“VN-Index không điều chỉnh mà đi một mạch lên 1.500 mới sợ”
Chuyên gia cho rằng thị trường đang trong giai đoạn giằng co, rung lắc, cần đoạn nghỉ để tích lũy đi lên vùng cao mới.
Chia sẻ với BizLIVE, ông Nguyễn Thanh Lâm, Trưởng phòng phân tích CTCK Maybank KimEng Việt Nam cho rằng sẽ không quá lâu nữa để VN-Index chinh phục được mức đỉnh mới 1.500 điểm.
Nhận định trên đặt trong bối cảnh thị trường vừa liên tiếp có những phiên điều chỉnh đáng chú ý, sau phiên đáo hạn phái sinh thứ Năm tuần trước.
Sau phiên đáo hạn phái sinh, thị trường lập tức có phiên điều chỉnh mạnh vào thứ Sáu tuần qua. Ông nhận định thế nào về hướng điều chỉnh này?
Tuần rồi thị trường có đáo hạn phái sinh ngày thứ Năm dẫn tới tâm lý thận trọng. Sau phiên đáo hạn phái sinh, thị trường giảm phiên thứ Sáu hơi bất ngờ, giảm mạnh đi kèm thanh khoản cao cho thấy áp lực chốt lời còn lớn.
Phiên thứ Sáu, tính từ mức thấp nhất trong ngày, chỉ số hồi phục tương đối khi đóng cửa kèm thanh khoản kỷ lục cho thấy dòng tiền chờ để giao dịch, mua rất dồi dào. Khi nhìn khía cạnh này với áp lực bán còn lớn nhà đầu tư nên chuẩn bị sẵn cho một tuần mới rung lắc, giằng co, thậm chí còn giảm.
Tuy nhiên, thận trọng hợp lý nhưng không nên lo sợ, vì ở góc độ lớn thị trường còn nhiều thuận lợi hơn là khó khăn.
Thứ nhất là sự lành mạnh thị trường về góc độ sự tham gia của nhà đầu tư, liên tục 4-5 tháng qua tháng nào cũng trên 100.000 tài khoản mở mới, cho thấy kênh chứng khoán tương đối là phổ thông, là trào lưu ở trong giai đoạn này, một sớm một chiều chưa thay đổi, sẽ là “trend” tương đối dài, ít nhất hết năm sau. Người dân bắt đầu nhận thấy đầu tư chứng khoán là kênh không quá xa vời bí hiểm gì, mọi thứ trở nên quen thuộc. Dòng tiền của tầng lớp trung lưu chảy vào thị trường sẽ tiếp diễn.
Về góc độ chính sách, chúng ta ở trong giai đoạn chính sách có lợi cho chứng khoán. Sau dịch bệnh, nhiều quốc gia ra hàng loạt chính sách kích cầu thúc đẩy kinh tế. Việt Nam cũng dự kiến có gói kích cầu tương đối lớn đưa ra.
Mặt bằng lãi suất thấp, ít nhất trong 6 tháng tới. Thường ở trong bối cảnh vậy thì thị trường chứng khoán sẽ tích cực, cho nên với tôi những yếu tố trong nước chưa có nhiều biến phải lo ngại lắm.
Về thế giới, việc mở rộng chính sách tài khóa kích cầu đến lúc nào đó phải thu hẹp lai, chúng ta thấy bắt đầu diễn ra ở những quốc gia đầu tiên. Ví dụ ở Mỹ đã có đánh tiếng về việc giảm dần việc cung tiền theo kiểu gói QE, lạm phát, có khả năng tăng lãi suất ở nửa đầu năm sau. Đó là những thứ tạo ra rủi ro nhưng chắc cũng phải nửa cuối năm sau.
Từ nay tới nửa đầu năm sau tôi nghiêng về hướng là mọi thứ vẫn thuận lợi nhiều hơn khó khăn. Tuy nhiên đâu đó còn phải nhìn vào lạm phát, mặt bằng giá tăng dẫn tới mặt bằng lãi suất có thể không giữa nguyên, phải đẩy lên. Nhưng lo lắng đó hơi sớm với bối cảnh hiện tại.
Với những gì chúng ta đang có, đi kèm với chiều hướng của thị trường thì tôi vẫn thấy nhà đầu tư nên thận trọng hơn một chút trong ngắn hạn với rung lắc thị trường nhưng không nên lo sợ. Chính ra đó nên được xem là cơ hội nhiều hơn.
Trước khi điều chỉnh và ngay cả hiện nay mốc 1.500 điểm của VN-Index khá gần. Ông nhận định ra sao về khả năng chinh phục đỉnh mới này?
Tôi cho rằng thị trường vẫn đang trong xu hướng đi lên, có lẽ không quá lâu đâu thậm chí ngay trong năm nay VN-Idnex không khó để đạt được 1.500 điểm.
Lúc vượt đỉnh cũ 1.400 điểm thì nhà đầu tư cũng nói y chang, cái gì cũng cần phải có thời gian. Thị trường mới vượt đỉnh lịch sử 1.420 đã được bao lâu đâu, vài ba tuần thôi. Để có thể lên vùng hơn nữa thì việc thị trường dừng tích lũy, thay máu, giải quyết ai cần chốt lời, mua vào là chuyện nên xảy ra. Với tôi đó là lành mạnh.
Chính ra nếu VN-Index không điều chỉnh mà đi một mạch lên 1.500 mới sợ. Nếu đi như vậy mới khiến chúng ta suy nghĩ, liệu dòng tiền trên thị trường có quá mức cảm tính hay không, "điên cuồng" hay không? Điều đó lo hơn.
Còn nếu có nhịp điều chỉnh, tích lũy một chút, kể cả tuần này cũng vậy thì đó là diễn biến tích cực. Tất nhiên thận trọng cho ngắn hạn, co kéo sao tỷ trọng hợp lý, có được sức mua chờ đợi cổ phiếu ở vùng giá tốt là điểm nhà đầu tư nên cân nhắc 1-2 tuần tới đây.
Ông đánh giá sao về ý kiến căng margin ở các công ty chứng khoán?
Một số người nói margin ở công ty chứng khoán cao, chúng ta phải phân biệt nó cao theo kiểu gì.
Các công ty chứng khoán bị vướng không được phép cho vay 2 lần vốn điều lệ. Khi dòng tiền nhà đầu tư mới tham gia thị trường quá nhiều dẫn tới con số tuyệt đối về margin phải tăng. Ví dụ trước đây toàn thị trường có 1.000 đồng thì nay thành 2.000 đồng, nếu giả định nhu cầu vay như cũ thì mức độ vay về tuyệt đối phải tăng, chắc chắn là vậy.
Căng margin ở đây bởi vì công ty chứng khoán không tăng vốn kịp với nhu cầu vay của nhà đầu tư dẫn tới dựa trên luật định không cho vay hơn mức đó, dẫn tới cạn nguồn margin, chứ không phải nhà đầu tư thay đổi khẩu vị rủi ro. Nếu nhà đầu tư đến lúc nào đó cảm thấy thị trường quá dễ dàng, ai cũng tất tay đẩy rủi ro thị trường lên cao, đấy là câu chuyện khác. Tôi không thấy điều này. Tôi thấy nhà đầu tư vẫn giữ khẩu vị rủi ro như cũ, thậm chí còn thấp hơn, vấn đề margin căng vì công ty chứng khoán không có tiền cho vay. Tóm lại thị trường hiện nay thuận lợi nhiều hơn khó khăn.
Một điểm nổi bật với qua là diễn biến của nhóm cổ phiếu ngành thép, được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Ông có phân tích gì về nhóm này?
Với nhóm ngành thép, nhìn lại lịch sử giá, kể từ đầu năm cho tới trước khi nhóm này điều chỉnh, nhà đầu tư cần thừa nhận đây là một trong những nhóm tăng trưởng tốt nhất trên thị trường. HPG, NKG tăng bao nhiêu %? Khi nó tăng cấp độ nahnh, mạnh như vậy thì hình như không ai hỏi nó có tăng nóng hay không?
Theo tôi sự tăng giá nhóm này vừa qua có phần hơi rướn, dựa trên tâm lý nhà đầu tư quá hồ hởi, tin tưởng, dù thực sự nó tốt thật.
Rõ ràng ngắn hạn lực mua đầu cơ nhiều, dẫn tới cổ phiếu bốc đầu mạnh giai đoạn vừa rồi. Khi có một vài yếu tố khiến cho nhà đầu tư lo ngại tăng lên dẫn tới dòng tiền chốt lời. Để ý sẽ thấy trước đó một chút NĐTNN bán nhiều cổ phiếu théo, đặc biệt là HPG vì bản thân họ thấy giá tốt nên chốt lời, điều chỉnh tỷ trọng. Khi dòng tiền lớn bước ra và có thông tin không tích cực như giá thép chững lại, giảm.
Tôi nghĩ không ảnh hưởng quá ghê gớm lên lợi nhuận doanh nghiệp thép năm nay. Nhưng góc độ trước đó họ bị hồ hởi bao nhiêu với những diến biến tích cực ngành thép thì trở nên hơi lo sợ thái quá với thông tin đó. Cần ít thời gian để nhóm này cân bằng trở lại.
Một cách khách quan, từ vùng giá này trở xuống được xem là vùng hợp lý về góc độ cơ bản, nhưng về xu hướng ngắn hạn thì còn áp lực bán khá nặng từ nhà đầu tư, với góc độ lướt sóng thì nhà đầu tư cần cân nhắc. Bởi vì 1 cổ phiếu không giảm nữa không đồng nghĩa với việc nó sẽ tăng. Ví dụ bạn đầu tư theo cơ bản bạn chấp nhận mức giá đó và mua, chấp nhận bị nhốt vốn 1-2 tháng nhưng nếu lướt sóng thì rõ ràng bạn không chấp nhận được điều đó.
Còn nhóm dầu khí, trong bối cảnh giá dầu đang giảm thì sao?
Với ngành dầu khí, giá dầu có giảm nhưng so với cả năm nay thì vẫn không thấp. Với giá dầu hiện tại nhìn chung nếu neo trên 80 USD/thùng các công ty dầu khí Việt Nam được thuận lợi. Trong nhóm dầu khí chia ra nhiều phân khúc khác nhau. Bản thân biến giá dầu là khó đoán. Nếu giá dầu rớt về 70 USD/thùng việc lựa chọn cổ phiếu dầu khí nào nó vừa tận dụng được giá dầu cao kịch bản trên 80 USD và khi về 70 USD vẫn là an toàn thì gợi ý đó là GAS. Vì cơ chế của GAS ổn định, phân khúc họat động ít tính nhạy cảm với giá dầu so với cổ phiếu khác làm thượng nguồn như PVD, PVS, vốn rất nhạy cảm với giá dầu, chịu liên đới giá dầu mạnh.
Với các cổ phiếu dầu khí khác, đặc biệt cổ phiếu nhỏ, nếu đã lựa chọn tham gia thì độ nhạy cảm với giá dầu là lớn, vì vậy nói dễ hiểu giá dầu tăng nhiều các cổ phiếu này bốc đầu ghê gớm, ngược lại thì tạo cú giảm lớn. Có chơi có chịu, cuộc chơi dựa trên vấn đề dự đoán thì cần cân nhắc để xử lý với nhóm cổ phiếu đó.
Còn góc nhìn của ông về thị trường từ nay tới cuối năm ra sao?
Từ nay tới cuối năm, tôi có quan điểm có thể nhóm ngân hàng là nhóm trội hơn chút. Từ phiên thứ Sáu tuần qua có chuyển động hướng thuận lợi hơn cho nhóm này, là chuyển động đổi trục, cổ phiếu ngân hàng có sức bật trở lại sau vài tháng nằm im.
Có một số thông tin chưa chính thức như nới room tăng trưởng tín dụng. Theo đó những ngân hàng nào được kỳ vọng được nới room nhiều thì được hưởng lợi nhiều. Thường là những ngân hàng có nợ xấu thấp, vận hành tốt, dựa vào đánh giá của NHNN thì được nới nhiều. Ngoài ra, trên thị trường còn có thông tin về một sự cân nhắc của Nhà nước về việc có thể nới room cho sở hữu NĐTNN cho các ngân hàng, khả năng tỷ lệ thêm 5%. Trong đó có 2 ngân hàng dựa trên EVFTA thí điểm nới lên 49%.
Nói chung tôi nghĩ đây là những thông tin nên theo dõi. Trong bối cảnh 3-4 tháng gần như không có con sóng nào, tôi có niềm tin tương đối ở nhóm này.
Nhóm nữa đang sôi gộng và sẽ tiếp tục sôi động là chứng khoán. Có thể nói năm nay là năm của chúng khoán. Công ty chứng khoán nào có lẽ cũng lời, thanh khoản thị trường sôi động. Con sóng chứng khoán có thể là dài. Nhưng quan trọng là câu chuyện, các công ty chứng khoán có thể tiếp tục lộ trình tăng vốn. Như đã đề cập các công ty cố gắng tăng vốn để đáp ứng vốn điều lệ để mở rộng hoạt động cho vay. Nên công ty nào có câu chuyện tăng vốn thì được nhà đầu tư quan tâm.
4-5 tuần tới tôi có niềm tin nhiều 2 nhóm trên. Với bất động sản, đợt rồi “chạy” hơi nhiều nên cần đoạn nghỉ trước khi chạy tiếp, có thể qua năm là thời của bất động sản.
Cảm ơn những chia sẻ của ông.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận