VN-Index công phá bức tường thành 1.000 điểm
Chỉ số VN-Index tiến sát ngưỡng 1.000 điểm vào cuối tuần qua, có nhiều cơ sở để kỳ vọng chỉ số sẽ sớm chạm mốc này.
Mốc 1.000 điểm trong tầm tay
Điểm số của VN-Index hiện tương đương với giai đoạn đầu năm, lấy lại được số điểm đã mất vì đại dịch Covid-19. Nhiều ý kiến nhận định, chỉ số có thể sớm quay trở lại ngưỡng 1.000 điểm trong thời gian còn lại của năm 2020, bởi thị trường vẫn đang có các yếu tố hỗ trợ.
Yếu tố ngoại biên là xu hướng vượt đỉnh từ các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới. Thông tin tích cực từ vắc-xin phòng Covid-19 làm tăng thêm kỳ vọng về đà phục hồi kinh tế thế giới.
Đặc biệt, các biện pháp nới lỏng tiền tệ chưa từng có của nhiều ngân hàng trung ương cũng như chính sách kích thích kinh tế của các chính phủ nhằm giúp nền kinh tế vượt qua suy thoái tiếp tục tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán tăng điểm.
Tuần qua, chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI All Country Index, chỉ số S&P500 của thị trường Mỹ và chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) đều tiến lên mức cao nhất mọi thời đại.
Trong khi đó, dòng vốn quốc tế có dấu hiệu quay trở lại với các thị trường chứng khoán châu Á, nhất là các thị trường Đông Nam Á. Dấu hiệu này trở nên rõ nét hơn sau thông tin tích cực về vắc-xin phòng Covid-19 và giá USD giảm.
Cụ thể, trong tuần qua, dòng vốn quốc tế mua ròng tại thị trường Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Philippines, Ấn Độ…, sau chuỗi bán ròng kéo dài trước đó.
Động thái này góp phần giúp chỉ số MSCI AC ASEAN, nơi quy tụ 164 cổ phiếu tiêu biểu có vốn hóa vừa và lớn ở 6 thị trường gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Singapore và Việt Nam, tăng vọt 13,6%.
Trong khi đó, Việt Nam nằm trong số ít các quốc gia kiểm soát tốt dịch Covid-19, triển vọng hồi phục kinh tế mạnh mẽ và mặt bằng lãi suất thấp là hai trong nhiều yếu tố giúp thị trường chứng khoán tăng sức hấp dẫn.
Dòng vốn mới đổ vào thị trường chứng khoán, đặc biệt là dòng vốn từ các nhà đầu tư cá nhân trong nước không những hấp thụ lượng bán ròng của khối ngoại mà còn giúp thị trường tăng điểm và giao dịch sôi động, giá trị giao dịch tăng mạnh.
Kể từ đầu năm tới cuối tháng 10, trung bình mỗi tháng có khoảng 30.000 tài khoản chứng khoán mới được mở, nâng tổng số lượng tài khoản lên 2,67 triệu, tương đương 2,8% dân số.
Trong khi đó, các doanh nghiệp niêm yết nhìn chung duy trì đà tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận qua từng năm.
Năm 2020, sau nửa đầu năm suy giảm vì Covid-19, kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp có dấu hiệu hồi phục rõ nét, kỳ vọng sự hồi phục này sẽ mạnh mẽ hơn trong quý cuối năm và tăng trưởng mạnh trong năm 2021.
Sau nhịp điều chỉnh cuối tháng 10, chỉ số VN- Index tăng trở lại áp sát mốc 1.000 điểm với sự đồng thuận của thanh khoản.
Với việc chỉ số VN-Index đang tiến sát mốc 1.000 điểm, ông Trần Đức Anh, Giám đốc Chiến lược, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, nhiều khả năng chỉ số sẽ sớm đạt mốc này, nhưng để trụ vững sau đó thì cần thêm động lực như diễn biến khả quan của thị trường chứng khoán toàn cầu được duy trì, đi kèm với đó sự tiến triển của vắc-xin phòng Covid-19, hay các nước có thêm gói hỗ trợ kinh tế…
Trong 1 tháng qua, VN-Index có những phiên biến động giật cục với biên độ rộng khiến không ít nhà đầu tư “thót tim”, lo ngại nguy cơ điều chỉnh, nhưng tính đến cuối tuần qua, chỉ số tiếp tục xu hướng đi lên, duy trì tháng thứ tư tăng điểm liên tiếp, đạt 983,2 điểm.
Đóng góp lớn vào đà tăng của chỉ số đến từ các nhóm cổ phiếu trụ cột như ngân hàng, Vingroup, thực phẩm, thép…
Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, không ít cổ phiếu lớn, chiếm tỷ trọng vốn hóa cao vẫn chưa trở lại mặt bằng giá cũ, nên chỉ số chung chưa quay trở lại mốc 1.000 điểm.
Chẳng hạn, so với cùng kỳ, 2 cổ phiếu họ Vingoup là VHM và VRE đang có mức giá thấp hơn trên 20%; các mã PNJ, MWG, MBB hiện có mức giá thấp hơn trên dưới 10%...
Ở chiều ngược lại, HPG và CTG là 2 cổ phiếu có mức tăng giá và tỷ trọng ấn tượng nhất. Nhờ yếu tố tích cực từ nội tại doanh nghiệp cũng như ngành thép mà cổ phiếu HPG hiện có mức tăng khoảng 80% so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ trọng vốn hóa trên HOSE nâng từ 1,7% lên 3,1%.
Trong khi đó, CTG là một trong những cổ phiếu ngân hàng tăng giá mạnh, mức tăng hơn 43% giúp tỷ trọng vốn hóa tăng từ 2,4% lên 3,5%.
Yếu tố quan trọng giúp cổ phiếu CTG bùng nổ là Chính phủ ban hành Nghị định 121/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 91/2015/NĐ-NĐ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, tạo cơ sở pháp lý cho CTG có thể tăng vốn điều lệ từ việc chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Dư địa tăng thu hẹp, nhưng cơ hội vẫn còn
Không ít ý kiến nhận định, dư địa tăng của thị trường đang dần thu hẹp, song vẫn còn nhiều nhóm cổ phiếu thu hút dòng tiền.
Công ty Chứng khoán MB cho rằng, đà phục hồi kinh tế, triển vọng rõ ràng hơn về vắc-xin phòng Covid-19 và các chính sách hỗ trợ tăng trưởng, đây sẽ là những yếu tố tạo ra môi trường thuận lợi thị trường chứng khoán trong giai đoạn cuối năm 2020 và năm 2021.
Các ngành, các nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ sự phục hồi của nền kinh tế, các hiệp định thượng mại tự do, đẩy mạnh đầu tư công… như ngân hàng, bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng, bán lẻ, thủy sản sẽ là địa chỉ hấp dẫn dòng tiền.
Theo ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược, Công ty Chứng khoán VPS, nhiều nhóm cổ phiếu gần như tăng giá liên tục từ tháng 4 đến nay, kể cả trong các đợt điều chỉnh, tích lũy của thị trường như HPG, ACB, VSC, HSG, DCM, DPM, DGC, DHC…
Thị trường có thể sẽ chứng kiến không ít cổ phiếu tiếp tục có diễn biến tăng giá, bởi giai đoạn hiện nay, các phương pháp định giá, tiêu chuẩn đánh giá thông thường về cổ phiếu… không thực sự được nhà đầu tư quan tâm, hoặc mức định giá hợp lý được nhìn nhận cao hơn trước.
Điều mà các nhà đầu tư quan tâm nhất là cổ phiếu nào đang tăng giá hoặc có triển vọng tăng giá để không bỏ lỡ cơ hội.
Ông Trần Đức Anh nhận định, dư địa tăng giá ở phần lớn các nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ bối cảnh vĩ mô đã thu hẹp sau nhịp tăng mạnh và kéo dài vừa qua, nhưng đây vẫn sẽ là nhóm cổ phiếu hỗ trợ chính cho thị trường chứng khoán từ nay đến cuối năm, nhất là khi mức định giá của các cổ phiếu này nhìn chung vẫn ở vùng hấp dẫn.
“Tôi tiếp tục đặt kỳ vọng vào cổ phiếu ngành ngân hàng, hàng tiêu dùng, nguyên vật liệu xây dựng cùng một số ngành hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do và hoạt động xuất nhập khẩu hồi phục khi vắc-xin phòng Covid-19 được đẩy nhanh triển khai như dệt may, cảng biển…”, ông Đức Anh chia sẻ.
Thực tế, trước mỗi cột mốc quan trọng của chỉ số, nhà đầu tư đều có sự thận trọng nhất định, có người kỳ vọng chỉ số sẽ vượt qua, nhưng có người cho rằng thị trường cần một vài nhịp tạo đà.
Gần đây, điểm số và thanh khoản thị trường tăng trở lại trước ngưỡng điểm 1.000, đặc biệt là thanh khoản cao kỷ lục so với các giai đoạn trước là dấu hiệu tích cực.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận