Viglacera thu về 2.288 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2022
Mới đây, Tổng CTCP Viglacera (HOSE: VGC), đơn vị thành viên của Tập đoàn Gelex (GEX) vừa báo cáo kết quả kinh doanh năm 2022 với lợi nhuận trước thuế hợp nhất và lợi nhuận trước thuế công ty mẹ tăng trưởng lần lượt 48% và 44% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo đó, lợi nhuận trước thuế hợp nhất và lợi nhuận trước thuế công ty mẹ của Viglacera ước đạt 2.288 tỷ đồng và 1.722 tỷ đồng, tương ứng vượt 35% và 50% kế hoạch đề ra tại ĐHĐCĐ hồi tháng 4/2022.
Đáng chú ý, mảng kinh doanh bất động sản tăng trưởng ấn tượng với lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.622 tỷ đồng (đạt 133% kế hoạch năm và tăng 57% so với thực hiện năm 2021). Đây là lĩnh vực có vai trò dẫn dắt, đóng góp chính vào mức tăng trưởng lợi nhuận của tổng công ty.
Trong giai đoạn 2022 - 2023, theo kế hoạch, Viglacera sẽ khảo sát và phát triển một số khu công nghiệp mới tại các địa phương có vị trí thuận lợi. Theo định hướng, đến năm 2025, doanh nghiệp này sẽ nâng tổng số các khu công nghiệp mang thương hiệu Viglacera lên con số 20 với trên 10 khu công nghiệp mới, có tổng diện tích tăng thêm khoảng từ 2.000 - 3.000 ha để phát triển quỹ đất khu công nghiệp.
Trước đó, tại báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý 3/2022, giải trình về lợi nhuận 9 tháng tăng vọt gấp đôi cùng kỳ, VGC cho biết thành quả này đến từ việc lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp tiếp tục phát huy vai trò dẫn dắt đóng góp chính vào mức tăng trưởng lợi nhuận của Tổng công ty so với cùng kỳ.
Về tiềm năng của VGC trong năm 2023, chuyên gia Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MAS) nhận định ngành bất động sản khu công nghiệp (BĐS KCN) vẫn tiềm năng trong giai đoạn tới. Việc các ông lớn như Samsung, Heineken, Foxconn, LG... tiếp tục rót vốn đầu tư vào Việt Nam sẽ thúc đẩy được nhu cầu đất công nghiệp không chỉ từ các doanh nghiệp chính mà bao gồm cả những doanh nghiệp vệ tinh theo chuỗi cung ứng.
Để đánh giá cổ phiếu nào được hưởng lợi, cần xem xét thêm ngành nghề hướng đến của từng dự án, cũng như địa điểm dự án có thể triển khai. Đối với những dự án thuộc về lĩnh vực linh kiện điện tử, chúng tôi cho rằng khu vực miền Bắc sẽ phù hợp khi liên quan đến chuỗi cung ứng của Trung Quốc, cũng như hệ thống cung ứng sẵn có nội địa. Đối với những dự án sản xuất, tiêu dùng như Heineken, xu hướng lại về các KCN phía Nam để tối ưu được chi phí logistic cho tiêu thụ nội địa lẫn xuất khẩu.
Theo đó, các doanh nghiệp sở hữu quỹ đất cho thuê còn trống ở các khu vực kinh tế trọng điểm Bắc – Nam sẽ hưởng lợi từ xu hướng này như IDC, VGC, KBC,...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận