chức ĐHCĐ vào ngày 15/4 tới và đã công bố tài liệu liên quan. Những tờ trình chính bao gồm kế hoạch kinh doanh năm 2023, chính sách cổ tức và phương án chia thưởng.
Ban lãnh đạo đặt kế hoạch lợi nhuận thuần và doanh thu thuần năm 2023 lần lượt là 126 tỷ đồng (giảm 62,5% so với cùng kỳ) và 3,8 nghìn tỷ đồng (giảm 8,2% so với cùng kỳ). Với kế hoạch giảm mạnh so với cùng kỳ, ban lãnh đạo cho thấy lo ngại rõ ràng về tình hình thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn, do mặt bằng lãi suất gia tăng, quy định về trái phiếu doanh nghiệp thắt chặt và thanh khoản thấp khiến số lượng giao dịch và giá bán giảm tại một số khu vực nhất định.
Với tình trạng giá cổ phiếu giảm, triển vọng suy yếu, DXS đang giao dịch với P/E trượt dự phóng 1 năm là 31,4 lần, thấp hơn 0,6 lần độ lệch chuẩn so với mức bình quân trong quá khứ là 36,8 lần (tính từ ngày 15/7/2021).
Hiện thị trường khép lại quý I với những tín hiệu tích cực từ chỉ số đến dòng tiền. Chỉ số VN-Index đã tăng 2 tuần liên tiếp và chốt lại tháng 3 với mức tăng 3,9%. Thanh khoản thị trường tuần cuối tháng 3 cũng đạt mức cao nhất trong 5 tuần với mức bình quân 11.735 tỷ đồng/phiên.
Bước vào tháng 4, thị trường sẽ thẩm thấu các thông tin vĩ mô quý I bên cạnh mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I. Về kỹ thuật, chỉ số VN-index đang có chuỗi tăng ấn tượng và có cơ hội thử thách vùng cản 1.070 - 1.073 điểm./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận