Vinachem thoái vốn, Hóa chất Đức Giang có là "miếng mồi ngon"?
Vinachem tiếp tục đăng ký thoái vốn toàn bộ 11,45 triệu cổ phần tại Tập đoàn Hóa chất Đức Giang.
Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem) đăng ký bán đấu giá gần 11,5 triệu cổ phần Công ty cổ phần Tập đoàn hóa chất Đức Giang với giá 49.100 đồng/cổ phiếu.
Thời gian tổ chức đấu giá dự kiến 14h ngày 31/12 tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Thương vụ thành công, Vinachem sẽ thu về khoảng 560 tỷ đồng.
Hóa chất Đức Giang được biết tới với thương hiệu Bột giặt Đức Giang.
Trong lĩnh vực hóa chất phốt pho, DGC được xem là doanh nghiệp dẫn đầu, nhất là sau khi sáp nhập CTCP Hóa chất Đức Giang - Lào Cai (DGL) và CTCP Phốt pho Apatit Việt Nam.
Sau tái cấu trúc, chuỗi giá trị phốt pho của DGC đã hoàn thiện hơn với đầy đủ các sản phẩm như phốt pho vàng, axít phốt pho ric nhiệt (HPO) và trích ly (WPA), các loại phân bón (SSP, DSP và MAP), phụ gia thức ăn chăn nuôi (DCP) và các loại chất tẩy rửa
Về cơ cấu cổ đông, sau khi cổ phần hóa năm 2004, hiện DGC có 2 cổ đông lớn là Chủ tịch HĐQT Đào Hữu Huyền sở hữu 15 triệu cổ phiếu, tương đương 11,65% vốn và Vinachem sở hữu 11,45 triệu cổ phiếu, tương đương 8,85% vốn.
DGC là doanh nghiệp sản xuất phốt pho vàng lớn nhất Việt Nam. Sản phẩm của DGC đã có mặt tại nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Philippines, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, với những khách hàng truyền thống lớn như Toyotatushu, Sumimoto…
Hơn 80% doanh thu của DGC đến từ xuất khẩu. Trong đó phốt pho vàng là lĩnh vực xuất khẩu chủ lực, chiếm hơn 40% tổng doanh thu 2018, công suất 60.000 tấn/năm.
Ước tính tổng giá trị thị trường của các sản phẩm từ phốt pho lên đến hơn 60 tỷ USD. Tổ chức Markets & Markets dự báo thị trường này có thể tăng trưởng đạt mức 76 tỷ USD vào năm 2020.
Từ đầu năm, DGC đã lên kế hoạch đẩy mạnh xây dựng nhà máy phốt pho đỏ quy mô 5.000 tấn/năm với tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng.
Xây dựng nhà máy NPK Hóa học quy mô 100.000 tấn/năm, mức đầu tư 30 tỷ đồng bằng nguồn vốn quỹ đầu tư phát triển.
Với mảng phân bón, một trong những mảng sản phẩm lõi của DGC đang nằm trong nhóm miễn phí thuế VAT, đồng nghĩa với việc không được khấu trừ chi phí đầu vào dẫn tới giá vốn cao.
Nếu thời gian tới đề xuất phân bón trở thành mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng 5% được chấp thuận, DGC sẽ hưởng lợi khi được khấu trừ một phần chi phí đầu vào và ước tính doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp này sẽ có đà tăng trưởng.
Đáng chú ý, bên cạnh mảng kinh doanh lõi, DGC đã lấn sân sang lĩnh vực bất động sản. DGC đang triển khai dự án Tổ hợp chung cư Đức Giang với tổng mức đầu tư 1.408 tỷ đồng và dự kiến sẽ khởi công xây dựng khu nhà ở liền kề.
Công ty Chứng khoán Sacombank (SBS) nhận định, dự án trên bắt đầu ghi nhận doanh thu 1.660 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 251 tỷ đồng trong vòng 3 năm từ 2020. Hiện giá cổ phiếu DGC đang được giao dịch ở mức giá thấp hơn so với tiềm năng của doanh nghiệp.
Năm 2019, DGC gây bất ngờ khi đặt kế hoạch lợi nhuận giảm 20% so với thực hiện năm 2018. Cụ thể, năm 2018, doanh thu thuần của DGC đạt 6.090 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 872,8 tỷ đồng.
Năm 2019, DGC đặt kế hoạch doanh thu 6.812 tỷ đồng, tăng 11,8% so với kết quả 2018, nhưng lợi nhuận sau thuế là 700 tỷ đồng, giảm 20%.
Kết thúc 9 tháng đầu năm nay, DGC đạt 3.641 tỷ đồng doanh thu, giảm 12% so với cùng kỳ 2018; lợi nhuận sau thuế đạt 396,9 tỷ đồng, giảm 36% và mới hoàn thành gần 46% kế hoạch lợi nhuận đặt ra cho cả năm.
Nhiều ý kiến cho rằng, kết quả kinh doanh sụt giảm là một trong những lý do khiến cổ phiếu DGC giảm mạnh, trong khi lĩnh vực kinh doanh của DGC được đánh giá có nhiều triển vọng tăng trưởng.
Nếu nhìn vào lịch sử giá cổ phiếu DGC, mức giá Vinachem đưa ra không quá cao khi có thời điểm cổ phiếu này đã gần chạm mốc 48.000 đồng/cổ phiếu (cuối năm 2017).
Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2019 đến nay, cổ phiếu DGC đã lao dốc, từ mức 44.000 đồng/cổ phiếu (ngày 2/1/2019) xuống 28.600 đồng/cổ phiếu (ngày 12/9/2019), tương ứng giảm gần 42%.
Về phía Vinachem, là đơn vị tích cực thoái vốn trong năm 2019. Vào tháng 6, Vinachem đã liên tiếp công bố thoái vốn khỏi loạt đơn vị thành viên như Cao su Sao Vàng (SRC), Phân bón Miền Nam (SFG), Cao Su Đà Nẵng (DRC), Công nghiệp Hóa chất Đà Nẵng (DCI), Bột giặt NET và Incodemic. Trong đó, phiên đấu giá Cao Su Đà Nẵng và Phân bón Miền Nam không được nhà đầu tư quan tâm, các phiên đấu giá còn lại đều đạt tỷ lệ thành công 100% giúp Vinachem thu về hơn 400 tỷ đồng.
Trong tháng cuối năm, Vinachem tiếp tục có kế hoạch bán toàn bộ vốn của Sơn Tổng hợp Hà Nội, Pin Hà Nội, Ắc quy Tia Sáng và Xuất nhập khẩu Hóa chất miền Nam, Tập đoàn hóa chất Đức Giang (DGC).
Tuy nhiên, việc thoái vốn ở mức giá cao đã khiến các đơn vị thành viên của Vinachem rơi vào tình trạng ế ẩm.
Đơn cử, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Hóa chất Miền Nam (Southchimex)được biết đến là"ông lớn" kinh doanh phân bón nội địa và các loại vật tư hóa chất công nghiệp trong nước và nhập khẩu với 40 năm kinh nghiệm hình thành và phát triển, nhưng khi được Vinachem chào bánvới giá khởi điểm lên đến 253.300 đồng/cổ phần nên đến thời điểm kết thúc thời hạn đăng ký tham gia đấu giá và nộp tiền cọc mua cổ phần đã không có nhà đầu tư tham gia đăng ký đấu giá.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận