‘Việt Nam là điểm sáng hút vốn tháng 4 của khu vực Châu Á nhờ dòng vốn ETF’
Đó là nhận định mà SSI đưa ra trong Báo cáo cập nhật diễn biến dòng vốn đầu tư toàn cầu tháng 4/2021. SSI cũng dự báo dòng vốn nước ngoài vào cổ phiếu Việt Nam trong tháng 5 có thể không mạnh như tháng 4 nhưng sẽ vẫn duy trì tích cực.
Áp lực tăng lãi suất đang là rủi ro lớn nhất tác động đến dòng vốn đầu tư toàn cầu
SSI cho rằng cổ phiếu tiếp tục hút ròng trong tháng 4 nhưng sức nóng đã giảm khá nhiều so với quý 1/2021.
Các quỹ ETF cổ phiếu lên ngôi ở các thị trường phát triển, chiếm tới 92% tiền mới đổ vào các thị trường phát triển (từ mức gần 80% của 3 tháng trước đó). Các quỹ đầu tư đa quốc gia cũng đã trở thành tâm điểm hút vốn thay cho thị trường Mỹ.
Ngoài ra, cổ phiếu các thị trường mới nổi Châu Á bị rút ròng tháng đầu tiên sau 7 tháng liên tiếp có tiền vào trước đó. Dịch bệnh bùng phát trở lại ở khu vực Châu Á đã khiến xu hướng suy yếu của dòng tiền vào khu vực này tiếp diễn trong tháng 4 với 750 triệu USD rút ròng.
Áp lực tăng lãi suất đang là rủi ro lớn nhất tác động đến dòng vốn đầu tư toàn cầu. Theo khảo sát tháng 4 của Bank of America Merrill Lynch, có tới 93% các nhà quản lý quỹ cho rằng lạm phát toàn cầu sẽ tăng lên trong năm 2022 - mức cao nhất kể từ 2004 đến nay. Lạm phát có thể sẽ buộc các NHTW kết thúc sớm chương trình nới lỏng của mình.
Việt Nam là điểm sáng hút vốn tháng 4 của khu vực Châu Á nhờ dòng vốn ETF
Theo SSI, dòng vốn ETF ghi nhận giá trị kỷ lục trong tháng 4 với lượng vốn vào ròng lên tới 370 triệu USD, tương đương khoảng 8,700 tỷ đồng ghi nhận trên 10 quỹ ETF chính đầu tư vào thị trường Việt Nam. Trong đó, chủ yếu là nhờ quỹ Fubon FTSE Vietnam mới được thành lập trong tháng, đóng góp 7,800 tỷ đồng, bên cạnh nhiều quỹ ETF khác duy trì dòng tiền tích cực như VFM VNDiamond (tăng 612 tỷ đồng), VanEck Vectors Vietnam (tăng 196 tỷ đồng), SSIAM FINLead (180 tỷ đồng), FTSE Vietnam (tăng 75 tỷ đồng).
Ngược lại, quỹ VFM VN30 ETF tiếp tục bị rút ròng 111 tỷ đồng, tuy nhiên giá trị rút không đáng kể và đã giảm mạnh so với 2 tháng trước đó nên đây cũng là tín hiệu tích cực hơn. Tính từ đầu năm, các quỹ ETF đã hút ròng tổng cộng 13,200 tỷ đồng vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Các quỹ chủ động vẫn rút ròng vốn tháng thứ 8 liên tiếp nhưng mức rút ròng tháng 4 là 41 triệu USD, đã giảm 54% so với tháng trước và rất nhỏ bé so với lượng vốn ETF vào nên thị trường Việt Nam vẫn ghi nhận một tháng có vốn vào kỷ lục (cao hơn cả vốn vào thị trường Trung Quốc).
Trên sàn chứng khoán, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 273 tỷ đồng sau 6 tháng liên tiếp bán ròng trước đó. Dù kết quả này được đóng góp bởi giao dịch thỏa thuận VHM ngày 9/4 nhưng khối ngoại cũng đã chuyển sang mua ròng trong các ngày giao dịch cuối tháng 4 cũng cho thấy tín hiệu khá tích cực.
Với tổng tài sản 8,200 tỷ đồng và trở thành quỹ ETF lớn thứ 5 tại Việt Nam, quỹ Fubon đã đạt giá trị tài sản mục tiêu trước khi IPO. Dòng tiền vào quỹ có thể chậm lại sau giai đoạn IPO, tuy nhiên SSI vẫn kỳ vọng xu hướng dòng tiền tốt sẽ được duy trì không chỉ ở quỹ Fubon và cả các ETF khác. Do đó, dòng vốn nước ngoài vào cổ phiếu Việt Nam trong tháng 5 có thể không mạnh như tháng 4 nhưng sẽ vẫn duy trì tích cực.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận