Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài trong trung hạn
Khi nền kinh tế mở cửa trở lại, khó khăn của chuỗi cung ứng sẽ sớm được giải quyết, đơn hàng lại đổ về và vốn FDI cũng phục hồi trong bối cảnh Việt Nam tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, hưởng lợi từ hiệp định thương mại tự do…
Ngày 16-9, Công ty Tetra Pak công bố sẽ đầu tư thêm 5 triệu Euro cho nhà máy sản xuất vỏ hộp giấy trị giá 120 triệu Euro của doanh nghiệp Thụy Điển này tại tỉnh Bình Dương, tái khẳng định niềm tin vào sự phục hồi kinh tế của Việt Nam sau đại dịch Covid-19, đồng thời cam kết không ngừng hỗ trợ các nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam.
"Khoản đầu tư thêm trị giá năm triệu Euro này thể hiện niềm tin vào sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch", ông Eliseo Barcas, Tổng giám đốc Tetra Pak Việt Nam, cho biết.
Dự kiến, khoản đầu tư mới sẽ giúp tăng sản lượng hàng năm của nhà máy từ 11,5 tỉ vỏ hộp hiện tại lên 16,5 tỉ vỏ hộp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về vỏ hộp giấy tiệt trùng ở trong nước và khu vực. Nhà máy sẽ được trang bị thêm để có thể sản xuất các loại vỏ hộp giấy cao cấp thay thế hàng nhập khẩu…
"Trong bối cảnh môi trường kinh doanh đang khó khăn do đại dịch, việc Tetra Pak mở rộng đầu tư tại Việt Nam là một điểm sáng trong ngành công nghiệp bao bì thực phẩm" - ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, cho biết.
Nhà máy Tetra Pak Bình Dương được đưa vào hoạt động từ giữa năm 2019 và là nhà máy thứ 8 của Tetra Pak tại khu vực châu Á Thái Bình Dương. Nhà máy sản xuất hộp giấy tiệt trùng cho thị trường nội địa và xuất khẩu sang các nước trong khu vực ASEAN, Úc và New Zealand.
Liên quan đến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), ông Tim Evans, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, nhận định điểm tích cực là vốn FDI thực hiện của Việt Nam vẫn tăng 3,8% trong giai đoạn 7 tháng đầu năm. Phần lớn nguồn vốn này được rót vào lĩnh vực sản xuất và chế biến, sau đó là tới mảng sản xuất và phân phối điện. Xuất khẩu điện thoại di động tiếp tục khả quan do cụm lắp ráp chủ yếu tập trung ở miền Bắc nơi hoạt động sản xuất đã dần trở lại như bình thường sau 2 đợt bùng dịch vào tháng 5 và 6.
"Khi nền kinh tế mở cửa trở lại, các khó khăn của chuỗi cung ứng sẽ sớm được giải quyết, đơn hàng sẽ lại đổ về và vốn FDI cũng phục hồi trong bối cảnh Chính phủ ổn định với chính sách nhất quán, nguồn nhân lực chất lượng, một loạt hiệp định tự do thương mại và cam kết đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng… Bấp chấp tình cảnh hiện tại, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong trung hạn" - ông Tim Evans nhận định.
Mới đây, Samsung dự kiến chuẩn bị mở rộng nhà máy điện thoại trong 6 tháng cuối năm nay nhằm tăng sản lượng điện thoại màn hình gập 47% lên 25 triệu chiếc. Trong khi đó, LG Display cũng vừa được duyệt một khoản đầu tư bổ sung 1,4 tỉ USD cho nhà máy ở Hải Phòng.
Cũng theo HSBC Việt Nam, ngày càng nhiều nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại trong khu vực sau khi triển khai tiêm vắc-xin trên diện rộng; cùng với nhu cầu hiện tại của thị trường châu Âu và Bắc Mỹ, sẽ mang lại tác động tích cực lên xuất khẩu hàng công nghệ, máy móc, da giày, dệt may, nội thất, thực phẩm và nông sản.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận