menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Cao Vân

VN-Index năm Covid: Từ những phiên giảm chưa từng có trong lịch sử đến mức tăng ấn tượng nhất thế giới

Dòng tiền cuồn cuộn đổ vào thị trường tạo nên sự bùng nổ chưa từng có về thanh khoản là động lực chính cho cú lội ngược dòng “vô tiền khoáng hậu” của TTCK Việt Nam.

Sự xuất hiện của Covid-19 biến năm 2020 trở thành một năm đặc biệt với đối với thị trường chứng khoán (TTCK). VN-Index đưa nhà đầu tư đi từ trạng thái tâm lý hoang mang khi hàng loạt cổ phiếu trên thị trường lao dốc làm bốc hơi phần lớn tài tài khoản, đến hưng phấn khi “mua gì cũng lãi” lúc thị trường thăng hoa. Nhìn lại một năm qua hẳn không ít nhà đầu tư vẫn khó có thể tin vào những gì đã diễn ra với thị trường chứng khoán.

VN-Index năm Covid: Từ những phiên giảm chưa từng có trong lịch sử đến mức tăng ấn tượng nhất thế giới
Diễn biến VN-Index từ đầu năm 2020

NHỮNG KỶ LỤC BUỒN CHƯA TỪNG THẤY

Triển vọng lạc quan về một năm 2020 khởi sắc của TTCK Việt Nam sớm bị bóng đen của đại dịch Covid-19 bao phủ. Phản ứng tiêu cực của nhà đầu tư dẫn đến liên tiếp những đợt bán tháo mạnh khiến thị trường chao đảo. Chỉ trong vòng 2 tháng kể từ khi Covid-19 bùng phát trong nước, VN-Index đã sụt giảm 33,51% xuống mức thấp nhất trong vòng ba năm.

Sự lao dốc của thị trường trong quý đầu tiên kéo theo một loạt những kỷ lục buồn như phiên giảm điểm mạnh nhất lịch sử (ngày 9/3 với mức giảm 6,28%). Thậm chí sau đó VN-Index còn thêm một lần giảm hơn 6% trong 1 phiên vào ngày 23/3 qua đó đưa tháng 3/2020 trở thành tháng giảm điểm mạnh nhất lịch sử chứng khoán Việt Nam với mức giảm 24,9%.

Thời điểm thị trường bắt đầu lao dốc cũng là khởi nguồn cho làn sóng bán tháo lớn chưa từng thấy trong nhiều năm trở lại đây. Trong năm 2020, khối ngoại đã bán ròng kỷ lục gần 15.000 tỷ đồng trên HoSE. Nếu loại trừ đi giao dịch thỏa thuận, con số này có thể lên đến 38.000 tỷ đồng trong đó có nhiều Bluechips như MSN, HPG, VIC, HDB, VNM...

Trong đó, khối ngoại có 2 chuỗi bán ròng bền bỉ trên HoSE. Chuỗi đầu tiên là 33 phiên bán ròng liên tiếp diễn ra hồi tháng 2 - 3 với tổng giá trị hơn 9.500 tỷ đồng. Chuỗi bán ròng dài thứ 2 diễn ra vào tháng 10 - 11 với 30 phiên liên tiếp, tổng giá trị 10.546 tỷ đồng.

VN-Index năm Covid: Từ những phiên giảm chưa từng có trong lịch sử đến mức tăng ấn tượng nhất thế giới
Diễn biến giao dịch khối ngoại theo năm và theo tháng

Diễn biến phức tạp của các sự kiện thế giới như Covid-19 và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã làm cho dòng vốn ngoại có phần e ngại các thị trường cận biên như Việt Nam khi tâm lý chung của nhà đầu tư nước ngoài là rút vốn dần để giảm thiểu rủi ro trong các sự kiện có quy mô toàn cầu và chuyển sang các tài sản an toàn hơn như trái phiếu hay cổ phiếu của các quốc gia phát triển.

Trong năm 2020, khối ngoại duy trì trạng thái bán ròng qua kênh khớp lệnh tuy nhiên lại mua ròng tích cực qua kênh thỏa thuận. Nổi bật nhất là giao dịch mua ròng mạnh của khối ngoại tại cổ phiếu VHM tháng 6/2020 với giá trị 14.170 tỷ đồng. Điều đó cho thấy các nhà đầu nước ngoài bắt đầu chọn lọc hơn trong việc rót vốn.

Khác với trạng thái bán ròng triền miên của dòng vốn ngoại chủ động, dòng tiền qua các quỹ ETF lại có những tín hiệu tích cực hơn đôi chút. Dù cũng bị rút ròng mạnh trong một số giai đoạn đặc biệt là vào tháng 3, 4 tuy nhiên dòng vốn này đã có sự trở lại khá ổn định trong phần lớn thời gian còn lại của năm.

Năm 2020 còn chứng kiến làn sóng xuất hiện các quỹ ETF nội với 4 quỹ ETF mới bao gồm 2 quỹ của SSIAM (VNFINLead và SSIAM VN30), quỹ của VFM (VFMVN Diamond) và quỹ của VinaCapital (ETF VINACAPITAL VN100). Đáng chú ý là quỹ VFMVN Diamond dựa trên theo chỉ số VN Diamond dù mới chỉ giao dịch trên HoSE từ tháng 5/2020 với quy mô ban đầu 102 tỷ đồng đã nhanh chóng gia tăng vốn lên gấp 39 lần tính đến thời điểm cận cuối năm.

VN-Index năm Covid: Từ những phiên giảm chưa từng có trong lịch sử đến mức tăng ấn tượng nhất thế giới
Cơ cấu dòng vốn vào các quỹ ETF (triệu USD)

Trong quá khứ, thị trường thường có xu hướng diễn biến tiêu cực khi khối ngoại đẩy mạnh bán ròng tuy nhiên dòng tiền nội với đòn bẩy margin có phần chiếm ưu thế đã đảo chiều xu hướng này thời gian gần đây.

“CON SÓNG THẦN” CHƯA CÓ ĐIỂM KẾT

Môi trường tiền rẻ tạo điều kiện cho chứng khoán thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư trong bối cảnh các kênh đầu tư khác truyền thống khác như vàng, bất động sản, tiết kiệm,... kém hấp dẫn hơn. Đây cũng là động lực tạo nên một trong những con sóng sôi động nhất trên TTCK từ trước đến nay.

Thực tế, lực bắt đáy đã bắt đầu xuất hiện từ cuối quý 1 đẩy thanh khoản thị trường dần được cải thiện tuy nhiên sự khác biệt chỉ thực sự rõ nét kể từ nửa sau của năm 2020 đặc biệt trong những tháng cuối cùng.

Theo thống kê, chỉ tính riêng 4 tháng cuối năm, thanh khoản qua kênh khớp lệnh trên HoSE đã đạt hơn 630.000 tỷ đồng, xấp xỉ giá trị của cả năm 2019. Nhà đầu tư bắt đầu quen với việc giá trị giao dịch khớp lệnh thường xuyên duy trì trên/dưới 14.000 tỷ đồng/phiên, điều chưa từng xảy ra kể cả trong thời kỳ VN-Index lên đỉnh lịch sử vào đầu năm 2018.

VN-Index năm Covid: Từ những phiên giảm chưa từng có trong lịch sử đến mức tăng ấn tượng nhất thế giới
Thanh khoản không ngừng leo dốc và bùng nổ trong những tháng cuối năm

Dòng tiền cuồn cuộn đổ vào thị trường cùng với khả năng kiểm soát dịch bệnh tốt trong nước là động lực chính tạo nên cú lội ngược dòng “vô tiền khoáng hậu” của TTCK Việt Nam.

Từ đáy hồi cuối tháng 3, VN-Index lấy lại tất cả những gì đã mất từ đầu năm chỉ sau chưa đầy 5 tháng. Thậm chí, TTCK Việt Nam còn xác lập kỷ lục hai tháng liên tiếp vào tháng 9 và tháng 10 khi có mức tăng trưởng mạnh nhất thế giới.

Không dừng lại ở đó, dòng tiền luân phiên nhịp nhàng giữa các Bluechips tiếp tục đưa VN-Index chinh phục ngưỡng 1.000 điểm vào cuối tháng 11 và hơn thế là kết thúc năm trên 1.100 điểm, ghi nhận mức tăng gần 15% so với đầu năm. Con số này ấn tượng hơn nhiều so với mức tăng 7,67% trong năm 2019 và là điều ít nhà đầu tư dám nghĩ đến thời điểm cách đây 8 tháng.

Như một vòng tuần hoàn, sự đi lên của hầu hết các Bluechips lại gián tiếp thúc đẩy thanh khoản thị trường thông qua đòn bẩy margin. Theo thống kê, dư nợ cho vay ký quỹ trên toàn thị trường tính tới cuối quý 3/2020 đạt trên 66.000 tỷ đồng, tăng 19% so với quý trước và tăng 33% so với quý 1/2020.

Thanh khoản liên tục bùng nổ và dòng tiền nóng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khiến “con sóng thần” trên TTCK chưa biết đến khi nào mới dừng lại.

DẤU ẤN “F0” ĐẬM NÉT

Sóng tăng đặc biệt của TTCK Việt Nam mang đậm dấu ấn của “làn sóng” nhà đầu tư mới “F0” với khẩu vị rủi ro có phần táo bạo hơn những lớp nhà đầu tư được cho là có kinh nghiệm. Mức tăng trưởng hấp dẫn của chứng khoán trong thời gian qua lại càng thu hút sự quan tâm của các lớp nhà đầu tư mới qua đó trở thành động lực chính thúc đẩy thị trường tiếp tục đi lên.

Thực tế, chứng khoán bắt đầu được chú ý nhiều hơn từ sau khi được Chính phủ đưa vào danh sách hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động trong thời gian cách ly xã hội hồi đầu tháng 4. Số lượng tài khoản cá nhân trong nước mở mới trong nước bắt đầu tăng vọt và liên tục ở mức trên 30.000 đơn vị mỗi tháng.

Trong tháng 11, lượng mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước lên mức kỷ lục 41.080 tài khoản. Lũy kế 11 tháng, lượng tài khoản mở mới này đạt 329.452 đơn vị, tăng 75,4% so với cả năm 2019.

VN-Index năm Covid: Từ những phiên giảm chưa từng có trong lịch sử đến mức tăng ấn tượng nhất thế giới
Số tài khoản mở mới tăng mạnh từ tháng 3 và liên tục thiết lập những kỷ lục mới

Dòng tiền mới của nhà đầu tư “F0” đã đem lại làn gió mới cho thị trường chứng khoán, giúp VN-Index lấy lại toàn bộ những gì đã mất và còn vượt qua mức đỉnh của năm 2019 đồng thời đưa nhiều cổ phiếu lập đỉnh mới.

Đáng chú ý, các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ thường có khối lượng giao dịch lớn nhất thị trường do thị giá thấp và mang tính đầu cơ cao. Tuy nhiên, trong khoảng cuối tháng 11 và đầu tháng 12, nhiều Bluechips đã lọt top các cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn nhất trong thời gian qua với vài chục triệu đơn vị mỗi phiên.

Sự bùng nổ tài khoản mở mới là tín hiệu tích cực cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán đang ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, kèm theo đó là áp lực ngày càng lớn hơn đối với hạ tầng công nghệ nhằm đảm bảo hệ thống giao dịch vận hành trơn tru.

Thời gian gần đây, hệ thống giao dịch của HoSE đã nhiều lần quá tải do dòng tiền đổ vào chứng khoán không ngừng gia tăng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Nhằm giảm áp lực cho hệ thống, HoSE đã quyết định triển khai chính thức việc nâng lô giao dịch tối thiểu từ 10 lên 100 cổ phiếu bắt đầu từ tháng 1/2021. Trước đó, HoSE mở hệ thống giao dịch cho các công ty chứng khoán kết nối và thử nghiệm từ 16/12 - 22/12/2020.

Dù vậy, biện pháp này chỉ có thể phần nào giải tỏa bớt áp lực cho hệ thống chứ chưa thể giải quyết triệt để vấn đề. Trong bối cảnh thanh khoản thị trường được dự báo sẽ còn tiếp tục gia tăng trong tương lai đặc biệt nếu cơ chế T+0 được áp dụng, HoSE và các CTCK cần đầu tư nâng cấp hệ thống tốt hơn để tránh khỏi những sự cố không đáng có gây mất niềm tin nơi nhà đầu tư.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả