Vinamilk của bà Mai Kiều Liên bất ngờ lộ diện tham vọng mới
Vừa thắng lớn vào các thị trường như Trung Quốc và Hàn Quốc, Vinamilk của bà Mai Kiều Liên kỳ vọng năm 2020 sẽ thu về 60.000 tỷ đồng, tương ứng hơn 160 tỷ/ngày. Ngoài ra, Vinamilk muốn lấn sân sang mảng đường và tăng vốn điều lệ lên gần 1 tỷ USD.
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp "cài số lùi" về lợi nhuận trong năm 2020 vì ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk - VNM) của bà Mai Kiều Liên vẫn kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng dương.
Xuất khẩu thắng lớn, đặt mục tiêu gần 60.000 tỷ doanh thu
Cụ thể, tài liệu đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2020 của Vinamilk cho thấy, doanh nghiệp của bà Mai Kiều Liên đặt mục tiêu doanh thu đạt 59.600 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 13.000 tỷ đồng, lần lượt tăng nhẹ 5,7% và 1,6% so với kết quả đạt được ở năm 2019.
Được biết, trong quý I vừa qua Vinamilk của bà Mai Kiều Liên ghi nhận doanh thu 14.153 tỷ đồng, lợi nhuận 2.776,8 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm, Vinamilk của bà Mai Kiều Liên liên tục ghi nhận các tin tích cực đến từ mảng xuất khẩu nhờ sự ổn định, chắc chắn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh và sự tích cực khai phá những thị trường quốc tế.
Gần đây nhất, "ông lớn" ngành sữa này của bà Mai Kiều Liên đã ký kết thành công hợp đồng xuất khẩu lô hàng lớn với 85 container sản phẩm (bộ 3 sữa đậu nành hạt cao cấp và trà sữa mang thương hiệu Vinamilk), trị giá 1,2 triệu USD sang Hàn Quốc.
Trước đó, Vinamilk đã mở đầu năm 2020 với hợp đồng xuất khẩu sữa 20 triệu USD đi Trung Đông được ký kết ngay tại hội chợ quốc tế Gulfood Dubai, tiếp đến xuất thành công lô sữa đặc đầu tiên sang Trung Quốc và nhiều nước khác.
Với kế hoạch này, Vinamilk dự kiến chia cổ tức năm 2020 với tỷ lệ tổi thiếu bằng 50% lãi ròng. Trong đó, tạm ứng cổ tức đợt 1 được thực hiện vào ngày 15/10/2020 và tạm ứng cổ tức đợt 2 thanh toán vào ngày 26/2/2021.
Đối với cổ tức năm 2019 là 4.500 đồng/cp, Vinamilk đã thực hiện tạm ứng cổ tức 3.000 đồng/cp trong năm 2019 và 2020. Phần còn lại 1.500 đồng/cp, công ty dự kiến thanh toán vào ngày 15/7/2020.
HĐQT của Vinamilk cũng trình ĐHĐCĐ phê duyệt thù lao HĐQT năm 2020 là 25 tỷ đồng, tính theo số lượng 11 thành viên, tương đương với mức thù lao 2019 và 2018.
Vinamilk muốn lấn sân sang mảng đường
Tại ĐHĐCĐ lần này, Vinamilk của bà Mai Kiều Liên dự kiến bổ sung 5 nhóm ngành nghề mới, bao gồm: Sản xuất đường; Dịch vụ phục vụ đồ uống; Bán lẻ; Buôn bán nông, lâm sản nguyên liệu; Buôn bán kim loại và quặng kim loại.
Trong đó, Vinamilk có kế hoạch phát triển các sản phẩm thương mại có chức năng chuyên biệt như đường dành cho người bệnh tiểu đường, người theo chế độ ăn kiêng,…
Ngoài ra, "ông lớn" ngành sữa này còn "tham vọng" mở rộng chuỗi cửa hàng bán lẻ cà phê, đồ uống và một số thức ăn kèm theo với thương hiệu "Hi - Café" trong năm 2020 và các năm tiếp theo.
Trong năm 2019, công ty đã mở một cửa hàng tại trụ sở chính.
Bên cạnh đó, nhằm thực hiện chính sách trách nhiệm xã hội doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường và tái tạo, đồng thời gia tăng tính ý thức của người tiêu dùng khi sử dụng túi ni long một lần, Vinamilk sẽ triển khai bán túi nilong và túi sử dụng nhiều lần thay vì phát kèm miễn phí như hiện nay.
Phát hành cổ phiếu, tăng vốn tối đa lên 21.260 tỷ đồng
Cùng với tham vọng "lấn sân" sang nhiều ngành kinh doanh, Vinamilk của bà Mai Kiều Liên dự kiến sẽ trình ĐHĐCĐ việc phát hành tối đa 348 triệu cp cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 5:1, tức cổ đông sở hữu 5 cp sẽ được mua 1 cp phát hành thêm.
Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền rơi vào ngày 30/9/2020. Nếu đợt phát hành này diễn ra thành công, vốn điều lệ của Vinamilk sẽ tăng tối đa thêm gần 3.843 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/3/2020, Vinamilk có vốn điều lệ gần 17.417 tỷ đồng. Như vậy, sau phát hành thành công, vốn điều lệ của "ông lớn" ngành sữa lên tới gần 21.300 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận