Viglacera thay da đổi thịt sau khi về tay Gelex và nỗi lo nợ vay tăng cao
Mảng cho thuê hạ tầng bất động sản công nghiệp là điểm nhấn trong thay đổi của Viglacera sau khi về nhà Gelex với lợi nhuận liên tiếp vượt 1.000 tỷ đồng, tuy nhiên chi phí vay nợ tài chính dài hạn và ngắn hạn cũng tăng theo.
Tổng công ty Viglacera – CTCP được thành lập từ năm 1974 với tiền thân là Công ty Gạch ngói sành sứ Xây dựng, được hình thành từ việc sáp nhập 18 nhà máy và xí nghiệp sản xuất gạch ngói từ đất sét nung. Từ thập niên 90, Viglacera đã tiên phong đưa vào sản xuất các sản phẩm mới như kính xây dựng, sứ vệ sinh và gạch ốp lát ceramic, gạch ốp lát granite…
Tháng 4/2014, Viglacera chuyển đổi mô hình từ Công ty TNHH sang công ty cổ phần và mở rộng phạm vi hoạt động đồng thời trong hai lĩnh vực chính là vật liệu xây dựng và bất động sản.
Viglacera đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM với mã VGC từ giữa tháng 10/2015. Đến giữa tháng 12/2016, Viglacera chính thức niêm yết trên sàn HNX.
Dữ liệu ghi nhận cho thấy giai đoạn 2017 – 2020, công ty kinh doanh ở mức bình ổn dao động lợi nhuận từ 600 – 700 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, từ năm 2021, sau khi CTCP Tập đoàn Gelex hoàn tất thâu tóm Viglacera, lợi nhuận công ty đã tăng gần gấp đôi lên 1.279 tỷ đồng.
Tham vọng theo đuổi Viglacera được Gelex dày công thực hiện từ năm 2019 với nhiều lần mua vào cổ phiếu của công ty này. Đến tháng 4/2021, Gelex mua vào 18,5 triệu cổ phiếu Viglacera, nâng tỷ lệ sở hữu từ 46,1% lên 50,21%, đánh dấu chính thức thâu tóm thành công Viglacera. Nắm giữ tỷ lệ cổ phiếu lớn thứ hai là Bộ Xây dựng chiếm 38,58%.
Sau khi trở thành công ty con của Gelex, kết quả kinh doanh của Viglacera có sự thay da đổi thịt rõ rệt. Lợi nhuận tăng trưởng tích cực duy trì trên mốc 1.000 tỷ đồng trong 3 năm gần đây, lần lượt: 1.279 tỷ đồng (2021), 1.913 tỷ đồng (2022) và hạ xuống 1.162 tỷ đồng (2023).
Mảng cho thuê hạ tầng bất động công nghiệp sản bùng nổ
Quan sát bức tranh doanh thu của Viglacera từ 2017 – 2023 từ các báo cáo tài chính hợp nhất có thể thấy rõ sự thay đổi lớn nhất đến từ doanh thu dịch vụ cho thuê bất động sản, hạ tầng khu công nghiệp.
Trong cơ cấu doanh thu của Viglacera, đóng góp phần lớn đến từ việc bán các sản phẩm sen vòi, sứ, phụ kiện; gạch ốp lát; gạch, ngói sét đất nung và dịch vụ cho thuê bất động sản, khu công nghiệp.
Viglacera là chủ đầu tư Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh), nơi đặt nhà máy sản xuất của Samsung.
Nếu như doanh thu 3 mảng sản phẩm trên không có sự biến động đáng kể từ năm 2017 đến nay thì mảng dịch vụ cho thuê bất động sản, khu công nghiệp lại có sự thay đổi đáng ngạc nhiên.
Cụ thể, năm 2017, doanh thu dịch vụ cho thuê bất động sản, khu công nghiệp ở mức 997 tỷ đồng; năm 2018 là 729 tỷ đồng. Nhưng bước sang năm 2019, doanh thu mảng này tăng trưởng thần tốc gần 3,1 lần lên 2.246 tỷ đồng.
Tuy nhiên, giải trình báo cáo tài chính năm 2019 của công ty không lý giải cụ thể về nguyên nhân tăng tốc của mảng này mà chỉ nêu: “Do tăng trưởng của lĩnh vực bất động sản công nghiệp đóng góp lớn vào sự tăng trưởng công ty”.
Đây cũng là thời điểm Tập đoàn Gelex bắt đầu động thái mua vào cổ phiếu của Viglacera để chuẩn bị cho quá trình thâu tóm. Tháng 4/2019, Gelex mua vào 27 triệu cổ phiếu VGC, đến tháng 10/2019, Công ty TNHH Thiết bị điện Gelex - công ty con của Gelex tiếp tục mua thêm 30 triệu cổ phiếu VGC, nâng tỷ lệ sở hữu lên 19,4%.
Đà tăng tốc của doanh thu dịch vụ cho thuê bất động sản, khu công nghiệp tiếp tục được ghi nhận trong các năm kế tiếp: Năm 2020 đạt 1.624 tỷ đồng; 2021 tăng lên 2.552 tỷ đồng; 2022 là 3.294 tỷ đồng và lập đỉnh lịch sử vào năm 2023 với 4.513 tỷ đồng, chiếm gần 1/3 lần tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty.
Giá vốn hàng bán các mảng sản phẩm sen vòi, sứ, phụ kiện; gạch ốp lát; gạch, ngói sét đất nung thường chiếm phần lớn doanh thu, nhưng dịch vụ cho thuê bất động sản, khu công nghiệp lại có tỷ lệ giá vốn khiêm nhường hơn. Đây chính là lý do khiến mảng này luôn đóng góp lớn vào lợi nhuận cho công ty mỗi năm.
Lợi nhuận tăng, chi phí vay nợ cũng tăng theo
Sự thay da đổi thịt của Viglacera không chỉ có những điểm tươi sáng, mà còn có cả nỗi lo từ số nợ phải trả, đặc biệt là chi phí vay nợ, thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn.
Dữ liệu từ báo cáo tài chính của Viglacera cho thấy, tổng chi phí vay nợ, thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn các năm lần lượt: 2.141 tỷ đồng (2017); 2.109 tỷ đồng (2018); 2.163 tỷ đồng (2019); 1.897 (2020); 3.188 tỷ đồng (2021); 3.616 tỷ đồng (2022) và lập đỉnh 5.134 tỷ đồng (2023).
Năm 2022, khi Viglacera đạt kết quả cao nhất về lợi nhuận, nợ ngắn hạn chiếm hơn 60,5%, đạt 8.385 tỷ đồng. Trong khoản mục nợ ngắn hạn, chỉ số vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của doanh nghiệp này cũng tăng hơn 35%.
Cùng với chi phí vay nợ, việc trả các khoản lãi vay cũng tạo áp lực với Viglacera. Năm 2023, chi phí lãi vay tăng vọt hơn 37% lên 348 tỷ đồng từ 255 tỷ đồng năm 2022. Tốc độ tăng của chi phí này cao nhất là hơn 58% từ 2022 trong khi năm 2021 là 160 tỷ đồng; 2019 là 169 tỷ đồng; 2018 là 172 tỷ đồng; 2017 là 150 tỷ đồng.
Trong năm 2024, để khai thác triệt để mảng cho thuê bất động sản khu công nghiệp, Viglacera cho biết sẽ tập trung thực hiện 7 dự án khu công nghiệp trong thời gian tới với tổng quy mô lên tới 2.700 ha. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện loạt dự án nhà ở xã hội trong năm nay.
Tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của công ty nêu rõ, Viglacera tập trung triển khai cho thuê khu công nghiệp tại Yên Mỹ, Phong Điền, Thuận Thành, Tiền Hải, Yên Phong 2C, Đông Mai, Yên Phong mở rộng, Đồng Văn IV với mục tiêu kinh doanh khoảng 173 ha trong năm 2024. Công ty cũng khảo sát, đề xuất lập hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư để triển khai đầu tư các khu công nghiệp mới tại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận