Vinamilk tiếp tục M&A để tăng doanh thu và thị phần
Sau thương vụ mua lại Công ty Sữa Mộc Châu, Vinamilk sẽ ưu tiên tìm kiếm cơ hội M&A với các công ty sữa tại các quốc gia khác để tăng doanh thu và mở rộng thị phần.
Vinamilk vừa công bố kế hoạch năm 2021 với doanh thu 62.160 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 11.240 tỷ đồng. Trong khi doanh thu tăng 4% so với kết quả thực hiện năm trước thì lợi nhuận của công ty Sữa lớn nhất thị trường dự kiến không tăng trưởng.
Công ty tiếp tục duy trì chính sách cổ tức cao mới mức cổ tức dự kiến cho năm 2021 tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế hợp nhất. Trong đó, HĐQT đề xuất tạm ứng đợt 1 là 1.500 đồng/cổ phiếu, chi trả trong tháng 9/2021 và đợt 2 là 1.400 đồng/cổ phiếu, chi trả tháng 2/2022. Số cổ tức còn lại của năm 2021 sẽ do ĐHCĐ thường niên năm 2022 quyết định.
Việc Vinamilk đặt mục tiêu lợi nhuận đi ngang trong năm 2021 là điều đã được dự báo trước do chi phí bán hàng cao hơn và thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cao hơn.
Trong báo cáo thường niên 2020, Ban điều hành Vinamilk xác định chiến lược 2021 ngoài việc tập trung vào sản phảm cốt lõi là sữa, củng cố vị thế dẫn đầu còn sẵn sàng cho các hoạt động M&A, ưu tiên tìm kiếm cơ hội M&A với các công ty sữa tại các quốc gia khác với mục đích mở rộng thị phần và tăng doanh số.
Công ty tiếp tục thâm nhập các thị trường xuất khẩu mới với chiến lược chuyển đổi mô hình xuất khẩu hàng hóa truyền thống sang các hình thức hợp tác sâu với các đối tác phân phối tại các thị trường trọng điểm mới.
Báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) đánh giá, trong thời gian tới, Vinamilk phải đối mặt với rủi ro mất thị phần do ảnh hưởng từ xu hướng cao cấp hóa đang diễn ra có thể khiến người tiêu dùng chuyển sang các thương hiệu được xem là cao cấp hơn, bao gồm cả các thương hiệu sữa bột trẻ em nước ngoài.
Đây là xu hướng Vinamilk đã nhận ra từ lâu và đã nỗ lực tung ra một số sản phẩm đánh vào phân khúc cao cấp, có thể kể tới các dòng sản phẩm sữa tươi Organic hay sữa đậu nành hạt.
Công ty phân tích cho rằng Vinamilk sẽ có thể bảo vệ thị phần thống trị của công ty nhờ vào giá trị thương hiệu lớn, danh mục sản phẩm đa dạng, tích cực tung ra sản phẩm mới và tiềm năng tái định vị thương hiệu cho Mộc Châu Milk (cụ thể như bao bì mới và mở rộng danh mục sản phẩm). Tuy nhiên, công ty chỉ có thể tăng trưởng một chữ số như vài năm trở lại đây.
Không chỉ thị phần, biên lợi nhuận của Vinamilk cũng có thể chịu ảnh hưởng trong năm 2021 này do giá sữa bột tăng mạnh. Dựa trên kết quả đấu giá của Global Dairy Trade vào ngày 2/3/2021, giá sữa gầy/sữa nguyên kem đã tăng lần lượt 8% và 32% tính từ đầu năm và 20% và 48% so với cùng kỳ do nhu cầu lớn - đặc biệt là từ Trung Quốc.
Về nhân sự, trong năm 2020, ông Nguyễn Bá Dương, Thành viên HĐQT độc lập đã có đơn từ nhiệm vì lý do cá nhân. HĐQT trình cổ đông bầu bổ sung thêm một thành viên là bà Tiêu Yến Trinh, sinh năm 1974. Bà Trinh là nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Công ty Kết nối Nhân tài và là Thành viên HĐQT độc lập tại Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận