Việt Nam tiêu thụ điện đến mức nào?
Hàn Quốc có gần 5.000 công ty trong ngành công nghiệp ô tô, sử dụng hơn 330 nghìn lao động, sản xuất 3,5 triệu xe/năm. Hàn Quốc cũng có ngành đóng tàu rất phát triển (năm 2022, chiếm 25,3% tổng trọng 30,8 triệu CGT toàn thế giới). Năm 2022, sản lượng thép thô của Hàn Quốc đạt 68,5 triệu tấn.
Nhật Bản sản xuất khoảng 8 triệu xe ô tô/năm. Năm 2022, sản lượng thép thô của Nhật Bản đạt 89,2 triệu tấn. Nhật Bản là nhà xuất khẩu thép lớn thứ 2 thế giới. Năm 2022 xuất khẩu ~32 triệu tấn. Thép xuất khẩu của Nhật Bản chủ yếu thép chế tạo có giá trị cao.
Sản lượng điện 2022 của Hàn Quốc là 596,3 tỷ kWh, bình quân đầu người 11.600 kWh, còn Nhật Bản tiêu thụ 955,7 tỷ kWh, bình quân đầu người 7.600 kWh. Cả hai nước đều là những nước công nghiệp phát triển. Mức tiêu thụ điện bình quân đầu người của Nhật Bản không tăng suốt từ trước 2000 đến nay. Bình quân đầu người của Hàn Quốc năm 2010 đã đạt hơn 10.000 kWh.
Quy hoạch điện mới nhất của Việt Nam đến năm 2030 là khoảng 567 tỷ kWh và tầm nhìn đến 2050 là khoảng 1.224,3 - 1.378,7 tỷ kWh. Với dân số Việt Nam nếu tăng đều 1%/năm thì đến năm 2050 là xấp xỉ 130 triệu người. Như vậy, mục tiêu quy hoạch về điện sẽ đạt mức tiêu thụ như Hàn Quốc hiện nay và vượt xa bình quân đầu người của Nhật Bản.
Tính ở góc độ tương quan giữa điện tiêu thụ và GDP, nếu tăng trưởng GDP bình quân đều 5%/năm thì đến 2050 sẽ đạt xấp xỉ 1.600 tỷ USD. Như vậy đến năm 2050, 1 kWh điện của Việt Nam cũng mới chỉ tương ứng 1,15 USD GDP. Tương quan này là hoàn toàn bất hợp lý. Hiện 1 kWh điện của Hàn Quốc tương ứng với 3,1 USD GDP, còn Nhật Bản là 5,2 USD.
Năm 2022, sản lượng thép thành phẩm của Việt Nam là 29,3 triệu tấn, xuất khẩu 8,4 triệu tấn. Cũng năm 2022, Thailand có công nghiệp chế tạo phát triển hơn Việt Nam, GDP cũng cao hơn nhưng chỉ tiêu thụ 16,3 triệu tấn thép. Việt Nam chỉ sản xuất chủ yếu thép xây dựng. Toàn bộ 100% thép chế tạo máy đều phải nhập khẩu.
So sánh thực trạng phát triển công nghiệp, GDP và tiêu thụ điện để thấy mục tiêu phát triển sản lượng điện của Việt Nam là không tối ưu. Bình quân điện đầu người chỉ nên ở mức Nhật Bản (hoặc Đức, Pháp, Anh), tối đa 7.000 kWh. Cần phát triển các ngành ít tiêu hao điện, để sao cho 1 kWh điện ít nhất tạo ra 2,5 USD GDP. Việc thu hút phát triển thép để xuất khẩu chỉ là lợi dụng điện giá rẻ để cạnh tranh.
Thực tế Việt Nam cũng chỉ làm thép có hàm lượng công nghệ thấp, hoàn toàn không phải là con đường làm thép mà Hàn Quốc, TQ đã đi. Thép xây dựng thì các nhà sản xuất trong nước cũng làm được chứ không cần thu hút FDI với đủ mọi ưu đãi. Một dải vùng biển miền Trung đầy tiềm năng du lịch và nguồn lợi thủy sản rất không nên thu hút sản xuất thép. Có nhiều con đường phát triển để lựa chọn và cũng nên học hỏi các nước quanh ta, đã đến lúc phải tự lực cánh sinh chứ không phải làm thuê bằng mọi giá.
Việt Nam sẽ đóng cửa tất cả các nhà máy điện than đến 2050, không có điện hạt nhân, thuỷ điện đã ở mức tới hạn, khí đốt thì phải nhập khẩu là chính, điện gió và mặt trời chỉ có thể ở một tỉ lệ nhất định. Các yếu tố đó phải tính đến cẩn thận khi tính toán phát triển GDP và mỗi GW công suất phát điện.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận