Việt Nam tụt 4 bậc trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics
Việt Nam đứng vị trí thứ 43, tụt 4 bậc trong Bảng xếp hạng Chỉ số hiệu quả logistics (LPI) của Ngân hàng Thế giới vừa công bố.
Sau năm 5 chờ đợi, Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố Bảng xếp hạng Chỉ số hiệu quả logistics (LPI) (Logistics Performance Index) năm 2023 vào tối ngày 21/4.
LPI năm 2023 Việt Nam đứng vị trí thứ 43, tụt 4 hạng so với thứ 39 “ngoạn mục” của năm 2018.
Việt Nam tụt 4 bậc
Theo đó, đứng đầu thế giới vẫn là Singapore, thứ hai là Phần Lan, thứ ba là Đan Mạch, Đức, Hà Lan và Thuỵ Sỹ. “Logistics là mạch máu của thương mại quốc tế, và ngược lại, thương mại là động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo,” Mona Haddad, Giám đốc Toàn cầu về Thương mại, Đầu tư và Năng lực Cạnh tranh, Ngân hàng Thế giới chia sẻ.
Đồng thời cho biết, LPI giúp các nước đang phát triển xác định những điểm cần cải thiện có thể tăng khả năng cạnh tranh.
Đáng lưu ý, trong bảng xếp hạng LPI năm 2023 Việt Nam đứng vị trí thứ 43, tụt 4 hạng so với thứ 39 “ngoạn mục” của năm 2018. Tuy nhiên, về điểm LPI tăng lên mức 3,3 điểm so với mức 3,27 điểm năm 2018. Việt Nam thuộc Top 5 ASEAN sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng vị trí với Philippines.
Trước đó, tại lần công bố LPI gần nhất vào năm 2018, Việt Nam tăng “ngoạn mục” 25 bậc từ vị trí 64 lên vị trí 39.
Trao đổi với DĐDN, ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Giao nhận vận tải Đông Nam Á (AFFA), Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) lý giải, sự sụt giảm về vị trí của Việt Nam trong LPI 2023 phản ánh hệ quả của sự lúng túng trong giai đoạn đại dịch Covid-19 vừa qua.
“Với các biện pháp phong tỏa tiêu cực, quá mức cần thiết, thậm chí “ngăn sông cấm chợ” đã kéo dài thời gian vận chuyển, gián đoạn và đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động sản xuất tiêu dùng và vị trí của Việt Nam trong bảng xếp hạng LPI 2023. Trong đó, ba chỉ số thành phần giảm gồm thời gian giao hàng, năng lực và chất lượng doanh nghiệp dịch vụ logistics, khả năng theo dõi và truy xuất hàng hoá”, ông Đào Trọng Khoa nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch VLA, chúng ta có điểm tích cực khi điểm số LPI tăng lên mức 3,3 điểm so với lần công bố gần nhất và là mức cao nhất từ khi có xếp hạng năm 2007 đến nay. Điều này cho thấy Việt Nam đang dần cải thiện, đặc biệt về chỉ số thành phần về hiệu quả quy trình thông quan và chất lượng cơ sở hạ tầng có sự tăng điểm số rõ rệt nhất.
“Qua báo cáo đánh giá của WB toát lên vấn đề tồn tại của ngành dịch vụ logistics Việt Nam là năng lực của nhà cung ứng dịch vụ logistics. Để cải thiện nhanh chóng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cần đẩy mạnh quá trình số hoá, góp phần gia tăng chất lượng dịch vụ, rút ngắn thời gian và cải thiện khả năng truy xuất hàng hoá” Ông Đào Trọng Khoa khuyến nghị.
Xanh hoá và số hoá logistics
Báo cáo LPI năm 2023 được đưa ra vào thời điểm sau ba năm gián đoạn chuỗi cung ứng chưa từng có trong đại dịch COVID-19, khi thời gian giao hàng tăng vọt. Sự gián đoạn của chuỗi giá trị toàn cầu đã cho thấy tầm quan trọng thiết yếu của hệ thống logistics. Do những sự gián đoạn này, khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và những tác động đối với an ninh quốc gia của nó đã nổi lên như những mối quan tâm hàng đầu. Những lo ngại này thường liên quan đến an ninh chuỗi cung ứng – một vấn đề quan trọng cần cân nhắc trong ngành dịch vụ được số hóa cao và kết nối toàn cầu.
Điểm số LPI của Việt Nam tăng lên mức 3,3 điểm so với lần công bố gần nhất và là mức cao nhất từ khi có xếp hạng năm 2007 đến nay.
Năng lực của các nước đang phát triển trong việc vận chuyển hàng hóa một cách hiệu quả và kết nối các nhà sản xuất và người tiêu dùng với thị trường quốc tế đang được cải thiện, mặc dù còn chậm.
Tuy nhiên, để thu hẹp "khoảng cách hiệu suất" hiện có giữa những quốc gia có vị trí cao và thấp, WB khuyến cáo các quốc gia phát triển cần hành động nhiều hơn nữa.
“Chuỗi cung ứng chỉ hoạt động hiệu quả khi mắt xích yếu nhất của chúng hoạt động và những cải thiện bền vững đòi hỏi những thay đổi phức tạp trong một loạt các khía cạnh chính sách trong các lĩnh vực bao gồm cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi thương mại và dịch vụ logistics”, Báo cáo LPI nhấn mạnh.
Theo bà Christina Wiederer, Chuyên gia Kinh tế Cao cấp, Thương mại và Hội nhập Khu vực, Ngân hàng Thế giới nhận định: “Báo cáo LPI 2023 chỉ ra rằng ngành logistics cần thích ứng với sự thay đổi của các mô hình thương mại toàn cầu, với độ tin cậy của chuỗi cung ứng cao hơn, khả năng chuẩn bị trước khủng hoảng tốt hơn, xanh hóa chuỗi cung ứng và số hóa”.
Theo LPI 2023, số hóa chuỗi cung ứng từ đầu đến cuối, đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi, đang cho phép rút ngắn thời gian trễ cảng lên đến 70% so với các nước phát triển. Hơn nữa, nhu cầu logistics xanh đang tăng lên, với 75% chủ hàng đang tìm kiếm các lựa chọn thân thiện với môi trường khi xuất khẩu sang các nước có thu nhập cao.
“Trong khi phần lớn thời gian dành cho vận chuyển, sự chậm trễ lớn nhất xảy ra tại cảng biển, sân bay và vận tải đa phương thức”, Christina Wiederer cho biết.
Và để cải thiện độ tin cậy, Chuyên gia WB cho rằng, các chính sách cần hướng tới gồm cải thiện quy trình thông quan và đầu tư vào cơ sở hạ tầng, áp dụng kỹ thuật số công nghệ và khuyến khích hậu cần bền vững với môi trường bằng cách chuyển sang ít sử dụng carbon hơn, phương thức vận chuyển hàng hóa và kho bãi tiết kiệm năng lượng hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận