Vihafood nói gì về ý kiến ngoại trừ của kiểm toán?
Theo BCTC kiểm toán 2021, CTCP Xuất nhập khẩu Lương thực Thực phẩm Hà Nội (Vihafood, UPCoM: FHN) ghi nhận lãi ròng lao dốc 86% so với năm trước. Đáng chú ý, kiểm toán còn đưa ra ý kiến ngoại trừ về vấn đề giá trị các bất động sản và giá trị lợi thế khai thác quyền sử dụng đất.
Kết thúc năm 2021, doanh thu thuần của FHN gần 712 tỷ đồng, giảm nhẹ so năm trước và lãi ròng chỉ vỏn vẹn hơn 231 triệu đồng, giảm 86%. Đây cũng là kết quả tệ nhất trong 7 năm trở lại đây của đơn vị.
So với kế hoạch, FHN vượt 10% mục tiêu doanh thu nhưng chỉ thực hiện được 12% mục tiêu lợi nhuận sau thuế 2021.
Kết quả kinh doanh năm 2021 của FHN đã kiểm toán. Đvt: Tỷ đồng
Tại thời điểm cuối năm 2021, tổng tài sản ghi nhận hơn 236 tỷ đồng, tăng 23% so với đầu năm. Hàng tồn kho tăng mạnh lên hơn 77 tỷ đồng, gấp 3 lần, chủ yếu biến động lớn ở hàng hóa và thành phẩm.
FHN giải trình ra sao trước ý kiến của kiểm toán?
Đáng chú ý, kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ về giá trị các bất động sản và lợi thế khai thác quyền sử dụng đất.
Cụ thể, giá trị các bất động sản nhận được từ các hợp đồng hợp tác kinh doanh phát sinh từ năm 2020 trở về trước với số tiền hơn 53 tỷ đồng chưa được Công ty ghi nhận là thu nhập tại thời điểm bàn giao. Giá trị các bất động sản trên được Công ty ghi nhận trên khoản mục Doanh thu chưa thực hiện dài hạn và phân bổ vào thu nhập khác tại ngày 31/12/2021 và 31/12/2020 lần lượt gần 49 tỷ đồng và hơn 50 tỷ đồng. Nếu Công ty ghi nhận đầy đủ thu nhập tại thời điểm nhận bàn giao bất động sản theo quy định thì số dư khoản mục doanh thu chưa thực hiện dài hạn tại thời điểm cuối năm 2021 và 2020 sẽ giảm đi gần 49 tỷ đồng và 50 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối sẽ tăng lên tương ứng. Song song đó, khoản mục thu nhập khác sẽ giảm hơn 1.4 tỷ đồng.
Giải trình cho vấn đề này, FHN cho biết về kế toán, đảm bảo nguyên tắc thận trọng, Công ty ghi nhận giá trị các bất động sản nhận bàn giao nói trên vào khoản mục doanh thu chưa thực hiện dài hạn và được phân bổ vào thu nhập khác theo thời gian sử dụng hữu ích ước tính của các tài sản ( từ 25-40 năm), bởi Công ty nhận được sản phẩm là nhà cửa, vật kiến trúc là tài sản cố định, chứ không nhận giá trị bằng tiền.
Ngoài ra, kiểm toán cũng đưa ra ý kiến ngoại trừ về giá trị lợi thế khai thác quyền sử dụng đất góp vốn vào CTCP Phân phối - Bán lẻ VNF1 hơn 14 tỷ đồng chưa được Công ty ghi nhận vào thu nhập tại thời điểm góp vốn mà đang được trình bày trên khoản mục doanh thu chưa thực hiện dài hạn. Tại ngày 31/12/2020 và 31/12/2021, giá trị lợi thế khai thác quyền sử dụng đất còn phân bổ vào thu nhập hơn 6 tỷ đồng. Nếu Công ty ghi nhận đầy đủ thu nhập tại thời điểm góp vốn, số dư khoản mục doanh thu chưa thực hiện dài hạn tại thời điểm cuối năm 2021 và 2020 sẽ giảm đi hơn 6 tỷ đồng và lãi sau thuế chưa phân phối sẽ tăng lên tương ứng.
Về ý kiến này, FHN cho biết năm 2008, Công ty góp vốn thành lập CTCP Phân phối - Bán lẻ VNF1. Tổng giá trị vốn góp gần 17.7 tỷ đồng, tương đương gần 1.77 triệu cp, chiếm 10.16% vốn điều lệ. Trong đó, giá trị vốn góp bằng tài sản cố định hữu hình hơn 3 tỷ đồng và góp bằng lợi thế khai thác bất động sản hơn 14 tỷ đồng tại 176 Định Công và 778 Đường Láng.
Sau khi đánh giá thận trọng về tài chính, tình hình thực tế của CTCP Phân phối - Bán lẻ VNF1 ( lỗ lũy kế đến ngày 31/12/2021 hơn 76 tỷ đồng và chưa năm nào chia cổ tức cho các cổ đông), Công ty đã phân bổ một phần lợi thế khai thác bất động sản trên vào thu nhập số tiền hơn 7.8 tỷ đồng, trên Bảng cân đối kế toán số dư khoản mục dự phòng đầu tư tài chính dài hạn hơn 7.5 tỷ đồng.
Số dư khoản mục doanh thu chưa thực hiện dài hạn về khoản lợi thế khai thác bất động sản hơn 6 tỷ đồng nêu trên sẽ được dùng để bù đắp chi phí dự phòng khoản đầu tư tài chính tương ứng với tỷ lệ góp vốn vào Phân phối Bán lẻ VNF1 các năm tiếp theo, để đảm bảo không ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh thường niên của đơn vị và quyền lợi của cổ đông.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận