Việt Nam nằm trong Top 10 nước xuất khẩu lớn nhất vào EU
Việt Nam đã vươn lên trở thành đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của EU trong khu vực ASEAN và xếp trong Top 10 các nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào thị trường EU.
Việt Nam lọt Top 10 nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào EU
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) bước sang năm thứ 2 có hiệu lực đã tạo sức bật cho tăng trưởng thương mại và đầu tư của Việt Nam với thị trường 27 nước EU.
Đây là khẳng định của các chuyên gia tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam – EU “EVFTA – Sức bật cho hợp tác thương mại đầu tư trong bối cảnh bình thường mới” do Bộ Công Thương và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa tổ chức.
Trước bối cảnh kinh tế phục hồi, cùng sự nổi lên của những xu hướng thương mại, đầu tư mới, Hiệp định EVFTA sẽ tạo điều kiện thuận lợi, khả năng cạnh tranh để Việt Nam tham gia vào quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng mới với các đối tác EU.
Triển vọng tăng xuất khẩu sang EU cũng sáng hơn, bởi nhiều chỉ số kinh tế bắt đầu phục hồi tích cực, nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ hàng hoá tại EU có xu hướng gia tăng. GDP của EU quý II/2021 tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 2% so với quý trước. EC dự báo, GDP của EU dự kiến sẽ tăng trưởng 4,8% trong năm 2021 và 4,5% trong năm 2022
Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU sau một năm thực thi Hiệp định đạt 54,87 tỷ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 38,48 tỷ USD, tăng 11,3%, nhập khẩu đạt 16,39 tỷ USD, tăng 14,04%.
9 tháng 2021, dù Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng tại nhiều vùng sản xuất trọng điểm ở phía Nam, nhưng Việt Nam – EU vẫn đạt được tăng trưởng cao về thương mại, kể cả so với thời kỳ trước dịch, đạt 41,3 tỷ USD, tăng 13,4%, ở chiều xuất khẩu đạt 28,85 tỷ USD, tăng 11,7% và nhập khẩu từ EU tăng 17,6% với 12,4 tỷ USD.
Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), Việt Nam hiện đã vươn lên trở thành đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của EU trong khu vực ASEAN, với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2020 đạt 43,2 tỷ EUR và xếp trong Top 10 các nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào thị trường EU.
Xuất khẩu tăng nhưng điều đáng mừng hơn là ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt tận dụng được ưu đãi thuế quan từ hiệp định này.
Thống kê của Cục Xuất nhập khẩu, trong năm đầu tiên thực thi Hiệp định, các cơ quan, tổ chức được uỷ quyển cấp C/O mẫu EUR.1 đã cấp khoảng 207.682 chứng nhận C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch đạt khoảng 7,71 tỷ USD đi 27 nước EU. Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho 6.115 lô hàng được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA.
"Hiệp định EVFTA đi vào thực thi không chỉ là đòn bẩy thúc đẩy thương mại hai chiều mà còn là lợi thế ưu việt cho cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế, giao thương toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng do Đại dịch Covid-19", Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An khẳng định.
Tăng lực cạnh tranh cho hàng hóa
Với đặc thù thương mại mang tính bổ sung cao, không cạnh tranh trực tiếp, Chủ tịch EuroCham, ông Alain Cany nhấn mạnh,Việt Nam - EU cần hợp tác chặt chẽ trong việc giải quyết các vấn đề tồn tại vì lợi ích chung của cộng đồng doanh nghiệp để hiệu quả thực thi EVFTA tiến xa hơn nữa.
Việc hợp tác hiệu quả, đồng thời với việc dịch bệnh được kiểm soát trở lại, cùng lợi thế lớn từ EVFTA và tới đây là EVIPA, Việt Nam sẽ có cơ hội thu hút làn sóng FDI mới từ các nhà đầu tư châu Âu đang tìm kiếm một điểm đến ổn định, an toàn.
"Thương mại tự do không có nghĩa là bán nhiều hàng hơn ở nước ngoài mà thị trường trong nước cũng tiếp nhận một lượng hàng nhập khẩu lớn, doanh nghiệp Việt Nam cần đón nhận sức ép cạnh tranh tích cực này để nâng cao năng lực cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa và xuất khẩu", ông Alain Cany nhận định.
Thực tế, kể từ khi EVFTA đi vào thực thi từ tháng 8 năm ngoái, những doanh nghiệp nào có sự chuẩn bị đầu tư kỹ lưỡng đón lõng thị trường EU thì sẽ thắng lớn. 9 tháng 2021, Tập đoàn Lộc Trời đã xuất khẩu thành công hơn 10.000 tấn gạo các loại sang EU, chủ yếu là Đức, Pháp, Bỉ, Hà Lan. So với thời điểm trước khi có EVFTA, xuất khẩu gạo sang EU của Lộc Trời đã tăng thêm 2.000 tấn, là doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn nhất sang thị trường EU. (Trong hơn 10.000 tấn xuất sang EU 8 tháng 2021, Lộc Trời chiếm gần 10.000 tấn).
Theo lãnh đạo Tập đoàn này, kết quả mà Lộc Trời có được là cả một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng trong nhiều năm qua, với nền tảng là hoàn thiện chuỗi sản xuất, cung ứng gạo chất lượng cao. Đơn cử, để đáp ứng 509 tiêu chí trong danh mục quản lý chất lượng gạo vào EU, Viện Nghiên cứu nông nghiệp thuộc Tập đoàn này phải xây dựng quy trình quản lý mùa vụ với các tiêu chí nghiêm ngặt từ khâu chọn giống cho đến khi ra thành phẩm với nhiều bước.
Để khai thác tốt hơn các FTA mà Việt Nam đã ký trong đó có FTA, Tập đoàn sẽ xây dựng vùng trồng và xuất khẩu theo yêu cầu của khách hàng, sản xuất và xuất khẩu gạo theo đơn đặt hàng của khách, và truy xuất được nguồn gốc vùng trồng.
"Trong hệ sinh thái của Lộc Trời, đơn hàng của các nhà nhập khẩu trong đó có EU là cơ sở cho việc vận hành sản xuất, chế biến", đại diện Tập đoàn nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận