Vĩnh Phúc: Khẳng định điểm đến an toàn, hấp dẫn của nhà đầu tư
Với phương châm “Các nhà đầu tư đầu tại Vĩnh Phúc là công dân của tỉnh, thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh”, trong những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc luôn quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đến tìm hiểu, đầu tư. Do vậy, Vĩnh Phúc đã và tiếp tục là điểm đến hấp dẫn, tin cậy của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ngày 29/11/2022, Dự án Solum Electronics Việt Nam do Solum Co.,Ltd (Hàn Quốc) đầu tư được Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) Vĩnh Phúc trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh, với quy mô vốn tăng thêm 45 triệu USD, từ 2.561,9 tỷ VND, tương đương 110 triệu USD lên 3.820,8 tỷ VND, tương đương 155 triệu USD.
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Vĩnh Phúc, Dự án Solum Electronics Việt Nam có quy mô trên 40.036,3 m2 tại KCN Bá Thiện II, sản xuất linh kiện điện tử và thiết bị truyền thông. Được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu ngày 3/2/2016, đến nay, sau hơn 6 năm hoạt động tại Vĩnh Phúc, Dự án đã 5 lần điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trong đó có 4 lần tăng vốn đầu tư, vốn góp, tăng quy mô sản xuất. Dự án hiện sử dụng 3.120 lao động, trong đó có 20 lao động nước ngoài, 3.100 lao động Việt Nam.
Một nhà đầu tư Hàn Quốc khác - Công ty TNHH Jahwa Vina - chuyên sản xuất linh kiện điện tử cung cấp cho Công ty Samsung Electronics Việt Nam và Công ty LG Việt Nam, đầu tư và đi vào hoạt động tại KCN Khai Quang (Vĩnh Phúc) năm 2010 với tổng vốn đầu tư ban đầu 10 triệu USD. Từ 1 phân xưởng ban đầu, theo thông tin tại Cổng thông tin điện tử Vĩnh Phúc, đến nay, Công ty đã mở rộng quy mô sản xuất lên 7 nhà xưởng, tăng tổng vốn đầu tư lên 80 triệu USD, doanh thu tăng bình quân từ 10 - 15%/năm, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho trên 3.000 lao động.
Toyota, Honda - hai nhà đầu tư lớn của Nhật Bản - đã chọn Vĩnh Phúc làm “căn cứ địa” từ hơn 20 năm trước và liên tục phát triển, mở rộng đầu tư, góp phần đưa Vĩnh Phúc trở thành địa phương có ngành sản xuất ô tô, xe máy hàng đầu cả nước. Tại Hội nghị “Vĩnh Phúc trong kết nối hợp tác và phát triển Việt Nam - Nhật Bản năm 2022”, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio nhận định, Vĩnh Phúc là một trong những trung tâm thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản và đảm nhận vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp Nhật Bản.
Đến nay, Vĩnh Phúc đã trở thành điểm đến của gần 500 doanh nghiệp FDI từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Số liệu 11 tháng năm 2022 vừa được Cục Thống kê Vĩnh Phúc công bố tiếp tục cho thấy Vĩnh Phúc đang là nơi “ăn nên làm ra” của rất nhiều nhà đầu tư FDI.
Thu hút đầu tư là "chìa khóa" để Vĩnh Phúc phát triển.
Có được những kết quả trên là hành trình nỗ lực, tầm nhìn của lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc. Nếu những năm đầu tái lập tỉnh, Vĩnh Phúc tập trung thu hút FDI theo bề rộng, hướng đến những dự án sử dụng nhiều lao động để giải quyết việc làm cho người dân và tăng thu ngân sách thì từ năm 2004, tỉnh bắt đầu hướng tới những dự án FDI chất lượng, có hàm lượng công nghệ cao, sử dụng nhiều hơn lao động đã qua đào đạo.
Từ năm 2016 đến nay, chuyển thu hút FDI theo chiều sâu, với các dự án đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp hiện đại, công nghệ cao thân thiện với môi trường, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và hướng tới giải quyết việc làm cho lao động trình độ cao. Cùng với đó, tỉnh đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư phù hợp với bối cảnh thực tế của địa phương. Lựa chọn các nhà đầu tư đủ năng lực để đầu tư hạ tầng khu công nghiệp; giảm giá thuê đất và gia hạn nộp thuế đất; ban hành chính sách đất dịch vụ, huy động nguồn kinh phí để giải phóng mặt bằng nhanh; ban hành chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ; đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng; hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách về thu hút đầu tư, tập trung vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào các khu công nghiệp…
Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã xác định hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư là "chìa khóa" để Vĩnh Phúc phát triển. Hàng năm, tỉnh đều xây dựng và triển khai có hiệu quả chương trình xúc tiến đầu tư; tổ chức các đoàn công tác đi tìm hiểu, xúc tiến đầu tư tại nước ngoài. Đặc biệt, năm 2022 tỉnh đã tổ chức nhiều sự kiện xúc tiến đầu tư hết sức sôi động. “Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc năm 2022” (tháng 4/2022) nhằm tăng cường thu hút các nhà đầu tư Đài Loan (Trung Quốc), tạo cơ hội hợp tác phát triển cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hội nghị "Vĩnh Phúc trong kết nối hợp tác và phát triển Việt Nam - Nhật Bản" (tháng 6/2022) nhằm tăng cường kết nối, thúc đẩy các hoạt động hợp tác hữu nghị, thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, xúc tiến du lịch giữa tỉnh Vĩnh Phúc và các địa phương, đối tác, nhà đầu tư của Nhật Bản, tạo cơ hội hợp tác phát triển cho các nhà đầu tư Nhật Bản và Việt Nam. Hội nghị xúc tiến đầu tư “Vĩnh Phúc - Điểm đến đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc năm 2022” (tháng 10/2022)…
Với sự quyết liệt, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, cùng nhiều biện pháp đồng bộ, hiệu quả trong cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, Vĩnh Phúc đã trở thành điểm đến hấp dẫn, trở thành "địa chỉ vàng" được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Trong 11 tháng đầu năm 2022, các KCN trên địa bàn Tỉnh thu hút được 23 dự án FDI mới và 31 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm 298,08 triệu USD (cấp mới: 175,04 triệu USD; tăng vốn: 123,04 triệu USD), bằng 32% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 99% kế hoạch năm 2022; đồng thời thu hút 15 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4.544,7 tỷ đồng, bằng 77% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 454% so với kế hoạch năm 2022.
Tính đến ngày 15/11/2022, số dự án còn hiệu lực đầu tư trong các KCN của Tỉnh là 446 dự án, bao gồm 97 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 26.558,18 tỷ đồng; 349 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 5.685,09 triệu USD.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận