24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lê Thanh Huyền
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

"Việt Nam có thể chủ động trong cung cầu phân bón nhưng không chủ quan"

Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động và điều chỉnh cung cầu phân bón trong phạm vi nội địa.

Sáng 29/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã tổ chức họp báo thường kỳ tháng 9/2023 thông tin về một số vấn đề của toàn ngành.

Chủ động nhưng không chủ quan

Đầu tháng 9 vừa qua, Trung Quốc yêu cầu một số công ty sản xuất phân bón dừng xuất khẩu mặt hàng này sau khi giá trong nước tăng vọt. Điều này khiến giá phân trên thế giới và tại thị trường Việt Nam biến động.

Xoay quanh vấn đề này, trả lời phóng viên, bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, từ năm 2021 do biến động của tình hình thế giới, giá phân bón cũng rất nhiều lần lên xuống. Ở Việt Nam, tổng công suất phân bón theo lý thuyết trên 20,7 triệu tấn và lượng nhập khẩu 3-4 triệu tấn/năm. Nhu cầu sử dụng phân bón hiện nay vào khoảng 10,4 triệu tấn/năm.

"Việt Nam có thể chủ động trong cung cầu phân bón nhưng không chủ quan"
Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Ảnh: Vân Anh).

Theo bà Hương, điều này có nghĩa, Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động và điều chỉnh cung cầu phân bón trong phạm vi nội địa.

“Về tình hình giá, theo tổng hợp của Cục Bảo vệ Thực vật, trong năm nay, giá urê giảm 50-60% từ mức cao nhất vào tháng 4/2022, một số loại phân bón khác cũng đang trong đà giảm, không tăng dù có chịu ảnh hưởng từ các nước”, bà Hương cho biết.

Bà Hương cho rằng, Việt Nam có thể chủ động trong cung cầu phân bón nhưng không thể chủ quan do các yếu tố biến động, phát sinh từ bên ngoài. Để tránh việc đầu cơ, lợi dụng thông tin để tăng giá phân bón, Cục Bảo vệ Thực vật đang triển khai loạt các giải pháp.

Theo đó, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với các đơn vị liên quan cũng như 4 Nhà máy sản xuất urê lớn cho việc điều tiết, nâng cao sản xuất của nguồn cung phân bón trong nước, trong các tình huống cụ thể sẽ ưu tiên thị trường nội địa hơn xuất khẩu.

Đồng thời, Cục cũng triển khai hàng loạt các buổi tập huấn liên quan đến sử dụng phân bón hiệu quả, tiết kiệm, ưu tiên đẩy mạnh phát triển, sử dụng phân bón hữu cơ. Tăng sản xuất phân bón hữu cơ quy mô nông hộ, giảm áp lực liên quan đến phân bón thương mại khác.

Ngoài ra cũng phối hợp Tổng Cục Quản lý thị trường cũng như các cơ quan để tăng cường thanh tra, kiểm tra đảm bảo chất lượng phân bón. Đồng thời, trách việc đầu cơ, tích lũy phân bón nội bộ gây ảnh hưởng đến sản xuất và giá thành nông sản của bà con nông dân.

Để không bị mất thị trường xuất khẩu

Liên quan đến vấn đề mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, bà Hương chia sẻ: “Không chỉ Trung Quốc thông báo không tuân thủ các quy định mà tất cả các quốc gia đều thông báo. Sau khi nhận được văn bản từ nước nhập khẩu, Cục Bảo vệ thực vật sẽ thông báo đến các địa phương để truy xuất nguyên nhân tìm kiếm các biện pháp khắc phục. Trên cơ sở đó báo lại với các nước nhập khẩu dỡ bỏ hoặc cho sử dụng lại mã số”.

Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật khẳng định, trường hợp 74 mã số vùng trồng và 40 cơ sở đóng gói được thông báo thu hồi thời gian qua, không phải phía Trung Quốc tạm dừng mà phía Việt Nam chủ động tạm dừng để rà soát lại hệ thống, yêu cầu biện pháp khắc phục, nhằm có sự cải thiện hệ thống tốt hơn.

"Việt Nam có thể chủ động trong cung cầu phân bón nhưng không chủ quan"
Việt Nam chủ động tạm dừng một số mã số vùng trồng để rà soát lại hệ thống, yêu cầu biện pháp khắc phục.

“Trên thực tế có 2 cách ứng xử với mã vi phạm, hoặc là nước nhập khẩu chủ động thu hồi, hoặc là nước nhập khẩu sẽ tạm dừng và thu hồi. Khi Việt Nam chủ động tự tạm dừng thì việc khắc phục sẽ có tính chủ động hơn”, bà Hương nói.

Còn nếu khi phía nước nhập khẩu thông báo thu hồi hoặc tạm dừng thì việc khắc phục sẽ phải chờ lịch của họ và quá trình lên lịch đó rất dài, đòi hỏi nhiều bên vào cuộc. Do đó, Cục Bảo vệ thực vật đã chọn phương án chủ động dừng, thu hồi.

Từ trước đến nay, thực hiện cấp hay quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, tạm dừng hay thu hồi thì chủ yếu thực hiện theo yêu cầu của nước nhập khẩu và thỏa thuận song phương. Thời gian tới, Cục Bảo vệ thực vật phối hợp cùng Cục Trồng trọt trình Chính phủ xây dựng Nghị định về quản lý mã số vùng trồng cơ sở đóng gói cũng như các quy định về xử phạt, bổ sung các hình thức xử phạt mang tính răn đe cũng như cảnh báo.

Về những phản ánh của các doanh nghiệp điều về kiểm dịch điều xuất khẩu, bà Hương cho biết mặt hàng điều là vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật. Việc kiểm dịch thực vật có mục đích nhằm phát hiện sinh vật gây hại, đặc biệt là các đối tượng thuộc diện kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu.

Trong khi đó, kiểm tra chất lượng là phạm trù hoàn toàn khác, liên quan đến đánh giá sự phù hợp, xem xét chất lượng hạt điều xuất khẩu có đáp ứng được điều kiện của bên mua hàng hay không. Hai vấn đề này là hoàn toàn khác nhau, một bên là bắt buộc còn bên kia là tự nguyện.

Bà Hương nhấn mạnh, quan trọng nhất là việc đảm bảo kiểm dịch thực vật được diễn ra theo đúng quy định, không nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu. Bởi đây là phần quan trọng nhất để đảm bảo lô hàng xuất khẩu điều không bị cảnh báo, không bị mất thị trường với hạt điều - vốn là sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam.

Ngoài ra, Cục Bảo vệ thực vật cũng cho biết đang cố gắng tìm gia giải pháp phù hợp để đảm bảo cả hai tiêu chí về kiểm dịch bắt buộc của lô hàng xuất khẩu và tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả